Văn hóa óc eo – Rực rỡ một nền văn minh cổ ở Việt Nam – Heritage Vietnam Airlines

Do lợi thế của vị trí địa lý nằm sát con đường giao thương quốc tế trên biển, có hệ thống sông ngòi dày đặc cùng với việc kiến tạo hệ thống kênh rạch chằng chịt, cư dân Óc Eo đã đưa nền kinh tế thương mại, đặc biệt là ngoại thương phát triển cực thịnh. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho thấy khu di tích Óc Eo (An Giang) từng là một cảng thị quan trọng và nổi tiếng trên hải trình thương mại thời cổ đại. Minh chứng khẳng định là hàng loạt di vật hàm chứa những thành tố của các nền văn minh Ấn Độ, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa đã được tìm thấy ở đây. Không kể đến những sản phẩm được chế tác tại chỗ theo kĩ thuật, loại hình, kiểu dáng, phong cách truyền thống văn hóa bên ngoài thì những phát hiện rõ ràng nhất đến nay là 2 huy chương bằng vàng có nguồn gốc La Mã đúc nổi hình và tên Hoàng đế Antoninus Pius (138 – 161 CN) và Marcus Aurelius (161 – 180 CN), một chiếc đèn đồng thau Ba Tư, gương đồng thời Đông Hán, tượng Phật bằng đồng thời Bắc Ngụy, những cổ vật bằng vàng thủy tinh, thạch anh, mã não có khắc hệ chữ Mã Lai, La tinh, Brahmi/Sanskrit hoặc hình các vị thần, các linh vật có nguồn gốc La Mã, Ấn Độ giáo… Người Óc Eo sử dụng nhiều loại tiền khác nhau để trao đổi, buôn bán. Xuất hiện nhiều nhất là loại tiền Mặt trời mọc – Đền Srivatsa, ở cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, chứng tỏ nó được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất trong các khu vực này. Loại tiền này, một mặt đúc nổi hình mặt trời mọc lên từ biển, mỗi một mệnh giá khác nhau có số lượng tia sáng khác nhau. Mặt còn lại, ở trung tâm đúc nổi hình ngôi đền Srivatsa, biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng và may mắn. Rất nhiều đồng tiền Srivatsa được cắt tư hay cắt tám… chứng tỏ vị trí vai trò quan trọng của thương cảng Óc Eo xưa, bởi vì họ đã phải dùng đến những đơn vị tiền tệ rất nhỏ trong việc trao đổi buôn bán.

Xổ số miền Bắc