Văn học dân gian là gì? Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian là gì?
Văn học dân gian là một trong những loại hình nghệ thuật phổ biến biến góp phần tạo nên tính đang dạng và phong phú của nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Vậy văn học dân gian là gì và có đặc trưng như thế nào? Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Văn học dân gian là một bộ phận vô cùng quan trọng và không thể tách rời trong văn học nghệ thuật. Với hai đặc trưng cơ bản là tính truyền miệng và tính tập thể, văn học dân gian là loại hình nghệ thuật phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn đến con người và xã hội.
Mục lục bài viết
1. Văn học dân gian là gì?
Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ được hình thành và phát triển bởi nhiều tầng lớp nhân dân. Văn học dân gian được lưu truyền và giữ gìn qua nhiều thế hệ cho tới ngày này bằng hình thức truyền miệng.
Văn học dân gian được đúc kết từ chính sinh hoạt thường ngày và kinh nghiệm sống của tập thể nhân dân. Các tác phẩm văn học dân gian thể hiện rõ nhận thức, tâm tư, tình cảm của con người về đời sống lao động cũng như đời sống cộng đồng. Tác giả của văn học dân gian trải rộng từ người nông dân lao động đến thành phần tri thức với cùng chung mục đích phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất nhằm cải thiện đời sống tinh thần.
2. Các thể loại văn học dân gian
– Thần thoại: Tác phẩm tự sự dân gian thường kể về các vị thần, nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hóa của con người thời cổ đại.
Ví dụ: Lạc Long Quân – Âu Cơ, Mười hai bà mụ, Thần Trụ Trời, Thần Lửa,…
– Truyền thuyết: Tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) phần lớn theo xu hướng lý tưởng hóa, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân đối với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng. Bên cạnh đó cũng có những truyền thuyết vừa đề cao, vừa phê phán nhân vật lịch sử.
Ví dụ: Mỵ Châu – Trọng Thủy, Mai An Tiêm, Chử Đồng Tử và Tiên Dung,…
– Sử thi: Tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình thức nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
Ví dụ: Sử thi Đăm Săn (dân tộc Ê Đê), Đẻ đất đẻ nước (Dân tộc mường),…
– Truyện cổ tích: Tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận con người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.
Ví dụ: Sọ Dừa, Sự tích trầu cau, Tấm Cám,…
– Truyện ngụ ngôn: Tác phẩm tự sự dân gian, có kết cấu chặt chẽ, thông qua các ẩn dụ (phần lớn là hình tượng loài vật) để kể về những sự việc liên quan đến con người, từ đó nêu lên triết lí nhân sinh hoặc những bài học kinh nghiệm về cuộc sống.
Ví dụ: Rùa và Thỏ, Ếch ngồi đáy giếng, Cáo mượn oai hùm,…
– Truyện cười: Tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, kể về những sự việc xấu, trái tự nhiên trong cuộc sống, có tác dụng gây cười, nhằm mục đích giải trí, phê phán.
Ví dụ: Lợn cưới áo mới, Kẻ ngốc nhà giàu, Tam đại con gà, …
– Tục ngữ: Câu nói ngắn gọn, hàm súc, phần lớn có hình ảnh, vần, nhịp, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, thường được dùng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của nhân dân.
Ví dụ: Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau, Có công mài sắt có ngày nên kim, Đổi trắng thay đen,…
– Câu đố: Thường có vần, mô tả một vật gì đó bằng ẩn dụ hoặc những hình ảnh, hình tượng khác lạ để người nghe tìm lời giải, nhằm mục đích giải trí, rèn luyện tư duy và cung cấp những tri thức về đời sống.
Ví dụ:
Đầu khom lưng khúc rồng
Sinh bạch tử hồng
Xuân hạ thu đông
Bốn mùa có cả
Câu giải: Con tôm
– Ca dao: Tác phẩm thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.
Ví dụ: “Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
“Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc, rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”
– Vè: Tác phẩm tự sự dân gian bằng văn bản, có lối kể mộc mạc, phần lớn nói về các sự việc, sự kiện của làng, nước mang tính thời sự.
Ví dụ: Vè nói ngược
Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn mang ra ngoài đồng.
Hùm nằm cho lợn liêm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà, be rượu nuốt người lao đao.
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ non, cỏ lác rình mò bắt trâu.
Gà con đuổi bắt diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.
– Truyện thơ: Tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ, phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi và sự công bằng xã hội.
Ví dụ: Truyện Lục Vân Tiên
“Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy, nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân…”
– Chèo: Tác phẩm kịch hát dân gian, kết hợp các yếu tố trữ tình và trào lộng để ca ngợi những tấm gương đạo đức và phê phán, đả kích cái xấu trong xã hội.
