Văn hóa doanh nghiệp là gì? Vì sao cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp? – JobsGO Blog
Đánh giá post
46% người tìm việc cho rằng văn hoá doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn công ty để ứng tuyển. Và văn hóa doanh nghiệp cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của công ty. Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì? Văn hóa doanh nghiệp quan trọng như nào? Làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp? Tất cả sẽ được JobsGO giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Văn hoá doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp là gì? Văn hóa doanh nghiệp là một tập hợp các giá trị, mục tiêu, nhận thức, thái độ và hành vi đặc trưng cho một tổ chức. Điều này được thể hiện qua rõ nhất qua cách mọi người trong doanh nghiệp tương tác với nhau, các quyết định mà họ đưa ra và các giá trị, niềm tin mà họ nắm giữ.
Văn hoá là yếu tố cốt lõi và ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của một công ty. Văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn tới khả năng đổi mới, cạnh tranh, thu hút nhân tài và khách hàng, thậm chí quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp. Vậy điều gì tạo nên văn hóa doanh nghiệp?
2. Đặc điểm của văn hoá doanh nghiệp
Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu cần có trong mỗi doanh nghiệp. Nó chính là yếu tố quyết định tới sự phát triển lâu dài và ổn định của doanh nghiệp đó. Văn hóa của doanh nghiệp thường có những đặc điểm chính sau:
2.1 Gắn liền với con người
Trong 1 tập thể làm việc với nhau, tại doanh nghiệp sẽ hình thành nên những thói quen, đặc trưng của đơn vị đó. Và theo thời gian thì chính những thói quen này sẽ được rõ ràng hơn, hình thành nên những đặc điểm riêng của một doanh nghiệp, tổ chức.
Do vậy, khi văn hóa của doanh nghiệp được hình thành thì nó sẽ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
2.2 Có tính giá trị
Giá trị của văn hóa doanh nghiệp chính là kết quả thẩm định của 1 chủ thể đối với các đối tượng theo 1 hoặc 1 số tiêu chuẩn nhất định xem có phù hợp hay không phù hợp. Tuy nhiên, giá trị ở đây cũng chỉ có tính tương đối.
2.3 Có sự ổn định
Khi văn hóa của doanh nghiệp đã được hình thành thì nó sẽ khó có thể thay đổi. Trải qua thời gian thì những hoạt động của các thành viên trong doanh nghiệp sẽ giúp niềm tin cùng giá trị được tích lũy đó hình thành nên văn hóa. Và sự tích lũy này sẽ tạo nên tính ổn định của văn hóa doanh nghiệp.
Từ đó, có thể thấy những yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp gồm 3 mối quan hệ là mối quan hệ giữa nội bộ nhân viên trong doanh nghiệp, mối quan hệ với khách hàng, và cuối cùng mà mối quan hệ khác ngoài doanh nghiệp.
Xem thêm: Văn hóa doanh nghiệp: Người tìm việc cần lưu ý gì?
3. Các yếu tố tạo nên văn hoá doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp được tạo nên từ nhiều yếu tố vô hình và hữu hình, cụ thể như:
- Phong cách làm việc, giao tiếp, thói quen của nhân viên trong công ty.
- Cách nhận thức và ứng xử của nhân viên.
- Quy định của công ty .
- Đồng phục của nhân viên trong công ty.
Nhìn chung, nhân sự chính là yếu tố then chốt tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Vậy nên, mỗi môi trường sẽ đặc trưng bởi một văn hóa khác nhau.
Xem thêm: Tuyển dụng như cách Google tìm người tài
4. Tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp
Không phải tự nhiên những công ty được bình chọn là “Môi trường làm việc tốt nhất” lại gặt hái được nhiều thành công trong kinh doanh. Các doanh nghiệp này thường có xu hướng tập trung phát triển văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, giúp nhân viên cảm thấy tích cực và thể hiện tốt trong công việc.
