Văn hóa là nền tảng sức mạnh Đại Việt

Văn hóa là nền tảng sức mạnh Đại Việt

Nhìn lại lịch sử là để rút ra bài học cho hiện tại và tương lai. Qua những thành tựu rực rỡ của Đại Việt thời Lý – Trần, chúng ta càng thấy việc xây dựng cho nước nhà một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc, là một trong những yếu tố cơ bản làm nên sức mạnh quốc gia.

Nhìn lại lịch sử là để rút ra bài học cho hiện tại và tương lai. Qua những thành tựu rực rỡ của Đại Việt thời Lý – Trần, chúng ta càng thấy việc xây dựng cho nước nhà một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc, là một trong những yếu tố cơ bản làm nên sức mạnh quốc gia.

DNP-du-lich-tay-bac-nhung-mua-hoa-Tin-131018-1 (1)

Ảnh minh họa. Ảnh: Doanhnhanplus

Năm 1010, Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long, đã mở ra một thời kỳ phát triển huy hoàng nhất trong lịch sử thời phong kiến. Nhà Trần kế thừa nhà Lý trong một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm vô tiền khoáng hậu mà tránh được những đổ vỡ xã hội. Nhà Trần đã tiếp nhận nền tảng nhà Lý đã xây dựng lên, rồi phát huy văn hóa Đại Việt lên đỉnh cao chói lọi. Có thể nói văn hóa Đại Việt đã tỏa sáng rực rỡ trong thời đại Lý – Trần. Một thời kỳ mà sự thăng hoa huy hoàng của đời sống văn hóa gắn liền với những chiến công bất hủ của dân tộc.

Ngày nay, với những di sản văn hóa lịch sử phi vật thể và vật thể còn sót lại của thời Lý – Trần sau những cuộc bể dâu biến loạn đứt gãy khủng khiếp, chúng ta đã hình dung ra được sức mạnh của đất nước, sự phát triển của xã hội, con người vào thời đại huy hoàng đó. Một thời đại của những võ công oanh liệt: Đánh Tống, bình Chiêm, đặc biệt là chiến công đánh tan ba lần quân Nguyên Mông, đạo binh xâm lược khét tiếng nhất thế giới khi đó. Không những thế, đời sống nhân dân còn no đủ hài hòa thanh bình thịnh vượng, khắp nơi vang tiếng hoan ca. 

Điều gì làm nên sức mạnh quốc gia và cuộc sống đáng mơ ước của nhân dân Đại Việt trong thời Lý – Trần như vậy?

Đó chính là do nền tảng văn hóa. Do các yếu tố lịch sử mang lại, nên trong xã hội nước ta khi đó, triều đình cũng như dân chúng thực hành “tam giáo đồng nguyên”, đây là một nét rất đặc sắc của văn hóa Đại Việt. Ba tôn giáo chủ chốt cho đời sống tinh thần người Việt khi ấy là Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo đều được tôn trọng, cùng chung sống hài hòa và bổ sung cho nhau. Nếu đạo Phật nặng về tu tập cho đời sống kiếp sau, thì Đạo giáo chủ trương cho một đời sống hiện tại “thuận thiên”, còn đạo Nho thiên về dùng đức để trị nước. Xã hội cởi mở, không có tôn giáo nào là độc tôn, phép tắc quốc gia hài hòa không thiên vị. Các kỳ thi tuyển chọn người tài ra làm quan giúp nước đều hỏi về giáo lý của ba tôn giáo đó, gọi là các kỳ thi “Tam giáo”. Thấm nhuần giáo lý tinh hoa nhân bản của các đạo ấy, người đỗ đạt làm quan giúp vua cai trị dân chúng hầu như đạt tầm “chi dân phụ mẫu”. Vua, quan, dân hòa mục. Tất cả đều hài hòa chung sống trong lòng một xã hội thịnh trị. Bởi ba tôn giáo đó được các triều Lý – Trần vận dụng làm rường cột điều hành đất nước nên chúng ta thấy cả một thời gian dài trong lịch sử, bắt đầu từ năm Kỷ Dậu (1009) khi Lý Công Uẩn lên ngôi, cho đến năm Canh Thìn (1400) khi Trần Thiếu Đế, vị vua cuối cùng của nhà Trần, bị xuống ngôi, là một khoảng thời gian dài gần 4 thế kỷ, Đại Việt tự chủ độc lập nên có điều kiện phát triển mọi mặt. Cũng chính vì vậy nền văn hóa thời kỳ này đã phát triển đến đỉnh cao. Thời kỳ này là sự ra đời của nhiều môn nghệ thuật đặc sắc: Dân ca Quan họ, Tuồng tích, hát Chèo… mà ngày nay các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, nó hầu như còn là một sự tiếp biến kế thừa khá nhiều của các nền văn hóa xung quanh như Chăm, Trung Hoa. Tiếp biến, hòa trộn rồi trở nên đặc sắc của người Việt. Đó là cái điều tài tình mà cha ông ta thời đại Lý – Trần đã làm nên. Phải có một tư tưởng cởi mở và bản thể văn hóa mạnh mẽ thì một dân tộc mới tiếp thu được những tinh hoa bên ngoài rồi biến thành của mình như vậy.

