Văn hoá ứng xử tệ hại sẽ không có xã hội văn minh
Không một xã hội nào có phép ứng xử tệ hại mà văn minh được. Văn minh chỉ xuất phát từ những điều tốt đẹp.
Xã hội loài người từ khi hình thành đã sinh ra giao tiếp giữa con người với con người. Từ sự giao tiếp đó dẫn đến những cái lớn hơn, đó chính là văn hoá.
Trong lĩnh vực rộng lớn ấy, phép ứng xử là nền tảng cho sự phát triển của bất cứ xã hội nào.
Phép ứng xử thời xưa và thời nay luôn có sự khác biệt. Nhưng trước hết phải nói rằng, cuộc sống luôn luôn có sự vận động, không chỉ ở vấn đề văn hoá. Thông thường, những cái xấu, cái kém, cái không phù hợp sẽ bị đào thải. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng 100%. Trong quá trình phát triển, thi thoảng ta lại thấy những cái xấu xí không được đào thải hết, hoặc du nhập những thứ chưa thực sự phù hợp.
Khi tôi còn bé, phép ứng xử được dạy dỗ ngay từ trong gia đình. Trẻ con từ bé đã phải biết lễ phép, đi hỏi về chào, xưng hô đúng vai vế… Ứng xử giữa vợ chồng, thầy trò, con cái với cha mẹ… phải có trên có dưới. Mặc dù những quy tắc ứng xử đó khi đặt trong thời đại ngày nay có thể đã cổ điển quá, cứng nhắc quá, nhưng đâu đó vẫn có những cái đúng.
Bởi vì tất cả sự vỡ nát của một gia đình, một dòng tộc, một địa phương, một quốc gia, thậm chí là một nền văn hoá cũng chỉ bắt nguồn từ sự vỡ nát của những kỷ cương không được giữ gìn, trong đó có những kỷ cương về văn hoá. Và trong những kỷ cương về văn hoá có một thành tố chính là phép ứng xử.
Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng, phép ứng xử là nền tảng cho sự phát triển của bất cứ xã hội nào. Ảnh: Trần Thường
Ngay từ năm 1943, cụ Trường Chinh đã viết bản Đề cương Văn hoá Việt Nam, trong đó đề cập đến phép ứng xử. Những tờ báo tiến bộ thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám như tờ Phong hoá cũng đã có đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng văn hoá ứng xử thông qua những câu chuyện trào phúng để phê phán thói xấu trong xã hội xưa.
Ngày nay, khi khái niệm dân chủ đã được mở ra, người Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong cách ứng xử theo hướng tiến bộ. Trong gia đình, con có thể coi cha như người bạn lớn. Giữa thủ trưởng và nhân viên không còn chuyện “lạy ông, lạy cụ”, mà đã có những đối thoại bình đẳng.
Chất vấn trong kỳ họp Quốc hội cũng là một sự văn minh của phép ứng xử ở tầng thượng đỉnh mà ngày xưa chúng ta không có. Phép ứng xử thể hiện ở những đơn thư, kiến nghị, những bài báo nêu gương cái tốt hoặc vạch ra cái chưa tốt. Đó là một dạng của phép ứng xử. Mà chính nó sẽ tạo lực đẩy đưa xã hội tiến lên.
Thời đại 4.0 ngày nay, mạng xã hội có những mặt thật tuyệt vời. Nó giúp chúng ta thấy rõ hơn bản thân mình, bạn mình, môi trường mình đang sống. Khái niệm thế giới phẳng giúp chúng ta đến với nhau bất chấp khoảng cách địa lý.
Ngược lại, có những cách ứng xử chúng ta cần phải nhìn lại.
Ngày xưa, các cụ cũng đã có những cụm từ như “dân chủ quá trớn”.
Tôi lấy ví dụ ở môi trường giáo dục. Trước đây, “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Nhưng bây giờ, tôi rất buồn khi thấy một bộ phận học trò không đúng mực với thầy cô, thậm chí còn có trò đánh lại cả thầy. Hay còn có học trò lên mạng chửi lại cả thầy cô, bố mẹ.
