Vì sao Bluezone có thể giúp phòng chống dịch Covid-19?
Chức năng của Bluezone là cảnh báo sớm cho người dân trong trường hợp đã từng tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Với cơ quan y tế, Bluezone giúp tìm ra chính xác những trường hợp có nguy cơ lây bệnh để từ đó có biện pháp cách ly và điều trị.
Ứng dụng Bluezone giúp cảnh báo sớm và truy vết người nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: Trọng Đạt
Tính đến ngày 12/8, đã có hơn 15,7 triệu người dân trên cả nước cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone. Tỷ lệ người dân cài đặt Bluezone tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 16,3% dân số.
Theo ước tính của các chuyên gia, để ứng dụng phát huy hiệu quả, tỷ lệ người dùng Bluezone phải đạt tối thiểu 60% dân số trưởng thành. Do đó, việc cài đặt và sử dụng Bluezone là rất cần thiết để người dân chung tay cùng cả nước đối phó với sự lây lan của đại dịch.
Tuy vậy, vẫn còn đó không ít băn khoăn của người dân về tính năng, hiệu quả và cơ chế hoạt động của ứng dụng Bluezone. Vấn đề về quyền riêng tư, khả năng bảo mật và việc lưu trữ cơ sở dữ liệu người dùng Bluezone cũng là những khía cạnh mà nhiều người dân vẫn còn chưa hiểu rõ.
Ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), khách mời của buổi giao lưu trực tuyến giải đáp mọi thắc mắc liên quan tới ứng dụng Bluezone. Ảnh: Trọng Đạt
Để giải đáp các thắc mắc này, ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến trên VietNamNet để trả lời các câu hỏi xoay quanh các vấn đề liên quan tới ứng dụng Bluezone. Cục Tin học hóa cũng chính là cơ quan tổng chỉ huy việc nghiên cứu, phát triển và vận động người dân sử dụng ứng dụng.
Sau đây là nội dung buổi giao lưu:
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đang giải đáp các câu hỏi của độc giả về ứng dụng Bluezone. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Độc giả Nguyễn Kiên Trung, (Nam, 42 tuổi): Xin hỏi, phần mềm Bluezone lúc dùng thì luôn luôn cần phải bật chế độ bluetooth và wifi hoặc 3G, 4G phải không ạ. Điều này sẽ bất tiện bởi nhiều người có thói quen đi đường thì tắt chế độ 3G, 4G của điện thoại di động. Mà nếu như vậy thì không thể xác định được trường hợp nhiễm tiếp xúc. Có cách nào xử lý vấn đề này không?
Ông Đỗ Công Anh: Để sử dụng ứng dụng Bluezone, bạn cần phải bật bluetooth để có thể ghi nhận được tiếp xúc với những người dùng Bluezone khác. Hiện nay blueszone đang sử dụng công nghệ bluetooth năng lượng thấp (BLE). Công nghệ này chỉ tiêu tốn khoảng 10% năng lượng nếu sử dụng cả ngày.
Nếu không bật chế độ 3G hay 4G nhưng vẫn bật bluetooth thì không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ứng dụng. Tuy nhiên khi đó bạn không nhận được thông báo từ phía Bluezone.
Độc giả Hoàng Hà (Nữ, 18 tuổi): Tôi được nghe thông tin khuyến khích đài đặt Bluezone trên diện thoại, nên muốn tìm hiểu ứng dụng là gì, có công dụng như thế nào?
Ông Đỗ Công Anh: Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone là ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường.
Bluezone là ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) để ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Những tiếp xúc của người dùng Bluezone với người dùng Bluezone khác được ghi vào lịch sử tiếp xúc. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc được lưu trên máy điện thoại của người dùng. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc sẽ chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Bluezone chỉ lưu lịch sử tiếp xúc mà không lưu vị trí địa điểm, không sử dụng hoặc truy cập đến các thông tin khác trên điện thoại di động của người dùng như danh bạ, ảnh,…
Càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao. Chúng ta cùng thách thức sự lây lan của virus bằng sức mạnh của cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế khuyến nghị toàn dân hãy cài Bluezone cho mình và cho 3 người khác.
