Văn hóa tranh luận nhìn từ đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm
–
Chủ nhật, 28/11/2021 12:10 (GMT+7)
Trong tham luận tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” tổ chức ngày 21.11, GS Trần Ngọc Thêm đề xuất không nên tiếp tục sử dụng khái niệm “trồng người” và khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Một cuộc tranh luận nổ ra ngay lập tức, nhiều ý kiến xuất hiện trên các trang báo, trên mạng xã hội, đồng tình với GS Trần Ngọc Thêm nhiều, phản đối kịch liệt cũng không ít.
Khi có một quan điểm mới đưa ra, tất nhiên sẽ có ý kiến phản biện, tranh luận, đó là chuyện hết sức bình thường. Phải có phản biện mới làm rõ hơn, sáng hơn, tiếp cận với chân lý hơn và dân chủ hơn. Áp đặt một chiều sẽ thủ tiêu sáng tạo và hạn chế quyền dân chủ, rất may là không khí tranh luận trong xã hội Việt Nam ngày càng sôi động hơn.
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm
Đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm sẽ còn tiếp tục tranh luận, xin không bàn về khía cạnh nội dung, mà nói về văn hóa phản biện chung hiện nay.
Về đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm, có những ý kiến tranh luận không chừng mực, không phải phản biện mà nặng lời. Tranh luận hay phản biện phải có lý lẽ, mang tính học thuật và tôn trọng nhau, đó là văn hóa ứng xử, văn hóa phản biện.
GS Trần Ngọc Thêm phải thốt lên “nhiều người chưa đọc hết bài của tôi đã lao vào “ném đá”.
Không riêng gì GS Trần Ngọc Thêm, mà đã có nhiều trường hợp đưa ý kiến đề xuất, bày tỏ quan điểm, và chịu sự “ném đá”. Có nhiều người không cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần đọc một cái tựa, một câu trích dẫn thoát ly khỏi ngữ cảnh, nhưng vẫn say sưa “phản biện”, đôi khi lời lẽ thiếu sự tử tế và tất nhiên không thuyết phục.
Một xã hội có văn hóa phản biện cao chứng tỏ dân trí cao, khi đó sẽ có nhiều người dám bày tỏ quan điểm, đề xuất thay đổi, hiến kế đổi mới, lợi ích của đất nước được mang lại từ những “trí tuệ xã hội” đó. Ngược lại, khi “mở miệng” là bị “ném đá”, thì nhiều người e ngại, không dám nêu ý kiến cá nhân, cộng đồng mất đi nhiều sáng kiến có thể mang lại lợi ích.
Phản biện có văn hóa sẽ nuôi dưỡng tinh thần dân chủ và phát huy trí tuệ xã hội.