Văn hóa người Hà Nội: Kết tinh, hội tụ, lan tỏa

Dù sống hoàn cảnh nào, người Hà Nội vẫn luôn giữ được văn hóa ứng xử hào hoa, thanh lịch. Hồn của Hà Nội không phải chỉ ở những con phố tấp nập, danh lam thắng cảnh đẹp, các tòa nhà chọc trời mà còn ở chính con người sinh sống ở nơi đây. Hơn 1.000 năm trôi qua, người dân Hà Nội đã làm nên một Tràng An với nét văn hóa riêng.

Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng trong một bài viết có tên “30 năm nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nội” đã rút ra tính cách của người Hà Nội gồm: Thanh lịch, tế nhị và nhân ái. Những nhận xét trên cho thấy, người Hà Nội có rất nhiều tính cách khác nhau, được đúc kết thông qua cách ứng xử hàng ngày.

Tình người Tràng An

Quay ngược thời gian những năm trước đây, khoảng thế kỷ XIX, người Hà Nội thường xuyên để một ấm chè tươi, gáo, bát trước cửa nhà để người nghèo, khát nước uống miễn phí. Xưa, ở Thăng Long, người dân ở nơi khác đến cũng truyền tai câu nói: “Đông Thành là mẹ là cha/Đói cơm rách áo thì ra Đông Thành”.

Chợ Đông Thành xưa nằm ở phía Đông Hà Nội, tương ứng với một số tuyến phố hiện nay của Hà Nội như Hàng Đường, Hàng Mã… Người xưa truyền tai nhau như vậy vì người buôn bán, sinh sống ở chợ Đông Thành rất thương người. Ai nghèo khó, ăn xin ra Đông Thành có thể được cho bữa ăn hay 5 xu, 1 hào để cầm cự với cuộc sống nghèo đói.

Không chỉ giúp đỡ người nghèo, người Hà Nội xưa còn thường xuyên làm từ thiện. Nét đẹp trong văn hóa ứng xử này trở thành biểu tượng của người dân kinh thành Thăng Long. Sử sách còn ghi, vào thời vua Tự Đức, có một người phụ nữ ở Hà Nội thường giúp đỡ người nghèo, thiếu thốn. Đó là bà Lê Thị Mai – một người phụ nữ thuộc hàng khá giả ở Hà Nội. Bà góa chồng từ trẻ nhưng bà không đi bước nữa. Bà đã dùng tiền của mình để nuôi những sinh đồ lên kinh thành đi thi.

Không những vậy, bà Mai còn làm nhiều quán sinh đồ ở Hàng Đậu, Hàng Giấy gần trường Đại Tập của ông Nghè Lê Đình Diên. Bà đã gửi sinh đồ vào trường để học. Học trò nghèo không có tiền thuê nhà, bà Mai cho ở trọ miễn phí và mua bút, mua giấy để cho sinh đồ học hành, đi thi.

Năm 1983, Pháp chiếm thành Hà Nội, Bắc Kỳ lụt lội, dân đói kém, kho lương của triều đình cũng không đủ. Bà Mai đã đi khắp thành Thăng Long để vận động gia đình khá giả ở ủng hộ giúp dân qua nạn đói, vì thế bà được nhiều người yêu quý. Khi bà mất, người dân Hà Nội đã lập miếu thờ bà ngay cạnh mộ. Việc tốt của bà đã đến tai vua Tự Đức, ông đã sắc phong cho bà danh “Tiết phụ Từ”.

Nói đến việc làm từ thiện của người dân Thăng Long xưa cũng không thể không nói đến bà Cả Mọc. Bà tên thật là Hoàng Thị Uyên (người làng Kim Lũ, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bà Cả Mọc chồng mất sớm, không có con. Cha chồng cũng qua đời nên bà ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng từ năm 20 tuổi. Nhà không có ruộng nên bà cùng nhiều người đi bán hàng thuê ở phố Hàng Đào.

Khi mẹ chồng vào chùa, bà Cả Mọc vay vốn bạn bè, người thân để mở một cửa hàng bán vải ở Hàng Đào, lấy tên là Nghĩa Lợi. Nhờ buôn bán thật thà, sẵn sàng cho mua chịu nên cửa hàng của bà luôn đông khách, được mọi người yêu quý.