Để thực hiện việc quản lý tiếp xúc gần, đầu tiên người dùng cần tải về và cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone tại địa chỉ
Để thực hiện việc quản lý tiếp xúc gần, đầu tiên người dùng cần tải về và cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone tại địa chỉ https://www.Bluezone.gov.vn/taiapp
Nhiều câu hỏi thú vị về Bluezone đang được độc giả gửi về tòa soạn VietNamNet chờ giải đáp. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Độc giả Duke C (Nữ, 38 tuổi): Vì sao Bluezone lại yêu cầu ghi đọc vào thẻ nhớ và lấy danh bạ trong điện thoại android của tôi? 2. Máy chủ và đơn vị tham gia vận hành phần mềm Bluezone là của BKAV, điều gì đảm bảo BKAV không khai thác các dữ liệu này vào mục đích riêng của họ? Dữ liệu gửi lên máy chủ tối thiểu có ID của máy, số điện thoại (và có thể các dữ liệu được quyền truy cập trên điện thoại android), cơ sở nào để đảm bảo thông tin này không bị khai thác ngoài ý muốn?
Ông Đỗ Công Anh: 1. Trước tiên, cần khẳng định Bluezone chỉ sử dụng quyền “truy cập tệp” để ghi lịch sử tiếp xúc vào bộ nhớ của thiết bị.
Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, bất cứ ứng dụng nào khi yêu cầu quyền “truy cập tệp” thì thiết bị vẫn tự động đề nghị “cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp” ngay cả khi các ứng dụng đó (bao gồm cả Bluezone) không sử dụng các quyền còn lại.
Bạn cần cấp quyền để có thể lưu lại lịch sử tiếp xúc.
Bluezone hoàn toàn không sử dụng đến những quyền truy cập còn lại trong chính sách của Google.
2. BKAV chỉ là 1 trong số những đơn vị hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ thống chứ không có quyền khai thác và sử dụng những dữ liệu phát sinh. Hiện nay đã có quy chế quy định rõ về vấn đề này và các giải pháp kỹ thuật kèm theo tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin và an ninh mạng.
3. Người dùng có quyền lựa chọn đăng ký thông tin cá nhân của mình để được hướng dẫn trợ giúp của cơ quan y tế khi cần thiết (bao gồm số điện thoại). Bằng việc đăng ký thông tin cá nhân, người dùng đồng y cho cơ quan y tế sử dụng với mục đích phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Máy chủ không lưu trữ mọi dữ liệu lịch sử tiếp xúc cũng như ID của người dùng. Dữ liệu tiếp xúc sẽ chỉ được phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nghi nhiễm.
Độc giả Vu Le Nguyen (Nam, 47 tuổi): Tôi đi làm hàng ngày trên xe đưa rước của công ty. Trên đường về ngày nào cũng kẹt xe san sát. Tôi với những người khách trên xe bus khác chỉ ngồi cách nhau 0.5m trên đường, nhưng cách 2 lớp cửa kính của 2 xe. Nếu cài Bluezone ghi nhận lịch sử ngồi gần nhau qua cửa kính, sau này có người khách trên xe lạ dương tính Covid-19 thì tôi cũng thành F1 bị gọi đi cách ly à?
Ông Đỗ Công Anh: Bluezone có thể ghi nhận tiếp xúc khi hai người ngồi cách nhau 1 vách thạch cao, 1 lớp kính mà trên thực tế không hề có tiếp xúc gần. Dữ liệu này sẽ được các cán bộ y tế, cán bộ kỹ thuật cùng phối hợp với các phương pháp điều tra dịch tễ, sau đó mới có thể kết luận là có tiếp xúc gần hay không.
Bluezone rất có giá trị trong trường hợp hai người có tiếp xúc nhưng không quen biết nhau (ví dụ: đi vào quán ăn, đi siêu thị mua sắm…). Khi đó, bằng phương pháp điều tra dịch tễ rất khó xác định được những người có tiếp xúc gần với ca nhiễm. Bluezone giải quyết được vấn đề này nếu mọi người cùng cài đặt và sử dụng.
Đỗ Đình Minh (Nam, 45 tuổi): Tôi đi ra ngoài có bật Bluetooth nhưng khi về nhà máy không cho biết đã tiếp xúc với bao nhiêu người, không lẽ lúc nào cũng phải mở máy lên quét, máy không tự quét và lưu số người đã tiếp xúc hay sao?
