Văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số

Mặc dù Việt Nam vẫn thường xuyên phát động phong trào đọc, tuy nhiên, theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm và điều đáng tiếc nhất đó chính là trong số 4 cuốn sách được đọc thì có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với đất nước Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Như vậy, rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn những nước khác rất nhiều.

Phó Giáo sư Hà Văn Minh, Phó Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu thực tế: “Thế hệ trẻ hiện nay rất lười đọc, tất nhiên là có ảnh hưởng của xã hội, của thời đại. Tôi nghĩ cần phải nói cho rõ chúng ta đọc cái gì, đọc như thế nào và cách đọc ra sao. Phải có 3 phương diện như thế mới tạo ra văn hóa đọc, chứ không phải đọc nhiều, đọc các tác phẩm kinh điển mới là đọc”.

van hoa doc trong thoi ky chuyen doi so hinh anh 1

Ảnh minh họa.

Để duy trì văn hóa đọc cho học sinh, cùng với đầu tư xây dựng thư viện trường học, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều hoạt động phát động phong trào đọc sách trong trường học như: tổ chức các câu lạc bộ, nhóm đọc sách, thi viết về cuốn sách hay, học qua sách… Tại trường THPT Nguyễn Trường Thúy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cùng với mở cửa thư viện hàng ngày, mỗi lớp học của trường đều có một tủ sách để tạo thói quen đọc sách cho học sinh.

Ông Trần Xuân Trà, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Thực ra hiện nay, thói quen đọc sách của học sinh ít nhiều bị hạn chế, bởi mạng xã hội. Tuy nhiên, đối với các nhà trường chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh việc trang bị, bổ sung các đầu sách trong thư viện. Thì mỗi lớp học của nhà trường đều có một tủ sách. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên luân phiên sách từ thư viện lên các lớp học để hình thành các thói quen khi đọc sách”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức hoạt động của các thư viện truyền thống, mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó, sách giấy không còn vị trí độc tôn. Phương thức đó là thư viện điện tử hay còn được gọi là thư viện số. Cùng với thư viện điện tử, thói quen đọc sách cũng bắt đầu thay đổi, ngày càng nhiều người tiếp cận với văn hóa đọc trên nền tảng số, đặc biệt là giới trẻ.

Nhà thơ Lê Huy Hòa nhận định: “Tôi thấy phát triển mạng xã hội rất tốt, ngoài việc người ta đọc sách giấy, thì tôi thấy lớp trẻ bây giờ rất nhanh nhạy, tiếp cận văn hóa đọc ở trên mạng. Văn hóa đọc trên mạng tôi thấy cũng rất là tốt, công nghệ thông tin mang đến cho lớp trẻ rất nhiều thuận lợi hơn là lớp già chúng tôi. Mỗi cái đều có đặc điểm riêng, nhưng tôi thấy dù đọc ở mạng hay đọc ở giấy thì đều tốt cả, cần khuyến khích”.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh, Tạp chí Văn nghệ Quân đội nêu ý kiến: “Bây giờ để tải trữ lượng văn hóa trên sách thì có rất nhiều cách. Không chỉ có sách in mà còn qua mạng, ebook nên tôi nghĩ là người nào đọc sách vẫn cứ đọc sách, người ta vẫn chung thủy với sách. Người ta không gối đầu giường theo kiểu truyền thống thì người ta cầm điện thoại đọc. Đọc sách là một văn hóa, mà văn hóa thì luôn gắn với con người, cho nên tôi nghĩ văn hóa đọc vẫn cần phát triển và sách vẫn cần cho chúng ta”.

Để thích ứng với câu chuyện chuyển đổi số, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần đây nhất là sách nói. Dù có những ưu điểm như cập nhật nhanh, lưu trữ tốt, nhiều người cũng đặt ra những lo ngại liên quan đến loại hình sách điện tử như ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng thiết bị điện tử để đọc sách quá lâu, chất lượng sách…

Sách giấy truyền thống hay sách điện tử? Có lẽ đó không phải là câu chuyện của lựa chọn chỉ “1 trong 2”. Cùng tồn tại song hành và phát triển để mang đến cho người đọc trải nghiệm, “kênh” văn hóa đọc đa dạng hơn, tốt hơn sẽ là xu thế trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, sẽ không thể chỉ kêu gọi người dân đọc nhiều hơn, mà điều quan trọng nằm ở việc nâng cao chất lượng sách từ tác giả đến các nhà xuất bản.

Nhà văn Lê Phương Liên cho rằng: “Trước hết, cơ sở văn hóa đọc trên nền tảng số phải là cơ sở văn hóa đọc của sách, tôi phải khẳng định điều đó. Những tác phẩm của các nhà văn viết theo lối truyền thống thì vẫn vô cùng chính xác, chuẩn mực như từ xưa đến nay chúng ta vẫn có, được đưa lên nền tảng số thì theo tôi đó là những tác phẩm quý nhất”.

Mong rằng, trong tương lai, sách điện tử còn nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên thị trường sách in truyền thống sẽ vẫn tồn tại như một phương tiện không thể thiếu để truyền bá thông tin, kiến thức. Và mỗi đối tượng độc giả lại có sự lựa chọn khác nhau giữa sách điện tử và sách giấy, hai loại sách này sẽ luôn song hành phát triển, hướng tới mục đích đưa nhiều cuốn sách hay đến với độc giả, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong xã hội./.