Văn hóa ứng xử – nền tảng của văn hóa công sở
Mục lục bài viết
Văn hóa ứng xử – nền tảng của văn hóa công sở
Văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa ứng xử nơi công sở nói riêng chính là thước đo sự văn minh của mỗi cán bộ, công chức, viên chức hay nói khác đi chính là sự phản ánh nhận thức của mỗi cá nhân trong môi trường làm việc nơi công sở. Xây dựng văn hóa công sở chính là xây dựng môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Ứng xử có văn hóa nơi công sở mang lại rất nhiều lợi ích góp phần tạo dựng niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất của tập thể, từ đó tạo bầu không khí làm việc cởi mở, tích cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Với ý nghĩa đó, văn hóa có mặt ở mọi nơi, mọi hoạt động sản xuất vật chất, tinh thần của con người. Có thể nói văn hóa là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy, bảo tồn, duy trì và phát triển theo dòng lịch sử phát triển của nhân loại.
Các tài liệu nghiên cứu về công sở đều cho thấy công sở là một thiết chế xã hội. Công sở trong xã hội tồn tại như một hiện tượng văn hóa, đồng thời là một chủ thể văn hóa gắn liền với các yếu tố tổ chức quyền lực và tâm lý, tình cảm của con người. Văn hóa công sở là một dạng đặc thù của văn hóa xã hội bao gồm tổng thể các giá trị, chuẩn mực, cách hành xử trong hoạt động công sở mà các thành viên trong công sở thừa nhận và tuân theo để ứng xử với nhau trong nội bộ công sở và phục vụ xã hội.
Biểu hiện cụ thể của văn hóa công sở là tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ công việc, ý thức chấp hành kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cùng với ý thức trau dồi văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ hiểu biết để thực hiện công việc hiệu quả. Thực tế, văn hóa công sở được hình thành trên cơ sở văn hóa ứng xử của các thành viên trong tổ chức, nó có tính kế thừa và tiếp thu sáng tạo, có chọn lọc qua các giai đoạn phát triển của bộ máy tổ chức và không ngừng được bổ sung hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của chế độ công vụ và sự phát triển của tổ chức.
Văn hóa ứng xử là hành vi ứng xử, cách ứng xử của con người đạt giá trị chuẩn mực văn hóa chân – thiện – mỹ, tức là ứng xử có văn hóa; là một lĩnh vực đời sống văn hóa sinh động, phong phú của con người diễn ra hàng ngày. Đó cũng chính là sức mạnh mềm làm nên nét đẹp và là chìa khóa thành công của mỗi người, mỗi tổ chức. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, văn hóa ứng xử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường mà còn quyết định đến hiệu quả làm việc của cơ quan, tổ chức cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp mỗi cá nhân. Một cán bộ chuyên môn chưa giỏi, thậm chí chỉ ở mức trung bình mà biết ứng xử, linh hoạt, nhạy bén thì có thể thu hái nhiều thành công hơn những người có thể khá về chuyên môn, nhưng kiêu ngạo, chủ quan, ứng xử kém và thiếu tinh thần hợp tác.
Văn hóa ứng xử không tự nhiên mà có, nó càng không thể xây dựng trên một nền tảng tâm hồn và trí tuệ nghèo nàn, mà là kết quả của cả một quá trình nhận thức và rèn luyện không ngừng của bản thân. Có thể nhận thấy, văn hóa ứng xử của người dân Việt Nam trong lịch sử trải dài qua hàng nghìn năm, ông cha ta đã tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm để từ đó, thế hệ ngày nay được thừa hưởng và phát huy nhiều giá trị tốt đẹp. Căn cứ vào lời ăn, tiếng nói trong ứng xử, cổ nhân xưa đánh giá phẩm chất, năng lực của con người một cách sâu sắc và coi đó là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá con người:
“Vàng thì thử lửa, thử than
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”;
Hay: “Người thanh, tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu”
Trong công sở, kế thừa và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa đó, nhiều thành viên nghiêm túc với công việc, tôn trọng các nguyên tắc, quy định của cơ quan đơn vị, tận tâm, tận tụy với công việc, nhiệt tình vì sự tiến bộ của chính bản thân mình và vì sự phát triển của tập thể. Nhiều hình ảnh đẹp của những người bạn đồng nghiệp khi cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách, hay một tập thể vui tươi, phấn khởi khi một cá nhân, thành viên tổ chức được khen thưởng hoặc bổ nhiệm; cùng nhau làm việc, cùng nhau vui chơi, chân thành, cởi mở… Đặc biệt, trong khi giao tiếp chính là quá trình xác lập và phát triển mối quan hệ, tiếp xúc giữa con người ứng xử với nhau, nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định của cả hai bên, từ đó hợp tác để cùng phát huy sở trường của các bên, cùng phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế nơi công sở, không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa ứng xử và không phải ai cũng biết ứng xử có văn hóa.
Hiện nay, trong công sở còn nhiều những biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa, trước hết phải kể đến là việc thiết lập hệ thống mục tiêu cá nhân. Nhiều tổ chức gần như không có sự giao thoa giữa mục tiêu chung của tổ chức và mục tiêu riêng của từng cán bộ, công chức, viên chức mà biểu hiện thường nhất đó là việc cán bộ, công chức, viên chức không quan tâm đến sứ mệnh của tổ chức mình đang phục vụ, dẫn đến thái độ và hành vi “chọn việc”, nghĩa là cơ quan, đơn vị nào việc nhẹ nhàng, dễ dàng, cho thu nhập khác ngoài lương thì nhắm đến, tha thiết, tìm mọi cách để được vào làm việc. Còn nơi công việc vất vả, khó khăn, luôn có hiện tượng đùn đẩy, thiếu nhiệt tình, tâm lý làm cho có, làm cho xong việc…
Bên cạnh đó, thái độ không tôn trọng hoặc xem nhẹ kết quả làm việc của đồng nghiệp là thực tế tồn tại trong một số công sở hiện nay. Có cán bộ, công chức, viên chức ý thức trách nhiệm với công việc được giao chưa cao… Khi đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tuy có tiêu chí mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhưng nhiều lúc kết quả đánh giá lại thiên về những điều không ăn nhập gì với chuyên môn như: tuổi tác, mối quan hệ cá nhân của người được đánh giá…, dẫn đến suy giảm niềm tin, giảm nhiệt huyết, dần thay đổi thái độ làm việc.