Những thành tựu văn hóa kết tinh của thời Lý – Trần ở lĩnh vực văn học viết ngày nay không còn nhiều. Nhưng đọc những bài thơ sót lại của Mãn Giác Thiền Sư, Lý Thường Kiệt (đời Lý); Hịch Tướng Sỹ của Trần Quốc Tuấn, thơ của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu… thời Trần, chúng ta vẫn thấy hừng hực một khí thế hào hùng của người Đại Việt. Có ai là người Việt mà lại không xúc động khi đọc bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà” của Thái úy Lý Thường Kiệt khi người cầm quân đánh giặc trên bờ sông Như Nguyệt:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở 

Rành rành phân định tại sách trời 

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm 

húng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Và ai là người có thể cầm lòng mình trước những rung động đầy cảm khái tinh tế trước con người thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, cùng những triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhất là trong bài thơ “Cư Trần Lạc Đạo”:

“Ở đời vui đạo cứ tùy duyên 

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền 

Trong nhà sẵn báu thôi tìm kiếm  

Trước cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.” 

Rồi ngược dòng lịch sử của những ngôi chùa xưa được xây từ thời đó: Chùa Một Cột, chùa Bút Tháp, chùa Dạm… Và nhất là di tích hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần mới phát lộ gần đây, chúng ta có thể hình dung ra thời đại Lý – Trần, cha ông ta đã xây dựng nên rất nhiều những công trình đền đài mà nếu còn tồn tại đến ngày nay sẽ là tài sản vô giá của quốc gia.

Một nền văn hóa đỉnh cao thời Lý – Trần với thơ ca nhạc họa phát triển, vừa là kết tinh của xã hội, nhưng cũng vừa là nền tảng cho đất nước hùng cường. Đất nước cường thịnh bởi có triều đình vua sáng tôi hiền, đời sống nhân dân sung túc no đủ về vật chất, tốt đẹp về tinh thần. Những điều đó đã làm nên sức mạnh vô song của Đại Việt suốt bốn thế kỷ, một thời đại có thể nói là hòa bình thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt.

Thật tiếc, khi cuộc chuyển giao quyền lực giữa họ Trần và họ Hồ lại diễn ra không được êm thấm như giữa nhà Lý sang nhà Trần. Cuộc chuyển giao quyền lực nhuốm đầy bạo lực sắt máu đã tạo ra một cái cớ cho ngoại bang xâm lược, chấm dứt một thời rực rỡ vàng son của nhà nước Đại Việt. Thời nhà Minh sang xâm chiếm và đô hộ nước ta, dù chỉ kéo dài khoảng 20 năm nhưng đã để lại một hậu quả vô cùng thảm khốc: Nước ta đã phải trải qua một cú đứt gãy văn hóa khủng khiếp khi họ thực hiện chính sách đồng hóa tàn bạo, bắt người tài, đốt sách vở, phá văn bia, chuông chùa, nhằm xóa nhòa ký ức văn hóa của một dân tộc. Nhưng chúng đã không thành công và phải cút về nước sau những thảm bại quân sự. Nhưng về mặt văn hóa, chúng đã kịp hủy hoại vô số kể, mà nhìn vào di sản văn hóa của nước nhà còn đến nay chúng ta càng thấm thía đau đớn làm sao. 

Nhìn lại lịch sử là để rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai. Qua những thành tựu văn hóa rực rỡ của Đại Việt thời Lý – Trần, chúng ta càng thấy việc xây dựng cho nước nhà một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc, là một trong những yếu tố cơ bản làm nên sức mạnh của quốc gia, dân tộc. Một đất nước Việt Nam hùng cường, một dân tộc Việt giàu có về văn hóa, đó chính là điều căn bản để cho sự trường tồn của chúng ta trong một thế giới cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.