Văn hoá xin lỗi của người Nhật vô lý và một cái và nghệ thuật

Trong bài viết này, Mira có giải thích một số lý do vì sao lúc nào người Nhật cũng hay nói lời xin lỗi. Lý do có thể được tóm tắt là do cái màu xám lẫn lộn trong cách suy nghĩ của người Nhật dẫn đến lời xin lỗi của họ mang nhiều ý nghĩa. Do vậy, lời xin lỗi ở Nhật không chỉ đơn giản là thú nhận tôi có tội, mà đôi khi còn là để thể hiện Phép Lịch sự, Thiện chí, tấm lòng và Tinh thần trách nhiệm của đối phương.

Văn hoá xin lỗi của người Nhật
Tuy nhiên, trong vô vàn lời xin lỗi mà ta có thể gặp ở Nhật, Mira đặc biệt chú ý đến hai văn hóa xin lỗi sau, một cái có thể được xem là văn hóa xin lỗi ..vô lý và một cái và nghệ thuật xin lỗi để thu phục lòng người !

1. Văn hóa xin lỗi vô lý !!!

Cái văn hóa xin lỗi mọi lúc, mọi nơi, có lỗi cũng xin, không lỗi cũng xin đã gây ra nhiều trường hợp Xin lỗi một cách vô lý ở Nhật (theo ý kiến của mình). Điển hình mình xin kể cho các bạn nghe trường hợp như sau :

Cách đây một,hai năm gì đó, có một công ty du lịch Nhật tổ chức tham quan và đi bộ vòng quanh khu vực Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc vào mùa đông. Tuy nhiên thời tiết lúc đó rất xấu và một trận bão tuyết khổng lồ đã ập đến thành phố Bắc Kinh, khiến cho nhóm người đi tham quan gặp nạn. Tai nạn ngoài ý muốn đã khiến có người mất tích, có người bị thương .

Tuy nhiên, những người sống sót từ trận bão tuyết quay trở về Nhật Bản, chưa kịp hồi phục từ những vết thương tinh thần lẫn thể xác thì đã phải đối mặt ngay với cơn bão dư luận chính tại quê hương. Nhiều người Nhật phẫn nộ cho rằng những người tham gia tour du lịch là những kẻ “ngốc nghếch” khi quyết định đi tham quan trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt. Còn công ty du lịch tổ chức chuyến đi thì bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm vì đã không hủy bỏ hay đưa ra những ý kiến chuyên nghiệp để thuyết phục khách dời chuyến đi (mặc dầu tour tham quan hoàn toàn được thực hiện trên ý chí tự nguyện của khách hàng).

Nói chung, cả người tham gia lẫn công ty tổ chức đều bị phần đông dân Nhật quy tội là làm phiền những người xung quanh cũng như làm hao tổn ngân khố quốc gia khi phải chi ra những số tiền vô lý cho những công tác cứu trợ “ngớ ngẩn” ! Thế là những người sống sót trở về và công ty du lịch phải xuất hiện trước truyền hình nói lời Xin lỗi đến toàn dân Nhật !!!

Chắc đối với người Nhật, những lời xin lỗi như vậy là điều đương nhiên trong văn hóa của họ, nhưng đối với mình thì mình thấy hơi vô lý ! Còn các bạn nghĩ sao ?

2. Khi lời xin lỗi trở thành …nghệ thuật bán hàng !

Tuy nhiên, văn hóa xin lỗi của người Nhật cũng có điểm hay mà theo ý kiến cá nhân của mình , chúng ta nên học hỏi. Đó chính là nghệ thuật sử dụng lời xin lỗi để thu phục lòng người, mà cụ thể là để lấy lòng của khách hàng.

Thật đấy, ở Nhật, khách hàng chính là Thượng đế (đúng nghĩa đó nha chứ không phải lời nói suông như ở một vài nơi ). Khi bạn không vừa lòng gì về sản phẩm và than phiền với công ty thì ngay lập tức Họ sẽ lắng nghe và phản hồi bạn ngay bằng …những lời xin lỗi rối rít. Chưa hết, nếu chỉ xin lỗi suông thôi chưa giải quyết hết vấn đề thì ngay lập tức bạn sẽ nhận được coupon khuyến mãi, phiếu giảm giá hay hoàn tiền sản phẩm vân vân … Về vấn đề này thì có quá nhiều ví dụ nên không biết kể chuyện gì cho các bạn nghe đây hihih … Thôi thì kể những chuyện xảy ra gần nhất vậy …