Nghiên cứu được thu thập ở Culture IQ chỉ ra rằng nhân viên đánh giá chất lượng của một công ty cao hơn 20% đối với những công ty thể hiện văn hoá doanh nghiệp tích cực. Vậy, tại sao văn hóa lại là một phần quan trọng của một doanh nghiệp? Một số lợi ích của một văn hoá doanh nghiệp tích cực có thể kể đến như sau:
4.1 Dễ dàng hòa nhập khi văn hóa doanh nghiệp cởi mở
Văn hóa là một trong những yếu tố mà nhân viên cực kỳ quan tâm khi lựa chọn môi trường làm việc. Sự không tương thích với văn hóa công ty sẽ là một cản trở lớn khiến nhân viên quyết định rời bỏ vị trí của mình. Vậy nên, một môi trường cởi mở, tích cực sẽ giúp nhân viên dễ dàng hòa nhập hơn. Điều này cũng góp phần cải thiện khả năng tương tác của nhân viên với cấp trên và các đồng nghiệp trong quá trình giao tiếp và làm việc.
4.2 Nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống văn phòng
Một nền văn hóa bền vững, tích cực đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển đời sống của nhân viên. Khi nhân viên cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng, họ sẽ có một động lực và tinh thần làm việc tốt nhất. Họ không ngại khó khăn, sẵn sàng cống hiến để giúp công ty ngày càng phát triển đi lên.
Xem thêm: 6 cách hiệu quả để nâng cao năng suất làm việc của bạn
4.3 Khiến nhân viên sẵn sàng cống hiến lâu dài
Có thể bạn chưa biết tại Mỹ, có tới 35% nhân viên khẳng định họ sẽ từ chối lời mời công việc từ nhà tuyển dụng nếu văn hóa của công ty không hấp dẫn với họ. Văn hóa của doanh nghiệp chính là một trong những yếu tố đầu tiên mà các ứng viên tìm hiểu trước khi đi ứng tuyển. Do đó, để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng, việc thể hiện và truyền tải văn hóa tổ chức thông qua việc nhận diện thương hiệu là điều không nên bỏ qua.
Và quan trọng hơn cả đó chính là việc thu hút ứng viên, giữ chân nhân tài. Bởi những người giỏi trong công việc họ biết rõ giá trị của mình và không mặn mà với những môi trường làm việc tiêu cực và không đánh giá cao họ. Vậy nên, những người giỏi thường có xu hướng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nếu họ cảm thấy kết nối với họ thông qua những giá trị và mục tiêu chung trong công việc.
Đồng thời, theo khảo sát thì 74% nhân viên hiện nay cũng chia sẻ rằng, họ sẽ nghỉ việc nếu cảm thấy văn hóa công ty ngày thụt lùi. Vì thế, doanh nghiệp cần phải duy trì và cải thiện văn hóa công ty.
Xem thêm: 10 sai lầm trong văn hóa doanh nghiệp lãnh đạo cần lưu ý
4.4 Ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng
Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp còn có tác động tới chất lượng dịch vụ khách hàng. Làm việc trong một môi trường tích cực, lành mạnh sẽ giúp nhân viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc sẵn sàng làm việc và cống hiến hơn. Điều này sẽ được phản ánh thông qua cách họ tiếp xúc với khách hàng. Họ sẽ nhiệt tình, hồ hởi, mang một năng lượng tích cực đến cho khách hàng như điều mà họ cảm nhận được từ công ty, doanh nghiệp.
4.5 Tăng cường sự tương tác trong môi trường làm việc
Một nền văn hóa bền vững, tích cực sẽ giúp gắn kết mọi người lại với nhau. Dù mỗi nhân viên đều có những quan điểm, cá tính khác nhau. Nhưng văn hóa tổ chức sẽ đem lại cho mọi người mục tiêu chung cùng hướng tới. Và những mục tiêu rõ ràng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng quy trình làm việc của các bộ phận, phòng ban.
Hơn thế, khi các nhân viên có xu hướng làm việc theo nhóm và giao tiếp cởi mở hơn sẽ giúp tăng hiệu suất công việc. Bởi chính sự hợp tác là chìa khóa để cải thiện năng suất của nhân viên.
Theo khảo sát, thống kê của Viện Năng suất Doanh nghiệp và Giáo sư Rob Cross của Đại học Boston (Mỹ) với 1.100 công ty và chỉ ra rằng sự hợp tác trong công việc có khả năng mang lại kết quả công việc tốt cao hơn gấp 5 lần, còn nhân viên không hài lòng sẽ làm giảm đi 10% hiệu suất công việc.
