Văn hóa tâm linh-Bản sắc Việt
Nét đẹp văn hóa của người Việt
Đến nay, tuy chưa có định nghĩa đầy đủ, thống nhất về văn hóa tâm linh, nhưng cơ bản các học giả, nhà khoa học đều cho rằng, văn hóa tâm linh là một dạng thức đặc biệt của văn hóa do con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động vật chất. Giá trị và ý nghĩa lớn nhất mà văn hóa tâm linh mang lại cho con người chính là tinh thần và sự linh thiêng.
Đối với người Việt, văn hóa tâm linh là đặc trưng văn hóa tinh thần có từ nghìn đời qua, gắn với quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển của xã hội. Thế giới văn hóa tâm linh của người Việt được xây dựng theo mô hình “dương sao, âm vậy-trần sao, âm vậy”. Người Việt có tín ngưỡng bách thần: “Thần cây đa, ma cây gạo”, gán cho các thế lực siêu nhiên, các sự kiện chưa giải thích được là các vị thần như: Thần sông, thần núi, thần biển, thần lửa và còn có cả thần bếp, thần tài, thần nhân duyên… Nhân gian có người xấu, người tốt nên các vị thần cũng có thần thiện và thần ác, có thánh thần luôn giúp người và cũng có ma quỷ chuyên hại người.
Nghi thức hành lễ tại đền Mẫu Âu Cơ trong Giỗ Tổ Hùng Vương là nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc. Ảnh: HỒNG SÁNG
Trong văn hóa tâm linh Việt Nam, có sự dung hợp giữa các tôn giáo và tín ngưỡng rất rõ ràng. Thời Lý-Trần, Đạo-Phật-Nho (Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo) đã từng gắn với nhau theo một dạng thức Tam giáo đồng quy. Khi xuất hiện tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu như trong khuôn viên chùa đều có đền thờ Tam phủ, Tứ phủ và trong rất nhiều nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu, có những nội dung của Phật giáo.
Biểu hiện văn hóa tâm linh của người Việt vô cùng phong phú, đa dạng. Phổ biến nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân trong mỗi gia đình: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Ở phạm vi cộng đồng là tục thờ cúng thành hoàng, các vị thần, các vị tổ sư, các vị anh hùng đã có công với nước, các danh nhân văn hóa… Do ảnh hưởng của các tôn giáo, người Việt tổ chức xây đền, chùa, miếu, mạo, nhà thờ, giáo đường… và thực hành các nghi lễ cầu cúng. Nhiều công trình, hiện vật liên quan đến văn hóa tâm linh đã trở thành những di sản văn hóa, lịch sử quý giá; nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc; nhiều công trình văn hóa tâm linh được xây dựng ở những địa điểm có phong cảnh thiên nhiên đẹp, kỳ thú trở thành những điểm du lịch hấp dẫn…
Có thể nói, đối với người Việt, văn hóa tâm linh là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thiện. Nó là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người vượt qua khó khăn, đem lại sự thanh thản, cân bằng trong tâm hồn.
Văn hóa tâm linh bị biến tướng, trục lợi
Quá trình phát triển, văn hóa vật chất lên ngôi khiến nhiều người trong xã hội đua nhau tìm đến với tâm linh, thực hiện phương châm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Từ đây, văn hóa tâm linh đã bị lợi dụng để kiếm tiền với các hình thức khác nhau, trong đó có nhiều biểu hiện lộ liễu, phản cảm và lừa lọc tinh vi.
Hiện nay nhiều người cho rằng, văn hóa tâm linh bao hàm những giá trị tinh thần với những đặc tính cao siêu, phi thường, là cứu cánh của nhân loại, của khoa học. Trong đời sống đương đại của người Việt, các hiện tượng lợi dụng văn hóa tâm linh để kiếm tiền xuất hiện với chiều hướng gia tăng. Ở tầm cao, hiện tượng này xuất hiện với sự tổ chức quy mô, bài bản, đó là tình trạng xây dựng các dự án, siêu dự án du lịch tâm linh hoành tráng. Từ những ngôi chùa cổ, ngôi miếu cổ rất nhỏ bé trong một làng nhỏ ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, họ đã lập các dự án hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các ngôi chùa bề thế với tượng phật to lớn bằng vật liệu quý hiếm. Nói một cách khác, họ đã thần thánh hóa những vật thể này để kéo du khách đến cúng lễ và tham quan, qua đó thu phí làm giàu.
