Văn hoá xếp hàng | TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH VIÊN
Văn hóa xếp hàng là gì? Đơn giản nó chỉ là cách giữ trật tự theo hàng, lối có người trước, sau một cách tuần tự… nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng người Việt Nam chúng ta lại chưa thể thực hiện nó như một thói quen thông thường.
Chuyện xếp hàng chờ đến lượt tưởng như là điều rất bình thường, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại. Thế nhưng tại nhiều nơi, bên cạnh những người có ý thức xếp hàng thì vẫn xuất hiện cảnh chen lấn, xô đẩy nhau khiến nhiều người bức xúc.
Theo nguyên tắc thì người đến trước xếp hàng trước, người đến sau nối theo sau. Thế nhưng có những người chỉ vì muốn nhanh chóng, được việc cho mình mà nhắm mắt chen ngang khiến cho hàng ngũ lộn xộn. Rồi ai cũng sợ mình thiệt nên cứ chen mãi lên đầu, không thèm để ý đến những người xếp hàng trật tự trước đó. Vậy là chẳng ai nói được ai, mạnh ai người nấy chen, cốt sao mình nhanh đến lượt. Đó chính là cách hành xử kém văn hóa nơi công cộng.
Vì sao việc xếp hàng ở Việt Nam khó trở thành thói quen? Bản chất việc xếp hàng không khó, một đứa trẻ có thể làm được nhưng mấu chốt là không ai tạo ra thói quen làm việc đó nên dần dần chúng ta “quên”!? Mỗi người lớn chúng ta là tấm gương không chỉ của em, của con, cháu… trong gia đình mình mà còn là tấm gương trước xã hội. Người Việt Nam ta thường có tâm lý, người ta làm vậy, mình cũng làm theo được…
Vậy mỗi chúng ta hãy “XẾP HÀNG” một cách có văn hóa, hãy là tấm gương cho những người xung quanh mình ở những nơi công cộng, nơi làm việc…
Đi thang máy:
Hãy là người đi thang máy văn minh, không chen lấn xô đẩy để giành lấy một chỗ đứng trong thang máy chỉ vì mình vội hay thoả mãn nhu cầu bản thân đến khi thang máy quá tải không đi được nhưng lại đùn đẩy không ai muốn ra càng làm mất thời gian của tất cả mọi người.
Giờ cơm trưa:
Giờ ăn trưa chính là lúc chúng ta phải bổ sung năng lượng cho cơ thể, có như vậy mới đủ sức hoàn thành trọn vẹn hết công việc trong một ngày. Cái cảm giác của thời tiết oi bức và cái bụng kêu âm ỉ sẽ dễ làm “cái tính bực bội” dễ nảy sinh huống chi là phải xếp hàng lần lượt chờ đợi cái thang máy di chuyển. Riêng đối với trường hợp ăn cơm ngoài tiệm, chúng ta đôi lần cũng ngán ngẩm cảnh tượng bấm chuông thang máy chờ đợi vài phút, rồi có khi chiếc thang máy lại “hững hờ” bỏ qua tầng của mình vì số lượng người đã quá tải. Mặc dù vậy, chúng ta đã tìm ra được những cách thức để tiết kiệm thời gian chờ đợi và cũng thể hiện ý thức về văn hóa xếp hàng là đi thang bộ, nhưng được bao nhiêu người nhận thức việc làm này ?.
Tại căng tin các bạn sinh viên có ai muốn xếp hàng chờ đợi đến lượt mình để lấy cơm hay xếp hàng để có chỗ ăn hay mình sẽ chen lấn nhau để được lên lấy cơm trước sau đó tranh giành để có chỗ ngồi ưng ý.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ hiện đại và văn minh. Hãy tự tập cho mình những thói quen có văn hóa, lịch sự để từ đó giúp cho con em mình, những mầm non tương lai của đất nước cũng học theo, tạo thành nếp sống của con người mới, có văn hóa xếp hàng, văn hóa ăn uống. Có thể nó chỉ là điều nhỏ nhoi trong cuộc sống nhưng nó cũng phần nào đánh giá được ý thức của con người.
Có thể chúng ta rất vội, chúng ta ghét phải chờ lâu, nhưng cũng có nhiều người như vậy. Và nếu như ai cũng vì lý do đó để chen lấn, không xếp hàng, tranh giành nhau thì bạn sẽ thấy như thế nào. Kiên nhẫn cũng là một đức tính cần phải rèn luyện.
Nguồn: Theo internet