4.6 Ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của nhân viên
Thật dễ hiểu khi mức độ hài lòng trong công việc thường cao hơn ở các đơn vị có văn hóa tích cực. Doanh nghiệp đầu tư vào việc nâng cao trải nghiệm của nhân viên sẽ nhận lại được sự tận tâm, hài lòng của nhân viên đó. Hơn nữa, văn hóa tích cực sẽ giúp giảm thiểu đáng kể căng thẳng tại nơi làm việc. Tại các công ty này, nhân viên thường ít cảm thấy căng thẳng hơn. Điều này giúp tăng cường sức khỏe và hiệu suất công việc của nhân viên.
4.7 Thu hút ứng viên tiềm năng
Văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố thu hút các ứng viên tiềm năng. Nhân tài thường bị thu hút bởi một công ty vì những gì họ biết về văn hóa của công ty đó. Ví dụ như Google, doanh nghiệp nổi tiếng với môi trường làm việc vui vẻ, khả năng lãnh đạo xuất sắc và các chương trình cố vấn nghề nghiệp hiệu quả. Không có gì ngạc nhiên khi Google nhận được hơn 3 triệu đơn xin việc hàng năm. Ngược lại, một công ty với môi trường làm việc tiêu cực sẽ thu hút những người có đặc điểm tương tự.
4.8 Xây dựng hình ảnh thương hiệu
Văn hóa công ty ảnh hưởng lớn đến hình ảnh thương hiệu của bạn. Hình ảnh này không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút nhân viên tiềm năng mà còn giúp duy trì mối quan hệ với khách hàng hiện tại và tìm kiếm cơ hội với khách hàng mới. Doanh nghiệp với môi trường lý tưởng sẽ thu hút được khách hàng, giúp công ty nâng cao doanh số.
5. Cách tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp
Vậy làm thế nào để tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp? Cùng JobsGO tham khảo ngay qua nội dung sau:
5.1 Tỷ lệ thay đổi nhân viên của doanh nghiệp
Tỷ lệ thay đổi nhân viên hay tỷ lệ phần trăm nhân viên rời khỏi công ty trong một khoảng thời gian nhất định cũng là yếu tố phản ánh chân thực về văn hóa doanh nghiệp. Mặc dù nhảy việc là một thực trạng phổ biến, thế nhưng nếu doanh nghiệp có tỷ lệ thay đổi nhân viên thấp vẫn cho thấy họ đang xây dựng và duy trì một văn hóa tích cực, có khả năng giữ chân nhân viên.
Xem thêm: Điều người lao động thực sự quan tâm ngoài lương
5.2 Tham khảo ý kiến từ nội bộ doanh nghiệp
Không quá khi nói nhân viên là người hiểu rõ nhất về văn hóa doanh nghiệp. Vậy nên, nếu bạn có sự liên kết với những nhân viên đã/ đang làm việc tại đó thì bạn cũng có thể tận dụng mối quan hệ của mình để khai thác những yếu tố mà mình quan tâm. Bạn có thể hỏi họ về quy định của công ty, cách mọi người giao tiếp và kết nối với nhau.
5.3 Những ý tưởng mới được đón nhận thế nào?
Một trong những cách hữu ích để tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp là nhìn vào cách doanh nghiệp đón nhận những ý tưởng mới. Nếu công ty sẵn lòng thử nghiệm những ý tưởng mới, chứng tỏ văn hóa ở đó luôn hướng đến sự cải tiến và đổi mới. Đây là môi trường phù hợp giúp nhân viên có thể phát triển bản thân.
Xem thêm: Thu hút và giữ chân nhân tài – Điều doanh nghiệp nên biết!
6. Làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp?
Khi đã hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp thì việc làm thế nào để xây dựng văn hóa tích cực và bền vững là điều mà nhiều người quan tâm.
Theo David Cummings là nhà đồng sáng lập của Pardot (Hoa Kỳ), cho rằng “Văn hóa doanh nghiệp là lợi thế cạnh tranh bền vững duy nhất hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp.” Chỉ cần doanh nghiệp đầu tư vào việc nâng cao phúc lợi, trải nghiệm, và môi trường làm việc của nhân lực, họ sẽ có một văn hóa doanh nghiệp tích cực và bền vững.
