Văn hóa xin lỗi

Lời xin lỗi luôn là lời khó nói nhất. Nhưng đã nói ra rồi, mức độ chân thành của nó tới đâu còn là một thử thách lớn hơn nhiều lần.

Sức nặng của lời xin lỗi

Từ năm 1932 đến năm 1968, hãng sản xuất hóa chất Nhật Bản Chisso Corporation đã thải thủy ngân vào Vịnh Minamata ở bờ biển phía Tây Nhật Bản, gây ra  một hội chứng thần kinh khủng khiếp sau này được đặt tên là “bệnh Minamata”, khiến các nạn nhân trở nên yếu cơ, rơi vào tê liệt, hôn mê và tử vong.

Các nhà hóa học của Chisso biết rằng họ phải chịu trách nhiệm, nhưng công ty này đã từ chối việc ngừng đổ thủy ngân xuống biển, và bào chữa rằng thuốc nổ từ Thế chiến thứ hai đã làm ô nhiễm nước. Tập đoàn này đã “xin lỗi” một cách không chính thức, và đề nghị trả một khoản bồi thường tượng trưng cho các nạn nhân.

Văn hóa xin lỗi -0

Trong bầu không khí ủng hộ các tập đoàn phát triển kinh tế của những năm 1960 tại Nhật, Chisso hoàn toàn đủ khả năng xóa bỏ những bằng chứng về mối liên quan giữa hoạt động của họ và tình trạng bệnh tật lan rộng. Nhưng các ngư dân của cộng đồng đã không ngừng mở các chiến dịch phản đối, và cho đến năm 1968, bước ngoặt đã xuất hiện. Một trong những nhà nghiên cứu của tập đoàn đã thú nhận trên giường bệnh rằng ông đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục về việc thủy ngân do Chisso thải ra gây nên bệnh dịch, nhưng đã tiêu hủy bằng chứng theo lệnh công ty.

Trước đó, các nạn nhân của Chisso đã bị đối xử như những “tội đồ” của nền công nghiệp: họ gần như không được chào đón ở các cửa tiệm và nhà hàng, cũng như khó tìm việc. Trong cuộc gặp với họ sau nhiều năm im tiếng, Chủ tịch của Chisso, Kenichi Shimada, tuyên bố rằng tập đoàn không có khả năng chi trả các thiệt hại. Một nạn nhân đứng lên: “Nếu tôi không nhận được bồi thường, tôi không thể sống được”. Sau đó, anh ta với lấy gạt tàn thủy tinh trên bàn và tự rạch tay mình.

Các nạn nhân nhất quyết yêu cầu một lời xin lỗi công khai, không đổ lỗi loanh quanh nữa, và phải mất hàng thập kỷ, điều này mới thành hiện thực. Shimada sau này đã phải phủ phục, nhận trách nhiệm về căn bệnh gây ra cho hàng ngàn người. Tòa án kết án tù giam hai giám đốc điều hành của Chiso. Năm 1973, chính phủ Nhật Bản chính thức thừa nhận ba ngàn nạn nhân của tập đoàn này. Chisso đã chi trả cho thiệt hại của những ngư dân mà nó đã phá hủy sinh kế, và các doanh nghiệp toàn Nhật Bản đã bắt đầu phải thay đổi: từ nay, họ sẽ phải sản xuất dưới một quy trình giám sát về môi trường.

Lời xin lỗi công khai ở đây có sức nặng. Nó không chỉ xoa dịu nạn nhân, mà còn là dấu chấm hết của một cách làm đã gây ra hậu quả. Một tổ chức không chỉ phải bồi thường vì việc họ làm sai, mà còn phải sửa chữa lại hệ thống hành động của họ để đảm bảo rằng không còn ai trở thành nạn nhân của quy trình đó nữa. Nó là bước ngoặt để tất cả cùng hành động theo một nhận thức mới.

