Vì sao thí sinh đạt hơn 800 điểm vẫn thi lần 2 đánh giá năng lực?

NHẬT THỊNH

Sáng nay (22.5), kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 2 diễn ra tại 4 điểm: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và An Giang. Đợt thi có hơn 40.000 thí sinh dự thi tại 17 cụm thi, 37 điểm thi và 1.203 phòng thi.

Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn sáng sớm nay, số thí sinh dự thi so với đăng ký dự thi đạt tỷ lệ khá cao. Dù đã có hướng dẫn chi tiết nhưng một số thí sinh đến điểm thi vẫn quên mang theo giấy tờ tùy thân, phải thực hiện cam kết, lăn tay để được vào phòng thi.

HÀ ÁNH

Nhiều thí sinh có điểm cao vẫn thi lại

Điều đặc biệt ở đợt thi này là số thí sinh dự thi đợt 2 đã từng thi đợt 1 khá cao. Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, có tới 26.700 thí sinh dự thi cả 2 đợt (chiếm trên 66% tổng số thí sinh). Thực tế ghi nhận tại điểm thi, nhiều thí sinh dù đạt điểm rất cao ở đợt 1 vẫn quyết tâm thi lại ở đợt 2 để cải thiện điểm xét tuyển vào ngành học mong muốn.

Nguyễn Thiên Hải (học sinh Trường Trung học thực hành Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) là một trong số đó. Ở đợt 1, Hải đạt hơn 800 điểm bài thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, thí sinh này vẫn quyết tâm thi lại đợt 2 với hy vọng cải thiện điểm để đạt ở mức 900, tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH: Bách khoa TP.HCM, Khoa học tự nhiên TP.HCM và Công nghệ thông tin TP.HCM.

NHẬT THỊNH

Cũng đến từ Trường Trung học thực hành Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Hải Nam có nguyện vọng xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin và khoa học máy tính Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Thí sinh này từng đạt 770 điểm ở đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực và mong muốn cải thiện điểm ở đợt 2 kỳ thi này.

Có mặt tại điểm thi đánh giá năng lực sáng nay, Đoàn Minh Sương Mai (học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) cũng có mong muốn tương tự. “Đợt 1 bài thi của em chỉ đạt hơn 600 điểm nhưng các ngành em đăng ký xét tuyển điểm chuẩn năm ngoái ở mức 700-750 điểm. Do vậy, hy vọng với đợt thi này em có thể cải thiện điểm để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh và quản trị văn phòng của Trường ĐH Sài Gòn”.

NHẬT THỊNH

Mục lục bài viết

Thay đổi chiến thuật làm bài

Bước vào kỳ thi đợt 2 khi đã tham dự đợt 1, các thí sinh đều cho biết sẽ thay đổi chiến thuật làm bài sau khi rút kinh nghiệm ở đợt thi trước.

Đoàn Minh Sương Mai cho biết sẽ đổi chiến thuật làm bài thi năng lực. “Thay vì trả lời tuần tự các câu hỏi từ trên xuống dưới như đợt trước, nay em sẽ làm trước phần khoa học xã hội mà mình cảm thấy tự tin hơn rồi mới tới phần khoa học tự nhiên”, thí sinh này chia sẻ.

Tương tự, Thiên Hải cũng nói: “Rút kinh nghiệm từ đợt 1 làm không kịp thời gian nên đánh lụi 20 câu. Đợt 2 này em ôn luyện và phân bố thời gian làm bài hợp lý hơn để không bị lố thời gian”.

Với tinh thần khá thoải mái, Hải Nam cho biết: “Đợt thi này em tự tin hơn do đã có thêm thời gian tập trung rèn luyện thêm vào chỗ mà mình đã mắc sai lầm ở đợt thi trước, cụ thể là phần toán logic và vật lý”.

Khác với các thí sinh đã có kinh nghiệm thi đợt 1, Huỳnh Tiên (học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM), lần đầu tiên tham dự kỳ thi này. Huỳnh Tiên đăng ký xét tuyển vào ngành truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ở đợt đầu tiên diễn ra kỳ thi này, Tiên phải tham dự các kỳ thi cấp thành phố nên không thể tham gia.

“Là một ngành thuộc nhóm có điểm chuẩn cao các năm trước nên em phải thật sự cố gắng làm tốt bài thi. Lần đầu khi tiếp cận đề mẫu bài thi em thấy hơi khó nhưng sau thời gian làm quen với cấu trúc bài thi thì đến nay khá tự tin”, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ.

NHẬT THỊNH

Trước đó, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức thu hút hơn 79.000 thí sinh. Kết quả phân tích bài thi các thí sinh đợt 1 cho thấy điểm trung bình của thí sinh là 646,1 và có 117 bài thi đạt trên 1.000 điểm. Đặc biệt, so với năm ngoái, nhóm thí sinh đạt điểm cao cũng có sự chênh lệch tương đối. Năm ngoái, hơn 2.700 thí sinh có điểm bài thi từ 901 điểm trở lên thì năm nay số thí sinh đạt từ mức này trở lên chỉ có 1.629 (ít hơn 1.000 bài so).