Về một vài điểm khác biệt trong lý luận và trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam
Trước khi tiến hành cải cách, Trung Quốc và Việt Nam đều thực hành thể chế kinh tế kế hoạch hoá theo mô hình Liên Xô; về sau, hai nước lần lượt dần chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và định hướng xã hội chủ nghĩa vào cuối những năm 70 và thập niên 80 của thế kỷ trước. Mặc dù công cuộc cải cách, đổi mới của hai nước có rất nhiều điều tương đồng trên nhiều phương diện, nhưng thực ra, giữa hai nước vẫn có sự khác biệt trong những nhận thức quan trọng về lý luận và thực tiễn. Bài viết này nêu ra bảy điểm khác biệt chủ yếu để so sánh.
1. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội
Năm 1992, trong Cuộc đối thoại phương Nam, Đặng Tiểu Bình đã khái quát bản chất của xã hội chủ nghĩa là: “Bản chất của xã hội chủ nghĩa là giải phóng sức sản xuất, phát triển sức sản xuất, xoá bỏ sự bóc lột, xoá bỏ sự phân hóa hai cực để cuối cùng đạt tới sự giàu có chung”(1).
Giới lý luận Việt Nam cũng luôn tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “thế nào là chủ nghĩa xã hội” và luôn đưa ra những cách mô tả khác nhau về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở những thời kỳ khác nhau.[1] Một số học giả cho rằng, đặc trưng chất lượng quan trọng nhất, cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội là: Chủ nghĩa xã hội có nhiều phẩm chất ưu việt hơn, là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản, như giàu có hơn, công bằng hơn, nhân dân hạnh phúc hơn(2). Hồ Chí Minh nói rằng: “Chủ nghĩa xã hội trước hết phải giải phóng con người khỏi sự bần cùng, khiến cho mỗi người đều có công ăn việc làm. Đảm bảo đời sống ấm no và hạnh phúc, tóm lại, xã hội chủ nghĩa chính là phải thực hiện nước giàu dân mạnh(3). Năm 1991, “Cương lĩnh xây dựng nhà nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa” mà Đại hội Đảng lần thứ VII thông qua đã chỉ ra 6 đặc trưng lớn của chủ nghĩa xã hội là: 1- Nhân dân lao động làm chủ; 2- Có một nền kinh tế phát triển cao trên nền tảng sức sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu; 3- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 4- Giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột và bất công, ai cũng làm hết sức của mình, phân phối theo lao động, và được đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc, hưởng tự do phát triển toàn diện cá nhân; 5- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kiết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; 6- Cùng với nhân dân các nước trên thế giới duy trì mối quan hệ tốt đẹp(4). Năm 2006, Đại hội Đảng lần thứ X lại bổ sung thêm vào các đặc trưng nêu trên, đưa ra 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là: Chủ nghĩa xã hội là một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là xã hội mà nhân dân làm chủ; là xã hội mà kinh tế phát triển cao độ, được xây dựng trên nền tảng của sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất; là xã hội có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nhân dân được giải phóng khỏi áp bức, bất công, người người đều có cuộc sống no đủ, xã hội phát triển toàn diện; là xã hội mà các dân tộc Việt Nam đều bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; là xã hội có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do dân, vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; là xã hội có quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp với các nước trên thế giới(5).
2. Nhận thức về mục tiêu và giai đoạn phát triển hiện nay của hai nước
Về mục tiêu phát triển, hai nước Trung, Việt đều muốn xây dựng nước mình trở thành nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Nhưng, trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhận thức của hai nước cũng có những điểm khác nhau.
Ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã sớm khẳng định rằng, Trung Quốc đang ở vào giai đoạn sơ kỳ của chủ nghĩa xã hội, để củng cố và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa cần phải có một giai đoạn lịch sử rất dài, cần tới sự nỗ lực phấn đấu gian khổ không ngừng của vài thế hệ, nhiều thế hệ, thậm chí mấy mươi thế hệ người Trung Quốc(6). Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XVII, Đảng cộng sản Trung Quốc đã làm rõ những đặc trưng ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội.
