“Văn hóa trà Việt”- hành trình tìm về bản thể
VietTimes –Văn hóa trà Việt là một hành trình giác ngộ đơn sơ, giản dị như một ly trà đá của bác nông dân đến thưởng trà với sương sớm và trăng đêm nơi cõi bồng lai như Phật hoàng trên đỉnh Yên Tử linh thiêng huyền diệu.
Có thể nói trà là thứ nước uống phổ biến nhất trong đời sống người Việt. Từ quán nước ven đường đến nhà hàng sang trọng; từ gia đình đến công sở đều không thể thiếu trà.
Uống trà không chỉ là thú vui tao nhã. Bên ấm trà nóng người ta chia sẻ với nhau những niềm vui và cả nỗi buồn. Bên ấm trà người ta ngồi lại với nhau để nghiền ngẫm về triết lý nhân sinh.
Và, vì thế, Hà Huy Thanh gọi đó là Văn hóa trà Việt. Uống trà không còn đơn thuần là thưởng thức cái vị chát- ngọt của trà mà là Hành trình tìm về bản thể.
“Văn Hóa Trà Việt” (NXB Hội Nhà văn, 2021) của Hà Huy Thanh đã mang đến cho người đọc một bức tranh tổng thể nhiều gam màu về trà Việt. Từ “Tác dụng của trà đến thân thể, tình cảm, trí tuệ và tâm linh con người”; “Nguồn gốc của trà”; “Sự phát triển của trà từ cây cỏ đến cả ngành công nghiệp” đến “Cách chế biến trà”; “Cách bảo quản và giữ gìn trà”; “Cách thưởng thức trà”.
Đọc “Văn hóa trà Việt” chúng ta biết thêm: Văn hóa Việt với điển hình là đạo mẫu cùng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã cho chúng ta thấy được nguồn gốc, nòi giống cao quý ngay từ thuở hồng hoang với gần 5000 năm lịch sử. Khi tổ tiên ta là Thần Nông tìm ra thiên dược, mang linh khí và tinh hoa của trời đất để nuôi dạy con cháu muôn đời sau.
Văn hóa Việt được sinh ra từ vị thuỷ tổ là người tìm ra trà, đưa thứ thần dược từ cõi tiên giới thành thứ thuốc chữa bệnh và là thức uống hằng ngày nhưng có giá trị chuyên chở chiều dài lịch sử và trầm tích văn hóa truyền lại cho con cháu, muôn dân trăm họ.
Tục truyền rằng, khi Vua Thần nông đi thăm thú phương Nam, vô tình uống nước nóng có một chiếc lá cây rơi vào và cảm thấy rất sảng khoái. Ông đặt tên cho nó là “chè” và truyền bá rộng rãi trong nhân gian.
Trải qua nhiều năm trong dòng chảy lịch sử, trà dần được truyền bá khắp thế giới. Các nước Châu Á nhanh chóng sử dụng trà, và phát triển những văn hóa uống trà khác nhau. Thậm chí là nâng lên thành một nghệ thuật.
Đến nay, trà đã thực sự không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân Việt.
Người Việt uống trà mỗi nơi mỗi khác, không tuân theo một chuẩn mực nào. Nó là biểu hiện đầy tính sáng tạo về ngôn ngữ của người pha và người được mời trà.
Khi pha trà, thường phải dùng nước mưa hoặc nước trong giếng tổ ong để đảm bảo trà có vị ngọt dịu tự nhiên, không bị mất mùi bởi những tạp chất.
Trong văn hóa Việt Nam, trà chiếm vị trí quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống. Bất kì dịp lễ, Tết, ma chay, hiếu hỉ của người Việt đều cần đến trà. Trà không chỉ là thức uống để mời nhau, nó còn là món quà thể hiện lòng thành với người thân và món lễ vật quý báu dâng lên tiên tổ.
Trong tác phẩm “Văn hóa trà Việt”, Hà Huy Thanh đi sâu phân tích, lý giải văn hóa trà của người Việt một cách cô đọng, nhưng vô cùng sâu sắc: “Văn hóa trà Việt là sự hài hòa Âm – Dương một cách vi diệu, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm và sự biến hóa này nhiệm màu như sự biến hóa của hương trà. Vị trà mà tôi gọi là “vị tình thương- hương giác ngộ”.
