Vị trí của Việt Nam trong các bảng xếp hạng – BBC News Tiếng Việt
Mục lục bài viết
Vị trí của Việt Nam trong các bảng xếp hạng
2 tháng 4 2019
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Không ít thì nhiều, các quốc gia trên toàn cầu dành sự quan tâm cho các bảng xếp hạng để xem họ đứng ở đâu.
Vậy Việt Nam có thứ hạng thế nào trong một số bảng xếp hạng?
Các nước ‘tốt nhất’
Việt Nam xếp 39 trong một xếp hạng các nước “tốt nhất thế giới”.
Xếp hạng hàng năm 2019 Best Countries Report của trang U.S. News & World Report đặt Thụy Sĩ là quốc gia số một thế giới, Mỹ 8, Thái Lan 26, Malaysia 38, Việt Nam 39, và Iraq 80 xếp chót.
Năm ngoái, Việt Nam xếp 44 trong bảng này.
Báo cáo này, làm năm thứ tư, dựa vào đánh giá của người được hỏi về các yếu tố như quan tâm công dân, du lịch, văn hóa, tự do doanh nghiệp…
Quyền lực
Một yếu tố phụ trong 2019 Best Countries Report là điểm về quyền lực.
Không ngạc nhiên khi Mỹ xếp số một về điểm này, theo sau là Nga, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Israel, Saudi Arabia và Hàn Quốc.
Việt Nam xếp 32 trong phần về quyền lực thế giới.
An toàn
Xếp hạng 2019 về các nước an toàn nhất, của tạp chí Global Finance, đặt Việt Nam thứ 83 trên 128 nước, với Philippines xếp chót.
Điểm số dựa vào ba yếu tố: chiến tranh và hòa bình, an toàn cá nhân, và rủi ro thiên tai.
10 nước đứng đầu lần lượt là Thụy Sĩ, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Áo, Na Uy, Qatar, Singapore, Đan Mạch và New Zealand.
Giàu nghèo
Cũng tạp chí Global Finance ra bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới năm 2019.
Theo bảng này, Qatar xếp nhất, theo sau là Macao, Luxembourg, Singapore, Brunei, Ireland, Na Uy, UAE, Kuwait và Thụy Sĩ.
Việt Nam xếp thứ 128 trong 192 nước.
Cạnh tranh
Năm 2018, Việt Nam xếp hạng 78, cao hơn vị trí 90 của 2017, trong Global Competitiveness Report của World Economic Forum.
Báo cáo này đánh giá khả năng cạnh tranh kinh tế của 140 nước.
Hoa Kỳ xếp thứ nhất, Singapore thứ hai trong xếp hạng.
Tự do
Việt Nam xếp 124 trên 162 nước trong xếp hạng Human Freedom Index 2018, đánh giá chung tự do cá nhân, dân sự và kinh tế.
Đây là sản phẩm của Viện Fraser và Viện Cato.
Đứng nhất năm 2018 là New Zealand, Thụy Sĩ, Hong Kong, Úc, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Ireland, Anh, Phần Lan, Na Uy và Đài Loan.
Đức xếp thứ 13, Mỹ và Thụy Điển 17, Hàn Quốc 27, Nhật 31, Pháp và Chile 32, Mexico 75, Indonesia 85 và Nga 119.
Việt Nam ‘kém hạnh phúc hơn Philippines’
Việt Nam xếp hạng 94 trên 156 nước trong bảng xếp hạng mới nhất ‘Quốc gia Hạnh phúc’ do Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của LHQ (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố.
Đây là báo cáo thường niên, World Happiness Report, bắt đầu từ năm 2012, được công bố vào ngày 20/3, được LHQ đặt là Ngày Hạnh phúc Quốc tế.
Phần Lan, trong năm thứ hai liên tiếp, được gọi là nước hạnh phúc nhất, theo sau là Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Hà Lan.
Đất lành cho doanh nghiệp?
