Về văn hóa Việt Nam và việc xây dựng nền văn hóa

Trong văn hóa tinh thần, có văn hóa vật thể và phi vật thể.

Văn hóa Việt Nam đã được hun đúc từ nhiều nguồn: nguồn văn hóa truyền thuyết trong thời các Vua Hùng dựng nước, nguồn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, nguồn văn hóa các tôn giáo, nguồn văn hóa phương Tây về cái gọi là “khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Từ khi Bác Hồ xác định con đường cứu nước và giải phóng dân tộc Việt Nam là con đường cách mạng vô sản, cho ra đời cuốn “Ðường kách mệnh” nêu rõ “muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”(1), sự kiện đó đã mở đầu cho hai nguồn văn hóa mới: nguồn văn hóa Mác-xít và nguồn văn hóa Hồ Chí Minh.

Về nguồn văn hóa Mác-xít, là những gì mà Ðảng ta vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, là các tác phẩm của Mác – Ăng-ghen, Lê-nin cùng với khối lượng sách báo Mác-xít đồ sộ với nội dung phong phú về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hóa Mác-xít trở thành nguồn văn hóa chủ đạo trong nền văn hóa Việt Nam khi Ðảng Cộng sản Việt Nam xác định lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Ðảng. Sự đóng góp quan trọng nhất của văn hóa Mác-xít là góp phần xây dựng phương pháp tư duy khoa học về thế giới, về lịch sử, về lẽ sống con người, làm cho văn hóa Việt Nam mang tính hiện đại, trong lúc tình hình đất nước về mặt xã hội, kinh tế, còn lạc hậu. Cùng với Ðảng Cộng sản và ngọn cờ đỏ mang hình búa liềm, văn hóa Mác-xít đã thổi bùng lên ý thức về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân công nghiệp Việt Nam, ý thức về sức mạnh to lớn của nhân dân lao động chân tay và trí óc Việt Nam trong cuộc đấu tranh để giành, giữ vững và xây dựng chính quyền, ý thức về con đường đi đến một thế giới đại đồng Cộng sản, con người được sống thật sự là Người.

Về nguồn văn hóa Hồ Chí Minh, trong bài diễn văn khai mạc Ðại hội lần thứ II của Ðảng ngày 11-2-1951, đồng chí Tôn Ðức Thắng đã khẳng định: Ðường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Ðảng ta hiện nay là đường lối, tác phong và đạo đức của Hồ Chủ tịch(2). Sau ngày Bác mất hơn 20 năm, trong Cương lĩnh của Ðảng đã nhìn nhận “tư tưởng Hồ Chí Minh”, xếp cạnh chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Năm 1990 tổ chức UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất. Và Hồ Chí Minh trong thực tế còn là người tiêu biểu cho một nguồn văn hóa: Văn hóa Hồ Chí Minh. Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa văn hóa cổ truyền của dân tộc với những nhân tố tích cực trong văn hóa các tôn giáo, những tinh hoa văn hóa phương Tây và phương Ðông cùng với văn hóa Mác-xít, để trở thành nguồn văn hóa đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa Hồ Chí Minh là nguồn văn hóa về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, vì độc lập cho đất nước vì tự do hạnh phúc cho nhân dân, chăm bồi môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội lành mạnh cho cuộc sống con người, bảo vệ hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc và tình đoàn kết quốc tế, “bốn phương vô sản đều là anh em…”. Thuộc nguồn văn hóa Hồ Chí Minh có những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể: bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, Lăng Bác Hồ, các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, các sách báo viết về Hồ Chí Minh, các ảnh, tượng, tượng đài khắp nơi trên cả nước… Bản Di chúc cuối đời của Người là một tác phẩm văn hóa vô cùng quý giá. Nguồn văn hóa Hồ Chí Minh đã làm cho dân tộc ta, khi đương đầu với các thế lực thực dân đế quốc xâm lược, có tư thế đứng trên đầu thù, có khí phách hiên ngang, biết sống oanh liệt, chết vẻ vang. Văn hóa Hồ Chí Minh đã định hướng cho chúng ta tu dưỡng về đức cần kiệm liêm chính, về đạo làm người, về sự kiên định con đường giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội với ý thức “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam, trong Cương lĩnh hiện hành của Ðảng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là một khái niệm đối lập với lạc hậu lỗi thời. Văn hóa ở thời nào cũng được cuộc sống con người chắt lọc, để giữ mặt tiên tiến loại bỏ mặt lạc hậu lỗi thời. Trong Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa tại Vơ-ni-dơ (I-ta-li-a), năm 1970, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO F.May-ơ đã đưa ra một khái niệm về văn hóa, vừa mang tính khái quát, vừa mang tính đặc thù, được cộng đồng quốc tế công nhận. Ðó là “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”(3). Theo khái niệm này thì văn hóa đương nhiên là mang bản sắc dân tộc.

Nền văn hóa Việt Nam ta, ở thời nào cũng có tính tiên tiến và bản sắc dân tộc. Tuyên ngôn: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (sông núi nước Nam, vua nước Nam ở) thời chống giặc Tống phương Bắc, là biểu hiện của văn hóa tiên tiến dân tộc. Lời hịch của Vua Quang Trung: “Ðánh cho để dài tóc” “Ðánh cho để đen răng” (không chịu để đồng hóa với giặc Thanh) “Ðánh cho nó chích luân bất phản (Ðánh cho nó, một chiếc xe để chạy về nước cũng không có) Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn (Ðánh cho nó, một mảnh giáp cũng chẳng còn) Ðánh cho sử tri, nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Ðánh cho lịch sử biết rằng: Nước Nam anh hùng là có chủ). Lời hịch đó cũng là biểu hiện của văn hóa dân tộc tiên tiến.

Trong Cương lĩnh hiện hành, sau khi nêu hai tính chất đương nhiên về văn hóa, là tiên tiến và mang bản sắc dân tộc, còn nêu cụ thể về xây dựng và phát triển nền văn hóa trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với tám định hướng sau đây:

– Một là, Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải được phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội.

– Hai là, kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại,… vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao.

– Ba là, phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật; khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hóa.

– Bốn là, bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân.

– Năm là, phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời.

– Sáu là, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân… Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính.

– Bảy là, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách.

– Tám là, đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc còn cần chú trọng hai mặt: có nền ngày càng bền vững và có đỉnh ngày càng cao. Nền của văn hóa là mặt bằng dân trí và trình độ học vấn của nhân dân lao động. Ðỉnh cao là những nhân tài về văn hóa với những tác phẩm, những công trình có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật trên các lĩnh vực văn hóa, làm cho văn hóa Việt Nam sánh vai cùng văn hóa tiên tiến các nước trên thế giới.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập II trang 280 Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội 2000.

(2) Sách Tôn Ðức Thắng những bài nói, bài viết chọn lọc trang 27 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội 2005).

(3) Từ điển bách khoa Việt Nam tập 4, trang 798 (Nhà xuất bản Từ điển bách khoa Hà Nội năm 2005).

Xổ số miền Bắc