Trong đại dịch, chúng ta được chứng kiến những lời xin lỗi được đưa ra rất nhanh chóng: Chủ tịch TP Nha Trang xin lỗi một công dân ra đường nhưng bị bắt lại vì “bánh mỳ là hàng hóa không thiết yếu”. Chủ tịch TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) xin lỗi người dân vì một chủ tịch phường đã thu phí cấp giấy đi đường. Trước đó, anh công nhân ở Nha Trang thậm chí bị doanh nghiệp sa thải, sau khi biết anh bị phạt. Ở Phan Rang – Tháp Chàm, không biết bao nhiêu người dân đã phải nộp tiền trước khi sự việc bị phanh phui.

Đi kèm với đó là khắc phục hậu quả. Bí thư Khánh Hòa đề nghị hỗ trợ xin việc làm cho công dân bị sa thải vì “bánh mỳ không thiết yếu”. Chủ tịch phường ở Ninh Thuận thu tiền dân bị đình chỉ công tác. Các tỉnh lần lượt ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu, và dành sự “ưu ái” lập tức cho… bánh mỳ.

Nhưng hãy nhìn lại những bức thư xin lỗi: “Trước hết, Chủ tịch UBND TP Nha Trang xin lỗi và nhận khuyết điểm trong công tác quán triệt, lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bản thành phố, nhất là đã để xảy ra vụ việc nêu trên”. Sau đó là “rất mong nhân dân nói chung và công dân Trần Văn Em nói riêng thông cảm, chia sẻ, ủng hộ những nỗ lực của UBND thành phố và UBND các xã, phường trong thời điểm dịch bệnh phức tạp” (hết trích).

Bức thư xin lỗi đã biến thành một công văn hành chính đơn thuần, một dạng thủ tục cần có để giải tỏa sức ép dư luận. Rằng đây giống như một sự hiểu lầm, chứ không hẳn là chính quyền địa phương đã sai. Nếu bạn cảm nhận được sự vô lý của hành động phạt người công nhân đi mua bánh mỳ, bạn hẳn sẽ hiểu được đây không chỉ là một “nhận thức chưa đầy đủ” của công chức thừa hành về một chỉ thị hành chính.

Tất nhiên, chúng ta không thể có nhận thức mới, từ những công văn xin lỗi hành chính này. Bằng chứng là vài ngày sau, đến lượt băng vệ sinh bỗng trở thành “mặt hàng không thiết yếu”, và trong những ngày sắp tới, nếu điều chỉnh chính sách theo phản ứng vụ việc nhất thời, chúng ta sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng về khái niệm này.

Nhưng sẽ không thể có thay đổi gì, nếu chúng ta không bắt đầu từ một lời xin lỗi thẳng thắn. Đây không chỉ là chuyện đạo đức: nếu các công chức nghĩ rằng sai lầm của họ chỉ đến từ thiếu sót của những văn bản khách quan, chúng ta có lẽ sẽ còn phải nghe mệnh đề không tưởng kiểu “bánh mỳ không phải thiết yếu” thêm nhiều lần nữa, và tốn thêm rất nhiều chi phí để giải quyết cơn khủng hoảng do nó tạo ra.

Phạm An

Những ông hoàng biện bạch

Giữa một cán bộ và một học sinh lớp 3 có thể có điểm chung ở đâu? Khi phạm lỗi, cả 2 đều rất dễ nói là “tại quên”, tại “không biết”, tại “không để ý”.

Văn hóa xin lỗi -0

Giới báo chí đi miền núi hay kể cho nhau nghe một mẩu chuyện về lời hứa của người Mông. Có một anh người Mông đi trên đường, gặp một nhà báo. Anh nhà báo xin được xem con dao của người Mông đang tra trong vỏ: dao của người Mông tự rèn vốn là một huyền thoại trên núi cao, và ai cũng muốn được thử cầm một lần.

Cậu người Mông ngần ngừ, rồi rút con dao ra khỏi vỏ gỗ, tự cứa nhẹ vào lòng bàn tay mình.

“Đây là con dao đi săn của tao, nên mỗi lần rút ra khỏi vỏ phải dính máu, tao đã hứa thế rồi”, cậu nói. Rồi cậu đưa con dao cho anh nhà báo xem.

Câu chuyện đó, gần như một truyện đồng dao, được nhiều thế hệ nhà báo kể cho nhau nghe. Không ai định tra vấn xem câu chuyện có thật không.

