Về Huế ăn cơm: Tháng tám cúng đất

Sau này, tôi lại nghĩ thêm, nhà quê dựa vô mấy sào lúa, mấy mảnh vườn, tháng chạp, tháng giêng lo cho cái tết cổ truyền thôi cũng đã hết tiền của, đã bạc mặt rồi nên chi tháng 2 lấy mô ra nữa mà cúng đất, nên chi tục cúng đất mà phải chờ đến tháng 8.

Về Huế ăn cơm: Tháng tám cúng đất - ảnh 1

Tháng 8 âm lịch, mùa vụ vừa xong, lúa vừa cất lên tra, mưa dài kéo về, nông dân cũng gác nông cụ lên chái bếp và thong thả lo cúng đất đai. Một vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng đất xứ Huế đó là mấy dĩa xôi. Bây giờ thì chuyện xôi nếp không còn quan trọng nữa, cứ ra chợ là có nếp ngon dở tùy vào túi tiền. Nhưng hồi trước, để có được những dĩa xôi đơm đầy mà cúng đất thì nông dân quê tôi nhà mô cũng cấy một thửa ruộng nếp nhỏ. Thường thì vụ hè thu cấy nếp ba trăng, chỉ ba tháng là cho thu hoạch. Mùi xôi nếp mới tỏa ra từ chái bếp nhà mô đó trong tháng 8 âm lịch này thì biết là nhà đó đang nấu xôi chuẩn bị lên mâm cúng đất.

Thường thì gia chủ chọn ngày tốt trong tháng 8 âm lịch để cúng đất, với mục đích cầu xin thổ thần đất đai và những chủ nhân tiền trú phù hộ cho gia đình ăn yên, ở yên. Trong văn cúng, ngoài thần đất và các vong linh cô hồn trong đất đai, còn có đối tượng “chăm chợ mọi rợ” – như một lời thừa nhận chủ nhân cũ đã từng sinh sống trên đất đai từ đời xưa. Trong các lễ vật cúng có một chiếc gùi làm bằng bẹ chuối, trong ấy người ta đặt rau lang, cá khô và mắm nêm…, chúng được gọi là chiếc xà lẹt. Cúng xong, chiếc xà lẹt này được gia chủ mang treo ngoài hàng rào trước nhà…

Cúng đất ở nhà quê, cúng nhỏ gọn thì con gà kiến dĩa xôi, lớn hơn một chút thì cái đầu heo với ít lòng, thêm vài dĩa xôi. Nhưng cũng có khi, nhà mô đó tổ chức cúng đất lớn thì mổ luôn cả con heo, thêm gà vịt vài ba con, vị chi cũng đến chục mâm để mời họ hàng, bạn bè, chòm xóm.

Người Huế ai cũng thuộc câu: “Mẹ già lút cút lui cui/Mua cua cúng đất, đất xui làm giàu”. Quê tôi cúng đất tháng 8 cũng có cua, mà cua tháng 8 là ngon nhất khi nước mới tràn về trên con phá Tam Giang. Tôi nhớ mãi lần được ba dẫn theo ăn cúng đất nhà mụ Quyên. Mụ là o thúc bá của ba tôi, nhưng tình cảm không khác chi o ruột. Bởi rứa, mỗi lần thấy bóng mấy cha con tôi là mụ cười vồn vã chạy ra sân đón. Sau đó, mụ nói ba tôi cứ vô nhà, để mấy đứa cháu đó tui lo. Khi mô mụ cũng ưu tiên cho anh em tôi con cua to, mấy cái trứng vịt và dĩa thịt gà bóp… Anh em tôi ăn món ngon trước sau đó mới ăn no. Bởi rứa, hồi nhỏ nghe đi kỵ hay ăn cúng đất nhà mụ Quyên là tôi thích nhất…

Tôi lại nhớ những năm xưa, tôi cứ nhẩm tính gần đến ngày cúng đất rồi, gần đến ngày chạp họ rồi để được ăn, được hưởng không khí sum vầy của gia đình, dòng tộc… Tôi vẫn nhớ cảnh ba niêm hương khấn vái đất đai, cầu năm ni thôi đừng bão nữa, lụt nhỏ thôi. Hương vừa tàn thì trời đổ mưa. Cả nhà quây quần bên mâm cúng đất, đám con đứa đòi cua, đứa đòi gà, còn ba thì cầm vắt xôi vừa ăn vừa khen mạ nấu xôi ngon…

(Trích Về Huế ăn cơm, tác giả Phi Tân, NXB Lao động và Chibooks ấn hành)