Đáng buồn là trong giao tiếp, ứng xử từ điều cơ bản nhất, cán bộ, công chức, viên chức cũng không thực hiện được “việc bằng mặt nhưng không bằng lòng” để cư xử văn minh, phải phép: Gặp đồng nghiệp, gặp lãnh đạo, cấp trên hay người lớn tuổi hơn mình, nhưng không chào hỏi, thậm chí còn chào nhau bằng những ánh mắt khiêu khích, khó nhìn hay những cái cười khểnh, cười nhếch mép… Trong khi người Việt ta vốn có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”, nếu như trong văn hóa gia đình dòng tộc, nét văn hóa này thể hiện sự cung kính, hiếu lễ theo một thứ bậc nhất định, thì tại công sở, lời chào còn thể hiện thái độ lịch sự và sự tôn trọng người khác. Bên cạnh đó, còn có những công sở, vì không ưa, không thích, không chấp nhận, cố tình đặt điều, nói xấu, khích bác sau lưng đồng nghiệp; lãnh đạo, quản lý sẵn sàng xúc phạm nhân viên bằng những lời lẽ thô tục, cho mình cái quyền “lộng ngôn” hay nhân viên cũng sẵn sàng nói xấu, chỉ trích lãnh đạo, quản lý khắp nơi, với nhiều đối tượng khi có cơ hội…Cá nhân mang vào công việc, công việc tích hợp cả cá nhân.
Một điểm còn tồn tại nữa là thói quen dựa vào tập thể, sống theo tập thể mà không có chính kiến cụ thể, thiếu ý thức cải tiến, đấu tranh chống lại thói quen xấu, cách làm xấu “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức với tư duy “nước trôi thì bèo trôi”, “nước nổi thì thuyền nổi”, “xấu đều hơn tốt lỏi”, cá biệt dẫn đến sai phạm mang tính chất tập thể trong thời gian dài, khi phát hiện ra thì ngụy biện “ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật” .
Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên, những biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ là rào cản cho sự phát triển chung của xã hội. Do đó, nhận thức đúng đắn và tích cực xây dựng văn hóa ứng xử – nền tảng của văn hóa công sở sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính công vụ hiện đại, hiệu quả, xây dựng một Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hiệu quả”, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Bên cạnh thể chế là con người thực thi công vụ với đạo đức, trách nhiệm, khả năng chuyên môn của họ. Nếu hệ thống quy chế, quy định đã đầy đủ, đồng bộ thì con đường duy nhất đối với từng cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ trong giai đoạn mới là phải tự mình nhận thức và tự mình phải thay đổi – không còn lựa chọn nào khác. Để hình thành và hoàn thiện văn hóa ứng xử nơi công sở, trước tiên cán bộ, công chức phải có nhận thức đúng. Nhận thức là cơ sở để hình thành niềm tin và dẫn dắt, thúc đẩy hành vi của con người, dần dần trở thành thói quen, phong cách.
Vì vậy, cần tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền ý nghĩa của việc thực hiện văn hóa ứng xử nơi công sở, hiểu biết và thực hành các quy định về chuẩn mực văn hóa công sở nói chung và văn hóa ứng xử, giao tiếp nói riêng. Cần làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ trách nhiệm xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp là yêu cầu tất yếu của mỗi cá nhân góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải làm thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cơ quan, sinh hoạt của các đoàn thể. Cần đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, của công chức lớn tuổi và chú ý giáo dục, rèn luyện cho công chức trẻ.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa công sở nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng. Các cơ quan, đơn vị cần vận dụng các văn bản hướng dẫn của cấp trên để xây dựng những quy định phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể, là những chuẩn mực để giáo dục và cơ sở để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện văn hóa công sở và văn hóa ứng xử nơi công sở. Kiểm tra, giám sát là biện pháp cần thiết của chủ thể lãnh đạo, quản lý để phát hiện và kịp thời tác động điều chỉnh để ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn. Coi đây là hoạt động thường xuyên tạo thành những tác động đồng bộ để giúp cán bộ, công chức, viên chức ý thức được trách nhiệm thực hiện các quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở. Kết quả của hoạt động kiểm tra, giám sát là một trong những kênh thông tin để các chủ thể quản lý, lãnh đạo sử dụng trong việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.
Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống công vụ là giải pháp quan trọng giúp cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt đối với những bộ phận liên quan trực tiếp tới tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân tránh được những “rủi ro” mắc lỗi trong khi thực hành công vụ.
Xây dựng văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nội dung quan trọng trong quá trình cải cách hành chính – cải cách nền công vụ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Quá trình xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp cho cán bộ, công chức, viên chức là quá trình lâu dài, đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống bộ máy và bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Quá trình này phải có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, vai trò quản lý của chính quyền các cấp và vai trò giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt là vai trò của người dân, với tư cách là chủ thể thực sự của quyền lực nhà nước đồng thời là khách hàng, là đối tượng được phục vụ của chính quyền các cấp./.
Kim Anh