Văn hóa xếp hàng của người Việt và cách ứng xử nơi đông người

(GDVN) – Phải nói rằng văn hóa xếp hàng của người Việt mình chưa trở thành một thói quen, lan rộng ra cả cộng đồng.

Câu chuyện xếp hàng một lần nữa lại được nhắc đến sau sự việc một người đàn ông tên Đào Quang Tiến, ở phố Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh người phụ nữ tên L. vì bị nhắc nhở xếp hàng rút tiền ở cây ATM.

Thói xấu này không phải bây giờ mới thấy mà chúng ta vẫn thường xuyên thấy cảnh chen lấn ngang mặt ở những nơi công cộng. Tại sao những người lớn lại có những cách hành xử như vậy và bao giờ văn hóa ứng xử nơi công cộng của một số người Việt của chúng ta mới chịu thay đổi?

Văn hóa xếp hàng của người Việt và cách ứng xử nơi đông người ảnh 1

Chúng ta hẳn còn nhớ về một cậu bé 9 tuổi người Nhật Bản cách đây mấy năm về trước, khi ấy cậu bé là nạn nhân trong trận thiên tai đang đứng xếp hàng chờ phát thực phẩm, trên người chỉ có một chiếc áo thun và quần cọc trong khi trời rất lạnh.

Vì thế, cậu bé được một thành viên trong đoàn cứu trợ cho một phần lương khô và đề nghị ăn trước cho đỡ đói vì bé xếp cuối hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận phần lương khô thì cậu bé đã cho vào giỏ của những người đang phát thực phẩm và tiếp tục quay lại chỗ của mình đang đứng để chờ tiếp.

Khi được hỏi lý do trả lại phần lương khô thì câu trả lời của cậu bé thực sự đã gây xúc động cho rất nhiều người: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Sau này, trong khi nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Tokyo vào tháng 6/2017 thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hết lời ca ngợi tinh thần của người Nhật.

Thủ tướng nói: “Chúng ta nhớ thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản. Chúng ta thấy hình ảnh gì của dân tộc Nhật Bản mà có thể là bài học cho lớp trẻ chúng ta hay không?

Chúng ta thấy họ mất mát như thế nhưng trật tự xếp hàng lấy bánh mì, đồ ăn, không hề có sự lộn xộn. Hay ví dụ có một em bé 9 tuổi đã nhường phần ăn của mình cho người già trong lúc khó khăn như vậy” .

Rõ ràng, khi đứng trước những khó khăn, bất hạnh của thiên tai gây ra nhưng cách hành xử của cậu bé Nhật Bản nói riêng và văn hóa xếp hàng của người Nhật nói chung khiến cho thế giới ngưỡng mộ họ. Và, tất nhiên, người Nhật đã trở thành những người đáng cho chúng ta học tập, làm theo.

Đối với người Việt mình thì tư tưởng “khôn lỏi”, “khôn vặt” đã được tồn tại qua nhiều đời. Vì thế, ông cha ta xưa cũng đã đúc kết thành một kinh nghiệm sống, đó là: “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Những cái có lợi cho mình thì bao giờ cũng muốn được, những cái bất lợi thì lại thường muốn đùn đẩy cho người khác.

Khi đi vào các hội nghị, hội họp, tập huấn, học tập ở bất kỳ cơ quan công sở nào chúng ta cũng thấy một nghịch lý là những dãy bàn ghế đầu của hội trường thường không có người ngồi.

Cho dù trong hội trường có rất nhiều người đến sớm nhưng lại đều tập trung ngồi ở phía sau. Vì thế, bao giờ người chủ trì cũng năm lần bảy lượt mời những người phía sau lên phía trước nhưng đôi lúc việc này cũng không thành công. Vì sao vậy, ngồi phía trước không nói chuyện được, ngồi phía trước không tiện lợi bằng.

Thế nhưng, những chuyện có lợi cho mình thì nhiều người bất chấp. Đến siêu thị mua bán, khi thanh toán tiền thì nhiều người rất tự nhiên chen lấn đứng trước những người đang chờ đợi mà họ không một chút xấu hổ. Nếu có nhắc nhở thì họ còn tỏ thái độ khó chịu.

Khi ra nhà xe, đường ra cổng hẹp mà còn phải qua công đoạn soát vé của nhân viên bảo vệ nhưng vẫn có nhiều người lách lên để được ra ngoài cổng trước.

Khi tham gia giao thông trên đường phố, mỗi khi dừng trước đèn đỏ thì chúng ta vẫn thấy một số người lạng lách xe của mình để được đứng ở phía trước những người đã đang dừng xe.

Trong khi, chúng ta biết rằng, đứng trước hay đứng sau ở điểm dừng đèn đỏ thì có nhanh hơn được bao nhiêu giây đâu mà họ vẫn cứ giành nhau đến vậy?

Lên tàu, lên máy bay dù mỗi người đã có số vé riêng nhưng nhiều người không thứ tự xếp hàng chờ đến lượt mình mà chen lấn đứng trước, lên trước tạo nên cảnh xô đẩy, lộn xộn không đẹp chút nào.

Vào tiệm cắt tóc, nhiều khi đang có nhiều người chờ đợi vẫn có những người vào sau nhưng vội vàng ngồi vào ghế khi có người cắt xong vừa đứng lên dù cho những người khác bất bình.

Thậm chí đi lễ hội, chùa chiền- nơi được xem là trang nghiêm thì người ra vẫn chen lấn nhau để có thể được thực hiện việc cúng bái, xin quẻ, cướp lộc được trước, được nhiều hơn…

Phải nói rằng văn hóa xếp hàng của người Việt mình chưa trở thành một thói quen, lan rộng ra cả cộng đồng. Chính vì thế, nó tạo thành một nét văn hóa cực xấu trong mắt bạn bè quốc tế và ngay cả với người Việt của mình.

Người lớn không nêu gương, người lớn lại trở thành tấm gương mờ trong mắt trẻ nhỏ, thậm chí có nhiều phụ huynh còn khuyến khích con mình xô đẩy, chen lấn để mua bán, đi lại…

Bao giờ người Việt mình thay đổi đây? Những hình ảnh như ông Đào Quang Tiến, ở Hà Nội chửi bới, đe dọa, lấy mũ bảo hiểm đánh vào đầu người phụ nữ đang có cháu nhỏ đi theo chỉ vì nhắc nhở xếp hàng liệu có còn tái diễn?

Người Việt mình có nhiều điều tự hào lắm sao một thói quen xếp hàng lại không thể thay đổi được? Chẳng lẽ chuyện xếp hàng đã học từ thời mẫu giáo, tiểu học mà đến lúc trưởng thành rồi vẫn còn khó lắm hay sao?

KHÁNH VĂN