Văn hóa mặc Việt Nam – Cơ sở Văn hóa Việt Nam – Tài liệu thuyết trình môn Cơ sở văn hóa Việt Nam Chủ – Studocu
Tài liệu thuyết trình môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Chủ đề:
Mục lục bài viết
VĂN HÓA MẶC VIỆT NAM
Trong đời sống của mỗi con người, sau cái ăn thì đến cái mặc là một trong những nhu cầu quan trọng được quan tâm hàng đầu. Cái mặc giúp chúng ta đối phó được với cái nóng, cái rét và dễ dàng thích ứng, giữ sức khỏe trước những vấn đề của của khí hậu, thời tiết.
Bên cạnh đó, thông qua việc ăn mặc, sẽ cung cấp cho người ta những thông tin về các tầng lớp trong xã hội, trình độ văn hóa, sở thích, tính thẩm mỹ của mỗi người… Vì vậy trong cấu trúc cơ bản của văn hóa tổ chức đời sống vật chất thì mặc là một trong bộ ba (ăn -ở -mặc) biểu hiện sâu sắc đặc trưng văn hóa của chủ thể.
Trang phục là tín hiệu đại diện cho một dân tộc, nên nó cũng luôn cho ảnh hưởng và nhận ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác. Trang phục là một lĩnh vực động, bị chi phối để thích hợp với những điều kiện khí hậu khác nhau của từng mùa, từng quốc gia, khu vực, nó phải thể hiện đồng thời cũng phải thích hợp với thị hiếu của từng giai đoạn lịch sử.
Văn hóa của người Việt Nam, hay nói riêng là văn hóa của dân tộc Kinh đã có nguồn gốc tại miền Bắc Việt Nam, là một trong những nền văn hóa lâu đời trong khu vực Thái Bình Dương. Có thể nói văn hóa mặc Việt Nam là một sự pha trộn đặc biệt giữa nhiều những văn hóa cổ xưa cùng với văn hóa bán xứ của người Việt. Mặc dù vậy, dân tộc Kinh vẫn giữ gìn được nhiều nét văn hóa riêng của mình mà cho đến ngày hôm nay, những phong tục riêng đó vẫn quan trọng vô cùng trong đời sống của người Việt.
_ Đặc trưng văn hóa mặc của người Việt thời kỳ truyền thống:
* Giản dị , tiện lợi
* Màu sắc tối giản.
Trong lĩnh vực trang phục, người Việt học rất nhiều từ văn hóa Trung Quốc nhưng phần tiếp nhận này chủ yếu cho dòng trang phục cung đình, trang phục của vua quan, còn dòng trang phục thường dân thì tuy cũng có những tiếp nhận từ văn hóa Trung Quốc nhưng đặc trưng của trang phục Việt thì vẫn được gìn giữ. Đó chính là sự giản dị, tiện lợi rất riêng của Việt Nam.
Trước năm 1945:
_ Đời sống xã hội trong thời kỳ này có ảnh hưởng không nhỏ đến trang phục của người dân. Nếu như trang phục của tầng lớp thống trị ngày càng bị “pha tạp” theo lối đua đòi cải cách nửa mùa, thì trong xã hội, những phục trang truyền thống như áo dài, áo yếm, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao… đã trở thành hơi thở và là kết tinh văn hóa của cả dân tộc. Trong khi chiếc yếm đào vượt khỏi chốn cung đình để cùng người phụ nữ cần lao “dầm mưa dãi nắng” ngoài đồng ruộng, hay cùng áo tứ thân lượt là trong những buổi hội Lim, thì thời trang phương Tây với những chiếc váy xòe, những chiếc đầm cách tân hiện đại cũng dần du nhập và được phụ nữ quý tộc trẻ ưa chuộng, trong đó Hoàng hậu Nam Phương – vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, là người rất thích mặc trang phục Tây phương và mặc rất đẹp.
Sau Cách mạng tháng 8/1945:
_ Trang phục có nhiều thay đổi do sự Âu hóa nhanh chóng tại khu vực thành thị. Ở miền Bắc, phổ biến nhất là loại áo kaki bốn túi thường được mặc bởi các cán bộ, viên chức, trí thức. Ở miền Nam, ngoài áo bà ba, nhiều người bắt đầu mặc áo sơmi. Riêng tầng lớp trí thức Sài thành ăn mặc hoàn toàn giống phương Tây: đàn ông mặc áo sơmi kết hợp với vest không tay, quần Âu vải, đi giày Tây da bóng, phụ nữ mặc váy hoặc áo dài cách tân. Còn ở miền Tây, áo sơmi trắng, quần Âu có dây đeo qua vai và mũ beret là trang phục điển hình của các công tử nhà giàu.
