Vì sao phải xây dựng và làm tốt công tác Văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp không phải là một đợt thi đua hay hoạt động vui chơi giải trí, mà là “Hệ thống các giá trị văn hóa và giải pháp chiến lược để đổi mới phát triển”. Khác với các hoạt động bề nổi khác đây chính là bước phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu, nhằm tạo ra năng suất lao động vượt trội, giúp doanh nghiệp có khả năng ứng phó hiệu quả với các bất lợi trong SXKD. Do đó những năm qua EVNNPC đã dày công đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn phảng phất đâu đó những băn khoăn về lợi ích mà VHDN mang lại. Để làm sáng tỏ điều này hôm nay chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu vấn đề này nhé.
Theo tiến trình phát triển, mọi hoạt động của con người sẽ dần được “xã hội hóa”, với xu hướng càng về sau càng mạnh mẽ, quyết liệt. Trong kinh doanh thì điều này càng được thể hiện rõ nét hơn. Khi đó tham gia SXKD một mặt hàng, một sản phẩm có thể có nhiều tổ chức, cá nhân. Lúc đó “chủ thể” nào “giỏi giang” sẽ nắm lợi thế, nắm quyền chi phối, chiếm lĩnh thị trường; Doanh nghiệp yếu hơn dần bị thu hẹp và yếu hơn nữa thì có thể bị phá sản, chấm dứt sự hiện diện của mình. Như vậy để nắm lợi thế kinh doanh thì không hẳn chỉ có cơ sở vật chất quy mô, mà còn phải có lực lượng lao động tinh thông, làm việc tận tâm, chuyên nghiệp. Điều này lý giải tại sao EVN và EVNNPC từng chọn chủ đề của năm là “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện”. Trước đó EVNNPC đã tập trung cao độ để thành công với chiến lược “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; khởi xướng E-Learning (Văn hóa học tập không ngừng). Đây chính là khát khao dùng trí tuệ để chinh phục năng suất lao động
Trở lại với thực tế ngành Điện thì từ năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ thử nghiệm xã hội hóa “Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh” và chỉ ít năm sau đó sẽ hoàn toàn là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Lúc đó EVN nói chung và EVNNPC nói riêng ngoài nhiệm vụ “Vận hành hệ thống điện” còn lại cũng chỉ là một đối tác “bán lẻ điện” bình thường như nhiều doanh nghiệp khác ngoài xã hội. Khi đó nếu không cẩn thận chúng ta sẽ “thua ngay trên sân nhà”, sẽ thật là buồn nếu chúng ta phải khoanh tay đứng nhìn các doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh thành công chính sản phẩm truyền thống của mình; Thu hẹp phạm vi hoạt động của chúng ta. Càng xót xa hơn khi điện năng là sản phẩm gắn bó nhiều đời với nhiều gia đình thợ điện. Do đó bước chuẩn bị lực lượng và “gọt dũa” đội ngũ hôm nay là thực sự cần thiết. Thời gian qua có thể do tính chất vật lý đặc biệt của dòng điện và loại hình kinh doanh điện năng đặc thù của EVN mà ít nhiều chúng ta bị coi là “độc quyền”. Tuy nhiên dù quan điểm là thế nào đi nữa, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, do đó việc “làm mới mình” để theo kịp thời đại là thực sự cần thiết.
“Tạo nội lực mạnh mẽ từ bên trong” chính là kết quả tốt đẹp mà văn hóa doanh nghiệp mang lại. Sự “chuyển biến về chất” này chủ yếu đến từ nhân tố “con người”. Theo đó người lao động ngoài việc được nâng cao trình độ còn phải “thấu hiểu, chia sẻ”, “đồng tâm, hiệp lực” một cách máu thịt; Tập thể người lao động được xem như một gia đình lớn, ở đó các thành viên tôn trọng và tương tác một cách hòa thuận để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Điều này lý giải tại sao EVNNPC kiên trì xây dựng “Văn hóa ứng xử”. Mặt khác cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà EVNNPC luôn khẳng định “Người lao động là tài sản quý giá”, vì đây chính là nhân tố chủ yếu của quá trình sản xuất; Nhất cử nhất động của lực lượng này đều ảnh hưởng đến năng suất lao động. EVNNPC mong muốn người lao động luôn tươi vui để làm ra những sản phẩm đẹp. Điều này lý giải tại sao dù bận trăm công ngàn việc song các đồng chí lãnh đạo EVNNPC vẫn dành thời gian tổ chức, tặng quà sinh nhật cho các thế hệ người lao động và chăm lo nhiều hoạt động bề nổi khác. Tất cả không ngoài mục đích hướng đến sự thoải mái, gần gũi, đề cao người lao động để cộng hưởng mang lại kết quả SXKD ngày một tốt hơn.
