Vì sao phong cách Phục Hưng Hy Lạp trở thành một trào lưu ở Mỹ quốc vào thế kỷ 19

Phong cách kiến trúc này đã trở thành nét tiêu biểu của nền dân chủ Mỹ vào thế kỷ 19

Trong loạt bài này, bậc thầy nghề mộc Brent Hull sẽ giới thiệu với độc giả về các phong cách kiến trúc khác nhau đã trở nên phổ biến xuyên suốt lịch sử Mỹ quốc, giải thích về ý nghĩa và các đặc điểm thiết kế độc đáo của những phong cách này.

Không có phong cách kiến ​​trúc nào thu hút cả một thời đại Mỹ như phong cách Phục Hưng Hy Lạp. Kéo dài từ năm 1820 đến năm 1860, đó không chỉ là một phong cách kiến trúc; đó là một lý tưởng mà đã tự biểu đạt ra trong kiến trúc của quốc gia non trẻ chúng ta, và là một sự bảo đảm ý thức hệ rằng nền dân chủ này có thể và sẽ tồn tại. Chúng ta đã quên rằng vào 200 năm trước, khái niệm về một chế độ dân chủ, do người dân và vì người dân, là một mô hình cấp tiến và vẫn còn là một thử nghiệm. Cuộc Cách mạng Mỹ, và việc chúng ta thoát khỏi các khuôn mẫu của chính phủ Âu Châu, bản thân điều đó đã là một cuộc cách mạng. Sự phổ biến của phong cách Phục Hưng Hy Lạp trùng hợp với quá trình vươn lên trở thành một quốc gia của nước Mỹ. Đây là một phong cách hướng đến sự trường tồn và sức mạnh, những đặc điểm mà đất nước non trẻ của chúng ta đã khao khát.
Mặt trước của cuốn “The Antiquities of Athens” (Những Tàn Tích Của Athens) của kiến trúc sư James Stuart và Nicholas Revett, xuất bản năm 1762. (Ảnh: Tài sản công)Mặt trước của cuốn “The Antiquities of Athens” (Những Tàn Tích Của Athens) của kiến trúc sư James Stuart và Nicholas Revett, xuất bản năm 1762. (Ảnh: Tài sản công)

Phong cách Phục Hưng Hy Lạp là dễ nhận biết nhất bởi mặt trước của ngôi đền theo phong cách này, được lấy cảm hứng từ đền Parthenon ở Hy Lạp. Ngôi đền nổi tiếng này tọa lạc trên Thành cổ Acropolis ở Athens — công trình bằng đá cao sừng sững kiêu hãnh trông coi thành phố này và là một nơi thờ phượng thần Athena, nữ thần bảo hộ của thành Athens. Đền Parthenon đã được nghiên cứu và tôn sùng trong nhiều thế kỷ vì độ thuần túy toán học và tính toàn vẹn trong thiết kế của kiến trúc này. Mặc dù thời kỳ Phục Hưng Hy Lạp ở Mỹ quốc kéo dài từ năm 1820 đến năm 1860, nhưng niềm yêu thích văn hóa Hy Lạp đã phát triển ở châu Âu từ trước đó rất lâu. Đến năm 1750 ở nước Anh, người ta đã nghiên cứu và khám phá rộng rãi về thế giới La Mã cổ đại. Đã gần hai thế kỷ trôi qua kể từ khi ông Andrea Palladio, kiến trúc sư người Ý ở thế kỷ 16, viết cuốn “I quattro libri dell’architettura” (Bốn Cuốn Sách Về Kiến Trúc) vào năm 1570. Cuốn sách này đã nằm trên kệ sách của nhiều nhà xây dựng và những kiến trúc sư lỗi lạc, đồng thời đã trở thành bản vẽ dành cho việc thiết kế và xây dựng dựa trên những yếu tố cổ điển.