Ông Đỗ Công Anh: Bluezone cũng giống như mọi ứng dụng quản lý tiếp xúc khác (contact tracing) trên thế giới, chỉ ghi nhận các lượt tiếp xúc giữa các thiết bị được cài Bluezone chứ không cho biết tiếp xúc với ai và ở đâu.
Bluezone có thể chạy ngầm, tức chỉ cần bật sẵn trong điện thoại, bạn không cần trực tiếp sử dụng ứng dụng (trực tiếp quét), Bluezone vẫn có thể quét ra những lượt tiếp xúc của bạn.
Cứ mỗi 15 phút mã Bluezone lại thay đổi 1 lần để đảm bảo tính ẩn danh nên nếu các máy điện thoại nào ở gần nhau trong thời gian dài, số lượt tiếp xúc sẽ tăng dần. Bạn cần đảm bảo ứng dụng luôn chạy ngầm và bật bluetooth.
Độc giả Kim Anh (Nữ, 57 tuổi): Ứng dụng Bluezone có quét và tìm ra người nào nhiễm Covid-19, người nào là F1 không?
Ông Đỗ Công Anh: Ứng dụng Bluezone không tự nó tìm ra người nhiễm bệnh. Người nhiễm sẽ được các cơ quan y tế xét nghiệm và xác định, sau đó sẽ được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế. Ứng dụng này ghi nhận lịch sử tiếp xúc của bạn và nếu trong số những người bạn tiếp xúc (đã cài Bluezone) được xác định là người nhiễm, bạn sẽ nhận được cảnh báo.
Có thể có một số trường hợp là F1, nhưng cơ sở y tế chưa kịp liên hệ để cách ly, người đó cũng không biết mình là F1. Hiện nay ứng dụng đang nâng cấp tính năng cho phép người dùng chủ động quét và kiểm tra.
Độc giả Thu Hà (Nữ, 61 tuổi): Bluezone có theo dõi vị trí người dùng không?
Ông Đỗ Công Anh: Bluezone không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Khi bạn cài đặt Bluezone trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí, điều này là do chính sách của Google khi bật Bluetooth BLE máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên Bluezone không sử dụng tới quyền đó.
Độc giả Kim Chi (Nữ, 64 tuổi): Dữ liệu lịch sử mà Bluezone thu thập và lưu trên máy trong bao lâu, có tốn dung lượng không?
Ông Đỗ Công Anh: Dữ liệu lịch sử được thu thập và lưu trong khoảng thời gian do cơ quan y tế quy định, hiện tại có thể lưu trữ trong nhiều năm (cho đến khi có Vắc xin). Ước tính dữ liệu lịch sử trong vòng 1 năm, đối với một người bình thường, dung lượng lưu trên máy cũng chỉ khoảng 2.5 Mb (bằng 1/2 dung lượng 1 tấm ảnh).
Độc giả Vũ Thị Quyen (46 tuổi, Nữ): Tôi dùng iPhone XS, vào link theo hướng dẫn thì vẫn báo Apple không có ứng dụng Bluezone. Vậy phải làm sao để cài?
Ông Đỗ Công Anh: Hiện nay, theo quy định của Apple, ứng dụng Bluezone chỉ được cung cấp trên kho ứng dụng Việt Nam. Do đó nếu tài khoản kho ứng dụng của bạn nếu đang đặt ở nước ngoài thì bạn sẽ không tìm và tải được ứng dụng. Hãy chuyển về kho ứng dụng Việt Nam để tải và sử dụng.
Độc giả Nhật Nam (30 Nam): Tôi thấy Bluezone là 1 ứng dụng cần phải được phổ biến cho mọi người sử dụng điện thoại thông minh có bluetooth tại Việt Nam không kể lứa tuổi, trình độ. Tuy nhiên, việc đặt tên ứng dụng bằng tiếng Anh đã gây khó khăn cho không ít người lớn tuổi hoặc không biết tiếng anh khi muốn tìm hiểu thông tin, vào trang web hoặc tìm kiếm cài đặt. Liệu chúng ta có nên có thêm tên, từ khóa bằng tiếng Việt (chẳng hạn như trang web khautrangdientu hay ứng dụng khautrangdientu) để phù hợp hơn với người Việt Nam?