Xếp hạng Best Countries for Business của Forbes năm 2019 xếp Anh số 1, và Việt Nam thứ 84.
Đánh giá này xem xét 161 nước, theo 15 yếu tố như sáng tạo, thuế, công nghệ, tham nhũng, hạ tầng, rủi ro chính trị, nhân lực, bảo vệ nhà đầu tư.
Sáng tạo
Bloomberg Innovation Index đánh giá 60 nước theo tiêu chí như giáo dục, nghiên cứu, sản xuất.
Năm nay, Việt Nam xếp 60, trong khi số một là Hàn Quốc, và Trung Quốc xếp 16.
Đức xếp thứ hai, tiếp theo là Phần Lan, Thụy Sĩ, Israel, Singapore, Thụy Điển, Mỹ, Nhật, và Pháp.
Anh xếp thứ 18.
Nguồn hình ảnh, MANAN VATSYAYANA
Chụp lại hình ảnh,
Hà Nội một ngày trong không khí mờ đục của ô nhiễm
Ô nhiễm
Một đánh giá quốc tế cho hay Hà Nội và Jakarta ‘về đầu’ trong số các đô thị Đông Nam Á trong xếp hạng ô nhiễm không khí.
IQAir AirVisual 2018 World Air Quality Report, công bố đầu tháng Ba, xếp hạng ô nhiễm các thành phố.
Theo xếp hạng này, Gurugram, Ấn Độ, là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Tại Đông Nam Á, Jakarta và Hà Nội bị xếp là ô nhiễm nhất.
Chỉ số phát triển con người
Việt Nam xếp thứ 116 trong Chỉ số phát triển con người (Human Development Index) của UNDP.
Báo cáo này đánh giá các yếu tố như y tế, giáo dục, nghèo đói, bình đẳng giới, môi trường…
Theo đó, Na Uy hiện đứng số một, tiếp theo là Thụy Sĩ, Úc, Ireland, Đức, Iceland, Hong Kong, Thụy Điển, Singapore và Hà Lan.
Hộ chiếu
Theo bảng xếp hạng từ Henley Passport Index, hộ chiếu Nhật Bản ‘có sức mạnh’ nhất thế giới năm 2018. Công dân Nhật Bản được miễn thị thực lên tới 190 quốc gia trên thế giới.
Trong bảng này, Việt Nam xếp thứ 88.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Nhật Bản là quốc gia có hộ chiếu ‘mạnh nhất’ thế giới năm 2018
Đầu tư cho trẻ em ‘chỉ kém Singapore trong Asean’
Việt Nam xếp trên Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ trong bảng xếp hạng mới của World Bank về mức độ đầu tư cho trẻ em.
Chỉ số Vốn Con người (Human Capital Index) được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hôm 11/10/2018 tại một hội nghị ở Bali.
Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong chiếm bốn vị trí hàng đầu toàn thế giới, theo sau là Phần Lan, Ireland, Úc, Thụy Điển, Hà Lan, và Canada trong tốp 10.
Macao xếp thứ 25, Trung Quốc 46, Việt Nam 48, Malaysia 55, Thái Lan 65, Philippines 84, Indonesia 87, Campuchia 100, Nepal 102 và Ấn Độ 115.
Nguồn hình ảnh, Chau Doan/LightRocket via Getty Images
Tự do báo chí
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) tháng 4/2018 xếp Việt Nam hạng 175/180 về tự do báo chí năm 2018.
Báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ra ngày 25/04 nói mô hình kiểm duyệt báo chí và Internet của Bắc Kinh được các nước châu Á, điển hình là Việt Nam và Campuchia, sao chép.
‘Đóng góp cho nhân loại’
Good Country Index, bắt đầu từ 2014, muốn đo lường đóng góp quốc gia cho nhân loại.
Theo đó, Phần Lan xếp số một, theo sau là Ireland, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha và Canada.
Việt Nam xếp 115 trên 153 nước, với Iraq xếp chót.