Lời hứa ở nơi đó rất quan trọng. Ở Si Ma Cai, nhiều làng bản tự lập những đội giữ rừng, và bắt vạ những người dám vào rừng của họ chặt cây, bẫy thú. Đó là nơi mà mỗi dịp đầu Xuân về, đồng bào sẽ tổ chức lễ cúng rừng: đó là nơi mà người Mông đưa ra những lời hứa với Thần Rừng, lời hứa với bản thân và cộng đồng về việc giữ rừng, giữ bản. Lời hứa ở đây tồn tại dưới dạng hương ước.

Lời hứa đó được tuân thủ tuyệt đối. Có một anh nhà báo khác, chính là người viết bài này, đến gặp một già làng ở Si Ma Cai. Anh hỏi: “Pháp luật mãi đến gần đây mới giao rừng cho thôn bản, trước đó lập đội giữ rừng phải chăng là vi phạm pháp luật?”. Già làng chỉ nói: “Mình không làm thì ai làm”.

Lời hứa và danh dự của người Mông đã trở thành một truyền thuyết của những vùng núi cao Tây Bắc. Có những cộng đồng mà khi nhắc đến, người ta biết rằng họ là những người nuôi lòng tự ái rất cao, trọng danh dự. Không có khoảng trống cho các thỏa hiệp.

Một vị cán bộ trình văn bản có sai sót, được biện bạch là lúc soạn thảo văn bản “đang đi học”, không nắm được cấp dưới đã trình gì. Một hiệu trưởng khi sự cố xảy ra trong sân trường được khẳng định là “không có mặt tại cơ quan” lúc xảy ra sự việc. Một lãnh đạo khi nhận quà có thể tuyên bố “không biết có giá trị bao nhiêu” hay thậm chí là… không nhớ ai tặng.

Có một “nền văn hóa biện bạch” đang được hình thành. Trong nhiều tình huống, người ta sẽ không thể phân biệt được một đứa trẻ 8 tuổi với một người trưởng thành, đầu hai thứ tóc nữa. Nào là “quên”, nào là “không biết”, nào là “không để ý”. Nếu có sự cố xảy ra, một đứa trẻ lớp 3 sẽ nghĩ quanh co (bằng đầu óc non nớt của nó) để đưa ra một lý do, tránh bị phạt.

Nhưng khác với một đứa trẻ, vốn chỉ đại diện cho chính nó, những “quên”, những “không biết” hay “không để ý” của một cán bộ sẽ làm hại uy tín của cả tổ chức mà anh ta đại diện.

Những lời xin lỗi thành thật được nói ra đúng lúc, thường không làm tăng hay giảm hình phạt dành cho những sai lầm. Nó chỉ đơn giản là một biểu hiện của một nền văn hóa nơi người ta tôn trọng cảm xúc của người khác.

Nhưng nền văn hóa nơi người ta biết tôn trọng cảm xúc của người khác, tôn trọng cảm xúc của cộng đồng, đã bị triệt tiêu theo nhiều cách. Nó có thể bị triệt tiêu từ thời các cô mậu dịch, từ văn hóa xin-cho, từ các tập quán cửa quyền, từ nền hành chính “hành là chính”…

Trong một hệ thống mà người ta có thể bắt người dân làm giấy tờ chờ từ 8h sáng đến 2h chiều vì “anh ấy đi họp chưa thấy về”, mà không cần giải thích gì thêm, thì lời xin lỗi vốn đã luôn xa xỉ.

Người ta sẽ tự hỏi làm thế nào để tạo ra những người biết tự ái và coi trọng danh dự? Đưa họ lên núi sống? Tăng số lần phê và tự phê hàng năm?

Việc người ta từ chối nhận trách nhiệm và đưa ra lời xin lỗi bằng mọi giá – kể cả những thứ ngây ngô như “quên”, “không để ý” – có lẽ là biểu hiện của không gian thỏa hiệp. Giống như trong trí tuệ ngây thơ của một đứa trẻ, chúng nghĩ: Bằng một cách nào đó, tôi sẽ thoát được vụ này, cứ quanh co đi rồi người ta sẽ bỏ qua và không ai phạt mình cả. Các cán bộ thì không ngây thơ như đứa trẻ, nhưng ngay trong thời điểm biện bạch, hẳn họ cũng nuôi niềm tin rằng “có cửa” nào đó để mọi thứ chìm xuồng.

