Văn hóa tạo nên động lực tinh thần

. Phóng viên: Văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng để tạo ra sự phát triển bền vững đất nước. Đảng và Nhà nước trong suốt chiều dài của lịch sử cách mạng luôn coi trọng vai trò của văn hóa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng do nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa ở một số nơi, một số lúc vẫn bị coi nhẹ. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Văn hóa tạo nên động lực tinh thần - Ảnh 1.

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN: Đúng vậy. Và văn hóa chưa phát triển tương xứng với vị thế của mình, theo tôi có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về phía khách quan, văn hóa luôn là lĩnh vực cần có độ trễ về thời gian để kết tinh giá trị. Những thay đổi về kinh tế, xã hội có thể diễn ra và thấy hiệu quả ngay lập tức, còn văn hóa thì không. Theo thang nhu cầu của Maslow, khi con người thỏa mãn những nhu cầu vật chất, lúc đó họ mới quay sang chú ý nhiều hơn đến yếu tố tinh thần.

Về phía chủ quan, dù Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của văn hóa nhưng đúng là lúc này lúc khác, nơi này nơi khác, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa vẫn bị xem nhẹ. Văn hóa nhiều khi được xem như một lĩnh vực giải trí đơn thuần, có cũng được, không có cũng được, vì thế thường được đầu tư cuối cùng và cắt giảm đầu tiên khi gặp khó khăn. Điều này đã tạo ra rất nhiều điểm nghẽn cho sự phát triển văn hóa, từ đầu tư cho nguồn lực (tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực) tới những hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa.

. Nếu không đặt đúng vị thế, hệ lụy nào sẽ xảy ra cho sự phát triển văn hóa nói riêng, tương lai đất nước nói chung, thưa ông?

– Nhiều vấn đề xã hội vừa qua cho chúng ta thấy vấn đề chính nằm đằng sau sự xuống cấp đạo đức xã hội, tệ nạn tham nhũng, hành vi lệch chuẩn, lối sống buông thả… đều liên quan đến văn hóa. Trong bối cảnh xã hội mới, văn hóa vẫn phải là ngọn đuốc dẫn đường, định hướng, khai sáng cho sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Nếu văn hóa không được coi trọng, đặt đúng vị trí thì hậu quả sẽ hết sức tai hại. Tầm quan trọng của văn hóa được xem như sự tồn vong của dân tộc. Văn hóa còn, đất nước còn, văn hóa mất, đất nước mất. Sự độc lập của một quốc gia sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu vẫn còn phụ thuộc vào văn hóa.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nền văn hóa có sự va chạm, xung đột, có nguy cơ dẫn đến xâm lăng văn hóa. Nếu quốc gia nào không giữ gìn được bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc thì rất dễ có nguy cơ đồng hóa về văn hóa. Chưa kể, đó còn là tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống, đặc biệt của giới trẻ; đánh mất tiềm năng sáng tạo và sức mạnh tổng hợp quốc gia từ văn hóa dân tộc.

. Theo ông, đâu là điều cần tập trung khắc phục trong thời gian tới?

– Việc xây dựng con người Việt Nam chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, sống thiếu hoài bão, định hướng, còn tư tưởng vọng ngoại, lối sống lai căng. Chúng ta cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam để định hướng sự tập trung của toàn xã hội và từng cá nhân đối với những mục tiêu quan trọng.

Môi trường văn hóa còn thiếu lành mạnh, tạo điều kiện cho các hành vi lệch chuẩn, không phù hợp, nhất là trên mạng xã hội, chi phối tới đời sống xã hội nói chung. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, nhà trường, ngoài xã hội, trên môi trường mạng chắc chắn phải là mối quan tâm lớn trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, chúng ta cần hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển văn hóa, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra lợi thế cho sự phát triển đất nước từ văn hóa. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, giảm khoảng cách hưởng thụ giữa các vùng miền, khu vực, tộc người cũng là những nhiệm vụ cần phải giải quyết trong thời gian tới.


Văn hóa tạo nên động lực tinh thần - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nghệ sĩ tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt “Niềm tin và khát vọng” tối 21-11 chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sắp diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: TRẦN HUẤN

. Nhiều quốc gia đã thực sự làm giàu từ công nghiệp văn hóa, tuy nhiên ở Việt Nam điều này chưa thể diễn ra. Ông tin đến một thời điểm nào đó công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp đáng kể vào GDP?

Chúng ta đã có quan điểm của Đảng, chiến lược của Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, điều này cho chúng ta niềm tin chắc chắn vào cơ hội phát triển của các ngành này. Chúng ta cũng thấy sự năng động của toàn xã hội trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khi có rất nhiều những bộ phim, bài hát, không gian sáng tạo đang thể hiện rất tốt việc khai thác giá trị văn hóa. Vấn đề của chúng ta hiện nay chỉ là hoạt động triển khai các quan điểm, chiến lược này trong thực tiễn cuộc sống.

Năm 2019, theo báo cáo của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã là 3,61%, vượt chỉ tiêu là 3% vào năm 2020. Cùng với quyết tâm của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII, cũng như Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng đến năm 2030, chỉ tiêu 7% đóng góp cho GDP là hoàn toàn có thể khả thi, từ đó chứng minh vai trò của văn hóa trong việc phát triển kinh tế cho đất nước.

. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng kỳ vọng sẽ khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Theo ông, văn hóa có vai trò thế nào để thực hiện được khát vọng ấy, hiện thực hóa mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa?

Văn hóa hoàn toàn có khả năng khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước thông qua việc trở thành nền tảng tinh thần, hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, văn hóa chính là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Văn hóa sẽ tạo nên động lực tinh thần để người dân có thêm quyết tâm xây dựng đất nước.

Những gì chúng ta chứng kiến cho thấy văn hóa đã giúp nhân dân có tinh thần lạc quan vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 bằng sự chia sẻ, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đã khẳng định thêm ý nghĩa, giá trị của văn hóa. Không chỉ là động lực tinh thần, văn hóa còn trở thành một lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa – một xu thế lớn trên thế giới. Do văn hóa là sáng tạo và khác biệt nên các sản phẩm văn hóa tạo nên lợi thế cạnh tranh rất lớn, tạo điều kiện cho kinh tế đất nước phát triển.

. Ông có kỳ vọng gì đặc biệt vào hội nghị quan trọng này?

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được xem như một hội nghị Diên Hồng về văn hóa, là cơ hội để lắng nghe ý kiến của toàn xã hội và để lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng, quyết tâm về văn hóa. Sau hội nghị này, chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực, sâu sắc trong nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa, từ đó tạo thành hành động của các cấp, các ngành, các địa phương cho phát triển văn hóa. Đây là cơ hội tuyệt vời để văn hóa phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển bền vững đất nước. 


Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

Ngày 24-11-2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước. Hội nghị còn đặc biệt đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ…, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Hội nghị trở thành một động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng”. Người cũng nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.