Vì sao bò ở Ấn Độ được coi là linh thiêng?
Người theo đạo Hindu không thờ cúng hay coi bò là thần linh. Nhưng với họ, bò là một biểu tượng linh thiêng.
Khi đại dịch Covid-19 đang tàn phá Ấn Độ, một số tín đồ Hindu đến trại bò tại bang Gujarat mỗi tuần một lần để tắm sữa bò, bôi hỗn hợp nước tiểu và phân bò lên cơ thể với hy vọng tăng cường khả năng miễn dịch trước nCoV hoặc sớm hồi phục nếu đã mắc bệnh.
Phương thức này được các bác sĩ khẳng định là vô căn cứ. “Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy phân hoặc nước tiểu bò có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống Covid-19. Điều này hoàn toàn chỉ dựa trên tín ngưỡng”, tiến sĩ JA Jayalal, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, nhận định.
Người dân bôi phân bò lên cơ thể tại ngoại ô thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ, ngày 9/5. Ảnh: Reuters
Vậy điều gì đằng sau niềm tin tôn giáo làm cơ sở cho những hành vi trên? Hãy tìm hiểu một số giải đáp của Washington Post về lòng tin của các tín đồ Hindu với loài bò.
– Người theo đạo Hindu có luôn coi bò là vật linh thiêng?
Không. Tại Ấn Độ cổ đại, gia súc và bò được hiến tế cho các vị thần, những tín đồ cũng lấy thịt để ăn. Nhưng sau đó, với sự trỗi dậy của Phật giáo và Kỳ Na giáo – hai tôn giáo khác cũng bắt nguồn từ Ấn Độ, cùng triết lý ăn chay, những tín đồ Hindu cũng ngừng ăn thịt. Vào thế kỷ đầu tiên, bò được gắn liền với Bà La Môn – đẳng cấp cao nhất trong Hindu giáo, gồm những giáo sĩ, tu sĩ, triết gia, học giả, lãnh đạo tôn giáo… Giết một con bò nghĩa là giết một Bà La Môn – một điều đặc biệt cấm kỵ.
– Người Ấn Độ có thờ bò không?
Không. Tín đồ Hindu không coi bò là một vị thần, họ cũng không thờ phụng nó. Tuy nhiên, phần lớn tín đồ theo đạo này ăn chay, và coi bò là biểu tượng thiêng liêng của cuộc sống, cần được bảo vệ và tôn kính. Những tín đồ Hindu ăn thịt sẽ tránh thịt bò, tuỳ từng người mà khẩu phần ăn có thể có trứng, thịt gà hay cừu.
Trong kinh Veda, bộ kinh lâu đời nhất của Hindu giáo, con bò được kết nối với Aditi, mẹ của các vị thần. Những bức tranh Hindu giáo thường khắc hoạ một con bò màu trắng xinh đẹp, đeo tràng hoa như một dấu hiệu cho lòng tôn kính đặc biệt trong đức tin của họ. Những tín đồ Hindu thậm chí còn có một “ngày lễ dành cho bò gọi” là Gopastami, năm nay rơi vào 11/11. Vào ngày này, các con bò, dù bò lang thang hay được nuôi trong các trang trại, đều được tắm rửa sạch sẽ, đeo vòng hoa. Do vậy, phần lớn tín đồ Hindu coi việc làm hại hay giết một con bò, đặc biệt để lấy làm thức ăn, là điều cấm kỵ.
Người Hindu không ăn thịt bò. Ảnh: RFI
– Vì sao bò lại được coi là linh thiêng, chứ không phải một số động vật khác như mèo của Ai Cập cổ đại?
Những tín đồ Hindu coi bò là một sinh vật đặc biệt hào phóng, ngoan ngoãn, mang lại cho con người nhiều hơn những gì nhận từ họ. Người ta tin rằng con bò tạo ra năm thứ: sữa, pho mát, bơ (còn gọi là ghee), nước tiểu và phân. Ba thứ đầu tiên được dùng để thờ cúng các vị thần và làm thức ăn, hai thứ cuối cùng để sám hối hay làm nhiên liệu để đốt. Trên thực tế, người theo đạo Hindu cũng lấy một số động vật để đại diện cho các vị thần mà họ thờ phụng như khỉ (thần Hanuman), voi (thần Ganesh), hổ (thần Durga), chuột (thần Ganesh)… Nhưng không con vật nào được tôn kính như bò.
Anh Minh (Theo Washington Post)