Ông Đỗ Công Anh: Hiện nay, tên đầy đủ của ứng dụng là “Bluezone – Phát hiện tiếp xúc”. Do đó bạn có thể tìm kiếm trên kho ứng dụng của Apple hoặc Google bằng từ khóa tiếng Việt “phát hiện tiếp xúc”.
Độc giả Nguyễn Văn Thêm (54, Nam): Bluezone có làm chậm tốc độ truy cập của các ứng dụng khác trong điện thoại và sự xâm nhập của virus vào điện thoại không?
Ông Đỗ Công Anh: Bluezone sử dụng công nghệ BLE là một công nghệ phổ biến trên thế giới, đã được trải nghiệm thực tiễn. Mọi ứng dụng chạy trên nền tảng IOS hay Android đều phải tuân thủ các quy định kỹ thuật. Do đó ứng dụng này sẽ không ảnh hưởng đến ứng dụng khác đang được sử dụng trên điện thoại của bạn.
Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và sử dụng Bluezone hàng ngày.
Độc giả LE QUOC KHANH (61, Nam): Máy của tôi Iphone XS dùng sim điện tử Vinaphone. Nguồn gốc máy mua ở nước ngoài. Khi cài ứng dụng Bluezone thì đều hiện chữ “App not Available – this app is currently not available in your country or region”. Tôi phải làm sao để cài được Bluezone?
Ông Đỗ Công Anh: Bước 1: Bạn vào Cài Đặt > chọn iTunes & App Store > chọn ID Apple đang sử dụng và bấm Xem ID Apple.
Bước 2: Trong giao diện Tài Khoản App Store, bạn hãy chọn Quốc Gia/ Vùng > sau đó chọn Thay Đổi Quốc Gia hoặc Vùng
Bước 3: Chọn Quốc Gia là Việt Nam
Bước 4: Đồng ý các điều khoản của Apple Media
Bước 5: Trong mục Phương thức thanh toán > chọn Không, sau đó điền các thông tin về tên Đường, Thành phố và Mã Zip và số điện thoại. Mã Zip của Hà Nội là 10000.
Chọn Tiếp theo
Bước 6: Sau khi đã hoàn tất, bạn vào App Store để xem sự thay đổi. Nếu ngôn ngữ App Store chuyển sang ngôn ngữ quốc gia mà bạn vừa đổi là thành công
Bạn có thể vào đường link dưới đây để biết chi tiết:
Độc giả Anh Khuê (22, Nữ): Người nào bị nhiễm thì đã bị cách ly trong bệnh viện, người nào là F1 thì cũng bị cách ly cả rồi, vậy thì cài đặt Bluezone để làm gì nữa?
Ông Đỗ Công Anh: Nếu người nhiễm Covid-19 đã cài Bluezone từ trước thì việc truy vết, xác định và khoanh vùng những người tiếp xúc gần sẽ được thực hiện rất nhanh.
Thông qua ứng dụng Bluezone, cơ quan y tế sẽ thông báo cho bạn nếu bạn đã từng có tiếp xúc với ca nhiễm, ca nghi nhiễm Covid-19.
Nếu có người bị nhiễm Covid-19, cơ quan y tế sẽ nhanh chóng thông báo tới những người mà đã từng tiếp xúc gần để cảnh báo và hỗ trợ (đôi khi bạn không thể nhớ hết hoặc biết những người bạn đã từng gặp). Ứng dụng Bluezone sẽ hỗ trợ đẩy nhanh quy trình điều tra dịch tễ, khoang vùng, cách ly từ đó nhanh chóng hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Độc giả Hoang Truong (45, Nam): Các nước khác trên thế giới thì họ sử dụng giải pháp nào? Bluezone có đặc điểm gì nổi bật hơn các giải pháp đó? Bluezone đã được kiểm định về khả năng bảo mật thông tin người dùng hay chưa?
Ông Đỗ Công Anh: Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 40 quốc gia sử dụng công nghệ BLE phục vụ quản lý tiếp xúc. Ngoài công nghệ BLE còn có một số giải pháp khác như sử dụng GPS để ghi nhận vị trí, quét mã QRcode để ghi nhận lượt tiếp xúc.
Công nghệ BLE mang lại sự tiện dụng cho người sử dụng, bảo mật thông tin cá nhân hơn các giải pháp khác do người dùng hoàn toàn ẩn danh.
