Văn hóa quản lý

Pd2AHwPr.jpgPhóng toCải cách hành chính: tăng thêm thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dânTTCT – Văn hóa quản lý nói ở đây là văn hóa của các cơ quan công quyền, là nói đến tư duy, quan niệm, cách ứng xử, phong cách sinh hoạt… của bộ máy hành chính nhà nước và của công chức trong quan hệ với dân và doanh nghiệp, với ý nghĩa của một bộ máy hành chính thật sự “của dân, do dân và vì dân”.

TTCT – Văn hóa quản lý nói ở đây là văn hóa của các cơ quan công quyền, là nói đến tư duy, quan niệm, cách ứng xử, phong cách sinh hoạt… của bộ máy hành chính nhà nước và của công chức trong quan hệ với dân và doanh nghiệp, với ý nghĩa của một bộ máy hành chính thật sự “của dân, do dân và vì dân”.

Trong nhiều vấn đề của nền hành chính nhà nước, có những vấn đề về thể chế cần được hoàn chỉnh, tình trạng chồng chéo, nhiều tầng nấc của bộ máy cần được sắp xếp lại, song điều mà doanh nhân kêu ca, phàn nàn chính là thái độ ứng xử của đội ngũ nhân viên, công chức các cơ quan công quyền. Trong số họ, không ít người chưa đủ nhận thức về chức năng phục vụ của Nhà nước, chưa nhận rõ nhân dân đã đóng thuế để nuôi mình và mình phải phục vụ. Chính do nhận thức ấy, có những công chức vẫn tự cho mình là cấp trên, người có quyền ban ơn và coi doanh nhân là kẻ dưới, chịu sự ban ơn của họ.

Từ thể chế quản lý cho đến các công việc cụ thể như kế hoạch, qui hoạch phát triển, xây dựng công trình, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư… đều phải quan tâm đến các điều kiện sinh sống của dân cư, bảo đảm cho mỗi con người cụ thể, già trẻ, gái trai, đều được đáp ứng các nhu cầu cụ thể để phát triển…

Từ thực tiễn nước ta, có thể sơ bộ nêu lên những yêu cầu chủ yếu của văn hóa quản lý trong thời kỳ mới như sau:

Từ thực tiễn nước ta, có thể sơ bộ nêu lên những yêu cầu chủ yếu của văn hóa quản lý trong thời kỳ mới như sau:

a) Trước hết, văn hóa quản lý là sự tự nguyện làm người phục vụ trung thành của nhân dân, chuyển bộ máy hành chính từ chỗ “cai trị” sang “phục vụ dân” là chính. Chính quyền không có nhiệm vụ tự thân, mà được tổ chức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước được nhân dân giao cho. Chính vì vậy, chính quyền phải tạo thuận lợi nhất cho dân và doanh nghiệp trong đời sống và kinh doanh, bảo đảm “công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”; cán bộ, công chức phải lấy việc tận tâm, tận lực phục vụ dân và doanh nghiệp là mục tiêu cao nhất, là niềm vui và lẽ sống của mình.

b) Mọi việc làm của bộ máy đều phải nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất, coi con người là mục tiêu tối thượng của toàn bộ công cuộc phát triển, thật sự coi sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước là của dân, do dân và vì dân.

Cơ quan công quyền không được phân biệt đối xử, kỳ thị với kinh tế tư nhân. Một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thực hiện, sẽ là một biểu hiện sinh động của tư tưởng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và cũng là yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Doanh nhân đã trở thành một tầng lớp xã hội mới, đóng góp ngày càng lớn cho sự chấn hưng đất nước và ngày nay đã là lực lượng chủ thể trong hội nhập; công chức cơ quan công quyền phải tôn trọng, học hỏi, giúp doanh nhân nâng cao trình độ, khả năng kinh doanh, vươn ra thị trường thế giới.

c) Minh bạch hóa, công khai hóa các thể chế, chính sách là một yêu cầu rất quan trọng của văn hóa quản lý, không những nhằm bảo đảm quyền được thông tin của dân mà còn nhằm tôn trọng phản biện xã hội một cách thiết thực, để phát huy trí tuệ của dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư của dân, góp phần hoàn chỉnh thể chế quản lý, chống quan liêu, tham nhũng. Những vấn đề thuộc về bí mật nhà nước cần được qui định chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất, khắc phục tình trạng vin vào giữ bí mật, tránh mất ổn định mà bao che cho những hành vi xâm phạm lợi ích của cộng đồng, xã hội.

Việc thường xuyên thông tin cho dân và doanh nghiệp về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, cung cấp cho họ các qui định mới trong quản lý, trả lời các chất vấn, kiến nghị của doanh nghiệp phải được coi là trách nhiệm của cơ quan công quyền. Trước mắt, thiết thực nhất là những thông tin về sử dụng ngân sách nhà nước, chủ yếu trong việc đầu tư vào các công trình sử dụng ngân sách trung ương và của mỗi địa phương, tạo thuận lợi cho việc giám sát của nhân dân đạt được hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát công quĩ.

Các cuộc phản biện xã hội đối với các chính sách quản lý cần được tổ chức có thực chất hơn, qua đó cơ quan công quyền nên lắng nghe những ý kiến tâm huyết, xây dựng của dân và doanh nghiệp dù có những ý kiến trái tai.

Việc đối thoại giữa các cơ quan chức năng với doanh nhân cần được tổ chức thường xuyên, có hiệu quả, khắc phục tình trạng tổ chức các cuộc đối thoại một cách hình thức, chiếu lệ.

d) Văn hóa quản lý phải được thể hiện trong cách làm việc hằng ngày của mỗi cán bộ, công chức thuộc mọi ngành, mọi cấp từ trung ương đến cơ sở; không chỉ trên lời nói, trong diễn văn tại các hội nghị, cũng không chỉ trong các văn kiện, các văn bản qui phạm pháp luật, các thông tư, chỉ thị.

Thái độ ứng xử có văn hóa đòi hỏi cán bộ, công chức xác lập cho mình tư duy “doanh nhân là khách hàng của mình”, coi việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân là trách nhiệm của mình, giải quyết đến cùng từng vụ việc, không đùn đẩy, né tránh, khắc phục tình trạng vụ việc, kiến nghị của doanh nghiệp bị kéo dài hết năm này qua năm khác, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết, gây tốn kém, mất thời cơ của doanh nghiệp.

đ) Văn hóa quản lý phải được cụ thể hóa thành những qui chế cơ quan, nội qui công sở, trong đó có những qui định cụ thể và thủ tục cần thiết về từng loại công việc và của mỗi công chức trong các hoạt động liên quan đến dân và doanh nghiệp, thực hiện đúng nguyên tắc “công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.