Về tay Thaco đã lâu, bao giờ HNG Agrico khởi sắc?

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tháng 8/2022 trong tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư, khi chứng kiến dòng tiền quay trở lại thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/8, VN-Index tăng 25,02 điểm (2,07%) lên 1.231,35 điểm, HNX-Index tăng 6,01 điểm (2,08%) đạt 294,62 điểm, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (0,34%) lên 89,91 điểm.

Từ năm 2021 Thaco chính thức nắm quyền điều hành tại HAGL Agrico.
Từ năm 2021 Thaco chính thức nắm quyền điều hành tại HAGL Agrico.

Thanh khoản thị trường bùng nổ sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 18.800 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khớp lệnh hơn 800 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng gần 18% so với phiên trước đó.

Sắc xanh chiếm sóng hoàn toàn trong rổ Bluechips khi không cổ phiếu nào giảm điểm. Nhóm chứng khoán trở thành tâm điểm chú ý của thị trường. Bên cạnh nhóm chứng khoán, điểm sáng cũng xuất hiện tại nhóm ngân hàng khi bứt phá mạnh mẽ, nhiều mã trở thành đại diện đóng góp lớn cho đà tăng của chỉ số trong phiên này. Theo đó, có đến 5 mã ngân hàng tác động tích cực nhất đến thị trường, nổi bật nhất có thể kể đến CTG, BID, MBB, VCB khi bứt phá mạnh trên 3%.

Trong phiên thị trường chứng khoán bùng nổ với nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh, thì HNG lại gây chú ý khi thuộc số ít nhóm cổ phiếu ngược dòng. Chốt phiên giao dịch 1/8, HNG giảm tới 6,32% về mốc 6.080 đồng/cổ phiếu. Dù giảm điểm nhưng trong phiên có tới hơn 21,5 nghìn cổ phiếu đã được nhà đầu tư trao tay. Điều đáng nói, đến hết phiên khối lượng dư mua vẫn còn hơn 867.000 cổ phiếu, trong khi chỉ dư bán hơn 124.000 cổ phiếu.

Đây là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp của mã cổ phiếu này, kéo mức giảm của cổ phiếu này lên tới hơn 11% chỉ qua 1 tuần. Tính từ đầu năm đến nay HNG vẫn mất tới hơn 50% giá trị.

Cùng với đà lao dốc của cổ phiếu, tình hình kinh doanh của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – HNG) cũng không mấy khả quan.

Theo báo cáo quý II, HAGL Agrico thông báo đạt sản lượng thu hoạch 14.724 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ, trong đó trái chuối chiếm lớn nhất 14.699 tấn. Sản lượng khai thác mủ cao su tăng nhẹ lên 835 tấn. Doanh thu thuần giảm mạnh 43% về còn 148 tỷ đồng, trong khi giá vốn thậm chí leo thang hơn so với cùng kỳ khiến công ty bị lỗ gộp 136 tỷ đồng.

Không chỉ kinh doanh dưới giá vốn mà công ty còn phải gánh chịu một khoản chi phí rất lớn 377 tỷ đồng (chủ yếu do lỗ tỷ giá) và một khoản chi phí khác. Điểm sáng chỉ là chi phí bán hàng và quản lý được tiết giảm mạnh.

Những biến động đó khiến HAGL Agrico bị lỗ sau thuế đến 557 tỷ đồng, chỉ xếp sau khoản lỗ kỷ lục quý cuối năm ngoái. Trong đó phần lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 207 tỷ và lỗ tỷ giá 329 tỷ đồng.

Theo giải trình của HNG, nguyên nhân lỗ là do tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm 13% so cùng kỳ. Mặt khác, giá mua phân bón tăng 150%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 50% so với năm 2021. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt container lạnh đã được khắc phục nhưng chi phí vận chuyển vẫn tăng cao so với năm 2021.

Ngoài ra, tại ngày 30/6/2022, tỷ giá đồng LAK tại Lào so với USD mất giá 28% và so với VNĐ mất giá 33% so với quý 1/2022. Vì vậy, căn cứ điều 69 Thông ty 200 về chênh lệch tỷ giá hối đoái và chuẩn mực kế toán số 25 về báo cáo tài chính hợp nhất, Công ty hạch toán ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá 329 tỷ đồng.

Luỹ kế doanh 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của HNG đạt gần 361 tỷ đồng, giảm 29 so cùng kỳ. Theo đó, Công ty lỗ ròng gần 670 tỷ đồng, tăng lỗ thêm gần 548 tỷ đồng so cùng kỳ.

Được biết, từ năm 2021 Thaco chính thức nắm quyền điều hành tại HAGL Agrico. Từ đó đến nay tình hình kinh doanh của HAGL Agrico cũng như cổ phiếu HNG vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc như kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như đại gia ô tô Trần Bá Dương.