Đại hội Đảng lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lần đầu tiên đặt ra vấn đề Việt Nam đang ở vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội Đảng lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nhấn mạnh quan điểm này. Việt Nam cho rằng: Quá độ lên xã hội chủ nghĩa là một quá trình lâu dài, trước mắt Việt Nam đang ở bước chuyển biến hướng tới giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong “giai đoạn đầu” của thời kỳ quá độ. Năm 2001, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ IX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức đưa ra khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này có nghĩa là, nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay là nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là một mô hình kinh tế thị trường kiểu mới trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường. Mô hình kinh tế thị trường này vẫn có đầy đủ những thuộc tính và quy luật chung của kinh tế thị trường, nhưng tất yếu phải có những nét đặc thù của mình. Những điểm chung là tính tự chủ của các chủ thể sản xuất kinh doanh; vận hành theo quy luật giá trị, giá cả và cung cầu; mở cửa với thị trường trong nước, gia nhập thị trường thế giới, v.v..(7) Tính đặc thù của nó biểu hiện thành tính định hướng xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường, tức là nó không phủ nhận quy luật của kinh tế thị trường, mà là xác định nền tảng khác biệt giữa kinh tế thị trường Việt Nam với kinh tế thị trường các nước khác. Tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường Việt Nam thể hiện ở mục tiêu chiến lược và nét đặc trưng về phương diện xã hội của kinh tế thị trường là định hướng dựa trên sự lựa chọn mục tiêu kinh tế – xã hội của Nhà nước và nhân dân để khống chế sự vận hành của kinh tế. Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.(7)
Định vị giai đoạn phát triển ở vào “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Việt Nam đã tạo ra một không gian pháp lý cho một số phương thức sản xuất phi xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam lựa chọn, chẳng hạn như hình thức tổ chức kinh tế Việt Nam bao gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam cho rằng, các thành phần kinh tế nói trên đều là những bộ phận trọng yếu cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Trong khi xử lý mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế, ngoài việc tiếp tục coi trọng cải cách và phát triển kinh tế tập thể, Việt Nam ngày càng chú trọng phát huy vai trò của kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước, khẳng định sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể về mặt chính trị, không có sự phân biệt. Việt Nam cho rằng, cần học được cách sử dụng hình thức và phương pháp của chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thông qua hình thức kinh tế tư bản nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát triển kinh tế tư bản nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ phù hợp với thực tế “thời kỳ quá độ ở Việt Nam, mà còn phù hợp với sự nhận thức đúng đắn về việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước của V.I.Lênin(8).
3. Nhận thức về tư tưởng chỉ đạo của Đảng
Trong Điều lệ Đảng mà Đại hội lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua đã xác định một cách rõ rang rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng “ba đại diện” làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XVII cũng đã chỉ rõ: Trong giai đoạn phát triển mới, tiếp tục xây dựng toàn diện xã hội tiểu khang, phát triển chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, kiên trì lấy lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng “ba đại diện” trọng yếu làm quan điểm chỉ đạo, đi sâu quán triệt quan điểm phát triển khoa học hiện thực(9).
Tháng 6 năm 1991, Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam, lần đầu tiên, đã đưa ra “tư tưởng Hồ Chí Minh”, đồng thời nêu rõ: Tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lênin là tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Năm 2006, Điều lệ Đảng mới sửa đổi tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2006) đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho hành động”(10).
Đối với vấn đề Việt Nam không giống như Trung Quốc, khi luôn đưa ra những bổ sung mới đối với tư tưởng chỉ đạo của nước mình dựa trên những tập thể lãnh đạo trong từng thời kỳ khác nhau, các học giả Việt Nam đã đưa ra những cách nhìn nhận khác nhau: Một số học giả cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là rộng lớn và sâu sắc, có tầm nhìn xa rộng, nội dung hàm chứa những quy luật phổ biến mà ở Việt Nam, chưa hề lỗi thời và do vậy, đã đủ để chỉ đạo thực tiễn trước mắt của Việt Nam (ví dụ như lý luận của V.I.Lênin về thời kỳ quá độ và chính sách kinh tế mới có ý nghĩa chỉ đạo rất lớn đối với thực tiễn Việt Nam hiện nay). Một số học giả khác lại cho rằng, trình độ và uy tín tư tưởng, lý luận của những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa đạt tới tầm để bàn luận như Hồ Chí Minh.(10)
Một điểm khác nữa là, dù rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm tư tưởng chỉ đạo của Đảng, nhưng so với Trung Quốc, Việt Nam chú trọng tới chủ nghĩa Lênin hơn. Sự khác biệt này do hai nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, Hồ Chí Minh thoạt đầu đã tìm thấy sự chỉ dẫn trong tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề làm thế nào để các nước thuộc địa được giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã tìm thấy “cái cẩm nang thần kỳ” để Việt Nam từ một nước thuộc địa có thể đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1920, V.I.Lênin đã công bố “Sơ thảo đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” (Báo cáo tại Đại hội II Quốc tế cộng sản). Khi đọc bài viết này trên báo, Hồ Chí Minh đã xúc động không cầm được nước mắt. Người đã viết: “Đề cương của Lênin đã khiến tôi vô cùng xúc động, phấn chấn, tràn đầy tin tưởng! Tôi vui mừng đến nỗi rơi nước mắt. Đang ngồi trong căn phòng tối tăm, dường như tôi đang hét to trước đông đảo quần chúng: Hỡi tất cả những đồng bào bị áp bức nô dịch, đây chính là thứ mà chúng ta cần, đây là con đường giải phóng của chúng ta! Từ đó trở đi, tôi hoàn toàn tin tưởng Lênin, tin tưởng vào Quốc tế III”(11). Dựa vào tư tưởng của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã khái quát con đường cách mạng Việt Nam là con đường của sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước với phong trào công nhân, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội(12). Với tư tưởng chỉ đạo này, Việt Nam đã giành được độc lập và giải phóng dân tộc, đồng thời xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, Việt Nam hiện nay coi giai đoạn phát triển của nước mình đang ở vào thời kỳ quá độ và do vậy, lý luận của V.I.Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đối với công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam càng có tính thiết thực, đặc biệt là lý luận và thực tiễn của chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin vẫn có ý nghĩa chỉ đạo hiện thực rất to lớn với Việt Nam.