Năm 1923, Nam Định, Thái Bình vỡ đê, dân đói la liệt. Bà đã lấy tiền đi ủng hộ. Hết tiền, bà lại đi vay tiền để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Sau này, bà thấy nhiều người làm thuê trên phố vì bận mưu sinh nên không chăm nom con, để chúng lang thang trên phố. Bà đã vận động chị em buôn bán gom lũ trẻ lại, cho ăn trưa để bố mẹ chúng yên tâm kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Khi nhận thấy, không chỉ trẻ em ở các phố Hàng Ngang, Hàng Đào… mà rất nhiều nơi khác cần chăm sóc, bà Cả Mọc đã lập nhà Tế Sinh (hay gọi là viện tế bần). Trên cổng ra vào, bà cho ghi “Ấu nhân chi ấu – Yêu con mình, yêu cả con người”. Vua Bảo Đại nghe tin, từ Huế đã ra thăm Tế Sinh. Trở về, Bảo Đại ban cho bà bảng vàng nhưng bà từ chối không nhận.

Về sau, bà Cả Mọc còn xây một dãy nhà ở Sóc Sơn để đón các lão ông, lão bà không nơi nương tựa về ở và trong mấy năm. Tháng 3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời bà lên Bắc Bộ phủ dùng trà và khen ngợi những việc mà bà đã làm khi dân ta còn nhiều người nghèo khổ.

Cảm kích trước những lời khen ngợi, bà thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những việc làm đó không có gì to tát so với nhiều người Hà Nội lúc đó đóng góp cho hàng trăm lượng vàng cứu đói. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà đưa các cháu lên ấp này và mất ở đó năm 1947.

Nét tinh tế trong ứng xử 

Trong một lần đi thăm Bắc Hà, vua Tự Đức có nói với các quan rằng: “Xưa nay người Thăng Long có tính “kiêu bạc, xa xỉ và phóng đãng”. Lời nhận xét (thực ra là than vãn) của vua Tự Đức về tính cách của người Hà Nội xưa phần nào cũng cho thấy lối sống, văn hóa ứng xử của họ.

Lời nhận xét “kiêu bạc” của người Hà Nội xưa xuất phát từ việc họ nể phục người tài giỏi, coi thường những kẻ kém cỏi nhưng hay lên giọng. Người Hà Nội có thể coi thường vật chất nhưng lại trọng danh dự và liêm sỉ.

Từ trong gia đình ra ngoài xã hội, đến hội hè, người Hà Nội bao giờ cũng để ý những cái nhỏ. Ví dụ như ngồi ăn cỗ, thấy người răng kém, răng gãy, người Hà Nội không bao giờ gắp thịt có xương, bao giờ cũng gắp miếng mềm nhất. Còn trong lời nói, người Hà Nội khi hỏi thăm sức khỏe của người cao tuổi không hỏi “có khỏe không” mà thường nói “cụ, ông hoặc bà ăn được mấy bát cơm”.

Khi hỏi về công việc, người Hà Nội xưa cũng không bao giờ đặt câu hỏi: “Anh/chị làm gì?” mà hỏi “công việc của bác thế nào”. Tóm lại, người Hà Nội không bao giờ hỏi trực tiếp vấn đề, mà thường nói tránh để dễ trả lời, tránh để người trả lời cảm thấy phiền hà.

Bên cạnh đó, người Hà Nội, nhất là phụ nữ khi đi ra chỗ đông người không bao giờ nói to, có nói cũng ghé vào tai thì thầm. Phụ nữ đi hội đi hè bên trong có thể áo mớ 3, mớ 7 nhưng bên ngoài luôn khoác một chiếc áo rất nền nã. Đàn ông Thăng Long xưa cũng thế, họ uống rượu bằng chén nhỏ để cho câu chuyện thêm nồng chứ không say.

