Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người
10/22/2020 11:45:47 AM
Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Bài viết này đề cập đến một số điểm mới trong định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người được xác định trong Dự thảo.
Về tiêu đề của định hướng
Đại hội XI, Đảng xác định tiêu đề: Chăm lo phát triển văn hóa. Đến Đại hội XII, Đảng xác định tiêu đề: Xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Như vậy, từ Đại hội XI đến Đại hội XII, đã có sự mở rộng nội hàm của định hướng này. Đây là bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, mối quan hệ giữa văn hóa và con người1. Bởi vì, nói đến văn hóa là nói đến con người, văn hóa là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, quan hệ giữa văn hóa và con người là mối quan hệ tất yếu không thể tách rời. Mặc dù, văn hóa không phải là bản thân con người, nhưng muốn xây dựng, phát triển văn hóa thì tất yếu phải xây dựng, phát triển con người, vì chính con người là chủ thể duy nhất sáng tạo ra văn hóa, đến lượt nó, văn hóa trở thành nhân tố nuôi dưỡng, hoàn thiện, phát triển nhân cách con người.
Dự thảo xác định tiêu đề: “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Về mặt hình thức, so với tiêu đề “xây dựng, phát triển văn hóa, con người” trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XII dường như có sự thu hẹp về nội dung; chỉ đề cập đến giá trị văn hóa và sức mạnh con người chứ không đề cập đến toàn bộ lĩnh vực văn hóa và con người. Nhưng thực ra xác định tiêu đề như Dự thảo là phù hợp. Bởi vì, thực chất nói đến văn hóa là nói đến giá trị, toàn bộ giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra đều bao hàm trong khái niệm văn hóa. Do đó, xây dựng, phát triển văn hóa về bản chất là xây dựng, phát huy các giá trị do con người sáng tạo ra, gọi là giá trị văn hóa. Và suy đến cùng thì giá trị văn hóa chính là tổng hòa các giá trị con người. Đó chính là sáng tạo và nhân văn theo tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ.
Mặt khác, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng như Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đánh giá, nhưng “Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt mục tiêu đề ra”2. Đặc biệt là các giá trị về đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Cho nên, xác định tiêu đề “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” như Dự thảo là hoàn toàn khoa học, đầy đủ và chính xác.
Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được xác định trong định hướng phát triển văn hóa, con người, Dự thảo xác định nhiều vấn đề mới, nổi lên là:
Thứ nhất, “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”3. Đây là lần đầu tiên, Đảng ta nêu lên thuật ngữ “hệ giá trị quốc gia” trong văn kiện của Đảng. Nội hàm của nhiệm vụ, giải pháp này là tập trung hoàn thiện và triển khai xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị văn hóa của quốc gia – dân tộc Việt Nam thời kỳ mới. Đó là yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, phát triển và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Hệ thống chuẩn mực giá trị văn hóa của quốc gia – dân tộc Việt Nam thời kỳ mới sẽ là sự hòa quyện hữu cơ giữa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, thể hiện rõ bản sắc, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam hướng đến mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hệ chuẩn mực giá trị này sẽ là cơ sở định hướng sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội một cách bền vững, đồng thời định hướng nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Cùng với đó, cần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đảm bảo cho họ phải có thế giới quan khoa học, nhân cách, lối sống cao đẹp, với những đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đồng thời, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”; khẳng định, tôn vinh nhân rộng những giá trị nhân ái, nhân văn.
Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta: “…gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”4. Văn hóa gia đình Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Giữ gìn, phát triển hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam thời kỳ mới là vừa kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, vừa kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại, phù hợp với sự vận động, phát triển của xã hội. Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, gia đình Việt Nam đang có những cơ hội lớn để giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, đời sống văn hóa gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Sự tác động nhiều mặt của điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, ở góc độ nào đó đã làm cho những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam bị phá vỡ, lệch chuẩn, nhất là những giá trị văn hóa về đạo đức gia đình, về văn hóa ứng xử trong gia đình, v.v. Do đó, gìn giữ, phát triển hệ giá trị văn hóa gia đình đã và đang là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Thứ hai, nếu như Đại hội XII xác định: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước…” thì Dự thảo xác định: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý”5 là phù hợp, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Để nâng tầm văn hóa trong chính trị, văn hóa trong Đảng, vấn đề cốt lõi nhất là xây dựng văn hóa lãnh đạo của Đảng, để Đảng ta “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”6, và “là đạo đức, là văn minh”7. Văn hóa lãnh đạo của Đảng được hình thành và phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng; được biểu hiện ở bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ trí tuệ của Đảng; ở phong cách, lề lối, kỹ năng lãnh đạo; ở phương pháp, tác phong công tác của cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa lãnh đạo là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, nâng tầm văn hóa của Đảng với tư cách là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đây là giải pháp quan trọng, hữu hiệu để không ngừng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay.
Cùng với xây dựng văn hóa lãnh đạo của Đảng, cần phải xây dựng văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “nước ta là nước dân chủ”, có nghĩa là “dân là chủ và dân làm chủ”. Xây dựng văn hóa quản lý của cơ quan nhà nước phải nhằm phát huy dân chủ, mọi chính sách của Nhà nước phải hướng đến nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân. Phải quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động”. Các bộ, ngành, cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, năng lực, uy tín, tính chuyên nghiệp cao, sức khỏe tốt, tận tụy phục vụ nhân dân. Kiên quyết chống tha hóa quyền lực dẫn tới cậy quyền, lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham ô, tham nhũng, v.v. Đó là những biểu hiện phản văn hóa, phi văn hóa lãnh đạo, quản lý.
Thứ ba, cùng với việc tiếp tục coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, Dự thảo khẳng định: “Không bố trí cán bộ làm công tác văn hóa kém năng lực, thiếu bản lĩnh”8. Đây là sự thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng về vai trò nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Đồng thời, khẳng định vai trò của cán bộ, công tác cán bộ trong lĩnh vực hoạt động văn hóa. Quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) những năm qua cho thấy, nguyên nhân chính của những hạn chế, bất cập là do nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị về xây dựng, phát triển văn hóa, con người còn nhiều yếu kém, “công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa”9. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, cán bộ luôn là “cái gốc” của mọi công việc, đặc biệt là đối với công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng, cán bộ làm công tác này cần đáp ứng những yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực và bản lĩnh văn hóa. Nói cách khác, người làm công tác văn hóa cần phải thật sự văn hóa, từ nhận thức đến hành động, từ lời nói đến việc làm, phải trở thành tấm gương về văn hóa đối với quần chúng nhân dân. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác văn hóa lại thiếu hiểu biết về văn hóa, hạn chế về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Tựu trung, Dự thảo lần này, Đảng ta chỉ rõ việc coi trọng đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và “không bố trí cán bộ làm công tác văn hóa kém năng lực, thiếu bản lĩnh” là khâu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.
Thượng tá, ThS. ĐỖ ĐỨC GIANG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
______________
1 – Không phải đến Đại hội XII, mà từ Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2 – Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tr.01.
3 – ĐCSVN – Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), H. 2020, tr.43.
4 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 300.
5 – ĐCSVN – Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), H. 2020, tr. 43.
6 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 612.
7 – Sđd, Tập 12, tr. 403.
8 – ĐCSVN – Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), H. 2020, tr.45.
9 – Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tr. 2.