4. Những lý giải khác nhau về tính chất và mục tiêu của Đảng Cộng sản
Điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ rõ: Đảng Cộng sản Trung Quốc là đội tiền phong của giai cấp công nhân Trung Quốc, đồng thời là đội ngũ tiên phong của nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa, là hạt nhân lãnh đạo của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, đại biểu cho yêu cầu phát triển của sức sản xuất tiên tiến của Trung Quốc, đại biểu cho phương hướng đi lên của nền văn hóa tiên tiến Trung Quốc, đại biểu cho lợi ích căn bản của quảng đại quần chúng nhân dân Trung Quốc. Lý tưởng cao nhất và cuối cùng của Đảng là thực hiện chủ nghĩa cộng sản(13).
Điều lệ Đảng sửa đổi được thong qua tại Đại hội Đảng lần thứ X Đảng cộng sản Việt Nam đã sửa cách đặt vấn đề “Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và lợi ích của dân tộc” thành “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Mục tiêu của Đảng là xây dựng Việt Nam trở nên một quốc gia độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, xã hội không còn người bóc lột người, thực hiện thành công xã hội chủ nghĩa để cuối cùng thực hiện chủ nghĩa cộng sản”(14).
5. Phương thức cầm quyền của Đảng
Đảng Cộng sản Trung Quốc là Đảng cầm quyền duy nhất của Trung Quốc. Trung Quốc thực thi chế độ đa đảng hợp tác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và hiệp thương chính trị, các đảng phái dân chủ chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là Đảng tham chính. Việt Nam thực hiện chế độ một Đảng, hiện nay cả nước chỉ có duy nhất một chính đảng tồn tại là Đảng cộng sản Việt Nam.
Trước đây, Việt Nam cũng đã từng có hai đảng dân chủ là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Đảng Dân chủ Việt Nam là chính đảng của giai cấp tư sản dân tộc, thành lập vào năm 1944; Đảng Xã hội Việt Nam là chính đảng của trí thức Việt Nam, thành lập vào năm 1946. Từ cuối những năm 40 tới năm 1988, hai đảng dưới hình thức tổ chức cùng chung chiến tuyến dưới lãnh đạo Đảng Cộng sản đã tham gia vào sự quản lý nhà nước và các công việc xã hội. Cuối những năm 80, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam tiến hành Đại hội chính thức tuyên bố kết thúc hoạt động của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam từ đó trở thành chính đảng duy nhất của Việt Nam. Các đoàn thể tham gia nghị chính và giám sát có các tổ chức quần chúng, như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh, v.v., trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện chủ yếu.
