Văn hóa sông nước Cà Mau trong phát triển du lịch – TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TỈNH CÀ MAU
Cà Mau có hệ thống
sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với mật độ 1,34 km/km2, tổng chiều
dài hơn 7000 km chiếm 1/3 chiều dài đường thủy ĐBSCL. Hệ thống sông Cà Mau vô
cùng rộng lớn với các sông lớn như Cửa Lớn, Bảy Háp, Ông Đốc, Đồng Cùng, Tam
Giang, Bồ Đề, Bạch Ngưu, Trèm Trẹm… tạo thành
các cửa sông lớn và hàng trăm hệ thống sông, kênh, rạch nhỏ khác.
Mênh mông sông nước Cà Mau
Chính vì thế mà dòng sông, con nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống và hình thành nên các giá trị văn hóa sông nước đặc sắc của người dân Cà Mau.
Họp
chợ trên các ngã sông: Ngã sông là nơi giao nhau giữa các
dòng nước, tàu ghe xuôi ngược thường phải đi qua. Thế nên, người ta thường họp
chợ tại các ngã sông để tiện bề mua bán, trao đổi hàng hóa. Thông thường là các tiểu thương tại đây bày
bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống bên cạnh việc mọc lên các
hàng quán phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách đường xa.
Tín ngưỡng sông nước của người dân Cà Mau: Cà Mau có nhiều tín ngưỡng văn hóa sông nước. Mỗi tín ngưỡng đều thể hiện rõ nét niềm tin về một cuộc sống an lành, sung túc và hạnh phúc. Một số tín ngưỡng nổi bật như: Tín ngưỡng thờ Cá Ông: hàng năm tổ chức lễ lớn vào ngày 14, 15,16 tháng 2 âm lịch ở các cửa biển như Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh); thờ Bà Cậu (Thủy Long Thần nữ ( đồng hóa từ Bà Thiên Y Ana) và Cậu Tài, Cậu Quý con trai của bà) – những vị thần phúc tinh cho những người dân có cuộc sống gắn liền với sông nước; thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu – Người được xem là người mẹ của biển cả hay cứu giúp người đi biển gặp nạn và đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Hàng năm vào ngày 23, 24, 25 tháng 3 lễ hội vía bà diễn ra tại Chùa Bà Thiên Hậu trên địa bàn Thành phố Cà Mau và Huyện Cái Nước; thờ Bà Chúa Xứ (Tín ngưỡng thờ Mẹ nổi bật nhất của Đồng bằng sông Cửu Long) tại các ngôi miếu nhỏ ven sông; thờ Bà Chúa Hòn trên đảo Hòn Chuối cũng thể hiện rõ nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của cư dân vùng sông nước trong những buổi đầu khai hoang mở đất cho đến ngày nay.
Cảnh sắc yên bình của miền quê sông nước Cà Mau
Bên cạnh một số tín ngưỡng nổi trội như trên
người dân Cà Mau còn có một số tập tục, kiêng kỵ: Cúng, rửa tàu trước khi ra
khơi; vẽ mắt cho tàu, ghe; kỵ nói những điều không may rớt, rơi, lật, …; ăn cá không
được lật con cá lại; dao bị rớt xuống sông phải mò lên nếu không thì sẽ không
may mắn…
Trước kia, trong đời sống sinh hoạt
của người dân Cà Mau mọi yếu tố đều gắn liền với con nước. Lúc dựng nhà, họ thường
chọn đối diện với dòng sông để tiện bề mua bán, săn bắt cá tôm, trồng trọt,…
Sau đó, sản sinh ra nhiều hình thức lao động trên sông như đóng đáy, ghe cào,
chày lưới, cất vó, đặt lợp, giăng câu, dựng chà, đăng,… Thông thường, người Cà
Mau sử dụng các phương tiện đi lại như xuồng ba lá để lưu thông theo những con
kênh, rạch nhỏ; võ lãi ra sông lớn để tránh sóng xô; buôn bán thì chủ yếu là
ghe. Các phương tiện đều là một phần quan trọng không thể thiếu của người dân
Cà Mau trước sự mênh mông của sông nước.