_Năm 1954 – 1959, phong trào mặc áo, váy đầm cũng song song phát triển. Thời gian đầu vẫn là các kiểu đơn giản như sơ-mi cổ tròn, cổ bẻ, rồi không có ve cổ, cổ khoét sâu hình bầu dục, hình tròn, kiểu cổ ngang, cổ vuông… Áo tay ngắn, tay phồng… may bằng vải trắng, vải màu hay vải hoa.
_Váy, từ kiểu dài quá đầu gối, may phồng và hơi khum phần dưới (gọi là váy chuông) đến những năm 1960 lại may thẳng, xẻ chút ít ở giữa thân sau, hoặc may xếp li, hoặc may bó. Mặc với áo ngắn tay hoặc áo không tay, ngang lưng có dải vải thắt ngoài, bỏ giọt bên cạnh hay ở giữa. Hoặc mặc với áo thẳng, cổ viền, túi viền… một màu hay nối màu.
_Sau năm 1968, chiếc váy mi-ni ra đời, ngắn trên đầu gối, càng ngắn càng hợp thời trang. Loại áo khoét cổ có bớt đi, áo không tay và ngắn tay lại phát triển. Áo dài tay cài khuy “măng xét” cũng được sử dụng. Đặc biệt áo sơ mi may rất dài. Có loại thân trước xẻ làm ba vạt. Quần Âu ống loe 30cm -40cm xuất hiện với nhiều loại thắt lưng da các màu, to bản. Người ta dùng cả thắt lưng bằng kim khí. Và cho đến những năm về sau này, ống loe đã phát triển lên tới 50cm rồi 60cm, hai bên ống quần không nối, gấu quần không vén, không máy mà được đốt thành những hình sóng lượn.
Sau năm 1975:
_ Sau năm 1975, hay đúng hơn là sau công cuộc đổi mới, các quan niệm, tư tưởng dường như cởi mở hơn cùng với quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa. Đây là giai đoạn thời trang Việt Nam phân hóa đa dạng và phát triển với tốc độ chóng mặt.
_ Đa số đàn ông thời kỳ này đều mặc quần Tây, áo sơmi ôm, ve áo và măng sét to bản. Các loại áo thun, áo ba lỗ cũng bắt đầu trở nên phổ biến và phong phú về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, họa tiết… Trong khi đó, trang phục của phụ nữ vẫn giữ được yếu tố truyền thống và gắn liền với đặc điểm vùng miền. Phụ nữ nông thôn miền Bắc vẫn mặc áo cánh nâu cổ tròn hoặc cổ tim, quần đen bằng vải lụa bóng, đầu vấn khăn vuông. Những người phụ nữ hoạt động cách mạng và làm cán bộ lại mặc áo sơmi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn, chất liệu kaki và thường có màu xanh, xám hoặc be hồng. Ở miền Nam, trang phục phổ biến vẫn là áo sơmi, áo thun và các loại váy đối với tiểu thương, trí thức; áo bà ba đối với nông dân.
Qua nhiều năm với các thời kì phát triển lâu dài như vậy, chúng ta có thể đúc kết được các trang phục truyền thống mang nét đẹp riêng của người Việt như sau:
Yếm đào, áo tứ thân:
Mặc dù yếm đào đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng đến thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn, chiếc yếm mới trở thành một trong những loại “quốc phục” được cả dân tộc nâng niu, trân trọng. Chiếc yếm chính là hiện thân đầy quyến rũ, gợi cảm của nét đẹp phụ nữ Việt Nam. Có nhiều loại yếm như yếm cô viên cổ tròn, yếm cổ xẻ hình chữ V, yếm cổ cánh nhạn, yếm cổ xây… Đặc biệt là loại yếm “đeo bùa” là một “vũ khí lợi hại” mang đến nhiều vấn vương cho người đối diện bởi mùi xạ hương thoang thoảng được giấu bên trong yếm. Vào những ngày lễ tết, chiếc yếm màu sắc giản dị nâu non, trắng… được thay bằng các màu sắc rực rỡ, tươi sáng như yếm điều màu đỏ, yếm đào, yếm thắm.
Cùng với chiếc yếm đào là tà áo tứ thân tha thướt và duyên dáng. Chiếc áo tứ thân ra đời do kỹ thuật dệt vải ngày xưa còn thô sơ nên hàng vải dệt ra có khổ hẹp, chừng 40 cm, muốn may thành áo phải ráp bốn mảnh thân lại với nhau. Chiếc áo tứ thân còn gọi là áo Giao Lãnh xưa – tức là loại áo khi mặc hai thân trước giao nhau mà không buộc lại, sau vì phải làm việc đồng áng, buôn bán… nên các mẹ, các chị “cải biên” lại thành áo tứ thân cho tiện lợi.
Có nhiều loại áo tứ thân, nhưng thường người ta hay bắt gặp loại áo tứ thân buông tà hay thắt vạt trên đồng, trên nương hay họp chợ…, còn loại áo mớ ba, mớ bảy thường được chị em ưu ái chọn để làm duyên trong các dịp hội hè, đình đám. Áo tứ thân mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về nhân sinh quan và tình cảm con người, với bốn thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, hai tà trước buộc lại với nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, khắng khít bên nhau. Áo thường được may bằng các chất liệu như vải chúc bâu, diêm bâu, dôi, vải rồng Nam Định, vải the, lụa, nhiễu….
Khăn mỏ quạ, nón quai thao:
Áo dài:
Nhắc đến trang phục truyền thống Việt Nam, chắc chắn phải đề cập đến áo dài, vốn đã trở thành “quốc phục” tượng trưng cho tinh hoa dân tộc. Chiếc áo dài có tuổi đời rất lâu năm, ngay trên mặt trống đồng và hiện vật Đông Sơn người ta đã tìm thấy hình ảnh của chiếc áo dài tha thướt. Đến thế kỷ 19,20, áo dài bắt đầu trở thành thứ trang phục không thể thiếu trong đời sống xã hội Việt, từ các bà hoàng, công chúa trong hoàng cung với các kiểu áo dài được may trang trọng, quý phái bằng chất liệu gấm, thêu chỉ vàng… đến các bà, các cô vận áo dài đến trường, đến công sở, ra chợ, dạo phố. Một thời gian dài trong thế kỷ 19-20, áo dài đã trở thành một loại thường phục được nam phụ lão ấu trên đất Việt yêu chuộng. Trải qua nhiều biến động lịch sử, cùng với sự du nhập của khuynh hướng thời trang phương Tây, áo dài đã có nhiều cải tiến theo từng trào lưu nhất định. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ trào lưu cải cách nào, từ áo dài Le Mur, áo may dạng chít eo hay cổ thuyền theo “mốt” Trần Lệ Xuân đến các loại áo dài vạt dài sát đất như hiện nay, áo dài vẫn chứng tỏ khả năng bất biến mà không phải loại trang phục nào cũng làm được: đó là tôn lên vóc dáng và nét đẹp quyến rũ dịu dàng cho người phụ nữ.
Áo dài khăn đóng:
Đây là loại trang phục thường được sử dụng trong các nghi lễ cưới hỏi trong văn hóa của người Việt Nam ta. Nữ diện áo dài truyền thống theo tông màu đỏ với chiếc khăn đóng có kích cỡ vừa phải đi kèm là các bộ trang sức được 2 bên gia đình trao tặng như là ngọc trai, vàng vòng,… trong khi áo dài nam có tà ngắn hơn được trang trí bằng các họa tiết đơn tạo sự trang nhã và thanh lịch.
Tang phục:
Tục lệ xưa sau khi chết 4 ngày thì con cháu mới mặc đồ tang gọi là lễ thành phục. Tang phục được quy định như sau:
Con trai: đội mũ rơm quấn bẹ chuối, áo sô gai, cầm gậy (cha mất thì gậy tre, mẹ mất thì gậy vông vì thân tre tròn biểu tượng dương (cha); cành gỗ vông đẽo được thành hình vuông, biểu tượng âm (mẹ)).
Con dâu, con gái: áo sô gai, thắt lưng bện bằng bẹ chuối, áo xổ gấu hoặc không (tùy theo cha còn hay mẹ còn, con gái còn ở nhà hay đã xuất giá), đầu chít khăn tang.
Cháu nội: đội mũ mấn, khăn trắng, mặc áo thụng trắng,
Con rể, anh em trai: mặc áo thụng trắng.
Chị em gái: quấn vặn khăn trắng với tóc.
Trang phục Việt Nam thời hiện đại:
Khái niệm trang phục hiện đại ở Việt Nam chỉ được đặt ra khoảng những năm đầu của thế kỷ 20. Khi đó, xã hội Việt Nam đang ở trong giai đoạn nửa thuộc địa, nửa phong kiến với nhiều biến chuyển sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong giai đoạn này, nhiều bộ âu phục được du nhập cho phù hợp với lối sống ở đô thị, cùng với đó là một số bộ trang phục truyền thống cũng được cách tân. Tiêu biểu nhất cho xu hướng này là bộ quần áo dài tân thời trong những giai đoạn thập niên 30, 40 của thế kỷ 20. Đó là hình thức trang phục nữ được cải tiến từ áo truyền thống như áo tứ thân, ngũ thân với sự thay đổi hai vạt trước, sau mặc với quần sa tanh và đi giày cao gót. Cùng với đó là áo cổ tròn, quần âu cũng đã bắt đầu xuất hiện.