Đảng Cộng sản hai nước Trung, Việt trong cách diễn đạt về phương thức lãnh đạo đất nước của mình cũng có khác biệt. Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đất nước chủ yếu ở các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức lãnh đạo đó thể hiện chủ yếu ở: Thứ nhất, tổ chức và lãnh đạo hoạt động lập pháp và hành pháp của nhà nước; thứ hai, tăng cường lãnh đạo đối với quân đội nhân dân; thứ ba, lãnh đạo và quản lý công tác cán bộ; thứ tư, tổ chức và động viên xã hội; thứ năm, coi trọng công tác chính trị, tư tưởng.(14)Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, cần dựa vào tư tưởng “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” để đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, xác định rõ sự tách bạch giữa Đảng và Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo chính quyền của nhà nước chủ yếu là chỉ đạo về phương châm chiến lược và chính sách. Phương thức lãnh đạo là: Đảng thông qua đường lối, quan điểm, nghị quyết để thực thi sự lãnh đạo đối với Nhà nước; đem đường lối, phương châm, chính sách thông qua trình tự pháp định để trở thành chính sách, pháp lệnh và pháp luật của nhà nước, thông qua các tổ chức cụ thể của cơ quan nhà nước để thực thi; thông qua công tác tuyên truyền, thuyết phục, động viên, tổ chức và kiểm tra để thực thi sự lãnh đạo của Đảng; thông qua việc giới thiệu những đảng viên ưu tú, đầy đủ tài đức để đảm nhiệm những công tác lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân, dẫn dắt quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, phương châm và chính sách của Đảng. Đảng không làm thay, lãnh đạo thay Nhà nước, mà trong quản lý nhà nước và xã hội, phát huy đầy đủ tính chủ động và tính sáng tạo của Nhà nước. Để quán triệt đường lối của Đảng, Việt Nam coi trọng việc xây dựng tổ chức và đội ngũ tuyên truyền tư tưởng cho Đảng, phát huy vai trò của Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban tuyên giáo địa phương, xây dựng đoàn thể tuyên huấn chuyên trách, đồng thời căn cứ vào tình thế đang đòi hỏi để tăng thêm tuyên huấn viên lâm thời, không ngừng phát triển đội ngũ tuyên huấn rộng lớn.
6. Phương thức tuyển cử trong Đảng
Sự tuyển cử đại biểu và ủy viên Ban chấp hành trong đại hội các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc không sự dụng phương thức ghi danh bỏ phiếu. Số lượng và phương pháp lựa chọn đại biểu đại hội toàn quốc do Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định. Hiện tại, tuyển cử đại biểu Đại hội Đảng sử dụng biện pháp tuyển cử “số dư”(15), tỉ lệ số dư ở cấp tỉnh là 26,4%, tỉ lệ số dư của đại biểu tuyển cử Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Trung Quốc vượt quá 15%. Báo cáo của Đại hội VII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra việc cần cải cách chế độ tuyển cử trong Đảng, cải tiến chế độ tiến cử danh sách dự nguồn và phương thức tuyển cử. Mở rộng biện pháp kết hợp giữa tiến cử công khai của đảng viên và quần chúng cho thành viên ban lãnh đạo các tổ chức đảng cơ sở với sự tiến cử của các tổ chức đảng cấp cao, từng bước mở rộng phạm vi tuyển cử trực tiếp ban lãnh đạo tổ chức đảng cơ sở, tìm kiếm hình thức thực hiện dân chủ trong cơ sở Đảng một cách đa dạng. Tuyển chọn công khai, cạnh tranh cầu tiến, đề cử dân chủ, phê bình thẳng thắn, v.v. đã trở thành một trong những biện pháp quan trọng để Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyển lựa và sử dụng cán bộ.(15)
Cơ quan lãnh đạo các cấp và các chức vụ lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được lựa chọn không theo phương thức ghi danh bỏ phiếu. Danh sách dự nguồn do đại hội Đảng các cấp thảo luận và ra nghị quyết thông qua, đại biểu có quyền đánh giá, chất vấn người được tuyển cử, người được tuyển cử buộc phải giành được số phiếu quá bán thì mới trúng cử. Ban chấp hành Trung ương trong Đại hội đại biểu toàn quốc thông qua “số dư” của danh sách tuyển cử, danh sách lựa chọn các bí thư tỉnh ủy và cán bộ lãnh đạo các cấp bắt buộc phải có tỉ lệ dư tối thiểu 10%. Việc bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ X sử dụng biện pháp bầu chọn, đánh giá dân chủ cán bộ nguồn, cho dù về hình thức không tiến hành biểu quyết “số dư”, nhưng công việc này lại tạo nên sự chú ý cao độ của cả trong và ngoài nước. Nhằm tăng cường xây dựng dân chủ trong Đảng, ngoài việc sử dụng chế độ tuyển cử “số dư” các chức vụ lãnh đạo, chế độ lãnh đạo tập thể, chế độ công khai các công việc của Đảng và tin tức cán bộ, năm 2002 còn bắt đầu thực hiện chế độ chất vấn, bất cứ một ủy viên Trung ương Đảng nào cũng đều có thể chất vấn các ủy viên khác, kể cả Tổng Bí thư, ủy viên Bộ chính trị và thành viên Ban bí thư hay chất vấn Bộ chính trị, Ban bí thư, ủy ban kiểm tra Trung ương, những người bị chất vấn bắt buộc phải trả lời những chất vấn này.