Mênh mông cửa biển Sông Ông Đốc
Ngoài ra, những chiếc cầu khỉ cũng là
phương tiện đi lại để nối liền hai bờ sông hoặc con kênh. “Mắm trước, đước sau,
tràm theo gót, sau hàng dừa nước, mái nhà ai”. Từ thuở khai hoang mở đất, người Cà mau đã gắn bó với những loài cây nói
trên. Nên cây cầu có thể làm bằng cây đước, cây tràm, hoặc cây dừa. Tuy
không thực sự kiên cố nhưng đã trở thành điểm tựa cho khách bộ hành khi đi qua
một khoảng sông vắng đò.
Dòng sông còn được ví như dòng đời
của những phận người trôi nổi không đất đai, sống nương vào con nước để tìm kiếm
kế sinh nhai. Họ có thể làm nghề hạ bạc, thương hồ. Khi rảnh rỗi thì nhâm nhi
vài ly rượu đế, dạo phím đàn và cất lên vài câu vọng cổ bùi tai để rồi sau đó lại
tiếp tục gắn bó đời mình với con nước, dòng sông.
Bên
cạnh đó, dòng sông còn là nơi tắm mát của những tuổi thơ đua nhau lặn ngụp, là
nơi giặt giũ, là bến nước trong xanh vẽ lên bức tranh quê ấm áp của mỗi con người.
Chính cái chất mặn mòi pha lẫn chút phù sa đã hình thành nên những làn da rám nắng
của những người cha, người chị, người mẹ quanh năm đắm mình với con nước.
Hoạt động tham quan rừng U Minh Hạ
Tất cả những nét sinh hoạt, nếp ăn,
nếp ở của người dân vùng sông nước đã hình thành nên những giá trị văn hóa đặc
sắc mà chúng ta cần khai thác trong hoạt động du lịch hiện nay ở Cà Mau. Ngày nay, hệ thống cơ sở hạ tầng ở Cà Mau đang dần dần
hoàn thiện, đường đến các điểm du lịch đã được trải nhựa hoặc bê-tông hóa, xe
du lịch có thể thẳng chỗ đến nơi, nỗi lo lắng về “sông vắng đò” không còn trong
tâm trí của khách du lịch. Người dân ở nông thôn đã biết lưu thông bằng những
chiếc xe gắn máy nhanh, mau, gọn, lẹ. Thế nhưng, đây cũng là một trong những yếu
tố dần dần làm mai một đi những giá trị văn hóa sông nước của người dân Cà Mau.
Cho nên đối với hoạt động du lịch, chúng ta cần phải có những định hướng
cụ thể góp phần phát huy các giá trị văn hóa sông nước của Cà Mau trong hoạt động
du lịch.
Từ việc khai thác các giá trị văn hóa sông nước, Cà Mau đã, đang, lồng
ghép và đưa vào trong một số sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương: Du lịch tham
quan cửa sông Ông Đốc để tìm hiểu thêm về hoạt động ra khơi, đánh bắt hoặc tham
gia vào lễ hội Nghinh Ông hàng năm; Du lịch sinh thái biển, đảo tại đảo Hòn
Khoai, Hòn Chuối; Du lịch homestay với các hoạt động khai thác, đánh bắt và
nuôi trồng thủy hải sản tại một số hộ gia đình ở Mũi Cà Mau, rừng U Minh Hạ,… ;
Du lịch lễ hội, tín ngưỡng thông qua tổ chức các tour du lịch theo sự kiện tại
các lễ hội văn hóa sông nước hàng năm; hoạt động lướt ván bắt sò trên
bùn (bãi bồi ở Đất Mũi, cồn Ông Trang,…), tham quan tour du lịch
xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau,…
Khách du lịch trải nghiệm tour du lịch xuyên rừng VQG Mũi Cà Mau
Việc xây dựng các sản phẩm du lịch văn
hóa sông nước Cà Mau với tiềm năng sẵn có, định hướng lâu dài và nhiều giải
pháp đồng bộ sẽ tạo điều kiện để giữ gìn và phát nước huy các giá trị văn hóa
sông nước đặc sắc của địa phương. Đây cũng là một việc làm thiết thực góp phần đa dạng hóa các
sản phẩm du lịch của Cà Mau trong xu thế phát triển chung của du lịch ĐBSCL.
Bài
viết: Dương Kim Chuyển