Liên quan đến “con người” còn một vấn đề khác nữa là “an toàn lao động”. Từ lâu an toàn luôn được coi “là tiền là bạc” của doanh nghiệp. Nếu để xảy ra mất an toàn trong lao động sản xuất, doanh nghiệp có thể bị đình trệ, thiếu hụt lao động, tốn kém chi phí; Với ngành Điện thì hệ lụy này càng đáng sợ, kéo theo nhiều tổn thất dây chuyền, làm ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao EVNNPC khẩn trương nâng tầm “Văn hóa an toàn”; Đổi mới và yêu cầu người lao động “Tuyên thề về an toàn lao động” trước sự chứng kiến của tập thể đơn vị.
Suy cho cùng thì mục đích cao nhất của kinh doanh là lợi nhuận, do đó “có lãi” luôn là cái đích được các doanh nghiệp hướng tới, tuy nhiên trong ngắn hạn mục tiêu này có thể được dung hòa sao cho hợp lý nhất. Trong cơ chế thị trường hiện nay khi khách hàng luôn được coi là “thượng đế” thì mọi ưu tiên đều tập trung cho “khách thể” này. Chẳng thế mà EVNNPC luôn giương cao khẩu hiệu “Khách hàng là trung tâm”. Mọi suy nghĩ, mọi việc làm đều hướng tới khách hàng. Từ đó “Văn hóa kinh doanh” ra đời góp phần làm tốt công tác “nhận diện thương hiệu”. Ở đó “thiên chức kinh doanh” đã được “tử tế hóa” một cách cao độ, tốt đẹp đến mức doanh nghiệp vẫn thu được lợi nhuận mong đợi, lại vẫn được khách hàng tin yêu. Hiện tại chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng”, mọi gianh giới đều tồn tại một cách rất mong manh. Từ đó “không có khách hàng thì không có doanh nghiệp”, khách hàng thực sự “quyết định số phận của doanh nghiệp”. Điều này lý giải tại sao nhiều năm qua EVNNPC thành lập nhiều đoàn công tác xuống tận các đơn vị thành viên để “Khởi động văn hóa EVNNPC- Lấy khách hàng là trung tâm”; Tổ chức “Hội thảo đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện”. Tất cả không ngoài mục đích hướng đến thỏa mãn toàn diện các nhu cầu của khách hàng dùng điện, đảm bảo sản xuất lâu dài ổn định, doanh nghiệp phát triển bền vững, người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Trong thời đại ngày nay một bộ máy quản lý năng động, được vận hành trơn tru bởi các nhà quản trị tài năng cũng là điều sống còn và được các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt; Các CEO sẽ là những người đi tiên phong trong việc cụ thể hóa tầm nhìn cũng như thực thi nhiệm vụ từng ngày để đạt hiệu quả SXKD cao nhất; Ở đó ngoài trình độ chuyên môn còn cần đến sự tâm huyết, trách nhiệm. Điều này giải thích vì sao EVNNPC xây dựng và thực thi “Văn hóa lãnh đạo”. Ở đó vai trò cá nhân được khắc sâu với chủ trương “Lãnh đạo bằng chính uy tín của mình”. Ngoài ra để tạo sự tự tin hơn nữa trên bước đường chinh phục khách hàng, chinh phục cộng đồng, EVNNPC ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, tham gia xây dựng quỹ tương thân tương ái, hàng năm lựa chọn thời điểm phù hợp để “Tri ân khách hàng”. Đấy là lúc EVNNPC không tuyệt đối hóa lợi nhuận, đó cũng chính là quan điểm đề cao “trách nhiệm xã hội”, nhằm gắn kết khách hàng, đồng thời cũng tạo thêm niềm tin để EVNNPC vững bước nắm giữ thiên chức “Thắp sáng niềm tin” của mình.
Văn hóa EVNNPC cơ bản là như vậy, nó giúp chúng ta có được “nội lực” mạnh mẽ, sẵn sàng ganh đua lành mạnh khi cần. Còn gì phải lo lắng khi sản phẩm được làm ra từ những con người có trình độ, đạo đức và luôn nêu cao lòng nhân ái. Còn gì phải ngại ngùng khi sản phẩm được làm ra bởi những “chủ thể” luôn hướng thiện và đề cao trách nhiệm trước cộng đồng. Văn hóa EVNNPC khi đến bến bờ vinh quang có thể sẽ không có đối thủ trên thương trường, hoặc đối thủ có thể lại là chính chúng ta. Lúc đó mỗi thành viên EVNNPC lại òa lên vui sướng và tự trả lời câu hỏi hôm nay “Vì sao phải xây dựng và làm tốt công tác văn hóa doanh nghiệp”./.
Bùi Hảo Trường- PC Thái Bình