Trang phục trong lao động sản xuất:
Áo dài không hợp với phụ nữ Việt Nam đời sống mới. Lúc này, trang phục trong lao động của người phụ nữ dần thay bằng áo cánh nâu, theo hướng thân áo may sát eo hơn, vạt áo lượn vòng, cổ tròn, trong mặc áo lót không tay, quần phin đen nhưng vẫn vấn, chít khăn vuông mỏ quạ. Kiểu trang phục này gọn gàng, khỏe khoắn, thuận tiện trong lao động sản xuất theo phương thức mới và phù hợp với bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.
Trang phục trong môi trường công sở:
Trang phục của người phụ nữ làm việc trong các cơ quan Nhà nước thường mặc những áo sơ mi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn với chất liệu kaki màu xanh, xám hoặc be hồng. Những chiếc nón quai thao, guốc hay vấn tóc được thay bằng cặp tóc, buộc khăn trên đầu, đi giày vải hay dép cao su đen…
Thường phục sinh hoạt:
Thường phục trong sinh hoạt của người phụ nữ thời kỳ này còn có váy, áo dài cách tân cùng với áo cánh nâu, áo bà ba, áo sơ mi chiết li với nhiều kiểu cổ như hình quả tim, cổ thìa, cổ vuông; vai áo cũng có nhiều kiểu dáng như vai bồng, vai liền, vai tra, vai chéo… Ngoài ra còn có kiểu áo mở tà hay áo cánh bướm, cánh dơi.
Trang phục theo xu hướng thời trang, dạ tiệc, sự kiện:
Phải đến những năm cuối thế kỷ 20, trang phục của người phụ nữ chú ý đến vóc dáng của mỗi cá nhân theo hướng tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh xã hội đã và đang mở cửa trên nhiều phương diện, cả về kinh tế lẫn văn hóa nghệ thuật. Những chiếc váy hiện đại đã bắt đầu xuất hiện nhiều trên đường phố và người phụ nữ lựa chọn trang phục theo quan điểm của cá nhân.
Những thập niên sau đó, thiết kế trang phục nữ hướng dần đến việc giải phóng cơ thể khỏi những bộ đồ rộng thùng thình và xuất hiện ngày càng nhiều váy hạ eo với phần dưới hơi xòe hoặc dáng suông, điểm xuyết bởi tua rua hoặc ren ngang đầu gối; quần dài hay những bộ trang phục được thiết kế chiết eo, vai tròn, dài tầm trung.
Trang phục nam giới cũng được phát triển qua sự cách tân của những chiếc áo sơmi, quần tây hoặc đôi khi là những bộ vest ở những sự kiện sang trọng càng làm tăng thêm tính quý phái và thanh lịch cho các quý ông.
Trang phục hướng đến sự trẻ trung, năng động dành cho giới trẻ:
Thời trang dành cho các bạn trẻ Việt Nam trong xã hội hiện đại cũng được quan tâm và phát triển mạnh mẽ do ảnh hưởng từ Châu Âu và các nước châu Á đang phát triển trong ngành công nghiệp thời trang.
Mặc dù Việt Nam là đất nước có chiều dài lịch sử song ngành thời trang Việt Nam lại chỉ mới bắt đầu hơn chục năm nay. Khái niệm về nhà thiết kế, nhà tạo mốt, stylist (người tạo dựng hình ảnh, thời trang)..đều là những khái niệm mới mẻ với người Việt Nam. Vậy nhưng trong hơn chục năm qua, ngành thời trang Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc và tạo được ấn tượng đối với thế giới. Phong cách ăn mặc của người Việt cũng ngày càng hiện đại bắt kịp với xu thế thời trang thế giới nhưng lại biết điều tiết để phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Chính những điều này càng làm cho thời trang Việt Nam có nét riêng biệt và có nhiều cơ hội phát triển, hội nhập với thế giới và được công nhận là đất nước có trang phục và vẻ đẹp riêng gắn liền với nền văn hóa dân tộc. Là những con người hiện đại ở thế hệ mới, mặc dù có đi theo thời đại ngày càng phát triển, nhưng chúng ta vẫn không quên nguồn gốc, vẫn liên tục duy trì và phát triển nền văn hóa mặc riêng biệt của dân tộc Việt Nam và thật đáng tự hào vì chúng ta được thừa kế nét văn hóa độc đáo ấy.
Các thành viên trong nhóm:
STT
HỌ VÀ TÊN
1
Huỳnh Thị Trúc Mai
197QC27254
2
Nguyễn Trần Thùy Dương
197QC03020
3
Trần Anh Tú
197QC04038
4
Phan Thị Mỹ Linh
197QC27221
5
Nguyễn Vĩnh Thịnh
197QC17264
6
Tạ Ngọc Vân Khánh
7
Trần Thị Thu Vân
197QC13418