Ví dụ như tháng trước mình đi ăn ở một nhà hàng, vừa ngồi xuống ghế thì anh phục vụ chạy lại xin lỗi rối rít ! Bàng hoàng còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, mình mới ngồi thôi mà, còn chưa gọi món ăn nữa nên có làm gì để anh này đắc lỗi đâu ta ! Thì ra là do mấy cái máy lạnh trong nhà hàng bị trục trặc nên trong phòng hơi nóng, do vậy nhân viên nhà hàng chạy ra tạ lỗi trước với khách, đồng thời còn tặng coupon giảm giá cho bữa ăn hôm đó nữa ! Sướng ghê không ?

Thật ra trong phòng cũng không nóng lắm nên nếu nhân viên nhà hàng không nói trước thì mình cũng chẳng nhận ra, mà nếu họ không cần xin lỗi thì sẽ không bị tốn kém tiền khuyến mãi cho khách . Vậy cần gì họ phải nhọc công làm như thế ?

Lý do đơn giản bởi vì những người làm dịch vụ ở Nhật hiểu được một điều mà không phải ai cũng hiểu hihihi .. Đó chính là sử dụng lời Xin lỗi như một nghệ thuật bán hàng hay nói đúng hơn là để lấy lòng khách hàng.

Chẳng có gì trên đời này là hoàn hảo, kể cả những sản phẩm hay dịch vụ được cho rằng cao cấp nhất hay chuyên nghiệp nhất. Do vậy việc nhận lỗi và khắc phục lỗi chẳng qua là một cách để nhìn lại sản phẩm của mình rồi tìm cách để cải tiến cho tốt hơn. Bên cạnh đó, lời xin lỗi đối với khách hàng cũng không phải là việc xác nhận Ai đúng, Ai sai, Ai thắng, Ai thua , mà trong nhiều trường hợp chỉ đơn giản như một lời tri ân sự ủng hộ của khách trong thời gian vừa qua hay là một cách để thực hiện đúng phương châm Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, để rồi lúc nào khách cũng nhớ và quay trở lại với chúng ta ….

3. Lời kết
Như các bạn đã biết, cái gì trên đời này cũng có 2 mặt tốt, xấu … Nước Nhật để có được mùa xuân tuyệt đẹp với hoa anh đào rợp nở thì cũng phải trải qua một mùa đông buồn bã và lạnh giá ! Và cái văn hóa xin lỗi ở Nhật cũng vậy, có mặt mà mình nghĩ là vô lý , mắc cười nhưng cũng có cái mà mình nghĩ chúng ta cần phải học hỏi.

Tuy nhiên, về mặt căn bản thì mình nghĩ điểm chung giữa văn hóa xin lỗi của người Nhật với người Việt Nam hay các quốc gia khác trên thế giới là có chung cái định nghĩa nguyên thủy của từ vựng này, đó là nếu bạn nghĩ là bạn có lỗi thì hãy nhận lỗi của mình.

Mình sống ở Nhật nhưng chắc chưa đến nỗi bị ảnh hưởng bởi văn hóa xin lỗi của người Nhật nên mình nghĩ rất đơn giản nhé. Nếu anh không có lỗi thì hãy tìm cách giải thích cho mọi người hiểu, còn nếu anh đã nhận là mình có lỗi (cho dù lỗi ít hay nhiều, nhỏ hay lớn) thì việc xin lỗi thì có gì là sai, đặc biệt nếu đó là lỗi đắc tội với người mang doanh thu và công việc đến cho mình – Khách hàng !

Thật ra, mình nghĩ người Việt cũng có cái văn hóa sử dụng lời xin lỗi như một nghệ thuật đắc nhân tâm đó các bạn, bời vì từ xa xưa ông bà ta đã có câu : “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”! Chỉ có điều có một số người do cái tôi, cái lòng tự trọng quá lớn hay do một số lý do “bí ẩn” nào đó mà họ quên đi hay Cố tình quên đi cách sử dụng cái “nghệ thuật” này mà thôi hihih !

Và kết quả là nhiều người phải đã tự đặt cho mình một câu hỏi Có cần phải xin lỗi (mặc dầu tôi có lỗi)?

————————————

Mời bạn tham khảo một số bài viết khác tại  : Xã hội và con người Nhật Bản