7. Nhìn nhận về cải cách thể chế chính trị
Việc cải cách thể chế xã hội chủ nghĩa ở hai nước Việt, Trung trải qua thực tiễn hai, ba mươi năm đã đạt được những thành tựu kinh tế mà thế giới công nhận. Hiện nay đang tiến vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách thể chế chính trị để tạo ra sự ổn định. Trên cơ sở của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc về “đẩy mạnh tích cực và bình ổn cải cách thể chế chính trị”, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XVII đưa ra chủ trương “làm sâu sắc hóa cải cách thể chế chính trị”.
Việt Nam không nói “cải cách thể chế chính trị”, mà nhấn mạnh việc tiến hành “cải cách hành chính” hay “cải cách hệ thống chính trị”. Các học giả và quan chức Việt Nam diễn giải rằng, chúng ta cần thay đổi cơ cấu hành chính và việc thực thi một số chính sách cụ thể, chứ không phải thay đổi chế độ; việc cải cách hệ thống chính trị của chúng ta không phải là thay đổi tính chất xã hội chủ nghĩa, mà là thay đổi những nhân tố làm trở ngại việc xây dựng chế độ dân chủ và chính trị xã hội chủ nghĩa, mục đích là để xây dựng nhanh hơn và tốt hơn chế độ xã hội chủ nghĩa.
Về việc cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc, hiện nay đã có không ít học giả tiến hành những nghiên cứu so sánh chuyên sâu, đưa ra những ý kiến riêng về mục tiêu, con đường cải cách thể chế chính trị Trung Quốc. Có học giả nhận định rằng, chúng ta cần cải cách “chế độ cụ thể”, chứ không phải “chế độ cơ bản” của chủ nghĩa xã hội, thế nhưng đối với những vấn đề “chế độ cụ thể”, “chế độ cơ bản” rồi “nguyên tắc cơ bản” thì lại nảy sinh các quan điểm khác nhau. Nhìn chung, khái niệm đưa ra mơ hồ, các ý kiến, xét tới cùng, là không thống nhất. Cải cách thể chế chính trị cũng do vậy mà trở thành chủ đề nhạy cảm, trở thành mảnh đất để các nhà dân chủ và truyền thông phương Tây tiến hành sự dẫn dắt và tuyên truyền sai lệch về sự cải cách thể chế chính trị Trung Quốc, bỏ qua cải cách hành chính mà nhấn mạnh tới cải cách chế độ chính trị căn bản. Vì vậy, nảy sinh nhu cầu cần làm rõ thêm đối với vấn đề này, đưa ra để đại đa số quần chúng chứ không chỉ bó hẹp trong giới học thuật tinh anh đều có thể lý giải và nắm bắt được những nội hàm cụ thể, phương thức và mục tiêu cải cách thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, đồng thời tiến hành phổ cập tri thức, bởi điều này rất tốt cho việc hóa giải những sự hiểu lầm của mọi người về “giá trị phổ quát” trong quan niệm chính trị phương Tây, xây dựng quan niệm chính xác về nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Việc nước Nga đưa ra cách diễn giải về nội hàm tư tưởng “chủ quyền dân chủ” của nước mình và việc Việt Nam kiên trì đổi mới hành chính và đổi mới “hệ thống chính trị” đều đáng để Trung Quốc học hỏi./.
Người dịch: ThS. TRẦN THUÝ NGỌC
(*) Phó giáo sư, Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
(1) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển, Q.3. Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 1993, tr. 373.
(2) Lê Hữu Tầng. Về bản chất xã hội chủ nghĩa. Trong: Lý Thận Minh (chủ biên). Xã hội chủ nghĩa: Lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hiến Khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2001, tr. 55.
(3) Dẫn theo: Lê Hữu Tầng. Sđd., tr.53.
(4) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr .315-318.
(5) Xem: Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.68.
(6) Xem: Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển, Q.3, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 1993, tr.379-380.
(7) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.634-644.
(8) Xem: Đảng cộng sản Việt Nam, Sđd., tr.643-644.
(9) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 2007, tr.1.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.260.
(11) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.127.
(12) Nguyễn Minh Triết. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga và cách mạng Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 20 – 2007.
(13) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 2007, tr.57.
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.260.
(15) Lập ra danh sách nhiều hơn so với số lượng cần tuyển, sau đó tiến hành bỏ phiếu những người có trong danh sách – ND.