Văn hóa doanh nghiệp: 6 yếu tố cấu thành & Cách xây dựng | ITD Vietnam
Mục lục bài viết
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Người sử dụng lao động cần có hiểu biết thấu đáo về văn hóa theo nghĩa chung – cũng như cụ thể nền văn hóa của tổ chức hiện tại. Ở cấp độ sâu nhất, khái niệm văn hóa doanh nghiệp (organizational culture/ corporate culture) là sự tổng hợp của một hệ thống giá trị, xuất phát từ các giả định cơ bản về:
- Bản chất con người. Con người vốn dĩ tốt hay xấu, biến hóa hay bất biến, chủ động hay bị động? Những giả định cơ bản này sẽ dẫn đến niềm tin về cách thức nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp nên tương tác với nhau – cũng như họ nên được quản lý như thế nào.
- Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp xác định hoạt động kinh doanh của mình và các bộ phận như thế nào?
- Cảm xúc phù hợp tại nơi làm việc. Những cảm xúc nào nên được khuyến khích bày tỏ, và những cảm xúc nào nên được kiểm soát?
- Đo lường hiệu suất. Những thước đo nào cho thấy liệu doanh nghiệp và các bộ phận có đang hoạt động hiệu quả hay không? Một tổ chức sẽ chỉ thành công khi có chiến lược kinh doanh cụ thể – cũng như một cấu trúc phù hợp.
Văn hóa tổ chức là một khái niệm trừu tượng và thường rất khó xác định cụ thể. Mặc dù đã có nhiều tài liệu học thuật liên quan đến chủ đề này, chưa có định nghĩa chung nào thực sự được chấp nhận. Thay vào đó, mỗi tài liệu thể hiện những quan điểm khác nhau của tác giả.
Văn hóa tổ chức biểu hiện theo nhiều khía cạnh khác nhau – từ hành vi lãnh đạo, phong cách giao tiếp, thông tin được chia sẻ trong nội bộ, các ngày lễ kỷ niệm của công ty. Vì văn hóa là tổng thể của nhiều yếu tố khác nhau, các thuật ngữ mô tả nhìn chung rất đa dạng. Một số ví dụ về văn hóa doanh nghiệp phổ biến bao gồm: hướng đến khách hàng, sáng tạo, vui vẻ, đạo đức, dựa trên số liệu, dựa trên công nghệ, định hướng quy trình, phân cấp, thân thiện với gia đình, chấp nhận rủi ro, v.v…
Vì rất khó để định nghĩa chủ đề này, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc duy trì tính nhất quán trong các thông điệp về văn hóa. Tương tự, nhân viên cũng sẽ khó nhận thấy – và báo cáo – những mâu thuẫn trong nền văn hóa nội bộ.
Tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp?
Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng xác định cách thức ứng xử phù hợp trong tổ chức – dựa trên những niềm tin và giá trị được cấp lãnh đạo chia sẻ, sau đó được truyền đạt và củng cố để định hình nhận thức, hành vi và hiểu biết của nhân viên. Do sự khác nhau giữa các ngành nghề và tình huống cụ thể, không có một khuôn mẫu văn hóa duy nhất nào phù hợp với tất cả mọi người – hay đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi tổ chức.
Một nền văn hóa mạnh mẽ là đặc điểm chung của các công ty thành công. Tất cả đều có sự đồng thuận ở mức cao nhất về các ưu tiên văn hóa – những giá trị đó không tập trung vào các cá nhân, mà vào tổ chức và các mục tiêu chung. Lãnh đạo trong những doanh nghiệp này sống theo các giá trị cốt lõi chung – đồng thời cố gắng truyền đạt bản sắc văn hóa đến đội ngũ nhân viên. Họ hiểu rõ các giá trị của bản thân, cũng như cách các giá trị đó định hình tổ chức và phương thức hoạt động.
Ngược lại, một nền văn hóa kém hiệu quả sẽ gây tổn hại đến tổ chức và năng lực lãnh đạo. Nhân viên thiếu gắn kết, tỷ lệ nghỉ việc (turnover) cao, quan hệ khách hàng đi xuống, lợi nhuận suy giảm… là những ví dụ cho thấy tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với thành công và chiến lược phát triển lâu dài.
Cùng với sự “nở rộ” của xu hướng sáp nhập và mua lại (Merger and Acquisitions – M&A), các vấn đề về văn hóa doanh nghiệp cũng theo đó phát sinh. Ngay cả những doanh nghiệp vốn hoạt động tốt cũng có thể gặp tình trạng rối loạn chức năng sau khi hợp nhất. Thực tế, nghiên cứu của SHRM cho thấy 2/3 số vụ sáp nhập đã thất bại – vì lý do xung đột văn hóa. Kết hợp và tái định nghĩa các nền văn hóa, đồng thời dung hòa sự khác biệt là nền tảng quan trọng cho sự phát triển trong tương lai.
Trong những năm gần đây, hoạt động M&A đã và đang trải qua thay đổi đáng kể. Cụ thể, trọng tâm đã chuyển từ sự pha trộn các nền văn hóa – sang việc đáp ứng các mục tiêu kinh doanh cụ thể. Một số chuyên gia tin rằng, việc doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh phù hợp trong quá trình sáp nhập sẽ góp phần hình thành một nền văn hóa mạnh mẽ, phát triển một cách tự nhiên nhất.