Độc giả Nguyễn Văn An (30, Nam): Xin chuyên gia cho tôi hỏi: 1. Dữ liệu về tiếp xúc của tôi có bao gồm dữ liệu về vị trí của tôi không? 2. Dữ liệu cá nhân này của tôi được lưu ở đâu? Có được bảo mật hay không? Các đơn vị bên ngoài nắm dữ liệu của tôi có bị dùng để kinh doanh hay bán cho bên khác không? 3. Có trường hợp nào dữ liệu này bị hack và biến tôi thành F0, người thân của tôi thành F1 không? Nếu có thì ai chịu trách nhiệm? 4. Sau khi hết dịch Covid thì dữ liệu này có bị tiêu hủy không hay tiếp tục được sử dụng vào mục đích khác?
Ông Đỗ Công Anh: 1. Do sử dụng công nghệ BLE nên dữ liệu tiếp xúc của bạn không bao gồm vị trí, địa điểm.
2. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được lưu và bảo mật trên thiết bị của bạn. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được sử dụng bởi cơ quan y tế khi có sự đồng ý của bạn hoặc trong trường hợp bạn là ca nghi nhiễm.
3. Mã Bluezone dùng để trao đổi, ghi nhận lịch sử tiếp xúc của bạn được thay đổi liên tục mỗi 15 phút để đảm bảo tính ẩn danh và chống giả mạo. Mã Bluezone gốc của bạn chỉ được lưu trên thiết bị, không sử dụng để trao đổi. Do đó không có khả năng người khác có thể giả mạo.
4. Dữ liệu cá nhân và các dữ liệu phát sinh của hệ thống Bluezone sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi các cơ quan chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuyệt đối không sử dụng vào các mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.
Độc giả Hoàng Vinh (46 Nam): Tôi ở nhà một mình, tại sao lại có số lượt tiếp xúc với người khác?
Ông Đỗ Công Anh: Số lượt tiếp xúc nghĩa là số lần máy điện thoại của bạn trao đổi thông tin với một máy điện thoại khác cũng cài Bluezone. Bên cạnh đó 15 phút mã Bluezone lại thay đổi một lần để đảm bảo tính ẩn danh nên nếu các máy điện thoại này ở gần nhau trong thời gian dài, số lượt tiếp xúc sẽ tăng dần.
Như vậy có nghĩa là bạn có nhiều hơn 1 máy cài Bluezone, hoặc người hàng xóm hay có thiết bị di động nào đó cài Bluezone và có khoản cách đủ gần với bạn.
Tuy nhiên không phải lo lắng về việc này vì mỗi khi có ca nhiễm hoặc ca nghi nhiễm, việc điều tra dịch tễ sẽ được tiến hành song song với sự hỗ trợ của hệ thống Bluezone chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào lịch sử tiếp xúc.
Độc giả Nguyễn Hằng (40 Nữ): Có cài đặt Bluezone trên Laptop (Lap có phần mềm Bluetooth) được không?
Ông Đỗ Công Anh: Hiện nay ứng dụng Bluezone chỉ có trên hai kho ứng dụng Appstore và GooglePlay, chỉ có thể cài đặt và sử dụng được trên các thiết bị ipad, iphone và các thiết bị dùng hệ điều hành Android. Laptop sẽ không sử dụng được Bluezone.
Độc giả Trần Quốc Cường (39, Nam): Cho em hỏi, em tải ứng dụng Bluezone về máy nhưng em thấy trên ứng dụng không hiện 2 mục quét và lịch sử như mấy máy khác?
Ông Đỗ Công Anh: Hiện nay Bluezone đang được nâng cấp, hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn công tác phòng chống dịch. Trường hợp bạn thấy máy người khác có giao diện khác với của mình là do đang sử dụng các phiên bản khác nhau. Tuy nhiên việc này không ảnh hưởng gì đến tính năng quản lý tiếp xúc của ứng dụng.
Độc giả Lê Hồng Thắng (53, Nam): Tôi dùng iPhone 5, đã tải và cài Bluezone vào máy, nhưng khi mở thì ứng dụng tự động đóng lại luôn. Tôi đã gỡ, cài lại một số lần, nhưng kết quả vẫn như trên. BTC làm ơn cho tôi hỏi, nguyên nhân là thế nào. Xin trân trọng cảm ơn.
