Văn hóa nâng tầm du lịch Việt
Diễn đàn du lịch toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 14-4 tại Hà Nội.
Sản phẩm quan trọng hàng đầu
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết tại hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15-3, nhiều vấn đề quan trọng, mang tính định hướng của toàn ngành đã được đưa ra bàn luận, đánh giá, nhìn nhận. Trong đó có vấn đề phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam gắn với khai thác hiệu quả, bền vững các giá trị văn hóa, truyền thống, hiện đại của dân tộc.
“Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, cũng như chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” – ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Giải đua ghe truyền thống TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Ảnh: LÊ ĐÌNH HOÀNG
Vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20%-25% trong tổng số khoảng 130 tỉ USD tổng thu từ khách du lịch.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, sự liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc, xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa của mỗi quốc gia.
Vai trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn vì du lịch văn hóa đã tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch.
Mỏ vàng cho phát triển du lịch văn hóa
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nói Việt Nam có rất nhiều tài nguyên du lịch quý giá, trong đó có 4 tài nguyên lớn nhất, độc đáo nhất là văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, con người. Chúng ta có mỏ vàng di sản quý giá cho phát triển du lịch di sản văn hóa, trải nghiệm giá trị, độc đáo, giàu cảm xúc và đáng nhớ.
Du lịch di sản cũng là một phần của du lịch văn hóa, là du lịch để trải nghiệm điểm đến, được tham gia các hoạt động cùng người dân bản địa, tiếp cận một cách chân thực nhất những câu chuyện của lịch sử, trong đó bao gồm cả yếu tố văn hóa, chiêm ngưỡng những tuyệt tác của thiên nhiên.
“Tôi muốn đưa những yếu tố văn hóa vào các hoạt động và sản phẩm du lịch của mình với mong muốn du khách có thể chạm được vào văn hóa Việt Nam một cách tinh tế, sâu sắc, làm cho trải nghiệm của họ đáng nhớ hơn tại Việt Nam và đặc biệt là phát triển du lịch di sản một cách bền vững” – ông Phạm Hà nói.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch là hướng đi quan trọng của du lịch Việt Nam thời gian tới, trong việc khai thác những giá trị cốt lõi tốt đẹp đã được hun đúc hơn 4.000 năm lịch sử, để làm sao du lịch có thể phát triển bền vững hơn.
“Kinh nghiệm của thế giới đã chỉ ra rằng việc tuyên truyền qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật là một trong những phương tiện và con đường nhanh nhất, hiệu quả và thú vị nhất để tiếp cận khán giả, du khách. Vì vậy, chúng ta nên có những chương trình biểu diễn nghệ thuật đề cao các giá trị văn hóa cũng như chắt lọc được câu chuyện hay chưa khai thác từ kho tàng dân gian Việt Nam. Chúng tôi rất muốn đưa thêm văn hóa vào du lịch để nhân dân có thể hiểu thêm, hiểu sâu, hiểu kỹ những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc làm này mang tính giáo dục một cách mềm mại, rất thu hút cũng như thích hợp cho tất cả các tầng lớp nhân dân” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Nói thêm về chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa, ông Tạ Quang Đông cho rằng mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng và phát triển những loại hình du lịch riêng có. Tính đặc thù trong ngành nghề du lịch là rất lớn, không phải chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng đều tập trung vào tính đặc thù địa phương, của mỗi mô hình du lịch khác nhau. Trên cơ sở đó, mỗi địa phương ngoài việc được trung ương đầu tư phát triển du lịch thì nên nghiên cứu về thế mạnh của mình để tạo ra những sản phẩm đặc thù, từ đó giúp tạo ra các chính sách mới trong khuôn khổ pháp luật cho phép nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.
Việt Nam có những sản phẩm du lịch kết hợp văn hóa
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình dẫn số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cho thấy trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% – cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Để thu hút khách du lịch văn hóa, một số quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp (sô biểu diễn thực cảnh) kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương. Việt Nam đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, hành trình di sản miền Trung, các lễ hội như Festival nghệ thuật Huế, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội Ẩm thực đất phương Nam…