6.1 Bắt đầu với một mục đích rõ ràng, cụ thể
Đối với giai đoạn mới triển khai với số lượng nhân sự ít, công ty thường ít gặp phải những vấn đề về giao tiếp trong nội bộ. Khi công ty bắt đầu phát triển, giao tiếp trở nên rời rạc (hoặc thậm chí không tồn tại) và sự đồng thuận giữa các cá nhân trở nên khó đạt được hơn rất nhiều.
Để tránh trường hợp đó, hãy đề ra mục đích cụ thể khi bạn thiết lập văn hóa công ty mới của mình. Khi đưa ra mục đích đó, hãy nghĩ đến khía cạnh “Tại sao doanh nghiệp của bạn hoạt động? Phục vụ đối tượng là ai?” Dù câu trả lời của bạn là gì, mục tiêu của bạn cũng cần phải thực tế, độc đáo, và truyền cảm hứng. Các công ty có mục đích cụ thể, rõ ràng thường được yêu thích vì họ rất khác biệt – hãy nghĩ đến Ikea hoặc Apple.
6.2 Đưa ra một chuẩn mực về giá trị, thái độ và hành vi
Để xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp thành công, các cá nhân trong tổ chức cần phải có một chuẩn mực về giá trị, thái độ và hành vi. Chuẩn mực này cần tất cả mọi người trong công ty – từ CEO cho đến nhân viên mới, thực tập sinh hiểu và tuân theo. Những giá trí này cần được lưu lại bằng văn bản để làm cho văn hóa của bạn trở nên hữu hình và chịu được thử thách của thời gian.
Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp cũng cần những sự thay đổi, thích nghi khi công ty phát triển. Những giá trị cốt lõi là yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, nhưng văn hóa tổng thể cần phải được thay đổi để thích nghi với sự thay đổi trong đội ngũ nhân sự hay những cơ hội, thách thức mà doanh nghiệp gặp phải.
6.3 Làm tấm gương cho nhân viên học hỏi
Văn hoá doanh nghiệp được hình thành bởi các nhà lãnh đạo của công ty. Lãnh đạo của doanh nghiệp phải là những người ủng hộ lớn nhất của doanh nghiệp và phải phản ánh được giá trị bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp.
Hãy nghĩ về thương hiệu Virgin và cách Richard Branson thể hiện mọi thứ mà công ty muốn mọi người nhìn nhận về họ như: vui vẻ, táo bạo, dũng cảm và đầy nhiệt huyết. Những nhà lãnh đạo thể hiện niềm đam mê mãnh liệt với những gì họ làm và luôn tuân theo nguyên tắc, đạo đức chính là nguồn cảm hứng bất tận cho đội ngũ nhân sự trong công ty và những nhân tài muốn gia nhập công ty.
6.4 Thấu hiểu và tử tế
Với tư cách là lãnh đạo công ty, bạn cần phải đối xử tốt với nhân viên của mình, nếu không, văn hóa mà bạn đang cố gắng thiết lập sẽ không có ích cho bạn nếu bạn có tỷ lệ nghỉ việc cao.
Trong quá trình tuyển dụng nhân viên mới, hãy dành thời gian sàng lọc tính cách thay vì kỹ năng. Một sơ yếu lý lịch ấn tượng là điều cần thiết và quan trọng; tuy nhiên, thái độ và tính cách ảnh hưởng rất nhiều tới sự phù giữa ứng viên và công ty của tôi. Một khi bạn tìm thấy ai đó phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp bạn, hãy làm mọi thứ trong khả năng của bạn giúp họ phát triển bản thân.
“Không có công thức kỳ diệu nào cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt. Điều quan trọng là bạn nên đối xử với nhân viên của bạn theo cách mà bạn muốn được đối xử. ” – Richard Branson, Người sáng lập Tập đoàn Virgin.
Trên đây là một số chia sẻ của JobsGO về văn hóa doanh nghiệp. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ “Văn hóa doanh nghiệp là gì?” cũng như tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Một nền văn hóa tuyệt vời sẽ không tự dưng mà có, mà nó là cả quá trình phấn đấu và xây dựng không ngừng nghỉ để tạo ra lợi thế cạnh tranh với những doanh nghiệp khác.
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)