Ông Đỗ Công Anh: Có thể phiên bản IOS bác đang sử dụng là phiên bản cũ. Bạn nên nâng cấp IOS lên phiên bản mới nhất để hệ điều hành hỗ trợ Bluezone hoạt động ổn định.
Độc giả Than Tu (43, Nam): Số lượng Bluezone ghi nhận cao hơn số lượng tiếp xúc thật. Hai vợ chồng đi với nhau cả ngày không gặp thêm ai mà ghi nhận hàng chục tiếp xúc, liệu có chính xác? Có trường hợp phát hiện nhầm F1?
Ông Đỗ Công Anh: Bluezone sử dụng công nghệ BLE nên ghi nhận các lượt tiếp xúc chứ không ghi nhận số người bạn tiếp xúc. Ngoài ra cứ 15 phút mã Bluezone của bạn lại thay đổi một lần và như vậy sẽ được ghi nhận như một lượt tiếp xúc mới. Trong trường hợp vợ chồng bạn đi với nhau cả ngày nhưng ứng dụng vẫn có thể ghi nhận lên hàng chục lượt tiếp xúc.
Dữ liệu lịch sử tiếp xúc sẽ được phối hợp với các biện pháp điều tra dịch tễ để xác định người nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm.
Độc giả Manh Cuong (35 Nam): Tôi xin hỏi: Tôi là một doanh nhân, dữ liệu trên smartphone rất quan trọng. Tôi thấy hoạt động của Bluezone yêu cầu khá nhiều quyền nhạy cảm, điều này có nguy cơ làm lộ dữ liệu của tôi ko?
Ông Đỗ Công Anh: Trước tiên, Bluezone chỉ sử dụng bluetooth để ghi nhận tiếp xúc và quyền thông báo cho ngươi dùng. Do đó mọi dữ liệu khác trên điện thoại của bạn Bluezone sẽ không có quyền truy cập được.
Dữ liệu lịch sử tiếp xúc cũng chỉ được lưu trên điện thoại của bạn và cung cấp cho cơ quan y tế với sự đồng ý của bạn hoặc trong trường hợp bạn là người nghi nhiễm.
Độc giả Tran Do (46, Nam): Từ ngày cài Bluezone, máy điện thoại tôi hết pin vào cuối giờ chiều chứ không được đến đêm như trước đây, có cách nào khắc phục?
Ông Đỗ Công Anh: Bluezone là ứng dụng sử dụng công nghệ BLE – bluetooth năng lượng thấp. Việc cài đặt và sử dụng bluezone cả ngày tiêu tốn khoảng 10% pin thiết bị. Bạn không nhất thiết vào Bluezone quét thường xuyên, việc này có thể gây tốn pin hơn. Ứng dụng có thể chạy ngầm ngay cả khi bạn không trực tiếp mở app.
Độc giả Kinh Kha (21, Nam): Tôi mong có được câu trả lời chính xác. Nếu dữ liệu Bluezone nhầm lẫn tôi thành F1, mà cả nhà tôi bị yêu cầu cách ly, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của chúng tôi thì ai đền bù thiệt hại cho tôi?
Ông Đỗ Công Anh: Trong trường hợp dữ liệu Bluezone ghi nhận bạn có tiếp xúc với F0, dữ liệu này cũng phải được phối hợp với các biện pháp điều tra dịch tễ của cơ quan y tế để xác định chính xác bạn có phải là F1 hay không.
Độc giả NGUYỄN HOÀNG ANH (27 Nam): Cho em hỏi: Nếu cài Bluezone và khi gần những ca nghi nhiễm hoặc nhiễm thì ứng dụng này có chế độ tự động thông báo liên tục cho mọi người xung quanh biết có ca nhiễm gần mình không, hay là phải đợi mỗi lần mở ứng dụng lên quét thì mới phát hiện?
Ông Đỗ Công Anh: Những trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm F1 ngay lập tức đã được cách ly, do đó khả năng bạn đang tiếp xúc với những người nghi nhiễm là rất thấp. Việc sử dụng bluezone nhằm mục đích xác định bạn đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm hoặc ca nghi nhiễm hay chưa.