Điều thú vị là, ông Palladio chỉ từng nghiên cứu về La Mã cổ đại. Đến năm 1750, người ta đều biết rằng Hy Lạp có ảnh hưởng quan trọng đến kiến trúc La Mã. Người La Mã đã chiếm hữu và dung nạp những ý tưởng đã được người Hy Lạp hoàn thiện. Hy Lạp và nền văn hóa Hy Lạp cổ đại đã bị Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman (giữa thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19) chôn vùi và giấu kín. Đất nước này đã từ chối cho du khách ghé vào vì lo sợ bị gián điệp.
Những tàn tích của một ngôi đền Hy Lạp ở Paestum, Ý. (Ảnh: Antonio Sessa/Unsplash)Những tàn tích của một ngôi đền Hy Lạp ở Paestum, Ý. (Ảnh: Antonio Sessa/Unsplash)

Đến Hy Lạp vào thế kỷ 18 là điều rất nguy hiểm; do đó, một nhóm các nhà tư tưởng nhiệt huyết đã ấp ủ một nhiệm vụ bí mật. Hai người Anh tên là James Stuart (nhà khảo cổ học, kiến trúc sư, và nghệ sĩ) và Nicholas Revett (kiến trúc sư) đã đến Athens vào năm 1751. Chuyến đi này được Hiệp hội Dilettanti của London tài trợ và tổ chức. Cải trang thành những người Thổ Nhĩ Kỳ bản địa, họ đã bí mật vẽ và ghi lại những tàn tích của Hy Lạp cổ đại, thực hiện các phép đo chính xác về thành phòng thủ Acropolis tại Athens và đền Parthenon. Nhiệm vụ này đã dẫn đến sự ra đời của cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn là “The Antiquities of Athens” (Những Tàn Tích Của Athens), được viết thành ba tập trong thời gian hơn 40 năm. Sau khi những khám phá này được xuất bản vào năm 1758, tác phẩm này đã trở thành một cuốn sách gối đầu giường về kiến trúc Hy Lạp cổ đại.

Cuốn sách “Những Tàn Tích Của Athens” đã thôi thúc sự quan tâm lớn lao và khuyến khích các kiến trúc sư xây dựng theo những kiểu dáng mới cùng nguồn cảm hứng mới. Cuốn sách này nhấn mạnh các thiết kế của Hy Lạp khác với các ngôi đền và tòa nhà của La Mã như thế nào. Ví dụ, các kiến trúc sư Hy Lạp đã không sử dụng mái vòm trong những thiết kế của họ; kiểu mái vòm đó là một sự cải tiến của người La Mã. Những ngôi đền Hy Lạp chẳng hạn như đền Parthenon đều đẹp đẽ và được thán phục bởi tính đối xứng và độ hoàn hảo gần như chính xác của nó. Những tỷ lệ của đền Parthenon khớp với các tỷ lệ của cơ thể người; từ các cột cho tới thanh xà có một mối tương quan tỷ lệ giống như hình dáng con người, trong đó đầu và tay cân đối với nhau.
Một bản khắc của các ngôi đền Hy Lạp tại Paestum do điêu khắc gia Giovanni Battista Piranesi thực hiện, 1778. (Ảnh: Tài sản công)Một bản khắc của các ngôi đền Hy Lạp tại Paestum do điêu khắc gia Giovanni Battista Piranesi thực hiện, 1778. (Ảnh: Tài sản công)
Bức chân dung “William Strickland” của họa sĩ John Neagle, khoảng năm 1829. Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale, New Haven. (Ảnh: Tài sản công)Bức chân dung “William Strickland” của họa sĩ John Neagle, khoảng năm 1829. Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale, New Haven. (Ảnh: Tài sản công)

