Văn hóa giao tiếp của người Việt
<!– IMAGE –>
Trong văn hoá Việt Nam, một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất là văn hoá ứng xử. Trong văn hoá ứng xử, khía cạnh có nhiều đặc điểm tích cực, thường được khen ngợi nhất là tình gia đình và tình hàng xóm; khía cạnh thường bị xem là tiêu cực và có nhiều vấn đề nhất là văn hoá giao tiếp. Trong văn hoá giao tiếp, điều thường bị phê phán nhiều nhất cũng lại là những điều căn bản nhất: cách chào hỏi và cách nói cám ơn hay xin lỗi.
Trước hết, nói về chuyện cám ơn/xin lỗi. Đã có rất nhiều người viết về đề tài này. Hầu như ý kiến của ai cũng giống nhau: Người Việt, nhất là kể từ sau 1975, rất hiếm khi nói cám ơn hay xin lỗi. Nhờ người ta chỉ đường; nghe xong, lẳng lặng đi, không một lời cám ơn. Đi xe quẹt người khác, trừng mắt lên nhìn, rồi phóng đi, không một lời xin lỗi. Những chuyện như vậy diễn ra hàng ngày. Ở khắp nơi. Ngay cả giữa những người có ăn học.
Ngay cả việc chào hỏi của chúng ta cũng có vấn đề, thậm chí, vấn đề nghiêm trọng.
Còn nhớ, cách đây non mười năm, đứa em trai tôi từ Việt Nam sang Úc chơi. Mỗi sáng, hai anh em đi bộ dọc theo bờ biển gần nhà để tập thể dục. Những ngày đầu tiên, em tôi chú ý đến mấy điều: thứ nhất, cái đẹp đầy thanh bình của phong cảnh; thứ hai, sự dạn dĩ của chim chóc, chủ yếu là bồ câu và hải âu, lúc nào cũng quấn quít quanh người đi dạo hay ngắm cảnh; và, thứ ba, sự thân mật của người Úc.
Trên quãng đường khoảng 3 cây số dọc theo bờ biển, trung bình cứ vài ba phút lại gặp một người đi bộ ngược chiều. Hầu như ai cũng nhoẻn miệng cười và nói “hello” hay “good morning”. Thỉnh thoảng có người còn hỏi thêm “Khoẻ không?” hay buông vài câu bâng quơ, kiểu “Hôm nay trời đẹp quá há!”.
Thằng em tôi, thoạt đầu, than: “Trả lời mỏi miệng quá!”, sau, nghĩ ngợi một lát, trầm trồ: “Người Úc dễ thương ghê!”; sau nữa, trầm ngâm so sánh: “Ở Việt Nam đâu có ai chào người lạ như vậy. Gặp người dân tộc thiểu số nữa thì đừng hòng!”
Mà thật, bạn để ý xem, ở Việt Nam, đi đường, có ai chào ai không? Với người lạ, câu trả lời hầu như tuyệt đối: Không. Chúng ta chỉ chào người quen. Câu tục ngữ “tiếng chào cao hơn mâm cỗ” hầu như chỉ áp dụng cho người quen, trong làng xóm với nhau. Nhưng với người quen, chúng ta thường chỉ chào bằng ngôn ngữ thân thể (body language) hơn là ngôn ngữ bằng lời (verbal language): Chúng ta gật đầu, vẫy tay hay nhoẻn miệng cười. Là hết. Thân tình hơn, mới hỏi bâng quơ vài câu: “Anh/chị đi đâu đó?” hay “Đi đâu mà vội quá vậy?”. Vậy thôi.
Nói cách khác, liên quan đến khía cạnh này của văn hoá giao tiếp, chúng ta thiếu đến hai điều:
Thứ nhất, chúng ta không có thói quen chào nhau, nhất là với người lạ.
Thứ hai, chúng ta chưa có những công thức chào.
Về điểm thứ nhất, nhớ lại xem, hồi nhỏ, hầu như bố mẹ chúng ta chỉ dạy chúng ta chào khi có khách đến nhà hoặc khi đến nhà người khác. Và chỉ yêu cầu chúng ta chào người lớn, hoặc lớn tuổi hoặc lớn vai vế, hơn. Hầu như không ai dạy con cái cách chào người lạ hay với người nhỏ tuổi hơn mình.
Về điểm thứ hai, trong tiếng Việt, “chào hỏi” thường đi đôi với nhau, thành một từ, từ ghép. Trên thực tế, chúng ta thường dùng câu hỏi thay cho lời chào. Mà hỏi thì đa dạng vô cùng. Chúng thay đổi theo mức độ quen thân, theo hoàn cảnh, theo cảm hứng, v.v… Hệ quả là lời chào, ngay cả chào-hỏi, của chúng ta không được công thức hoá. Khác hẳn với các ngôn ngữ Tây phương. Ví dụ, với tiếng Anh hay tiếng Pháp, những lời chào hỏi hầu như thành công thức. Với ai, ở đâu, chúng ta cũng lặp đi lặp lại như vậy. Đại khái:
– Chào anh.