Độc giả Mỹ Nhung (36, Nữ): Tôi thấy có lãnh đạo nói Việt Nam có 83,79 triệu thuê bao smartphone. Trong khi dân số VN hơn 90 triệu, chưa kể trẻ em, người già, khu vực nông thôn, miền núi. Số liệu này có hợp lý không?
Ông Đỗ Công Anh: Hiện nay theo thống kê tại Việt Nam có khoảng hơn 80 triệu thiết bị di động thông minh. Trên thực tế, một người có thể sở hữu nhiều hơn 1 thiết bị smartphone. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 16 triệu lượt tải Bluezone. Theo một số nghiên cứu trên thế giới, ứng dụng quản lý tiếp xúc sử dụng công nghệ BLE sẽ hoạt động hiệu quả khi có 60% dân số trong độ tuổi đi làm sử dụng.
Độc giả Thu Dung (45, Nữ): Mức độ bắt buộc cài Bluezone là thế nào? Tại sao có chuyện đi vào cơ quan bảo vệ kiểm tra chưa cài Bluezone thì không cho vào. Những cơ quan không cho sử dụng smartphone thì tính sao?
Ông Đỗ Công Anh: Việc cài đặt Bluezone là không bắt buộc. Tuy nhiên mỗi cơ quan, mỗi tổ chức đều có các biện pháp riêng để đảm bảo an toàn sức khỏe, bảo vệ cán bộ, người lao động, duy trì hoạt động của cơ quan mình.
Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, tòa nhà công sở, khu chung cư có các biện pháp khác nhau như ghi chép thông tin người ra vào trụ sở, trong đó việc yêu cầu người ra vào cài đặt sử dụng Bluezone đối với những người có smartphone sẽ đem lại hiệu quả, mang tính tiện lợi cao.
Không chỉ các cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp sản xuất mà nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng,… cũng đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng cài đặt Bluezone. Việc cài đặt này mang lại sự an tâm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ, bởi nó ngoài bảo vệ sức khỏe cho người dùng mà còn cho cả những người xung quanh.
Độc giả Trần Phương (46, Nam): Khi nào có thể dừng sử dụng ứng dụng Bluezone?
Ông Đỗ Công Anh: Việc sử dụng Bluezone là không bắt buộc. Tuy nhiên đây là ứng dụng hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Mọi dữ liệu phát sinh sẽ chỉ được sử dụng bởi các cơ quan có thẩm quyền phục vụ phòng chống Covid. Việc sử dụng Bluezone sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Do đó Bộ Y tế, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân nên sử dụng Bluezone trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19.
Độc giả Ngô Hán Chiêu (42, Nam): Ứng dụng BlueZone là một bước đột phá trong công tác phòng chống Covid-19. Để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong công tác khai thác và sử dụng dữ liệu, tại sao không cung cấp mã nguồn cho công đồng mạng, đặc biệt là giới CNTT, họ có thể phân tích và đánh giá an toàn thông tin, sửa lỗi,…từ đó góp phần trong việc hoàn thiện phần mềm miễn phí này. Việc giao cho BKAV phát triển phần mềm có đảm bảo tính khách quan và toàn vẹn dữ liệu cá nhân không?
Ông Đỗ Công Anh: Bluezone là ứng dụng được phát triển bởi các doanh nghiệp công nghệ số bao gồm: BKAV, VNPT, nhóm Memozone, Mobilefone, trong đó BKAV là đơn vị phát triển chịu trách nhiệm chính. Bluezone là ứng dụng đầu tiên của cơ quan nhà nước được mở mã nguồn và đưa lên kho mã nguồn github, qua đó thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, chuyên gia trong và ngoài nước. Đến nay đã có hơn 100 chuyên gia tham gia trao đổi, góp ý hoàn thiện ứng dụng. Việc mở mã nguồn cũng nhằm tăng tính minh bạch và để các quốc gia khác có điều kiện tham khảo.
Đến 12h12p trưa 13/8, dù vẫn còn các câu hỏi được độc giả gửi về, nhưng do thời lượng có hạn, nên buổi giao lưu hỏi đáp về Bluezone đã kết thúc. Các câu hỏi của độc giả chưa được trả lời sẽ tiếp tục được Cục Tin học hóa lựa chọn và cập nhật lên mục Câu hỏi thường gặp tại website https://bluezone.gov.vn/
Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.