Rõ là có thể thỏa hiệp, vì có thể mức kỷ luật sẽ chỉ là “nghiêm túc kiểm điểm” hoặc “đề nghị rút kinh nghiệm” thôi.

Khác với những người Mông, không tin vào sự thỏa hiệp, 1 là 1 và 2 là 2, cuối cùng chúng ta sẽ không thể trông chờ vào một nền văn hóa thẳng thắn, dám làm dám chịu, nếu như vẫn còn chỗ cho quá nhiều thỏa hiệp.

Sợ rằng nếu như đưa những con người này lên núi sống, rồi đến ngày chính cộng đồng trên núi cũng sẽ học được cách “kiểm điểm nghiêm túc” trước Thần Rừng. Không còn ai biết nói lời xin lỗi, và dám tỏ ra có thể chịu trách nhiệm nữa.

Đức Hoàng

Bắt đầu và chấm hết

Khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu “mong nhân dân thành phố lượng thứ” cho những lúng túng của lãnh đạo TP HCM trong công tác triển khai chống dịch COVID-19 gần đây, đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội rằng lâu lắm rồi nhân dân thành phố mới được đọc một chia sẻ chân thành đến thế của lãnh đạo. Sự chân thành đó không đến từ ba tiếng “mong lượng thứ”. Nó đến từ chính sự thừa nhận rất thẳng thắn về sự lúng túng của bộ máy lãnh đạo TP mà ông Nguyễn Văn Nên là một đầu tàu.

Văn hóa xin lỗi -0

Thực tế, không phải là xưa nay chưa từng có lãnh đạo đứng ra xin lỗi nhân dân nhưng phải thừa nhận, đó là việc không phổ biến. Chúng ta quen nhìn thấy các lý giải, biện minh, nhiều khi đến mức độ vụng về, hơn là những lời xin lỗi thẳng thắn. Và nếu có những lời xin lỗi, chúng ta khó có thể tìm được ở đó một sự chân thành đủ để tạo cơ sở cho lòng bao dung. Nói ra thì hơi tiêu cực nhưng đúng là thực tế đã cho thấy cái tính thủ tục và hình thức ấy đang là trọng tâm nhiều hơn là sự hối lỗi và nhận thức về sai sót của người đã phạm sai lầm. Đơn cử như một buổi xin lỗi công khai một trường hợp bị kết án oan gần đây. Cái cách kết thúc buổi xin lỗi quá chóng vánh khi mà gia đình của người bị kết án oan chưa kịp giãi bày đã khiến họ có những hờn giận. Những hờn giận ấy tuy nhỏ thôi nhưng nếu không được xử lý kịp thời, rất có thể sẽ trở thành những bức xúc lớn.

Thực tế, chúng ta cần phải nhìn nhận vào văn hóa chung của người Việt để hiểu tại sao lời xin lỗi chân thành lại khó nói đến thế. Không hẳn chỉ có quan chức chính quyền trót làm chưa đúng khó nói lời xin lỗi với dân đơn thuần mà ngay cả mỗi chúng ta, trong quan hệ xã hội thường nhật với nhau cũng rất khó bật ra một câu xin lỗi đúng nghĩa tự đáy lòng. Người Việt nói chung thường có tính sĩ diện rất cao, hay xấu hổ và cũng dễ xuề xoà. Bởi vậy, sự “bẽn lẽn” trong thái độ luôn khiến lời xin lỗi cần được gắn liền với một biện minh nào đó. Chính cái biện minh ấy nó khiến cho đối tượng được xin lỗi không cảm nhận được cái chân thành nhận lỗi. Cơ bản, chúng ta ít dám nhìn thẳng vào chính bản thân mình, nhìn thẳng vào chính hành vi của mình mà thay vào đó, luôn tìm đến phương cách để đổ tại hoàn cảnh nhằm che dấu bớt đi cái sai, cái dở, cái kém cỏi đã khiến mình có những hành vi chưa chuẩn mực.