– Chào chị. Chị khoẻ không?
– Khoẻ, anh ạ. Cám ơn anh. Còn anh thì thế nào?
– Tôi cũng khoẻ. Cám ơn chị.
Từ người thân đến kẻ sơ, từ người lớn đến trẻ em, từ ông Tổng thống đến người bán hàng, gặp nhau, ở đâu người ta cũng đều nói thế. Những công thức chào hỏi như thế biến thành một thứ văn hoá, văn hoá giao tiếp.
Bởi vậy, tôi nghĩ, yếu tố đầu tiên của văn hoá là tính công thức. Văn hoá là sự đồng điệu thuận về ý nghĩa của một biểu trưng hay một giá trị nào đó trong cộng đồng. Để thể hiện hay đẩy mạnh sự đồng thuận ấy, công thức hoá là một biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất. Nhưng tâm lý con người thường e ngại trước tính công thức. Quá trình công thức hoá chỉ có thể thực hiện được bằng cưỡng chế, chủ yếu qua hệ thống giáo dục. Ở Tây phương, ít nhất qua tiếng Anh và tiếng Pháp mà tôi biết, những công thức chào hỏi vừa nêu là những bài học vỡ lòng cho cả người ngoại quốc lẫn trẻ em bản ngữ. Ai cũng phải học như thế. Công việc tiếp nhận các công thức giao tiếp được khởi sự ngay từ lúc người ta học ngôn ngữ.
Việc cưỡng chế trong quá trình tiếp nhận tính công thức trong văn hoá cần có một điều kiện khác nữa: đó là sự sùng bái. Văn hoá nào cũng bao gồm sự sùng bái. Nhiều học giả đã phân tích: tính sùng bái (cult) nằm ngay trong chữ văn hoá (culture), trở thành yếu tính của văn hoá. Nói cách khác, không có sùng bái sẽ không có văn hoá.
Trong văn hoá giao tiếp, sùng bái chủ yếu là sùng bái đối với hình mẫu của một con người văn minh và có văn hoá: Đó là một con người biết chào hỏi, biết nói cám ơn và nói xin lỗi như một cách thể hiện sự tự trọng.
Vâng, tôi xin nhắc lại: đó là sự thể hiện của lòng tự trọng.
Cám ơn hay xin lỗi, ngay cả về những chuyện, thành thực mà nói, không đáng, là cách bày tỏ sự kính trọng đối với người khác, qua đó, thể hiện sự tự kính trọng mình với tư cách là một người văn minh và có văn hoá. Nói cách khác, nếu trên đường đi, tôi hơi lấn hay đụng anh một chút, một chút thôi, tôi xin lỗi anh; đó không phải là tôi “sợ” anh, mà là vì tôi sợ tôi biến thành một con người thô lỗ. Xin lỗi, do đó, trở thành một cách tự bảo vệ mình, bảo vệ nhân phẩm của chính mình: Trong trường hợp này, nếu anh sừng sộ với tôi, anh thua tôi. Thua về độ văn minh và văn hoá.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một kỷ niệm lúc mới từ trại tị nạn ở Galang qua Pháp. Trong mấy tháng ở trại tị nạn, tôi cố gắng học thêm cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp: trong khi học tiếng, lúc nào cũng tự dặn dò mình phải học cả văn hoá giao tiếp ở xứ người, trong đó, điều quan trọng và cũng là điều căn bản nhất là biết chào hỏi, biết nói xin lỗi và cám ơn.
Đến Paris, những ngày đầu tiên sống trong trung tâm chuyển tiếp, lúc nào tôi cũng lẩm nhẩm trong miệng hai chữ “Merci” (cám ơn) và “Pardon” (xin lỗi) như một kiểu tự kỷ ám thị. Một lần, vào tiệm mua một tờ báo, trả tiền xong, quay ra, tôi hấp tấp vấp phải một phụ nữ vừa trờ tới từ phía sau. Bèn nhớ đến bài học, nhưng thay vì nói “xin lỗi”, tôi buộc miệng nói nhầm “cám ơn!”.
Bước đi được mấy bước, nhớ lại cái nhầm của mình, thẹn đỏ mặt, tôi bước đi thật nhanh. Để trốn.
Thẹn. Nhưng nếu không như vậy, biết bao giờ những điều mình học mới trở thành một phản xạ tự nhiên?
Khi nói văn hoá là những gì còn lại sau khi đã quên hết, có lẽ người ta cũng nhấn mạnh đến tính phản xạ ấy.
Phải không?