Việt Nam có thêm một danh nhân văn hóa thế giới

Tiến sĩ Olivier, Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ tại TP. Hồ Chí Minh (phải) trong buổi trao đổi tại văn phòng Viễn Đông Bác Cổ tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

Tiến sĩ Olivier, Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ tại TP. Hồ Chí Minh (phải) trong buổi trao đổi tại văn phòng Viễn Đông Bác Cổ tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 206 vừa diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp, đã thông qua danh sách 48 hồ sơ đề nghị lên kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng UNESCO diễn ra vào tháng 11-2019 chính thức ra Nghị quyết cùng kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất của thế giới ra Nghị quyết kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất do các quốc gia đề cử. Trong danh sách 48 sự kiện, nhân vật được lựa chọn từ 71 hồ sơ do 41 quốc gia đề cử lần này có hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An của Việt Nam.

Các hồ sơ đề cử đáp ứng tiêu chí do UNESCO đề ra, trong đó đáng chú ý là phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Đồng thời, mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử.

Chu Văn An (1292 – 1370) được coi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam. Người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để hiểu biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay mà UNESCO đã đúc kết, đề xuất: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người.

Như vậy, cho đến nay, UNESCO đã vinh danh 4 danh nhân kiệt xuất của Việt Nam: Nguyễn Trãi (1980) nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) nhân 100 năm ngày sinh, Nguyễn Du (2015) nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và Chu Văn An (2020) nhân kỷ niệm 650 năm ngày mất.

Việc UNESCO thông qua hồ sơ của Chu Văn An vừa qua đã khẳng định sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam. Đồng thời, góp phần quảng bá cho các mục tiêu bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người và tinh thần học tập suốt đời mà UNESCO đang thúc đẩy.

Lâm Trúc