Trong văn hoá ứng xử, người Việt chúng ta còn có phần hiếu thắng. Tôi đi bao nhiêu nước, tôi chẳng thấy họ cãi nhau trên đường phố như ở Việt Nam.
Tôi đi sang Lào, vào thăm một khu chợ nằm gần cửa ngõ Hà Tĩnh. Người Lào rất hiền lành nhưng chỉ sau 2 buổi, tôi nhận thấy cứ hễ khi nào có sự cãi vã trong khu chợ ấy thì đích thị là người Việt Nam sang.
Đó là sự thiếu hụt về văn hoá ứng xử của người Việt.
Thời đại 4.0 là bối cảnh khiến các yếu tố cá nhân bắt đầu được phép bộc lộ ra. Xưa kia thì chẳng ai biết người ấy tên gì, có một cái sẹo ở lưng hay từng hôn một cô bạn gái vào một ngày nào đó ở một địa điểm nào đó. Nhưng bây giờ tất cả những thứ đó đều có thể ở trên mạng xã hội.
Nhưng cái gì cũng nên có mức độ. Trên thế giới, việc bảo vệ những thông tin cá nhân cũng như bảo vệ số tài khoản của mình là quan trọng. Nhưng ở ta thì còn lỏng lẻo. Đôi khi một số cơ quan truyền thông cũng vi phạm điều đó và gây tổn thương cho các chủ thể.
Người Việt Nam chúng ta đâu đó còn những phép ứng xử rất kém, với cả đối tượng đám đông. Tôi nói ví dụ trong bóng đá, khi chúng ta đã vào ngôi nhà lớn, chúng ta phải tôn trọng luật chơi, nhập gia tuỳ tục. Nhưng khi chúng ta nghĩ mình bị “xử” bất lợi, hàng nghìn người đã vào Facebook của ông trọng tài để tấn công cá nhân, đến nỗi người ta phải đóng cửa. Ông ấy và đồng nghiệp của ông ấy sẽ nghĩ gì về văn hoá của dân tộc Việt Nam này?
Còn khi đến trận Việt Nam được cứu thua một bàn nhờ hình ảnh VAR, chúng ta lại quay ra hoan nghênh. Đó là cái kém cỏi, thiếu bản lĩnh của những người sử dụng văn hoá ứng xử trên mạng xã hội. Cách ứng xử đó cho thấy nhiều người thiếu văn hoá nền.
Cuối cùng, chúng ta vẫn phải quay trở về câu chuyện của giáo dục – nền tảng, diện mạo của một quốc gia. Chúng ta cần phải xem lại cái gọi là bài học công dân trong các môn học từ cấp 1. Theo tôi biết, hiện nay, nó được làm rất sơ sài, hời hợt.
Trong khi đó, trên truyền hình, chúng ta nhìn thấy mặt trận tư tưởng chính thống gần như bị đẩy lùi bởi những chương trình gameshow, những cuộc thi… vô bổ. Người ta nhìn thấy một văn hoá rất lai-căng ở đó.
Chúng ta vẫn hay nói một câu rằng “đừng bắn súng lục vào quá khứ”, đừng giẫm đạp lên truyền thống, văn hoá của cha ông. Hãy nhớ rằng chúng ta tiếp thu nhưng có chọn lọc, chứ không phải tiếp thu máy móc.
Như chúng ta đã biết, nếu ứng xử tốt thì văn minh sẽ phát triển. Không một xã hội nào có phép ứng xử tệ hại mà văn minh được. Văn minh chỉ xuất phát từ những điều tốt đẹp.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của nhà báo Nguyễn Lưu.
Nguyễn Thảo (ghi)
Mục lục bài viết
‘Xưa gia đình Việt thường ăn chung, ngủ chung, nay ra riêng là hợp lý’
“Bố mẹ muốn làm gì liên quan tới quyền tự do cá nhân của con cái, phải xin phép. Khái niệm quyền tự do cá nhân đã không còn xa lạ trong xã hội hiện đại”, nhà báo Nguyễn Lưu chia sẻ.