Văng tục, chửi thề và tự do ngôn luận
Tôi không thích nói bậy, chửi tục vì tôi nghĩ tôi là một người có văn hóa, và người có văn hóa thì không nói bậy, chửi tục. Xã hội đã mặc định như thế. Nhưng tôi không thể bắt người khác không thích nói bậy, chửi tục giống như tôi. Lý do đơn giản là vì xã hội rất đa dạng, không phải ai cũng sẽ có suy nghĩ giống tôi, thụ hưởng nền giáo dục giống tôi và sống trong môi trường giống tôi.
Mục lục bài viết
Văng tục xuyên nghệ thuật: phim, nhạc, thơ
Chửi tục là một hành vi phổ biến trên thế giới. Trên phim ảnh cũng chẳng hiếm các câu chửi thề. Xếp hạng nhất trong số 100 câu thoại đáng nhớ do Viện phim Mỹ bình chọn lại là một câu văng tục trong phim “Cuốn theo chiều gió” (1939): “Frankly, my dear, I don’t give a damn” (tạm dịch: Nói thật, em yêu ạ, anh đếch quan tâm). Đạo diễn phim này là David Selznick đã phải nộp phạt 5.000 USD cho câu thoại văng tục này. Đó là một hình phạt không hề nhỏ vào thời điểm đó.
Kim Dung, nhà văn kiếm hiệp được yêu thích ở Việt Nam cũng sử dụng không ít tiếng chửi thề để xây dựng nhân vật của mình. Điển hình là nhân vật Vi Tiểu Bảo, một thiếu niên xuất thân từ lầu xanh, chửi thề thường trực. Độc giả của tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký có lẽ khó quên tuyệt kỹ “văng tục thần công” của nhân vật này.
Nhà văn, nhà thơ Việt Nam cũng văng tục nhiều không kém. Nhà thơ Nguyễn Du cũng đã từng văng tục trong thơ của mình. Dưới đây là hai câu trong tác phẩm Văn tế Trường lưu nhị nữ:
“Phụt ngọn đèn trước mặt, đếch sự đời! Chẳng phải đứa tiểu tâm;
Đùng tiếng lói sau nhà, đù mẹ kiếp! Bỗng có thằng đại phá.”
Trong âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy cũng sáng tác 10 bài tục ca với những tiếng chửi thề không ngượng miệng. Chẳng hạn trong Tục ca số 1 có đoạn:
“Em như cục cứt trôi sông /Anh như con chó ngồi trông trên bờ / Anh như con đực chạy rông / Còn em như con mèo cái chổng mông em gào.”
Hay gây sốc hơn là Tục ca số 2 về một cô gái có người yêu bị hôi nách:
“Mỗi lần ngửi thấy chết đi thôi
Nhưng chót yêu anh, em ráng chịu cho rồi
Vả chăng em vẫn thường hay nói:
L… mình đôi lúc cũng… hôi hôi…”
Một poster của ca khúc rất được yêu mến của Đen Vâu: “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”. Ảnh: Nhaccuatui.
Giới trẻ Việt Nam cũng quen thuộc với bài hát “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” của rapper Đen Vâu. Trong cả bài hát dài hơn ba phút, câu “và anh đếch cần gì nhiều ngoài em” được lặp lại hơn 10 lần. Nếu nhà nước xử phạt việc chửi thề thì có lẽ những tiếng văng tục không thể xuất hiện trong các tác phẩm văn học, điện ảnh hay âm nhạc như vậy.
Trường hợp Duy Mạnh bị phạt vì sử dụng ngôn từ ”không phù hợp thuần phong mỹ tục” vừa rồi không khỏi khiến những người có quan điểm bảo vệ quyền tự do ngôn luận như tôi suy nghĩ.
Chấp nhận quyền tự do ngôn luận và thực hành tự do ngôn luận là rất khó. Tự do ngôn luận luôn đến từ cả hai phía: mình và người khác. Nếu mình có quyền tự do ngôn luận thì cũng phải chấp nhận người khác có quyền tự do ngôn luận. Mình không thể yêu cầu người khác tôn trọng quyền tự do ngôn luận của mình nhưng lại không tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người khác.
