Văn hoá giao tiếp: Bài 3 – Văn hóa chào hỏi – Giáo Phận Cần Thơ
BÀI 3: VĂN HOÁ CHÀO HỎI
THẦY GIUSE NGUYỄN VĂN QUÝNH
Ông cha ta có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thật vậy, lễ nghĩa là những phép tắc trong gia đình và những nghi lễ ngoài xã hội, đó là nét đẹp văn hóa trong khi giao tiếp.
Người Việt Nam rất coi trọng việc chào hỏi. Có câu nói rằng: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Vâng, chào hỏi không chỉ mang tính văn hóa mà còn thể hiện nhân cách và đạo đức của con người. Không ai muốn mình bị xem là thiếu đạo đức, vì tiêu chuẩn cao nhất để xác định giá trị của con người là đạo đức. Người ta kính trọng nhau không phải chức vụ hay tiền bạc mà chính là tư cách và đạo đức. Vì thế, chúng ta nên tìm hiểu một số quy tắc về cách chào hỏi để tự tin hơn và để mang lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Hôm nay, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về
1. Lời chào hỏi
2. Cách chào hỏi
3. Cách bắt tay
I. LỜI CHÀO HỎI
Người Việt Nam dùng từ chào hỏi đi liền nhau vì thường sau lời chào là hỏi thăm: hỏi thăm sức khoẻ, công ăn việc làm, đang đi đâu, đang làm gì… Đó là một cách quan tâm tới người được chào, biểu lộ tình cảm và sự thân thiện. Chào hỏi thường dùng trong lối chào không nghi thức dành cho người thân quen, người trong gia đình, trong dòng tộc, người cùng làng xã, gặp nhau hằng ngày, ví dụ:
– Con chào Cha! Cha có khỏe không ạ?
– Em chào thầy! Thầy lên lớp ạ?
– Cháu chào bác! Bác dạo này còn đau lưng không?
Đối với người thân quen, chúng ta có thể cười với nhau hoặc gật đầu chào là đủ. Tuy nhiên, nếu đã lâu không gặp, ta nên dành năm ba phút để hỏi han về sức khoẻ, về gia đình… Nếu là các mối quan hệ có tính chất trang trọng, ta nên dừng lại khi chào hỏi, tránh vừa đi vừa chào.
II. CÁCH CHÀO HỎI
Khi chào hỏi, chúng ta nên thực hành các quy tắc sau đây:
1. Tư thế khi chào
Khi chào ai, ta nên đứng thẳng, mắt nhìn người đối diện, cúi đầu chào tỏ vẻ kính trọng, vừa chào vừa mỉm cười, thể hiện sự thân thiện và quý mến.
2. Khi được chào
Khi được ai chào, nếu mình là người trên hay nhiều tuổi hơn thì nên lịch sự chào lại. Chào người khác bằng cách hất hàm là một thái độ khiếm nhã, dù họ là người nhỏ hơn hay thuộc cấp của mình. Khi được chào, nếu đang bận tiếp chuyện với người khác, ta chỉ cần mỉm cười hoặc gật đầu là được.
3. Sau khi chào
Sau khi chào ai rồi, nếu ta gặp họ lần đầu thì chủ động giới thiệu bản thân: Hãy nói với họ bạn là ai, đang làm nghề gì.
4. Thứ tự ưu tiên
Người dưới nên chào người trên trước. Người ít tuổi chào người nhiều tuổi trước.
5. Kiểu chào không nên
Không đưa tay lên chào người lớn hơn mình. Nếu người ấy chủ động đưa tay chào khi thấy mình từ xa, thì ta chỉ nên mỉm cười và cúi đầu đáp lại.
III. CÁCH BẮT TAY
1. Nguồn gốc của việc bắt tay
Bắt tay là cử chỉ mới xuất hiện khi có nền văn minh. Thoạt đầu, nó được hiểu là trong tay bạn không có vũ khí khi gặp ai đó. Sau này, nó thể hiện việc gặp gỡ lần đầu, bạn bè lâu ngày gặp lại, chào tạm biệt, chúc mừng hoặc giải hòa.
2. Bắt tay là nghệ thuật giao tiếp
Cách bắt tay cho biết thái độ và tư cách của người đối diện. Nó còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tiếp xúc.
Bà Helen Keller, nhà văn Mỹ, vừa bị điếc vừa bị mù, khi nói về cái bắt tay, bà có một câu nói nổi tiếng: “Có những bàn tay khi tiếp xúc, tôi có cảm giác như khoảng cách giữa hai người xa nhau vạn dặm. Nhưng cũng có cái bắt tay tràn đầy ánh sáng, lưu lại cho tôi một cảm giác vô cùng ấm áp”.
3. Cách thức bắt tay
Mục đích của cái bắt tay là chào hỏi hay tạm biệt, chúc mừng hay đồng tình. Vì thế, ta nên thực hiện một cách ấm áp, thân thiện và chân thành. Có những quy tắc về việc bắt tay như sau:
a. Khi bắt tay
Ta chỉ dùng tay phải, tư thế đứng thẳng, nhìn thiện cảm vào mắt người đó. Khi người khác đưa tay cho mình bắt, nếu đang ngồi phải đứng dậy rồi mới bắt tay họ.
b. Cách bắt tay
Nên siết nhẹ tay họ và giữ lại vài giây, bày tỏ sự thân thiết; không bắt tay quá lâu hay lắc mạnh; cũng không thả lỏng, cầm hờ tay họ, tỏ vẻ lạnh nhạt; trước khi buông tay, hãy nói: “Rất hân hạnh được gặp anh hoặc chị”.
c. Người đưa tay ra trước
Người lớn tuổi hoặc có vai vế lớn hơn sẽ chủ động đưa tay ra trước; người nhỏ hơn đáp lại bằng cả hai tay và hơi cúi đầu. Nếu là phụ nữ thì được đưa tay ra trước. Nếu là chủ nhà và khách chào nhau, thì chủ nhà đưa tay ra trước.
d. Thứ tự khi bắt tay
Khi bắt tay nhiều người, ta nên bắt tay người lớn trước, người nhỏ sau; phụ nữ trước, nam giới sau; người vợ trước, người chồng sau.
e. Lịch sự khi bắt tay
Không đưa cả hai tay để bắt tay với hai người cùng một lúc. Không đứng ở chỗ cao hơn, mà phải bước xuống vị trí ngang bằng với người ấy rồi mới bắt tay. Không ngậm thuốc lá trong miệng khi bắt tay. Không mang găng tay khi bắt tay, trừ ra phụ nữ mang găng tay mỏng. Khi bắt tay với người này, không đưa mắt nhìn người khác.
6. Bắt tay khi đón khách
Khi chủ nhà bắt tay chào đón khách, không bắt tay nơi ngưỡng cửa ra vào. Có thể bước ra ngoài hoặc đợi cho khách bước hẳn vào nhà. Không bắt tay một người ngay sát mặt một người khác.
f. Bắt tay khi tiễn khách
Lúc tiễn khách ra về thì chờ khách đưa tay ra trước, chủ nhà mới được bắt tay, để tránh tạo ra cảm giác là chủ nhà nôn nóng muốn khách về sớm.
Các bạn thân mến,
Trên đây là “Văn hoá giao tiếp trong việc chào hỏi”. Các bạn nên thực hành thường xuyên cho đến khi nhuần nhuyễn và thật tự nhiên để tạo thiện cảm trong lòng mọi người. Chúc các bạn luôn lịch thiệp trong giao tiếp, hầu được mọi người kính trọng và yêu mến.