Văn hóa địa phương vùng Bắc Bộ cổ kính lâu đời – Heritage Vietnam Airlines
Tạp chí Heritage tổng hợp
Châu thổ Bắc Bộ là một trong hai vùng văn hóa lịch sử truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam. Dù có từ xa xưa nhưng đến nay văn hóa địa phương vùng châu thổ Bắc Bộ vẫn giữ những nét đặc trưng từ thời cổ và thể hiện rõ rệt hơn trong bối cảnh hiện đại. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu những nét văn hóa lịch sử lâu đời nhất của châu thổ Bắc Bộ mang những nét riêng gì nhé!
Đầm Vân Long – một trong những địa điểm du lịch nổi bật tại Bắc Bộ
(Nguồn: Luxtour)
1. Văn hóa cư trú
Về văn hoá cư trú tại châu thổ Bắc Bộ có hình thái kiến trúc cộng đồng, không chia phòng biệt lập. Ngoài ra, với đặc điểm văn hóa địa phương từ xưa là muốn hòa mình với thiên nhiên nên rất chú trọng cảnh quan cây cỏ xung quanh. Cũng vì vậy mà nhà của cư dân Bắc Bộ thường là kiểu dáng không có chái, hình thức nhà vì kèo phát triển.
Cùng với sự hiện đại hóa của đất nước, hình thức xây nhà của cư dân Bắc Bộ cũng dần thay đổi tiếp thu kỹ thuật và sử dụng các vật liệu bền như xi măng, sắt thép. Dù vậy, người dân Bắc Bộ vãn thường muốn xây dựng ngôi nhà của mình theo kiểu bền chắc mà vẫn hòa hợp với cảnh quan, mang nét văn hóa địa phương đặc trưng.
Đặc điểm nhà ở cư dân Bắc Bộ thường không có chái
(Nguồn: Kiến trúc VietAS)
2. Văn hóa ẩm thực
Cư dân châu thổ Bắc Bộ có mô hình bữa ăn giống như những vùng khác như cơm, rau, cá hoặc thịt. Tuy nhiên, thành phần cá chủ yếu là các loại cá nước ngọt, hải sản tập trung ở các làng ven biển. Thực tế cho thấy cư dân đô thị ở Bắc Bộ ít dùng đồ biển hơn cư dân ở các đô thị phía Nam.
Vì đặc điểm khí hậu ở châu thổ Bắc Bộ là mùa đông lạnh nên người dân có xu hướng gia tăng thành phần thịt và mỡ trong bữa ăn để giữ nhiệt cho cơ thể. Ngoài ra, các món ăn của cư dân Bắc Bộ mang nét văn hóa địa phương riêng, không sử dụng các gia vị chua, cay, mặn, đắng như người dân miền Trung và miền Nam.
Mâm cơm ngày Tết được chuẩn bị trang trọng và lễ nghi, gồm những món thường ngày và dịp lễ
(Nguồn: Cuốn n Roll)
3. Văn hóa trang phục
Trang phục ăn mặc hằng ngày và đi làm của người dân Bắc Bộ cũng hướng đến sự thích ứng với thiên nhiên vùng châu thổ nên thường sẽ có màu nâu. Cụ thể, trang phục đi làm của nam giới là quần lá tọa, áo cánh màu nâu. Còn nữ giới sẽ mặc váy thâm và áo nâu khi đi làm.
Vào những dịp lễ hội, lễ tết thì trang phục sẽ thể hiện nét văn hóa từ xa xưa. Vào dịp này, nữ giới sẽ mặc “áo dài mớ ba mớ bảy”, nam giới với mặc áo dài the, khăn đen. Ngày nay, người dân Bắc Bộ đã diện những trang phục mang tính hiện đại và theo xu hướng tân thời hơn. Thế nhưng, tìm hiểu văn hóa địa phương, ta sẽ thấy, vẻ đẹp truyền thống này không thể xóa nhòa ở mỗi dịp lễ.
Trang phục của nữ giới Bắc Bộ vào những ngày lễ hội là áo dài “mớ ba mớ bảy”
(Nguồn: Blog du lịch)
4. Di sản văn hóa vật thể
Vì châu thổ Bắc Bộ là một trong hai vùng văn hóa lâu đời nhất Việt Nam nên nơi đây có bề dày lịch sử và mật độ các di tích văn hóa dày đặc. Điều này thể hiện qua số lượng các di tích, di sản văn hóa vật thể như đền, đình, chùa, miếu v.v… tồn tại ở khắp các địa phương, từ đô thị đến làng quê.
Hơn thế nữa, nhiều di tích không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nước ngoài biết đến như đền Hùng, khu vực Cổ Loa, Hoa Lư, Lam Sơn, phố Hiến, chùa Dâu, chùa Hương, chùa Tây Phương,v.v… Với sự phát triển ngày nay, những nét văn hóa tại châu thổ Bắc Bộ mang tiềm năng phát triển du lịch văn hóa địa phương mạnh mẽ.
Khu di tích văn hóa đền Hùng (Phú Thọ) – một trong những di tích lịch sử nổi tiếng trên thế giới.
(Nguồn: yeudulich)
5. Nghệ thuật truyền thống
Nghệ thuật văn học: Kho tàng văn học dân gian Bắc Bộ rất đa dạng, gồm nhiều thể loại như thần thoại, ca dao, tục ngữ, truyện cười, truyện trạng,…. Văn học ở Bắc Bộ sử dụng câu đố, câu đối, chơi chữ nhiều hơn ở vùng khác. Ca dao cũng trau chuốt hơn và đặc biệt, có những thể loại chỉ có ở Bắc Bộ.
Bên cạnh những ấn phẩm văn học mang nét riêng, các thể loại thuộc nghệ thuật biểu diễn dân gian ở Bắc Bộ cũng nhiều không kém cạnh và mang sắc thái mỗi vùng rõ rệt. Một số loại hình nghệ thuật nổi tiếng như hát quan họ, hát xoan, hát trống quân, hát chầu văn, hát chèo, múa rối v.v…
Ngoài ra, văn hóa tín ngưỡng của cư dân Bắc Bộ dựa vào đặc điểm văn hóa địa phương lưu giữ đa dạng các sinh hoạt liên quan đến cư dân nông nghiệp. Các tín ngưỡng này tiềm ẩn trong tâm thức con người và tồn tại trong lễ Hội thông qua các trò diễn gợi lại các nghi lễ nông nghiệp.
Cùng với văn hoá dân gian, châu thổ Bắc Bộ còn là “nơi sinh ra nền văn hóa bác học”. Bằng chứng là Văn Miếu, Quốc Tử Giám, chế độ thi cử để kén chọn người hiền tài v.v.. đã tạo ra đội ngũ trí thức đông đảo, trong đó có nhiều danh nhân văn hóa tầm cỡ trong nước, ngoài nước.
Hát quan họ là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận tại Bắc Bộ
(Nguồn: Adam Muzic)
Lời kết, châu thổ Bắc Bộ đã hình thành và tồn tại từ lâu đời nên mang trên mình nét cổ kính từ xa xưa. Chúng ta có thể cảm nhận được nét cổ kính nơi đây thông qua những nét đặc trưng của văn hóa địa phương. Trên con đường phát triển và hòa nhập, chúng ta cần giữ được những nét riêng của văn hóa dân tộc.
Để hiểu thêm về văn hóa và khám phá những địa điểm du lịch thú vị tại Việt Nam, các bạn có thể đón đọc tạp chí Heritage để có trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Bài viết liên quan: