Văn hóa dân tộc trong truyền thống và hiện đại

ND – Văn hóa của mỗi dân tộc luôn là một dòng chảy không ngừng và ở đó, quan hệ giữa truyền thống với hiện đại có vai trò rất quan trọng. Việc giải quyết hài hòa quan hệ này sẽ vừa giúp xác định tính chất, diện mạo văn hóa của mỗi dân tộc, vừa góp phần tạo ra động lực cho phát triển.

Tuy nhiên, giải quyết quan hệ giữa truyền thống và hiện đại như thế nào lại là bài toán mà mỗi thời kỳ cần phải tìm ra lời giải. Bởi, trong tiến trình phát triển, tính liên tục lịch sử của văn hóa luôn đặt ra những vấn đề mới mà mỗi dân tộc phải giải quyết để phát triển nền văn hóa của mình. Ðó cũng là cách tiếp cận của PGS, TS Nguyễn Văn Dân trong bài viết dưới đây, khi lý giải một số vấn đề của thực trạng văn hóa…     

Quan hệ giữa truyền thống và hiện đại

Trong tiến trình đổi mới, con người và văn hóa Việt Nam luôn có sự liên hệ với cội nguồn truyền thống. Truyền thống là những kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn của một dân tộc đã được đúc kết thành các giá trị và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống bao gồm tất cả các lĩnh vực của xã hội, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực văn hóa. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của một dân tộc, truyền thống có ý nghĩa vô cùng to lớn. Vừa là nguồn sống vừa là nguồn sáng tạo của dân tộc. Vì thế, truyền thống không phải là những vật trưng bày chết cứng trong viện bảo tàng, mà nó luôn tồn tại trong mối quan hệ với hiện tại và tương lai. Báo cáo phát triển con người 2004 của UNDP cũng cho rằng, phải nhìn nhận truyền thống từ hiện tại và tương lai thì chúng ta mới thực hiện thành công công cuộc phát triển. Ðồng thời, UNDP cũng khuyến cáo: “Việc bảo vệ truyền thống bằng mọi giá sẽ kéo lùi sự phát triển con người”.(1) Có nghĩa là, xét từ góc độ hiện tại theo tinh thần lịch sử, không phải mọi truyền thống đều có giá trị như nhau, không phải mọi truyền thống đều có tác động tích cực phục vụ công cuộc phát triển. Vì thế, việc xác định giá trị truyền thống tích cực là một vấn đề rất quan trọng.

Hội nghị T.Ư 5 khóa VIII của Ðảng đã đúc kết ý kiến về các giá trị truyền thống cơ bản của người Việt Nam để đưa ra một định nghĩa về bản sắc dân tộc như sau: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ðó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”.(2) Còn về các giá trị đặc thù riêng biệt, chúng tôi quan niệm là những giá trị có nhiệm vụ cụ thể hóa ý nghĩa của các giá trị cơ bản. Những giá trị riêng biệt đó lại được cụ thể hóa bằng các hình tượng văn hóa – nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rằng giá trị văn hóa truyền thống chỉ có ý nghĩa lịch sử tương đối. Vai trò và tác động của các giá trị văn hóa truyền thống có thể khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Vì thế, việc nghiên cứu sự tác động của các giá trị văn hóa truyền thống đến cuộc sống hiện tại là một nhiệm vụ quan trọng để giúp chúng ta phân biệt được những tác động tích cực với những tác động tiêu cực, từ đó phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt tiêu cực của các giá trị truyền thống. Ðó chính là vấn đề cơ bản của mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại.

Những tác động tích cực của giá trị văn hóa truyền thống

Trước hết, cần khẳng định rằng những giá trị truyền thống cơ bản đã nêu vẫn có ý nghĩa tác động tích cực đến việc xây dựng con người mới và nền văn hóa đương đại của chúng ta. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở tinh thần giữ nước, mà nó còn hun đúc cho mọi người Việt Nam tinh thần quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp. Lòng tự cường dân tộc đã tiếp cho người dân một sức mạnh để đưa đất nước nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới. Tính cần cù sáng tạo đã giúp con người và văn hóa Việt Nam đạt được những tiến bộ rất quan trọng. Cần cù sáng tạo được thể hiện trong học tập, nghiên cứu và trong lao động, sản xuất. Lòng khoan dung cũng là một giá trị truyền thống quan trọng của dân tộc ta. Xưa ông cha ta có câu: “Ðánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Nay Ðảng ta có câu: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước”. Cũng với tinh thần khoan dung, chúng ta đang xây dựng một nền văn hóa có khả năng dung hợp các thành tựu tiến bộ của các nền văn hóa trên thế giới. Ðức tính giản dị cũng là một giá trị văn hóa truyền thống quan trọng của dân tộc, đã được Ðảng và Bác Hồ nâng lên thành phương châm sống của con người mới Việt Nam. Truyền thống thương người như thể thương thân cũng đang tạo cho văn hóa Việt Nam một nét đẹp riêng và có tác động không nhỏ đến sự phát triển con người và xã hội.