Ở thời đại mới này, khi mà thông tin được mở rộng và khó che giấu hơn, cùng với tác động quá mạnh của dư luận, việc xin lỗi nhiều khi không đến thực tâm từ nhận thức mà nó lại là một “việc-cần-phải-làm” để giải quyết khủng hoảng truyền thông. Nếu chúng ta từng nhìn nhận vào quan chức chính quyền trong các trường hợp xin lỗi dân là vụng về, hình thức và chúng ta dễ dãi quy kết rằng chẳng qua vì họ có quyền lực trong tay nên họ xin lỗi không chu đáo thì có lẽ chúng ta nên xem xét lại chính quy kết này. Ngay cả các đại diện của các nhãn hàng, những người của công chúng cũng vậy thôi. Họ đều có thái độ xin lỗi đa phần theo kiểu cho xong chuyện khi mà họ không còn cách giải quyết nào khác. Còn thực sự hiểu ra lỗi của mình để có một thái độ cầu thị thì quá hiếm.

Văn hóa xin lỗi có lẽ nên được bắt đầu xây dựng lại một cách văn minh hơn, thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân hơn thay vì coi đó chỉ là một phương tiện giải quyết khủng hoảng. Nó cần được tạo thành một thói quen hàng ngày giữa người với người, thói quen sẵn sàng nhận lấy phần lỗi của mình một cách mạch lạc thể hiện ở nhận thức lỗi ấy là gì và lời tạ lỗi cần được thể hiện như thế nào. Chính sự mạch lạc ấy nó cho thấy người nhận lỗi dám dũng cảm đi thẳng vào tâm điểm của sự việc, dám dũng cảm đón nhận hệ quả từ cái sai của mình, ý thức được việc mình làm đã có những tác động tai hại đến mức độ nào đối với người khác.

Và đặc biệt, tệ nạn ỉ vào quyền lực nào đó của mình để dẹp tan “tâm bão” cần phải được xóa bỏ triệt để. Mà các dạng quyền lực này thì nhiều vô kể. Người nổi tiếng thì dùng quyền lực của khả năng huy động đám đông người hâm mộ để vùi dập tiếng nói phản biện lại mình. Doanh nghiệp lớn thì dùng quyền lực đồng tiền để tha hóa các cá nhân công cụ truyền thông nhằm bịt miệng dư luận. Và quan chức thì dùng quyền lực quản trị mình có trong tay để tác động nhằm xí xóa vụ việc. Chính cái thói quen xấu thích lạm dụng quyền lực này đã khiến người Việt dần xa hơn cách cất lên lời xin lỗi chân thành.

Và nhất thiết, để thể hiện cái chân thành trong lời xin lỗi, chúng ta cần coi nó vừa là kết thúc, vừa là khởi đầu. Điều đó liên quan đến hành động chứ không chỉ là lời nói đơn thuần. Ở thời điểm lời xin lỗi được đưa ra, cái sai cần phải được kết thúc, không thể lặp lại với một đối tượng khác. Sự kết thúc ấy chính là việc khẳng định người xin lỗi đã ý thức được vì đâu mà mình sai và biết cách xử lý chính các nguyên do có thể khiến mình tạo ra một cái sai như thế. Và sự khởi đầu nằm ở cách hành động khác. Thay đổi hành động để có kết quả tốt hơn chính là việc khẳng định thiện chí nhận lỗi của chính bản thân mình một cách rõ ràng nhất, minh bạch nhất.

Sau khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên mong “nhân dân thành phố lượng thứ”, rõ ràng công tác chống dịch ở TP.HCM đã cải thiện hơn rất nhiều. Những lúng túng đã được gỡ bỏ dần, và những cái chưa chuẩn chỉnh đều đã được sửa sang kịp thời ngay khi có phản hồi. Ví dụ việc giao hàng liên quận trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 hoặc việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng giao hàng chẳng hạn. Đó chính là những hành động mang tính “kết thúc và bắt đầu” như đã nói ở trên, để chứng minh sự chân thành mà người dân cảm nhận là sự thật.

Vượt trên hết, sự bao dung sẽ luôn mở rộng cánh cửa của nó khi nhận thấy xin lỗi không chỉ là lời mà còn là hành động kịp thời…

Hà Quang Minh