Tình thương và giác ngộ như Nước và Trà, như Mẹ và Cha, như Âm và Dương. Tinh hoa của chất trà tan vào nước, tạo nên sự giao hòa Âm- Dương để tạo nên những thành tựu văn hóa tuyệt vời của tinh hoa trà Việt”.
Từ đó Hà Huy Thanh gợi mở: Uống trà là một cuộc hành trình tìm về bản thể, từ thân thể đến tình cảm, đến trí tuệ, đến tâm linh hay nói đơn giản là từ “Nước Trà đến Đạo Trà”.
Là một nhà kinh tế, một doanh nhân, tác giả Hà Huy Thanh có khát khao xây dựng nên những ngành công nghiệp để đưa đất nước đi lên sự thịnh vượng, đẳng cấp và nhân văn một cách chắc chắn, có hệ thống và có tính căn cơ, bền vững.
Anh đã thông qua câu chuyện về trà và văn hoá trà Việt để mang đến cho người đọc những sự đúc kết, sự xâu chuỗi và những phát hiện mới mẻ có tính chất đột phá dựa trên những trải nghiệm thực tế, sự nghiên cứu uyên thâm và cả những đốn ngộ của trực giác mạnh mẽ.
Từ cách nhìn như vậy Hà Huy Thanh phát giác ra rằng văn hóa trà Việt có bốn trạng thái, bốn tầng năng lượng khác nhau:
1. Tầng năng lượng của thân thể: tức là ta uống trà ở khắp nơi, từ ly trà đá vỉa hè sau một bát phở sáng để chăm sóc thân thể, đến cốc trà nóng mùa đông, đến ly trà mạn cùng bạn bè.
2. Tầng năng lượng của tình cảm: ta dùng ly trà để tĩnh tại, đế suy ngẫm, để chia sẻ những cảm xúc bên những người thân yêu.
3. Tầng năng lượng của trí tuệ: ở đó trà là người bạn đồng hành, trà là trợ lý đắc lực, trà là môi trường thanh tịnh cho những sáng tạo.
4. Tầng năng lượng của tâm linh: trà là đạo, trà là con đường đi đến sự giác ngộ. Trà là môi trường kết nối với năng lượng vũ trụ, ở đó bản thể của ta hòa với bản thể vũ trụ.
Thấu hiểu về văn hóa trà Việt là cách chúng ta tận hưởng những giá trị tích tụ từ tổ tiên, từ các bậc tiền bối để làm phong phú tâm hồn và khỏe mạnh về thể chất- cho một sự phát triển và trường tồn của nòi giống Việt.
Văn hóa trà Việt là một hành trình giác ngộ đơn sơ, giản dị như một ly trà đá của bác nông dân đến thưởng trà với sương sớm và trăng đêm nơi cõi bồng lai như Phật hoàng trên đỉnh Yên Tử linh thiêng huyền diệu.
Dù mang thân phận gì thì mỗi chúng ta đều được ban tặng một cách bình đẳng và phóng khoáng từ thiên nhiên cẩm tú một loài tiên dược từ thuở khai thiên lập địa và trường tồn, phát triển đến tận hôm nay.
Cuốn sách là một bản hướng dẫn, sự gợi ý để người đọc có thể tìm thấy những chân giá trị trong chính cuộc sống đời thường bộn bề lo toan và đầy rào cản cho chúng ta đạt được cảnh giới của thành công, an vui , hạnh phúc.
Nói về một sản phẩm cụ thể, một ngành nghề cụ thể nhưng lại mong muốn mở đường cho chính nó và cho các ngành khác là kỳ vọng về sự phát triển của tác giả của cuốn sách mong muốn mang lại cho người đọc.
Cuốn sách một công trình nghiên cứu tổng hợp về cây trà nhưng lại cho ta sự lý giải và công thức để phát triển chất lược cuộc sống trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuốn sách và những thông tin, thông điệp của nó ngoài giá trị cụ thể là góp phần tăng năng suất lao động xã hội thì còn là lời tâm tình đầy trách nhiệm của một công dân yêu nước và tràn đầy lòng tự hào dân tộc.