Tuy nhiên, nhiều người có thể nhận xét rằng, các giá trị văn hóa nói trên thì cả thế giới đều có, vậy các giá trị đó có phải là bản sắc của riêng dân tộc ta? Ðiều này cũng đã có nhiều lý giải khác nhau, PGS Hồ Sĩ Quý đưa ra quan điểm về giá trị quan, tức là về vị trí khác nhau của các giá trị trong bảng giá trị, để phân biệt sự khác nhau giữa hệ thống giá trị phương Ðông với hệ thống giá trị phương Tây.(3) GS Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng “Dĩ nhiên, bất cứ một dân tộc nào trên hành tinh này cũng đều có lòng yêu nước của họ. Lòng yêu nước đó tuy một phần là tình cảm rất tự nhiên, nhưng mặt khác quan trọng hơn, nó chính là sản phẩm của lịch sử, được hun đúc bởi chính lịch sử dân tộc”.(4)

Chúng tôi cũng cho rằng, không nên phức tạp hóa vấn đề này. Lòng yêu nước của một dân tộc hiển nhiên phải được hình thành từ chính lịch sử của bản thân một dân tộc chứ không phải là sự bắt chước dân tộc khác. Tình cảm yêu nước của một dân tộc xuất phát từ tình cảm đối với mảnh đất đã sinh ra dân tộc đó, chứ không phải là người ta yêu nước vì thấy dân tộc khác cũng yêu nước. Vì thế, tình cảm đó hiển nhiên vẫn là bản sắc của một dân tộc, cho dù nó có thể giống với tình cảm của các dân tộc khác. Như vậy, cần nhận thức bản sắc của một dân tộc không nhất thiết phải là những đặc điểm của riêng dân tộc đó, mà chỉ đơn giản nó là cái gốc của dân tộc đó đúng với nghĩa của từ “bản sắc”. Cái gốc ấy nếu có giống những cái gốc khác thì cũng là chuyện thường tình. Vấn đề là ở chỗ mỗi thế hệ hãy biết khai thác và phát huy cái gốc đó như thế nào để phát triển, chứ không phải là cứ nhất thiết phải chứng minh và tranh giành sự hơn thua về bản sắc giữa các dân tộc. Ðó mới chính là tinh thần cốt lõi của vấn đề phát huy truyền thống để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những tác động tiêu cực của các hủ tục đến lối sống và văn hóa của người Việt Nam hiện nay

Như đã nói, từ quan điểm lịch sử, không phải mọi truyền thống văn hóa đều có những giá trị tích cực như nhau, thậm chí có những truyền thống ở thời kỳ này có giá trị tích cực, nhưng ở giai đoạn khác lại có giá trị tiêu cực. Cũng có truyền thống khi được phát huy theo quan điểm khoa học và tiến bộ thì sẽ đem lại giá trị tích cực, còn khi được khai thác theo quan điểm phản khoa học và phản tiến bộ thì sẽ có tác động tiêu cực.

Ở nước ta hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa tập tục, nhiều yếu tố lạc hậu, phản  tiến bộ đã được hạn chế. Tuy nhiên, trong thời đại của tự do văn hóa thì nhiều hủ tục khác lại đang có cơ hội được phục hồi. Tục lệ cưới xin, ăn uống linh đình đang quay trở lại với mức độ rầm rộ hơn xưa. Hủ tục về ma chay cũng vẫn còn tồn tại khá nặng nề ở một số nơi.

Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, truyền thống “tôn sư trọng đạo” và hiếu học của người phương Ðông là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, truyền thống tôn sư trọng đạo nhiều khi được hiểu một cách tuyệt đối hóa, dẫn đến cách truyền thụ kiến thức theo kiểu thầy đọc, trò nghe, làm cho học sinh trở thành cái máy tiếp thu thụ động, hạn chế óc tìm tòi sáng tạo của học sinh. Ðiều này hiện nay đang bị nhiều người lên tiếng phê phán.

Trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng – tôn giáo (không bàn tới hiện tượng lợi dụng tự do tín ngưỡng – tôn giáo để đạt mục đích ở ngoài tín ngưỡng – tôn giáo) cũng đang bị lợi dụng, làm cho nạn mê tín dị đoan tăng lên. Lễ hội tràn lan. Lễ hội cũ được phục hồi, lễ hội mới được sáng tạo thêm. Ðã có thống kê trong tháng giêng, cả nước đã có tới một nghìn lễ hội, trong đó có 65 lễ hội cấp quốc gia, còn tính cả năm thì nước ta có khoảng 9 nghìn lễ hội thuộc đủ các loại và các cấp.(5) Lễ hội diễn ra ngày này sang ngày khác, có lễ hội diễn ra hàng tháng trời, có lễ hội kéo dài cả mùa xuân… Tất nhiên, vui chơi là một nhu cầu chính đáng, nhưng vui chơi triền miên là một sự lãng phí tiền của và thời gian. Rõ ràng, tập tục “Tháng giêng là tháng ăn chơi – Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè” đang tác động tiêu cực đến con người và văn hóa Việt Nam. Có thể nói, hiện tượng lễ bái và tình trạng lễ hội tràn lan đang là một trong những vấn đề nhức nhối của văn hóa Việt Nam. Tình trạng trên có cả nguyên nhân bên trong lẫn nguyên nhân bên ngoài.

* Nguyên nhân bên trong: 1. Tâm lý, tâm linh xa lánh cõi trần. Tất nhiên, tự thân nguyên nhân này không mang tính tiêu cực. Chỉ khi nào bị lợi dụng và được kết hợp với các nguyên nhân khác thì nó mới tạo ra tác động tiêu cực.

2. Trình độ dân trí chưa được cập nhật và nâng cao một cách có hệ thống. Chúng ta chưa kế thừa đúng đắn truyền thống văn hóa. Thí dụ như trong khi câu nói của ông cha “phú quý sính (sinh) lễ nghĩa” có ý răn dạy cảnh báo thói xa hoa phù phiếm, thì ít có những nhà văn hóa học và sử học lại hiểu theo một nghĩa khác và giải thích rằng, bây giờ đời sống vật chất được nâng cao thì chúng ta phải đề cao… lễ nghĩa(!). Hay là tâm lý đám đông. Phong trào đi lễ đi hội ngày nay không thể không có sự đóng góp của tâm lý này.

* Nguyên nhân bên ngoài: Chúng ta không thể không kể đến một nguyên nhân bên ngoài rất quan trọng là tác động của toàn cầu hóa văn hóa dưới sự hậu thuẫn của toàn cầu hóa kinh tế. Khía cạnh lợi ích kinh tế của một số lễ hội phương Tây do toàn cầu hóa văn hóa đem lại hiện đang được khai thác triệt để ở nhiều nơi trên thế giới. Trong những ngày lễ, các nhà kinh doanh thực hiện một chiến dịch quảng cáo rầm rộ để tiêu thụ các sản phẩm ăn theo. Còn các phương tiện truyền thông thì tuyên truyền a dua thiếu chủ kiến, một kiểu tuyên truyền theo đuôi công chúng.

Chúng tôi muốn kết luận là, trong số các nguyên nhân bên trong và bên ngoài, thì rút cục nguyên nhân về trình độ dân trí là quan trọng hơn cả. Sự kế thừa và tiếp nhận các giá trị văn hóa thường thiên về tính kinh tế – vật chất đã làm gia tăng phong trào a dua lễ bái cầu may, cầu lợi, mà không biết vô tình hay cố ý đã bỏ quên mất một truyền thống rất đẹp của người Việt Nam cũng đã được thể hiện trong câu ca dao từ bao đời nay: “Tháng giêng chân bước đi cày – Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng”.

Rõ ràng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khắc phục những hạn chế của một số tập quán lạc hậu là một công việc có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ con người và xây dựng nền văn hóa mới.

PGS, TS NGUYỄN VĂN DÂN

——————

(1). UNDP, Human Development Report 2004, http://hdr.undp.org/reports/global/2004, tr. 88-89.

(2). Ðảng CSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG, H., 1998, tr.56.

(3). Hồ Sĩ Quý, Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.158.

(4). Nguyễn Trọng Chuẩn, Vấn đề khai thác các giá trị truyền thống vì mục tiêu phát triển, www.chungta.com,18-11-2006.

(5). Ðài Tiếng nói Việt Nam, 2-3-2009.