Vì sao Lễ dựng nêu ở Hoàng Cung được gọi là “Thướng Tiêu”?

Từ xưa, tục dựng nêu ngày Tết đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong tâm thức của người Việt. Dưới thời Nguyễn, triều đình đã nâng thành nghi thức quan trọng ngày Tết. Việc dựng một cây Nêu cao trong Hoàng Thành là dấu hiệu triều đình ban ra, báo hiệu kỳ nghỉ Tết bắt đầu. Khi tham quan Huế dịp trước Tết, bạn có có cơ hội dự lễ Thướng Tiêu, lễ dựng nêu trong cung. Bài viết này giúp bạn hiểu thêm về nguồn gốc, ý nghĩa của tục dựng nêu ngày Tết của người Việt. Nó cũng cung cấp thêm thông tin để bạn khám phá Huế “Thành phố lễ hội của Việt Nam” thêm ý nghĩa.

Tại sao lễ dựng nêu lại quan trọng với người Việt?

Theo truyền thuyết, từ ngày xưa, tất cả đất đai đều thuộc quyền sở hữu của quỷ. Con người chỉ làm thuê và sống nhờ trên mảnh đất này. Nhờ sự giúp đỡ của Đức Phật, con người cuối cùng cũng chiến thắng loài quỷ và đuổi chúng xa ra ngoài biển Đông. Tuy nhiên, cứ mỗi dịp Tết đến, loài quỷ lại xin được trở về để thăm đất đai tổ tiên. Đức Phật thương tình cho phép nhưng với một vài sự ngăn cấm. Con người lúc đó dựng những cây Nêu, để đánh dấu những vùng đất loài quỷ không được xâm phạm, phá hoại.

Theo Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, tập hạ, chép rằng: “Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre. Trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu, cau, vôi, giấy vàng bạc“

Người Việt gọi là “Dựng Nêu”, có nghĩa là nêu lên cột mốc đón chào năm mới và xua đuổi xấu xa của năm cũ. Họ dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp. Bởi đó cũng là ngày Ông Táo về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Cây Nêu sẽ giúp trừ ma quỷ quấy phá trong lúc Ông Táo vắng mặt. Người ta giữ cây đến ngày mồng 7 tháng giêng thì hạ xuống. Đó cũng là lúc kỳ lễ Tết kết thúc.

Lễ dựng nêu ở trong Hoàng Cung có gì đặc biệt?

Dưới Triều Nguyễn, trong cung cũng thực hiện nghi lễ dựng nêu. Nhưng cung đình gọi là lễ “Thướng Tiêu” với ý nghĩa như “nêu lên tiêu đề”. Nó có ý nghĩa biểu tượng như khẳng định cột mốc. Cây Nêu của cung đình sẽ là nơi cao nhất và đầu tiên để tất cả đều trông thấy và nương theo. Ngoài những lễ vật truyền thống, dân gian, cây nêu của Hoàng Cung còn treo các ấn tín, con dấu. Khi triều đình dựng nêu cũng báo hiệu cho kỳ nghỉ lễ Tết đã tới, các việc triều chính tạm thời dừng lại. Kỳ nghỉ Tết có thể bắt đầu. Lễ Thướng Tiêu trong cung diễn ra với nhiều nghi thức, lễ nhạc hơn. Triều đình dựng nêu để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Sau đó, các bộ, cơ quan khác, và người dân sẽ lần lượt dựng nêu đón Tết.

Treo con dấu lên cây Nêu để báo hiệu dừng các công việc triều chính (Nguồn ảnh: VOV)

Lễ dựng nêu “Thướng Tiêu” diễn ra thế nào?

Lễ diễn ra khi nào, ở đâu?

Ngày nay, với sự nghiên cứu kỹ lưỡng, trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế nỗ lực tái hiện Lễ dựng nêu “Thướng Tiêu” ngày Tết ở trong Hoàng Thành Huế. Nghi lễ được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Năm nay rơi vào ngày 25 tháng 1 theo lịch dương.

Đoàn rước sẽ đi từ của Hiển Nhơn (phía Đông Hoàng Thành) qua Điện Thái Hòa tiến về Thế Tổ Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn).

Đoàn rước với tiểu nhạc đi từ của Hiển Nhơn đến Thế Miếu

Tái hiện nghi lễ cung đình thông qua Lễ Thướng Tiêu

Dựa trên các cứ liệu lịch sử, Lễ Thướng Tiêu được tái hiện rất sống động, từ trang phục, nghi lễ đến âm nhạc. Đây không chỉ là một điểm nhấn văn hóa du lịch. Nó còn góp phần mang lại không khí Tết truyền thống. Bên cạnh đó, nghi lễ còn góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc.

Từ Cửa Hiển Nhơn, 10 lính trong trang phục chỉnh tề sẽ vác một cây tre già. Nó dài khoảng 15m và sẽ dùng làm cây Nêu. Trong âm thanh hân hoan của lễ nhạc, đoàn rước nêu tiến về Điện Thái Hòa rồi khu vực Thế Miếu để tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại đây, các vị cao niên, chủ lễ đã bày sẵn hương án và đội đại nhạc. Những vị cao niên sẽ đại diện thực hiện các nghi thức nghinh thần, khánh hạ một cách trang nghiêm. Sau phần lễ, 10 lính vác sẽ tiến hàng dựng cây nêu, báo hiệu kỳ nghỉ Tết đã đến.

Tái hiện nghi lễ cung đình trước khi dựng cây Nêu

Du lịch chậm trải nghiệm lễ dựng nêu trong dịp Tết

Ngoài Thế Miếu, hoạt động dựng cây Nêu cũng sẽ được dựng ở Điện Long An (Bảo Tàng Cổ Vật Cung Đình) và lần lượt tại các điểm khác trong quần thể di tích Huế từ 23 đến 30 Tết. Bạn đến thăm Huế ngày Tết, hãy chậm lại để đắm chìm trong không gian văn hóa, lễ hội truyền thống. Bạn sẽ cảm giác như được du hành ngược thời gian, về với nếp xưa tích cũ. Đi bộ hay đạp xe quanh Kinh Thành cũng mang đến những cơ hội tuyệt vời để thưởng thức không khí xuân về Tết đến.

Ngoài ra, khi tham dự các nghi lễ tái hiện, bạn cũng sẽ cảm nhận được sự nghiêm trang của đời sống cung đình. Bạn sẽ thưởng thức nhã nhạc, lễ nhạc trong cung để lưu giữ những ấn tượng về di sản, tâm linh xứ Huế mà không nơi nào có được.

Khách du lịch tham dự Lễ Thướng Tiêu trong Hoàng Thành (Nguồn ảnh: VisitHue)

Nhìn chung, lễ dựng nêu trong hoàng thành giúp các thế hệ hôm nay có thể dễ dàng tiếp nhận các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Huế cũng là vùng đất của Lễ Hội để bạn có thể trải nghiệm suốt bốn mùa. Vậy nên, nếu bỏ mất Lễ Thướng Tiêu, bạn sẽ vẫn còn rất nhiều cơ hội để trải nghiệm Huế Xưa và Nay. Bởi vì từ năm 2022, chính quyền và người dân Huế sẽ không chỉ có một kỳ festival ngắn mà sẽ có cả một năm Lễ Hội để bạn thỏa sức rong chơi.

Nếu bạn đang phân vân chọn tour du lịch nào để trải nghiệm tốt nhất văn hóa, con người, thiên nhiên xứ Huế, thì hãy tìm hiểu ngay các tour trải nghiệm của Slow Travel Hue hoặc đọc thêm các bài dưới đây để có nhiều cảm hứng khám phá.

Đọc thêm: