“Văn hóa chửi” của người miền Bắc có từ bao giờ?

(GDVN) – “Với lối chửi bóng gió, đầy tính ám chỉ về nội dung và có cấu trúc chặt chẽ, vần điệu về hình thức, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán”.

LTS: Sau hàng loạt các bài viết được đăng tải về hiện tượng lệch chuẩn trong hành vi của giới trẻ như nói tục, chửi thề, đánh nhau:  Khi nữ sinh nói chuyện bằng chân tay; 

Sau hàng loạt các bài viết được đăng tải về hiện tượng lệch chuẩn trong hành vi của giới trẻ như nói tục, chửi thề, đánh nhau: Clip hai nữ sinh hỗn chiến kinh hoàng Choáng váng trước nam sinh Thủ đô chửi tục tại cổng trường , Báo Giáo dục Việt Nam đã tạo nên một diễn đàn mở, nơi độc giả có thể bình luận, viết bài để đưa ra ý kiến nhằm mục đích tạo hướng đi đúng đắn cho giới trẻ. Để rộng đường cho dư luận, chúng tôi xin đăng tải bài viết của độc giả Phan Hoàng Hòa, bàn về “văn hóa chửi” đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam và có ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ.

Bất cứ xã hội nào cũng có mâu thuẫn, khi đó tiếng chửi là điều không thể thiếu. Đừng tưởng rằng xã hội hiện đại người ta mới biết chửi, các bậc cao nhân, tiền bối đã từng chửi trong văn chương. Cao Bá Quát đã từng viết: “Ba hồi trống giục, mồ cha kiếp/ Một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời!”. Hồ Xuân Hương đã từng chửi đời, chửi người với sự phẫn uất cao độ mà xót xa: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”.

Rồi đến những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ngày xưa như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tú Mỡ… chửi những người tham ô tham nhũng qua chính ngòi bút của mình. Đó là những tiếng chửi có tri thức, có tác động xã hội. Từ cách chửi của những bậc tiền bối, hãy suy nghĩ về cách chửi của giới trẻ thời hiện đại.

"Văn hóa chửi" của người miền Bắc có từ bao giờ? ảnh 1

Nữ sinh chửi tục, đánh bạn tại công viên Tuổi trẻ (Ảnh từ clip)

Nhiều người cho rằng, người Việt Nam có vốn nhiều chữ nghĩa, ngữ pháp lắt léo, vì thế mới có câu:“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Vì vậy, trong những tình huống uất ức hay giận dữ mà không kiềm chế được, người ta thường bày tỏ bằng cách chửi. Trước kia, người miền Bắc còn có hẳn những bài chửi theo vần vè, lý lẽ, đệm thêm những từ ngữ, âm điệu: “Ới làng trên, xóm dưới” hoặc “trời cao, đất dày ơi” như kêu gọi mọi người đến nghe hay “bà con cô bác coi đó…” có tính cách phân chứng, sau đó mới bắt đầu chửi. Bài chửi có âm vần, nhạc điệu được lưu truyền, biến tấu từ đời này qua đời khác. Ví dụ một đoạn chửi kinh điển như sau: “Hôm nay bà chửi một bài/ Ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền/ Bà chửi cho mày hóa điên/ Bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng/ Bây giờ bà mệt quá chừng/ Bà về cơm nước, nhớ đừng quên a…/ Muốn sống thì thả gà ra/ Lạy bà hai lạy, bà tha cho mày….ày ày ày…”

Người miền Nam không có kiểu văn vẻ và dai dẳng trong khi chửi. Mỗi khi tức giận họ sẽ chửi một cách hùng hổ nhưng cụt lủn. Tôi dám chắc rằng, nếu như một người miền Bắc mà chửi nhau với một người miền Nam thì chắc rằng người miền Nam sẽ thua đau đớn.

Có ý kiến cho rằng, người Việt Nam có hẳn một “văn hóa chửi” được hình thành từ lâu đời. Văn hóa đó hình thành từ cộng đồng, từ những người dân thôn quê lớn lên từ cộng đồng làng xã. Đó là một thói xấu, và nó không chừa một ai, nó không tránh người thành thị, người tri thức, cho nên phải chấp nhận mình xấu thì mới sửa đổi được.

Xã hội ngày càng hiện đại, khi con người sống thu mình lại, không có sự giao tiếp với thế giới bên ngoài thì càng dễ trở nên cục cằn, tiếng chửi càng được biểu hiện rõ rệt. Thời đại sống nhanh, sống gấp mọi thứ cũng theo đó mà đơn giản đi. Nếu cứ chửi bài bản hàng tiếng đồng hồ như người xưa thì người đó có lẽ bị quy vào tội… làm mất trật tự công cộng. Tiếng chửi cũng vì thế mà khác. Họ không còn chửi có bài bản nữa mà chửi đổng, chửi thề theo cách… “mì ăn liền”. Cách chửi này thường rất thô tục, là sự bột phát khi gặp chuyện bất bình nên thường không thuyết phục, thường là cách “đổ dầu vào lửa” khiến cho mâu thuẫn không những không giảm mà còn tăng thêm. 

Một điều đáng nói là những câu chửi vốn thường được dùng giữa những người thuộc tầng lớp bình dân thì trong xã hội thì nay lại được dùng ngày càng nhiều hơn ở những tầng lớp có học vấn, có nền tảng văn hóa. Như vậy, đối tượng được chửi đến cũng càng ngày càng “nâng cấp” dần. Nhưng cách chửi lại không trí thức thêm mà ngày càng tăng tiến theo chiều hướng… man rợ. 

Đối với người miền Bắc, Hà Nội hiện tại không còn là tinh hoa dân tộc nữa mà là “lộn nhộn dân tứ xứ đổ về”, chấp nhận bon chen, chấp nhận sống trong những phòng trọ chật hẹp, trên những nẻo đường đầy xe và khói bụi, chấp nhận sinh sống với nhiều thói hư tật xấu của chung các miền. Vì vậy, dễ dàng gặp trên địa bàn Thủ đô những con người thô lỗ, cục cằn, nhỏ nhen, chộp giật.

Đó không phải là người Hà Nội gốc nhưng vẫn đang ảnh hưởng từng ngày đến thế hệ trẻ lớn lên trên đất Thủ đô. Đã có rất nhiều clip được tung lên mạng, trong đó không ít các bạn trẻ là người Hà Nội nói tục, chửi thề, đánh nhau khiến người lớn phải bàng hoàng. Vì sao lại có điều này? Phải chăng các em đang từng ngày tiếp thu, phát huy và biến tấu cái gọi là văn hóa chửi có từ nhiều thế hệ trước?

Sống giữa một xã hội không được đảm bảo về an toàn, học sinh dễ dàng bị biến chất hoặc bị xâm hại. Các em đi ra đường thì sợ giao thông, lên xe bus sợ cướp giận, đi buổi tối thì sợ hãm hiếp. Ngay cả trong môi trường giáo dục là nhà trường cũng không đảm bảo. Thầy cô giáo không phải ai cũng là tấm gương sáng. Thầy đánh trò, cô sỉ nhục trò đã không còn là chuyện… xưa nay hiếm. Chỉ cần bước chân ra khỏi trường học là các em đã bị bao cám dỗ, nguy hiểm bủa vây. 

Độc giả Phan Hoàng Hòa