Văn hoá cà phê của người Việt – caphe8.com

Gần 100 năm đặt nền cai trị Đông Dương, Pháp đã mang không ít những nét văn hoá du nhập vào Việt Nam. Trong đó phải kể đến là cà phê. Và rồi cà phê trở thành nét văn hoá mang chất riêng của người Việt. Qua nhiều năm tháng, cà phê cũng có những sự biến chuyển.

Lịch sử văn hoá cà phê Việt Nam

Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, Việt Nam được làm quen với cà phê. Thứ thức uống đen sánh, nhấp môi là một vị đắng khiến người ta tỉnh táo. Nhưng lúc bấy giờ, cà phê lại là một món xa xỉ. Chỉ có những quý tộc, nhà giàu mới có tiền để thưởng thức được.

Lúc bấy giờ, cà phê chỉ có quý tộc, nhà giàu mới có thể thưởng thức

Tây Nguyên là vùng đất đầu tiên được Pháp khai phá trồng cà phê. Mảnh đất này cũng trở thành “thủ phủ” cà phê lớn nhất cả nước với những loại cà phê có chất lượng hàng đầu. Suốt bao năm, Việt Nam tự hào khi luôn đứng top đầu thế giới về sản lớn. Đồng thời cũng gây dựng thành công nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng.

 Người Việt cho đến nay ưa thích 2 loại cà phê: robusta và arabica. Lý do là vì hương vị của hai loại cà phê này thiệt khiến người tay say mê. Nó ăn sâu vào văn hoá, vào lối sống của người Việt cho đến bây giờ.

Vào thời ngày xưa…

Cà phê cóc đã không còn xa lạ với mọi người. Vài bộ bàn ghế nhỏ xếp ở góc đường hay nép mình khiêm tốn trên vỉa hè vừa đủ ngồi. Dạo quanh các con phố, không khó để bắt gặp những quán cà phê không tên như vậy. Cà phê cóc là nơi để người ta dừng chân, ngồi xuống, nhâm nhi ly cà phê. Nó còn là nơi để người với người sống chậm lại, nhìn dòng xe tất bật qua lại rồi ngẫm về đời vậy là đủ!

Cà phê cóc – biểu tượng nét văn hoá cà phê một thời

Ở thủ đô, người ta ưa thích những ly cà phê pha phin đậm đặc. Cà phê với họ, ngon thì phải là pha phin được vặn chặt. Có người còn tỉ mỉ múc từng thìa nước sôi cho vào để ly cà phê được ngấm đều. Cho đến hiện tại, cà phê phin vẫn được người đời ca ngợi, vẫn là thứ thức uống đỉnh của đỉnh và không hề mất đi vị thế. Cà phê được người Hà Nội gọi bằng cái tên gần gũi: nâu và đen. Nếu muốn uống cà phê sữa đá thì gọi là “nâu đá”. Còn nhấm nháp cà phê đen thì gọi là “đen” hoặc “đen đá”.

Người thủ đô thích sống “chậm”, giống như ly đen đá pha phin này vậy!

”Cho một ly đen đá nào!”

Còn ở Sài Gòn, cách pha cà phê có phần khác. Người ta để cà phê vào túi vải mỏng như một chiếc vợt nhỏ rồi cho vào ấm bằng đất nung. Sau đó chế nước sôi vào như pha trà. Khoảng mươi phút, cà phê trong ấm đất được cho sang một chiếc ấm nhôm và đun trên bếp than. Cách pha cà phê này được gọi bằng một cái tên dân giã: cà phê vợt.

Cà phê vợt- nét đẹp của người Sài Gòn

Ngày nay, cà phê vợt đã không còn phổ biến. Nếu muốn tìm cách pha độc đáo này, thì phải ghé một số quán cà phê phong cách “hoài cổ” ở Sài Gòn. Tuy nhiên, không gian thưởng thức cà phê vợt đã thay đổi. Mất dần sự bình dị như xưa nên hương vị cà phê cũng không trọn vẹn.

Còn ngày nay…

Càng về sau, gout thưởng thức của mọi người dần thay đổi, hình thức kinh doanh cà phê cũng thay đổi theo. Mọi người dần chuộng các quán cà phê có internet, nhạc, đầu tư không gian… Cà phê vỉa hè vẫn tồn tại nhưng không còn thịnh hành như xưa, nhường chỗ lại cho các quán hiện đại.

Ngày nay, các quán cà phê hiện đại có không gian rộng rãi, đẹp là nơi thu hút khách hàng

Người phương Tây uống cà phê trong những lúc tỉnh táo và cần tập trung giải quyết công việc. Còn người Việt có thể uống cà phê vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày: Sáng, trưa, chiều tối! Ông bà ta trước đây thường có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Bây giờ thì khác rồi, cà phê là đầu câu chuyện mới đúng!

Những năm gần đây, văn hoá cà phê của người Việt là văn hoá thưởng thức về cả vị giác lẫn thị giác. Người ta có thể ngồi hàng giờ không chỉ để thưởng thức cà phê. Mà còn là để tận hưởng sự thoải mái khi ở quán. Cà phê cũng vì vậy mà biến tấu thêm nhiều công thức. Có những công thức du nhập ở nước ngoài như: espresso, cappuccino, latte,… Nếu như trước đây, ai cũng có thể dễ dàng pha một ly cà phê cho riêng mình. Thì bây giờ cà phê đã lên level mới, pha cà phê là cả một nghệ thuật.

Bây giờ cà phê đã có nhiều sự lựa chọn, biến tấu đẹp mắt như tách Latte này

“Cà phê bây giờ có nhiều sự lựa chọn, nhưng không mất đi giá trị vốn có của nó”

Những ly cà phê với lớp bọt sữa đánh đều vẽ lên những hình bắt mắt khiến người ta không nỡ uống. Muốn làm được điều này, barista phải là người thành thạo kỹ thuật sử dụng máy pha cà phê, các kỹ thuật tạo hình và chút hồn nghệ thuật vào đấy. Khi đòi hỏi về thức uống càng lên cao thì những người barista cũng cần có tay nghề cao!

Kết

Từ lúc nào, cà phê khiến con người ta say mê đến vậy? Phải chăng, thứ thức uống đen nâu ấy làm con người ta tỉnh táo hơn, chiêm nghiệm được nhiều điều hơn chăng? Hay chăng, chỉ đơn giản là khoảnh khắc thấy được những giọt cà phê rơi xuống để thưởng thức cũng đủ thú vị rồi?

Xem thêm: Văn hoá cà phê – “Hồn” Việt trong thưởng thức