Việt Nam tiêu thụ thịt chó nhiều thứ 2 Châu Á, chỉ sau Trung Quốc – BBC News Tiếng Việt
Mục lục bài viết
Việt Nam tiêu thụ thịt chó nhiều thứ 2 Châu Á, chỉ sau Trung Quốc
12 tháng 11 2021
Nguồn hình ảnh, Soi Dog
Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất tại Châu Á chỉ sau Trung Quốc, theo Human Society International.
Liệu có phải đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt việc xem thịt chó là món ăn khoái khẩu?
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông John Dalley từ tổ chức Soi Dog cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục có chiến dịch vận động về một lệnh cấm ăn thịt chó hoàn toàn tại Hà Nội sau khi các lệnh hạn chế Covid tại Việt Nam được nới lỏng.
“Chúng ta cần loại bỏ các quan niệm mê tín về ăn thịt chó tại Việt Nam”, ông John Dalley nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng Chiến dịch Công chúng Đông Nam Á của Four Paws cho BBC biết rằng nguồn thịt chó ở Việt Nam hiện nay chủ yếu từ những kẻ trộm chó trong cộng đồng.
‘VN mỗi năm tiêu thu 5 triệu con chó’
Tại Việt Nam, việc thống kê số lượng thịt chó được cho là rất khó khăn. Hiện không thể kết luận địa phương nào tiêu thụ thịt chó nhiều nhất tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia bảo vệ động vật, thị trường tiêu thụ thịt chó được cho là “có giảm so với nhiều năm về trước” tại Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên lại có chiều hướng tăng ở các tỉnh miền Trung Việt Nam như Nghệ An, Thanh Hóa, Huế, Hà Tĩnh.
Theo John Dalley, Chủ tịch và người đồng sáng lập Soi Dog, Hà Nội có khoảng 24 lò giết mổ chó, trung bình 1.079 con chó bị giết mỗi ngày. Con số này không bao gồm các cơ sở bán thịt chó và giết chó tại chỗ để lấy thịt tiêu thụ
Trên toàn Châu Á, theo ước tính từ Human Society International, 30 triệu con chó bị giết lấy thịt mỗi năm. Theo đó, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10 triệu con, Việt Nam 5 triệu con, Hàn Quốc 2 triệu con.
Tại Đông Nam Á, theo Soi Dog, thịt chó cũng được tiêu thụ tại Lào, Philippines, Indonesia và Campuchia, một số được tiêu thụ trái phép tại Thái Lan và Malaysia.
Theo Human Society International, có khoảng 3 triệu con chó bị giết lấy thịt tại Campuchia, riêng tại Lào, con số này vẫn không được thống kê đầy đủ nhưng ít hơn Việt Nam và Campuchia.
Một chuyên gia giấu tên nhận định với BBC News Tiếng Việt, thị trường tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam ít phức tạp hơn Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trung Quốc hiện có lễ hội thịt chó thường niên tại thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây với khoảng hàng chục ngàn con chó bị xẻ thịt trong 10 ngày.
Khởi phát từ năm 2009, Lễ hội này thường xuyên bị các tổ chức bảo vệ động vật lên án mạnh mẽ vì tính dã man của nó.
Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện nay có các trang trại nuôi chó để giết lấy thịt, ước tính có khoảng 17.000 trang trại, với đầy đủ quy mô từ lớn đến nhỏ lẻ.
Chuyện ăn thịt chó được xem phổ biến tại Sài Gòn từ sau năm 1954. Hiện nay mỗi khi nhắc tới khu vực bán thịt chó ‘có tiếng’ thì ai cũng biết khu vực Ông Tạ, đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) hay chợ Thạch Đà, đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh)…
Một số chủ sạp rao thịt chó ngon, không phải thịt già, không phải chó ghẻ lở, và được bán với giá hơn 100.000 đồng/kg.
Tiến sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng Chiến dịch Công chúng Đông Nam Á của Four Paws cho BBC biết rằng nguồn thịt chó ở Việt Nam hiện nay chủ yếu từ những kẻ trộm chó trong cộng đồng.
Theo một báo cáo của Four Paws công bố vào tháng 2/2021 thì “nhu cầu ngày càng tăng đã buộc các nhà cung cấp phải mở rộng nguồn hàng ra ngoài những ngôi làng quen thuộc và nhắm đến các thị trấn và thành phố trên khắp cả nước, thậm chí là nước ngoài”. Soi Dog và Four Paws đều đề cập đến các vụ mà kẻ trộm chó bị người dân ‘tự xử’ đánh đến chết.
Gần đây vào tháng 6/2021, theo VOV, thì một nam thanh niên bị chém tử vong khi từ TP HCM xuống Long An trộm chó. Vào tháng 9/2021, tại Huyện Bình Chánh, TP HCM, bị truy đuổi, hai đối tượng trộm chó lao xuống kênh, một người chết, theo VietnamNet.
