Văn hoá dân tộc Việt Nam và những đặc trưng tiêu biểu – Heritage Vietnam Airlines

Tạp chí Heritage tổng hợp

Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước nên cũng qua đó hình thành một nền văn hoá dân tộc Việt Nam rất riêng biệt. Nền văn hoá ấy là kết quả của cả một quá trình, là tinh hoa của lịch sử và thời đại. Sau đây hãy cùng tìm hiểu một số nét đặc trưng tiêu biểu trong nền văn hoá ấy nhé!

Nền văn hoá dân tộc Việt Nam được kết tinh từ nhiều yếu tố
(Ảnh: VFS)

1. Nền văn hoá được hình thành từ nền kinh tế nông nghiệp

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nền nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong việc phát triển kinh tế cho đất nước mà còn ảnh hưởng đến nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Từ xưa tới nay, từ thời phong kiến các vị vua đã luôn chăm lo cho nền nông nghiệp, tình hình đê điều, cày cấy, nước tưới của nhân dân. Thời phong kiến có câu sắp xếp về giá trị nghề là “sĩ-nông-công-thương”, nông chỉ xếp sau sĩ là quan lại cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp đối với đất nước.

Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, đất đai màu mỡ, có các con sông mang nhiều phù sa bồi đắp nên những vùng đồng bằng châu thổ vô cùng thích hợp cho việc phát triển của cây lúa nước. Vậy nên nghề trồng trọt đặc biệt là lúa nước vẫn luôn là nghề chính của đại bộ phận người dân Việt và những hạt gạo thơm ngon của Việt Nam đã xuất khẩu và nổi tiếng trên toàn thế giới. Chính vì vậy mà ta thường nghe nói Việt Nam có nền văn minh lúa nước lâu đời.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp
(Ảnh: pixabay)

2. Giá trị gia đình được coi trọng và đề cao

Gia đình là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng ta nên yêu thương người thân trong gia đình luôn là điều đúng đắn, lẽ phải dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Đối với Việt Nam, văn hoá ấy được thể hiện qua nhiều khía cạnh: từ cách ứng xử cho tới tín ngưỡng. Người Việt Nam luôn coi trọng lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, lễ phép, hiếu thảo luôn là đức tính một con người cần có. Người Việt còn thể hiện tình cảm với tổ tiên qua phong tục, nghi thức thờ cúng tổ tiên, coi trọng mồ mả, ngày giỗ.

Việt Nam có truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” cũng mang ý nghĩa thể hiện văn hoá dân tộc Việt Nam là sự gắn bó của người Việt như anh em trong một nhà, đều có cùng nguồn gốc, tổ tiên nên cần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

3. Văn hoá làng, xã

Hình thức làng, xã ở Việt Nam đã có từ lâu đời nay. Làng là nơi con người được sinh ra và sinh sống, còn có thể gọi với cái tên thân thương là quê hương. Mỗi làng đều là tập hợp những người dân cùng sống chung với nhau trong một khu vực, gắn bó với nhau về nhiều khía cạnh trong cuộc sống từ trồng trọt, chăn nuôi, công việc cho tới sinh hoạt cộng đồng. Mỗi làng, xã đều có những quy tắc, quy định riêng thể hiện rõ tính tự trị, sự liên kết.

Làng, xã ở Việt Nam rất gắn bó với nhau
(Ảnh: thoidai.com.vn)

Những người dân trong cùng một làng, xã sẽ có sự gần gũi và gắn bó hơn với nhau, các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng cũng được người Việt rất coi trọng như anh em trong gia đình. Đây là một nét đặc biệt trong nền văn hoá dân tộc Việt Nam.

4. Mang trong mình lòng yêu nước và ý thức với quốc gia

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến đấu để dựng nước và giữ nước. Từ thời phong kiến, trải qua các triều đại vua chúa cho tới những năm kháng chiến cứu nước, người dân Việt Nam vẫn luôn mang trong mình ý chí kiên cường, bất khuất bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Lòng yêu nước đã in sâu vào trong máu của người dân Việt Nam qua bao thế hệ , qua hàng ngàn năm.

Rất nhiều các công trình, khu tưởng niệm, tượng đá được dựng lên nhằm tưởng nhớ các vị anh hùng có công với đất nước, điều đó thể hiện người dân Việt Nam luôn biết ơn và ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông đã quên thân mình vì sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Qua đó cho thấy người ý thức của mỗi con người luôn có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã từng nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là nguyện vọng của Bác và cũng là điều mà mỗi con người Việt Nam luôn luôn ghi nhớ trong tim.

5. Đa dân tộc

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm số lượng nhiều nhất. Nhưng chỉ cần là công dân Việt Nam, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thì đều có cùng nguồn gốc, đều sử dụng dung một quốc kỳ, quốc hiệu, quốc ca, đều tuân thủ theo các quy định của nhà nước, có quyền và nghĩa vụ đối với đất nước.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc
(Ảnh: báo Nhân Dân)

Nhờ có nhiều dân tộc cùng chung sống nên điều đó đã xây dựng và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam rất đa dạng, phong phú từ phong tục, tập quán, nơi ở cho tới trang phục, thói quen sinh hoạt, ngôn ngữ… Đó là một sự đặc biệt, thu hút của đất nước Việt Nam.

Văn hoá dân tộc Việt Nam là sự kết tinh từ lịch sử, tinh hoa của thời đại, sự tác động của tất cả các yếu tố thiên nhiên. Tìm hiểu và trân trọng các yếu tố văn hóa dân tộc để kế thừa giá trị tinh hoa trong quá khứ, tiếp nối hành trình hào hùng ở hiện tại và ghi dấu ấn ở tương lai.

Bài viết liên quan:

Xổ số miền Bắc