Văn hóa kinh doanh là hệ thống các giá trị về vật chất và tinh thần

Trần Bá DươngThứ ba, 8/2/2022

|

11:00 GMT+7

Văn hóa kinh doanh là hệ thống các giá trị về vật chất và tinh thần

Và như vậy, văn hóa kinh doanh là hệ thống các giá trị về vật  chất và tinh thần do chủ thể kinh doanh tạo nên qua ứng xử trong môi trường kinh doanh, là nội tại doanh nghiệp và thị trường với nền kinh tế – xã hội mà trong đó chủ thể kinh doanh là tổ chức thực hiện công việc kinh doanh được gọi là doanh nghiệp và các nhân sự điều hành được gọi là doanh nhân.

Từ khái niệm nêu trên, có thể nói văn hóa kinh doanh là hệ thống các giá trị có được xuất phát từ nền tảng của triết lý xuyên suốt, gắn liền với văn hóa của doanh nhân, doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh chung có tính kế thừa của một đất nước.

Và như vậy, xây dựng văn hóa kinh doanh và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam là hai công cuộc mang tính đồng bộ và bổ trợ cho nhau. Văn hóa kinh doanh là kim chỉ nam của đội ngũ doanh nhân và doanh nhân là tác nhân hình thành văn hóa kinh doanh. Văn hóa kinh doanh Việt Nam là kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, kế thừa và phát huy các đức tính tốt đẹp của cha ông ta về đạo làm người và đạo đức trong kinh doanh như đề cao sự trung thực, chữ tín và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh thông qua những thành ngữ “Buôn đi đường ngay, cày đi đường thẳng”; “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”; “Trăm kẻ bán, vạn người mua. Hơn nhau giá cả, ăn thua làm gì”; và đề cao tinh thần hợp tác như “Buôn có bạn, bán có phường”; “Ngựa chạy có bầy, Chim bay có bạn” trong ứng xử với thị trường và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta có thể học hỏi và phát huy bản lĩnh, tinh thần cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài của các bậc tiền bối. Điển hình là doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã phá vỡ thế độc quyền vận tải của các hãng tàu nước Pháp và nước ngoài trong nội địa Việt Nam và các nước lân cận như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Trung Quốc  với hơn 30 chiếc tàu lớn, nhỏ mang tên rất Việt Nam như Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi.

Tinh thần yêu nước thương nòi của các thế hệ doanh nhân Việt Nam luôn cháy bỏng điển hình như hưởng ứng lời kêu gọi “Tuần lễ vàng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ ngay sau khi dành độc lập năm 1945, nhiều doanh nhân đã quyên góp hàng nghìn cây vàng và tiếp theo là việc hiến nhiều nhà cửa, điền sản cùng với những hy sinh to lớn cho kháng chiến và kiến quốc đất nước.

Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trên cả nước và thế giới, đặc biệt là tình trạng phong tỏa dài ngày tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Trong bối cảnh đó, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã chung tay, đồng hành cùng các cấp chính quyền phòng, chống dịch bằng nhiều hoạt động dấn thân và đóng góp vật tư y tế, tài chính rất lớn. Cùng với đó là những trăn trở, nỗ lực để phòng, chống dịch, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động, đã góp phần sớm đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới” và giữ vững được mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021. Những hành động và ứng xử trên chính là biểu hiện sinh động và rõ nét về sự tiếp nối tinh thần của cha ông, thể hiện phẩm chất cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào, làm đậm và rõ nét hơn về văn hóa của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta.

Phát triển đội ngũ doanh nhân và xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam với tầm nhìn hội nhập và khát vọng quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc là kế thừa khát vọng truyền thống về độc lập, tự do của cha ông ta, khát vọng đó đã chuyển thành những chiến thắng oai hùng chống ngoại xâm, trong đó có hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thần kỳ, thống nhất đất nước. Khát vọng độc lập, tự do này cần được tiếp nối bằng khát vọng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc trong dựng xây đất nước mà đội ngũ doanh nhân chúng ta được xem là chiến sĩ thời bình có trách nhiệm thực hiện khát vọng này thông qua sứ mệnh phát triển doanh nghiệp của mình và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam hùng mạnh không ngừng để chiến thắng trên mặt trận kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.

Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức này, thì chúng ta cần nhận thức rằng văn hóa kinh doanh của Việt Nam cũng là văn hóa của đội ngũ doanh nhân Việt Nam và là sức mạnh mềm cho sự phát triển mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Theo ý kiến cá nhân tôi thì VCCI chúng ta ngay từ bây giờ cần thực hiện ngay kế hoạch triển khai xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam theo tinh thần là: “Nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam, vừa bao gồm các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc, vừa kết hợp hài hòa các giá trị của văn hóa kinh doanh của thế giới, đem lại bản sắc và giá trị thiết thực cho doanh nhân, doanh nghiệp nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế… Gắn việc xây dựng văn hóa doanh nhân với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”.

Toàn thể doanh nhân hãy tiên phong xây dựng văn hóa cho chính doanh nghiệp của mình xứng tầm với sự phát triển của đất nước, dựa trên những chuẩn mực khoa học, phù hợp với xu thế và thực tiễn. Đồng thời nghiên cứu đề ra những tiêu chí, tiêu chuẩn của doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới cùng với những giải pháp tích cực và cụ thể để xây và chống những hành vi tiêu cực nhằm nâng cao và bảo vệ uy tín của chính đội ngũ doanh nhân chúng ta.

Bên cạnh đó,VCCI chúng ta cũng đề xuất với Đảng, Nhà nước và Chính phủ có những quyết sách và sự hỗ trợ thiết thực nhằm xây dựng hệ giá trị của văn hóa kinh doanh Việt Nam là một phần tiêu biểu của văn hóa Việt Nam và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam  có tâm và có tầm, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia trên trên trường quốc tế.

(*) Chủ tịch HĐQT Thaco