Theo Soi Dog, nguồn thịt chó ở Việt Nam được nhập lậu từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia.
‘Sức khỏe cộng đồng bị xem nhẹ’
Báo cáo vào tháng 2/2021 của Four Paws nêu rằng nạn buôn bán thịt chó và mèo là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng đang bị xem nhẹ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt chó trực tiếp gây ra sự bùng phát bệnh sán chó, dịch tả và bệnh dại ở người.
Four Paws và Soi Dog, những rủi ro nghiêm trọng đều xuất hiện phổ biến trong tất cả các khâu buôn bán thịt chó và mèo – từ nguồn cung cấp đến vận chuyển, mua bán, giết mổ, xẻ thịt và tiêu thụ.
Khi vận chuyển, hàng triệu cá thể chó không rõ bệnh tật và tình trạng tiêm phòng bị nhồi nhét vào các lồng nhỏ trên xe tải và vận chuyển đường dài đến khu vực giam giữ tập trung đông đúc hoặc trực tiếp đến chợ, lò giết mổ mất vệ sinh.
Chó được vận chuyển liên tỉnh tại Việt Nam trong khi không có giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại.
John Dalley, Chủ tịch và người đồng sáng lập Soi Dog cho biết đã có trường hợp làm giả giấy tờ hoặc hối lộ cho cơ quan kiểm tra, nói chó không bệnh dại nhưng thực chất là bị bệnh.
Thậm chí cách đây vài năm để tăng trọng lượng cơ thể và giá thị trường của chó, thương lái thường bơm nước vào dạ dày của chó. Nước được sử dụng thường là nước thải hôi thối, nhiễm bẩn. Quá trình này không chỉ gây căng thẳng và đau đớn cho động vật, thậm chí giết chết một số cá thể chó trong quá trình thực hiện, mà còn tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm các mầm bệnh lây truyền qua đường nước như bệnh tả, vốn có liên hệ chặt chẽ với tập quán ăn thịt chó.
Chó bị bắt và nuôi nhốt trong các nơi quá đông đúc, trong điều kiện mất vệ sinh, thường trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, trong quá trình chờ vận chuyển hoặc giết mổ, làm tăng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh và dễ bị lây nhiễm, tăng khả năng lây truyền bệnh.
Tại các chợ và lò giết mổ, chó bị nhốt cùng hoặc cạnh các cá thể cùng loài hoặc các loài khác; trong khoảng cách gần với con người, bị đối xử thô bạo, và không được cung cấp đầy đủ hoặc không có thức ăn hoặc nước uống. Quá trình giết mổ và xẻ thịt diễn ra ngay trên sàn nhà, xung quanh là động vật còn sống và đã bị giết mổ cùng loài hoặc khác loài từ nhiều nguồn khác nhau và không rõ nguồn gốc.
Việc giết mổ chó mà không rõ tình trạng sức khỏe và nguồn gốc nên không đảm bảo thịt của chúng có an toàn cho con người hay không. Một số con chó thường bị mắc bệnh hoặc đang ủ bệnh. Một số con thậm chí có thể bị trúng độc trước khi được tiêu thụ bởi các chất có độc tính cao gồm bao gồm strychnine, kalixyanua và succinylcholine. Đây là những hóa chất thường được sử dụng trong quá trình bắt trộm chó.
Sự căng thẳng cực độ dẫn đến tình trạng động vật bị suy giảm miễn dịch, và chính điều này, cùng với điều kiện mất vệ sinh, có thể làm tăng khả năng nhiễm bệnh của cá thể động vật và khả năng chúng sẽ sản sinh ra mầm bệnh. Hệ quả này lại làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho động vật khác và con người.
Người buôn bán hoặc giết mổ chó và mèo có nguy cơ tiếp xúc với nước bọt và các chất dịch cơ thể khác của động vật trong quá trình xử lý và giết mổ động vật. Quá trình giết mổ thường rất tàn bạo. Hiếm khi người giết mổ mặc bất kỳ loại quần áo hoặc thiết bị bảo hộ cá nhân nào hoặc tuân theo các hướng dẫn hoặc quy định về sức khỏe và an toàn.
‘Nuôi chó nhưng vẫn ăn thịt chó’
Vấn đề ăn hay không ăn thịt chó đã bị tranh cãi ở Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Nhiều người ủng hộ việc ăn thịt chó cho rằng ăn thịt chó không vi phạm pháp luật, thậm chí gọi đây là “chó quyền” như một cuộc tranh cãi nảy lửa vào năm 2020.