Người có văn hóa, có giáo dục dĩ nhiên không thích nghe người khác chửi thề, nói tục. Không ai nói Vi Tiểu Bảo, nhân vật chính trong tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung là có văn hóa cả. Nhưng bất kỳ ai tôn trọng quyền tự do ngôn luận cũng sẽ không nghĩ đến việc xử phạt Kim Dung, hay yêu cầu Kim Dung cắt bỏ những ngôn từ thô tục phát ra từ miệng Vi Tiểu Bảo. Bạn có thể không thích những ngôn từ thô tục của Vi Tiểu Bảo, nhưng bạn phải bảo vệ quyền được thể hiện nhân vật của Kim Dung, như thế bạn mới là một người tôn trọng tự do ngôn luận.
Nói tục liệu có là “văn hoá”?
Một số người cho rằng nói tục, chửi thề là vô văn hóa, và nhà nước cần phải cấm đoán những hành vi vô văn hóa. Tuy nhiên, nếu là một người tôn trọng quyền tự do ngôn luận, thật khó để cho rằng câu nói tục trong “Cuốn theo chiều gió”, “Lộc Đỉnh Ký” hay 10 bài tục ca là những sản phẩm văn hóa đồi trụy cần phải bị loại bỏ.
Chúng ta cần chấp nhận rằng xã hội con người vốn rất đa dạng, có những người thể hiện cảm xúc bằng ngôn từ trau chuốt cẩn thận, nhưng cũng có những người khác thể hiện cảm xúc bằng những ngôn từ thô tục.
Một xã hội tôn trọng tự do là một xã hội chấp nhận sự tồn tại các tiếng nói đa dạng từ tất cả các bên. Nhà nước nên xây dựng chính sách để tất cả các bên có thể tự do phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau, chứ không nên để nhóm đa số này áp đặt niềm tin, bản sắc của họ lên nhóm thiểu số khác. Một trong những cách tốt nhất là xây dựng luật để bảo vệ quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Chúng ta thường suy nghĩ rằng một hành vi xấu như chửi thề, nói tục chỉ cần sử dụng các biện pháp ngăn chặn bằng cách phạt tiền, rút giấy phép hành nghề, phạt tù. Thế nhưng những biểu hiện bộc phát ra ngoài chỉ là phần ngọn của vấn đề, sâu thẳm gốc rễ bên trong mới là thứ cần phải thay đổi. Một khi chưa hiểu được nguyên nhân sâu xa của việc chửi thề, nói tục thì việc xử phạt chỉ có tác dụng đè nén tạm thời. Sau đó, do nhu cầu nội tại của nhiều người, các hành vi này sẽ lại tiếp tục tái diễn.
Khi tìm hiểu về “văn hóa” nói tục để lý giải trường hợp của Duy Mạnh, tôi nhận ra rằng chuyện chửi thề, nói tục là chuyện phổ biến ở Việt Nam và từ lâu đã bị báo chí lên án. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người lại sử dụng những ngôn từ thiếu cẩn trọng như vậy khi nói chuyện với nhau? Đó phải chăng là phản ứng tự nhiên của con người để bộc lộ cảm xúc trước một sự việc chướng tai gai mắt nào đó?
Việc chửi thề thường xuất hiện trong các trường hợp một người nào đó rơi vào tình trạng căng thẳng, bị kích động mạnh. Câu chuyện giáo sư Tôn Thất Tùng chửi thề khi đối mặt với tình trạng căng thẳng trên bàn mổ và được giáo sư Trần Quốc Vượng kể lại là một câu chuyện điển hình. Chửi thề cũng mang lại lợi ích không ngờ giúp người chửi thề điều hòa được cảm xúc của mình như giúp giảm đau, kiểm soát tình huống, hay giảm bớt giận dữ.
Như vậy, để không còn xảy ra tình trạng chửi thề, nói tục, việc cần làm là xây dựng một xã hội hài hòa. Từ đó, trạng thái cảm xúc của mọi người sống trong xã hội đó sẽ trở nên ổn định hơn. Khi đó, những tiếng chửi thề, nói tục sẽ ngày càng vắng bóng.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.