Ở tầm thấp hơn và rất phổ biến là câu chuyện gọi hồn, tìm mộ, hầu đồng, dâng sao giải hạn, gọi vong, phán số kiếp, thỉnh oan gia trái chủ… Dường như xã hội phát triển, dân trí khai mở, đời sống vật chất được cải thiện không thể giúp con người bớt tin vào thánh thần, ma quỷ và các lực lượng siêu nhiên thiếu căn cứ khoa học. Họ cho rằng, đó là những đấng tối cao có khả năng sắp đặt, điều chỉnh đời sống con người mà chỉ cần cúng cấp, thành tâm là có thể bình an, giàu có. Thế là thay vì chăm lo rèn luyện phấn đấu, tính toán làm ăn, họ lo mời thầy cúng, thầy mo giúp đỡ để đạt được mong muốn của bản thân. Không ít phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, lễ hội tốt đẹp của cộng đồng bị lạm dụng, xuyên tạc, đan cài thêm những yếu tố mê tín, dị đoan, những trò nhảm nhí, phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Việc lợi dụng văn hóa tâm linh để làm tiền với các chiêu trò khác nhau đang diễn ra phổ biến nhất và nhiều người theo đuổi cùng với hiện tượng bói toán, mê tín dị đoan. Gần như ở các lễ hội của Việt Nam đều có hiện tượng rút quẻ. Nhiều lễ hội, hình thức tín ngưỡng, tôn giáo chân chính bị biến tướng không còn ý nghĩa như xưa, trở thành nơi buôn thần, bán thánh. Nhiều người xem bói dạo bài tây, xem chỉ tay, xem tướng… ngồi ngay lối vào các phủ, đền, đình, chùa. Họ chào mời du khách xem bói công khai giống như chào mời du khách mua một loại sản vật của địa phương. Thậm chí, hiện nay còn có dịch vụ xem bói qua mạng, dâng sao giải hạn qua mạng.
Lên đồng, hầu đồng vốn là nhu cầu tâm linh, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian tốt đẹp có từ lâu đời của người Việt nhưng đã bị biến tướng với các giá đồng gồm lễ vật tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Từ khi di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016 thì hiện tượng hầu đồng biến tướng, “đồng fake” phát triển như nấm mọc sau mưa. Theo khảo sát của Hội Di sản văn hóa Thăng Long vào tháng 12-2018, Hà Nội có 580 đền, phủ, miếu thờ mẫu; 1.640 chùa có phối thờ mẫu; hơn 1.200 điện tư gia; 2.050 thanh đồng; 570 đồng thầy; gần 800 thủ nhang và hơn 800 đồng đền, đồng điện. Trong số này thì tỷ lệ hầu đồng đúng nghĩa là sinh hoạt văn hóa tâm linh không nhiều. Thay vào đó là tình trạng hầu đồng biến tướng, sặc mùi vật chất với lễ vật, số tiền lớn diễn ra ở rất nhiều nơi và có nhiều đối tượng tham gia. Đặc biệt, hiện tượng thanh đồng ngày càng trẻ hóa và số lượng con nhang, đệ tử ngày càng nhiều chứng tỏ sự biến tướng trong hầu đồng đã đến mức báo động.
Theo các nhà nghiên cứu, ngày xưa các cụ đi hầu đồng đơn giản, chỉ mặc có một cái áo màu trắng hoặc màu đỏ và không có tiền lộc, chỉ mấy quả táo nhỏ, một quả bưởi, mấy củ đậu, vài cái kẹo bột, cái oản… để trên cái đĩa thư hương. Bây giờ phú quý sinh khoe của, khi hầu đồng thi nhau ra oai khoe mẽ dâng lễ vật giá trị, to lớn. Thanh đồng bây giờ toàn vận quần áo như văn công biểu diễn trên sân khấu. Trên đền, trên điện, nhiều thanh đồng nhảy nhoi nhoi, nhố nhăng thiếu đi sự thành kính, nghiêm trang. Đặc biệt, nhiều người tin phải trình đồng mở phủ thì mới được giàu có, buôn may bán đắt; thậm chí một số người lại tin rằng mình phải lễ Thánh và hầu Thánh thì sẽ trúng lô, trúng đề. Lại có những người tin rằng đã hầu Thánh thì phải thật tố hảo thì mới tố linh, tức là phải nhiều vàng mã, phải mâm cao cỗ đầy thì mới thể hiện trọn vẹn lòng thành của mình.
Hệ lụy của những hiện tượng này là mất thời gian, tiền bạc, sức khỏe vào những trò nhảm nhí, giả hiệu văn hóa tâm linh, làm giàu cho những kẻ buôn thần bán thánh. Từ đó dẫn tới hiện tượng mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Và nguy hại hơn là nó tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội rất khó loại trừ khi đã bén rễ, ăn sâu vào đời sống nhân dân.
Để giải quyết tình trạng lợi dụng văn hóa tâm linh để trục lợi thì các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Quá trình thực thi cần phát hiện ra những bất cập để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, quản lý, không cho các hiện tượng làm vấy bẩn văn hóa tâm linh xuất hiện. Tăng cường tuyên truyền, phê phán các hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng văn hóa tâm linh trục lợi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình tín ngưỡng sâu rộng trong xã hội. Các cơ quan quản lý từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm dưới luật và có kế hoạch thực hiện việc bảo tồn di sản theo từng giai đoạn. Đối với nghi lễ hầu đồng, cần chuẩn hóa nghi lễ và cấp quyền cho các địa phương được cấp phép hoạt động nghi lễ này để quản lý chặt chẽ, tránh bị lợi dụng.
Văn hóa tâm linh là một phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Dẹp bỏ những hiện tượng lợi dụng làm vấy bẩn văn hóa tâm linh là việc làm cấp thiết hiện nay. Đó cũng là một “cuộc chiến” khó khăn, lâu dài và cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân.
TS BÀN TUẤN NĂNG