Thế nhưng, người Hà Nội lại có thú chơi rất xa xỉ, thể hiện ở sở thích chơi những gì hiếu thượng – chạy theo mốt. Từ xưa, người Thăng Long đã đặt mua bộ ấm chén, ấm pha trà của người Trung Hoa, đặt mua giày dép từ Malaysia để về sử dụng. Qua đó cho thấy, người Hà Nội có tính hào phóng trong tiêu dùng, không phải người kẹt xỉn, “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

Cùng với việc chạy theo mốt, người Hà Nội xưa còn rất yêu thiên nhiên, đặc biệt là hoa. Thời Lê, hầu như gia đình nào ở Thăng Long cũng trồng hoa, trồng cây ở trong nhà. Ngoài chuyện để chơi, thưởng thức, di dưỡng tinh thần thì chơi hoa, trồng hoa là cái rất yêu thiên nhiên của người Hà Nội.

Trong cuốn sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ có viết: Vì người Thăng Long quá yêu cây, thiên nhiên đã tạo ra cây hoa đẹp nên mới nảy sinh ra chuyện ăn cắp hoa. Cũng có trường hợp, quan lại thời đó ỷ có quyền chức đã sai quân đi chấm xem cây hoa nào đẹp để trộm về nhà riêng của mình.

Tiếp thu văn hóa ứng xử

Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa ứng xử của người Hà Nội chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: Phật giáo, Nho giáo và văn hóa phương Tây. Từ thời Lý đến thời Trần, Phật giáo được xem là Quốc đạo của Việt Nam. Vì vậy, tinh thần đạo Phật ngấm sâu vào người Việt Nam nói chung và Thăng Long. Do đó, nét ứng xử nhân hậu, bác ái, từ bi của người Hà Nội chịu tác động nhiều bởi Phật giáo.

Sang thời Lê, Nho giáo phát triển. Ở Thăng Long lại có nhiều tri thức Nho học nên “Gần lửa rát mặt” – người dân Hà Nội bị ảnh hưởng bởi Nho học rất lớn trong ứng xử, lời ăn tiếng nói và trong ăn mặc. Vì thế, người Hà Nội có lối ứng xử rất nền nếp, khiêm cung… có trên có dưới, khiêm tốn, luôn tôn trọng người khác.

Gần hơn, khi quân đội Pháp chiếm Hà Nội năm 1882, xã hội Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có sự thay đổi. Khi ấy, Hà Nội chịu tác động nhiều bởi văn hóa, văn minh Pháp, trẻ em phải đi học ở các trường do Pháp mở. Suốt thời gian Pháp thuộc, ngoài những nét văn hóa, văn minh bị cưỡng bức, người dân Thăng Long chọn được những cái hay, đẹp của văn minh phương Tây, đưa nó vào cuộc sống hàng ngày.

Qua đó, văn hóa ứng xử của người Hà Nội vừa giữ được những truyền thống lại tiếp thu được cái tốt đẹp của văn minh phương Tây và tạo ra lối ứng xử vừa xưa vừa nay. Đơn cử, người Hà Nội xưa học cách bắt tay, nói cảm ơn của Pháp.

Cuối thế kỷ XIX đầu XX, người Hà Nội đã tiếp thu văn minh phương Tây và kiến thức về lịch sử, hội họa, văn hóa làm phong phú thêm kiến thức, văn hóa. Từ đó trong ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội cũng trở nên thanh lịch, sâu sắc hơn.

Qua đó cho thấy, người Hà Nội đã chắt chiu những tinh hoa văn hóa của ngàn năm văn hiến. Trong đó, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đặc biệt mềm mỏng, quan tâm đến những người xung quanh. Và nét văn hóa ứng xử của người Hà Nội được xây dựng, nuôi dưỡng trên một nền móng những nghi thức rất phong phú.

“Phụ nữ Thăng Long xưa, ra ngoài tháo vát buôn bán nuôi con, về nhà bao giờ cũng tôn trọng chồng. Họ coi chồng như chỗ dựa tinh thần cho gia đình. Phụ nữ Hà Nội xưa không bao giờ to tiếng với chồng, ngoài việc buôn bán, tay hòm chìa khóa còn đảm đang, giỏi nội trợ.” – Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến – Tác giả những cuốn sách “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”.

“Hà Nội đã thay đổi nhiều không chỉ đường sá mà thay đổi ngay cả trong tinh thần. Đời sống văn hóa, tinh thần của người Hà Nội ngày càng cao. 65 năm qua, văn hóa của Hà Nội đạt nhiều thành tựu mà thế giới nghiêng mình. Do vậy, người Hà Nội phải biết trân trọng, nâng niu những điều tốt đẹp đó.” – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức