“Văn hóa sức khỏe” rồi gì nữa?

c9p6COWu.jpgPhóng toẢnh chụp tại thôn Ân Niên, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên – Ảnh: V.Q.

Đã có nhiều ý kiến tỏ ý phản bác những tấm bảng “khu phố văn hóa” nặng tính hình thức ấy. Bởi ai cũng hiểu việc chủ trương xây dựng khu phố văn hóa là tốt, rất cần làm. Nhưng từ tiêu chí đến danh hiệu đòi hỏi phải có một kết quả rõ ràng. Đó là chưa nói đến khái niệm văn hóa khá rộng, nó bao hàm cả văn và lễ (hóa), lại có cả yếu tố vật chất lẫn tinh thần. Nói chung để được gọi là một nơi có văn hóa không phải dễ, không phải chuyện dựng lên một tấm bảng là xong.

Gần đây nhất dư luận lên tiếng về việc ồ ạt gắn biển gia đình văn hóa tại quận Hà Đông (Hà Nội) không chỉ nặng tính hình thức mà còn gây lãng phí, và chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá việc gắn biển gia đình văn hóa tại một số địa phương.

Trong khi việc tranh luận về những tấm bảng “văn hóa” ở đô thị vẫn chưa có hồi kết thì ở nông thôn đang mọc lên những tấm bảng rất oách: “Thôn văn hóa sức khỏe”. Thử hỏi những nông dân vì sao có tấm bảng như vậy thì họ lắc đầu, tủm tỉm.

Thử làm một phép phán đoán: “Có văn hóa thôi chưa đủ, cần phải tăng cường sức khỏe”. Hóa ra phán đoán cũng có cơ sở. Một cán bộ thôn giải thích rõ hơn: “Thôn văn hóa sức khỏe” là làm theo mô hình làng văn hóa sức khỏe do Bộ Y tế, Bộ Văn hóa – thông tin và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc phối hợp tổ chức”.

Tìm hiểu kỹ hơn thì thấy rõ ràng có 10 tiêu chí để được chứng nhận là “làng văn hóa sức khỏe” (có đăng trên trang web Làng văn hóa sức khỏe của Bộ Y tế: www.moh.gov.vn), có thể liệt kê vài tiêu chí: ít nhất 60% số hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp vệ sinh; có phong trào thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe bằng các hình thức: thường xuyên tập dưỡng sinh, tập thể dục buổi sáng, đi bộ buổi sáng hoặc tối; 100% phụ nữ có thai được khám thai ít nhất một lần, trong đó trên 75% được khám thai ba lần trở lên trong thời kỳ thai nghén… Nói chung đều là những tiêu chí, mục tiêu vì sức khỏe mọi người.

Có văn hóa chưa đủ, cần phải tăng cường sức khỏe. Chí lý quá, có gì phải bàn cãi? Nhưng cũng có chút băn khoăn, không biết sau “văn hóa sức khỏe” rồi còn thêm gì nữa? Bởi ai cũng có thể nghĩ kiểu như thế này: có văn hóa, có sức khỏe rồi mà kinh tế yếu thì coi không được. Thế là sẽ có tấm bảng “thôn văn hóa sức khỏe kinh tế”.

Rồi lại có người nghĩ tiếp: văn hóa, sức khỏe, kinh tế tốt rồi nhưng giao thông còn tệ thì tính sao? Thế là sẽ có tấm bảng “thôn văn hóa sức khỏe kinh tế giao thông”. Sau đó, rất có thể tấm bảng còn to và dài hơn nữa. Cũng chẳng thể hình dung nó sẽ hoành tráng đến mức nào.

Nhưng sao không thầm lặng mà làm những việc “hoành tráng” đi. Còn tấm bảng chỉ đơn giản là tên phố, tên làng, tên thôn… Đó chẳng phải là một ứng xử văn hóa hay sao.

Xổ số miền Bắc