Mối quan tâm đến văn hóa Hy Lạp vẫn tiếp tục phát triển cho đến cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Trong thế kỷ 18, việc khám phá lại các ngôi đền Hy Lạp tại Paestum (550 đến 450 trước Công Nguyên) ở miền nam nước Ý là một kỳ công. Sự hiện diện của ba ngôi đền Hy Lạp được bảo tồn cẩn thận này, từng thuộc lãnh thổ của Ý (nay là Calabria), đã làm vững chắc thêm quan điểm về sự thống trị ban đầu của người Hy Lạp trên thế giới dưới thời vua Alexander (356–323 TCN). Ngôi đền này đã trở nên nổi tiếng hơn vào năm 1778 sau khi ông Giovanni Battista Piranesi, một điêu khắc gia nổi tiếng, khắc họa lại ngôi đền và việc in ấn trở nên dễ dàng tiếp cận với công chúng.

Mối quan tâm của người Mỹ đối với phong cách Phục Hưng Hy Lạp đã được hưởng lợi từ cuộc Chiến tranh năm 1812 giữa Anh quốc và Mỹ quốc. Những cuộc chiến này đã làm suy giảm niềm yêu thích của Mỹ quốc đối với thiết kế và văn hóa Anh quốc. Người ta tìm kiếm nguồn cảm hứng từ những nơi xa xôi hơn như một lẽ đương nhiên, câu chuyện về Hy Lạp với tư cách là một nền dân chủ đầu tiên đã lan truyền nhanh chóng. Vào đầu những năm 1820, cuộc chiến giành độc lập của Hy Lạp khỏi Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman đã bắt đầu, và sự kiện này đã nhắc nhở người Mỹ về cuộc chiến giành độc lập của họ. Chiến tranh giành độc lập của Hy Lạp đã trở thành tin tức trên trang nhất, và cuộc chiến này càng trở nên hấp dẫn hơn khi ông Lord Byron, nhà thơ nổi tiếng người Anh, qua đời vào năm 1824 vì một cơn sốt mắc phải trong khi ông huấn luyện các đội quân Hy Lạp sau Cuộc vây hãm Missolonghi lần thứ Nhất và lần thứ Hai.

Tất cả những điều này đã khơi dậy trí tưởng tượng của người dân Mỹ đến mức nào? Có lẽ chúng ta không cần tìm đâu xa ngoài cách đặt tên cho nhiều thị trấn và thành phố của chúng ta từ thời kỳ này. Thị trấn Athens, Georgia, thị trấn đại học nổi tiếng với câu lạc bộ bóng bầu dục Georgia Bulldogs, được đặt tên là Athens để vinh danh trường phái tư tưởng của triết gia Plato và Aristotle. Số lượng thực tế của những thị trấn được đặt theo tên của các thành phố Hy Lạp và người Hy Lạp là rất nhiều. Hãy xem xét những cái tên này: Sparta, Athens, Ithaca, Syracuse, Alexandria, Akron, và Atlanta, bắt nguồn từ tên của vị thần Hy Lạp Atlas. Rõ ràng là văn hóa và tư tưởng Hy Lạp đã truyền cảm hứng không chỉ cho kiến trúc mà còn cho cách người Mỹ nghĩ về bản thân họ như một dân tộc.
Một bản vẽ tay của thức cột Doric. (Ảnh: Marina Gorskaya/Adobestock)Một bản vẽ tay của thức cột Doric. (Ảnh: Marina Gorskaya/Adobestock)