Ví dụ: Thị Mầu lên chùa, Quan Âm Thị Kính,…
3. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian
Văn học dân gian có hai đặc trưng nổi bật, đó là tính truyền miệng và tính tập thể. Đây là những đặc trưng cơ bản, có vai trò quan trọng chi phối xuyên suốt quá trình sáng tạo và lưu truyền tác phẩm văn học dân gian, thể hiện sự gắn bó mật thiết của văn học dân gian với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.
3.1. Tính truyền miệng
Ngôn từ truyền miệng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nội dung, ý nghĩa và thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống.
Một trong những đặc trưng nổi bật của văn học dân gian là lưu truyền theo phương thức truyền miệng. Đây là điểm khác biệt rất cơ bản giữa văn học dân gian và văn học viết. Trong khi văn học viết được lưu giữ bằng chữ viết thì văn học dân gian được truyền miệng từ người này sang người khác, qua nhiều thế hệ và các địa phương khác nhau. Quá trình truyền miệng vẫn tiếp tục kể cả khi các tác phẩm văn học dân gian được ghi chép lại.
Nhắc đến truyền miệng là nhắc đến quá trình diễn xướng dân gian đầy hào hứng và sinh động. Các tác phẩm dân gian có thể được trình diễn qua các phương thức như nói, kể, hát, diễn kịch.
3.2. Tính tập thể
Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể. Quá trình sáng tác tập thể diễn ra như sau: Lúc đầu, một người khởi xướng, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận, sau đó, những người khác (có thể thuộc các địa phương khác nhau hoặc các thế hệ khác nhau) tiếp tục lưu truyền, bổ sung, sửa chữa và làm phong phú, hoàn thiện cả về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật tác phẩm.
Tác phẩm văn học dân gian sau khi ra đời sẽ trở thành tài sản chung của tập thể.Mỗi người đều có thể tiếp nhận, sử dụng, sửa chữa, bổ sung tác phẩm văn học dân gian theo quan niệm và khả năng nghệ thuật của mình.
4. Giá trị của văn học dân gian
4.1. Văn học dân gian là kho tàng tri thức phong phú về đời sống các dân tộc
Tri thức trong văn học dân gian thuộc đủ mọi lĩnh vực của đời sống: tự nhiên, xã hội và con người.
Tri thức dân gian phần lớn là những kinh nghiệm lâu đời được nhân dân đúc kết từ thực tiễn và thường được trình bày bằng ngôn ngữ nghệ thuật, vì vậy nó hấp dẫn người nghe, ngườI đọc, đặc biệt dễ tiếp thu, phổ biến và có sức sống lâu bền với thời gian.
Tri thức dân gian thể hiện trình độ và quan điểm nhận thức của nhân dân. Chính vì thế, văn học dân gian còn là tấm gương phản chiếu các vấn đề lịch sử, xã hội dưới góc nhìn của tập thể nhân dân.
Trải dài khắp mảnh đất hình chữ S, 54 dân tộc anh em cùng nhau chung sống, và mỗi tộc người lại có cho riêng mình một kho tàng văn học dân gian riêng, từ đó làm phong phú và giàu đẹp vốn tri thức của toàn dân tộc Việt.
4.2. Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người
Trước hết văn học dân gian giáo dục con người tinh thần nhân đạo và lạc quan. Đó là tình yêu thương giữa con người với con người, là tinh thần đấu tranh với khát khao bảo vệ và giải phóng con người khỏi những bất công, là niềm tin bất diệt vào chiến thắng của chính nghĩa, hướng con người đến giá trị chân – thiện – mĩ cao đẹp. Hơn thế nữa, văn học dân gian còn góp phần hình thành và bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp: lòng yêu quê hương, đất nước, các đức tính tốt đẹp của con người.
4.3. Văn học dân gian có giá trị thẩm mỹ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc
Văn học dân gian được chắt lọc, mài giũa qua không gian và thời gian, khi đến với chúng ta đã trở thành những viên ngọc sáng. Nhiều tác phẩm đã trở thành những mẫu mực về nghệ thuật để cho chúng ta học tập. Những truyện kể dân gian làm cho “từ đứa trẻ đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều truyền tụng và yêu dấu”. Những lời ca tiếng hát ân tình từ thuở xa xưa sẽ còn sống mãi và làm say đắm biết bao thế hệ mai sau.
>> Xem thêm Truyền thuyết là gì? Đặc điểm và một số truyền thuyết hay nhất của việt Nam
Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Minh Khuê về khái niệm cũng như những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Việt Nam. Nếu có bất kỳ ý kiến nào về bài viết hoặc vấn đề pháp luật, xin hãy liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7 qua số hotline: 1900.6162. Xin trân trọng cảm ơn!