Kiến trúc Phục Hưng Hy Lạp ngày nay có thể dễ dàng nhận biết bằng một số thuộc tính chính: mặt trước của ngôi đền, các cột Doric lớn không có chân đế, hình trang trí như được điêu khắc bằng đá rõ nét và đơn giản trên một phần trán tường (pediment) hình tam giác. Ngân hàng Thứ Hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Philadelphia, là một ví dụ tuyệt vời về phong cách Phục Hưng Hy Lạp. Bây giờ là một phần của Công viên Độc lập ở Philadelphia, ngân hàng này được xây dựng từ năm 1818 đến năm 1824 dưới bàn tay của ông William Strickland, kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng kỹ thuật dân dụng (civil engineer) nổi tiếng của Philadelphia. Với các cột Doric có rãnh chắc chắn được đặt trực tiếp trên bệ nâng (nền nâng), rõ ràng là Ngân hàng Thứ Hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được lấy cảm hứng từ đền Parthenon ở Hy Lạp. Tám cột của ngân hàng này không có chân đế, đây là một phong cách độc đáo của chi tiết [kiến trúc] Hy Lạp cổ đại. Sự hiện diện của tòa nhà đầy uy nghi và vẻ ngoài mạnh mẽ với các cột rộng, dày được bao quanh trên đỉnh bởi trán tường hình tam giác đặc trưng kiểu Hy Lạp cùng những hoa văn trang trí và đường gờ đơn giản xung quanh các cửa ra vào và các cửa sổ.

Ông Strickland từng là một học trò của ông Benjamin Latrobe, người được xem là kiến trúc sư người Mỹ đầu tiên được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Cả ông Latrobe và ông Strickland đều là những người học về phong cách Phục Hưng Hy Lạp và được ghi nhận là đã giúp kiến lập phong trào Phục Hưng Hy Lạp ở Mỹ quốc. Một số thiết kế tòa nhà hoàn mỹ nhất của ông Strickland chính là theo phong cách này. Trong suốt thế kỷ 19, phong cách Phục Hưng Hy Lạp đã mở rộng sang việc xây dựng các thị trấn nhỏ mới hơn, các ngân hàng, các tòa án, và các tòa nhà dân sự khác nhằm làm toát nên vẻ trường tồn và tầm cỡ.
Ngân hàng Thứ Hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ở Philadelphia. (Ảnh: Matt/Adobe stock)Ngân hàng Thứ Hai của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ở Philadelphia. (Ảnh: Matt/Adobe stock)
Biệt thự tại Đồn điền Belle Meade ở Tennessee.Biệt thự tại Đồn điền Belle Meade ở Tennessee.

Một thiết kế nổi bật khác của ông Strickland là đồn điền Belle Meade ở Nashville, Tennessee. Trước đây, khu đồn điền hai tầng này được xây dựng theo kiểu kiến trúc Liên bang, nhưng sau khi ông William Giles Harding tiếp quản hoạt động tại Belle Meade vào năm 1839, ông đã chiêu mộ kiến trúc sư Strickland để xây dựng một công trình bổ sung gồm hai tầng lầu, cao 24 x 55 feet cho ngôi nhà này. Để phù hợp với phong cách Phục Hưng Hy Lạp, ngôi nhà mới có “vẻ ngoài in bóng đậm, tỷ lệ rộng, và chi tiết đơn giản,” với sáu cây cột Doric bằng đá vôi đỡ mái hiên phía trước và gác mái trán tường.

Kỷ nguyên Phục Hưng Hy Lạp đã kết thúc khi cuộc Nội Chiến bắt đầu vào những năm 1860. Sau cuộc chiến tranh đó, phong cách này đã bị lãng quên và thay vào đó là những đường diềm trang trí của kiểu kiến trúc công nghiệp hóa thời Victoria. Phong cách này vẫn được tôn sùng cho đến ngày nay vì tính đơn giản, trung thực và cuốn hút của nó. Những tòa nhà lịch sử với mái hiên kiên cố chắc chắn này vẫn nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ đương sơ hơn khi Mỹ quốc, một quốc gia non trẻ, ôm ấp niềm hy vọng phát triển và thịnh vượng.

Bài viết nguyên gốc được đăng tải trên tạp chí American Essence.

Brent HullBrent Hull

Brent Hull

BTV Epoch Times Tiếng Anh


Thục Nhã biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

share iconshare iconCHIA SẺ

CHIA SẺ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn

Xổ số miền Bắc