Vào tháng 5/2020, tài khoản có tên Tifosi bình luận trên Facebook như sau: “Thịt chó, hay trứng vịt lộn, suy cho cùng cũng là món ăn và rõ ràng pháp luật sở tại không cấm. Việc đánh giá một con người man rợ thông qua việc họ ăn thịt chó hay không là một hành xử bát nháo, vô căn cứ, biện minh cho lòng dạ hẹp hỏi, ích kỷ chỉ biết đến mình mà không quan tâm đến người khác. Người phương Tây không thể đánh giá người Việt là mọi rợ vì ăn thịt chó vì bản chất xã hội phương Tây có những chuẩn mực không thể áp dụng đối với người Việt. Nhưng một số người Việt, dường như mất hết tự tôn, can đảm, phẩm giá và công nhận người phương Tây là người văn minh, họ muốn như phương Tây, họ mặc định cho người phương Tây “nói gì cũng đúng. Hay luôn luôn tự nhục đến mức cho rằng những gì thuộc trời Tây là “văn minh”, những gì thuộc trời Việt là “mọi rợ, rừng rú”?”
Nguồn hình ảnh, CHỤP MÀN HÌNH
Chụp lại hình ảnh,
Một tài khoản Facebook bàn luận về việc ăn thịt chó là văn minh hay mọi rợ
Nhiều người còn so sánh việc giết chó lấy thịt với giết bò, gà hoặc sản xuất gan ngỗng, thậm chí giết cá voi. Đồng thời cho rằng văn hóa phương Tây và Việt Nam là khác nhau, không thể đem văn hóa đó áp dụng cho Việt Nam.
Tuy nhiên cũng có một giới trung dung, họ cho rằng mình vừa có thể yêu chó và vừa ăn thịt chó. Họ cho rằng bản thân sẽ không ăn thịt con chó mình nuôi là được.
Tuy nhiên một luồng ý kiến khác cho rằng chó là người bạn thân thiết của con người và cần cấm ngay việc giết và tiêu thụ thiệt chó.
Soi Dog và Four Paws cho rằng chó khác với gia súc.
Gia súc trước khi bị giết sẽ được tuân theo các quy tắc phúc lợi động vật trên thế giới như cho bị ngất trước khi giết. Hiện nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp gây ngạt bằng khí CO2 thay cho chích điện.
Ở Việt Nam, ngày 1/1/2020, Luật chăn nuôi chính thức có hiệu lực với các quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, vật nuôi phải được gây ngất trước khi giết mổ, không để vật nuôi phải chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ…
Theo Soi Dog, vì chó không phải là gia súc nên ở Việt Nam không hề có luật pháp cho chuyện giết mổ chó. Chó bị giết bằng những cách vô cùng tàn nhẫn như đập đầu, trấn nước, nhồi nhét trong những chiếc lồng sắt chật hẹp…
Ngoài ra theo Soi Dog và Four Paws thì chó là người bạn thân thiết của con người từ bao đời nay. Chó đã được loài người thuần hóa cách đây 30.000 năm và đã đồng hành trong việc canh giữ những loài vật nuôi khác.
Soi Dog cũng nhấn mạnh đến thông điệp “A dog is a dog”, tạm dịch “chó nào cũng là chó” khi có những nhận định cho rằng thú cưng khác với chó giết để lấy thịt. Theo Soi Dog thì vẫn còn nhiều người tin rằng loài chó giết để lấy thịt không có linh hồn hay cảm xúc như chó nuôi để làm thú cưng.
‘VN cần theo xu hướng chung của thế giới’
Theo xu hướng chung của thế giới, Tiến sĩ Karanvir Kukreja từ Four Paws cho rằng ‘Đã đến lúc Việt Nam cần có lệnh cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó’.
Theo Human Society International, cho đến nay trên thế giới có Hong Kong, Philippines, Đài Loan, Singapore, Thái Lan có lệnh cấm tiêu thụ thịt chó.
Gần đây nhất, Indonesia cũng phát đi tín hiệu có thể có một luật cấm giết và tiêu thụ thịt chó.
Vào năm 2017, Đài Loan cấm giết mổ chó mèo để lấy thịt, ai vi phạm có thể bị phạt đến 2 năm tù giam, ngoài ra hình ảnh tên và hình ảnh sẽ bị niêm yết công khai.
Tại Trung Quốc, năm 2020, Thẩm Quyến là thành phố đầu tiên cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó.
Khi đó chính quyền thành phố Thẩm Quyền nói rằng “Chó mèo đã có mối quan hệ gần gũi với con người hơn các loài động vật khác, việc cấm tiêu thụ chó mèo là điều phổ biến ở những quốc gia đang phát triển. Lệnh cấm này cũng đáp ứng nhu cầu và tinh thần văn minh của nhân loại.”
Sau đó, thành phố Chu Hải của Trung Quốc vào tháng 5 cũng tuyên bố cấm tiêu thụ thịt chó, cho rằng “chó không thể được xem là gia súc”.
Cần sửa lỗ hổng luật pháp
Tuy nhiên, theo truyền thông Việt Nam, để tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn việc giết chó và tiêu thụ thịt chó, Việt Nam cần sửa các lỗ hổng trong luật hiện hành.
Theo báo Người Lao động, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định hành vi bạc đãi vật nuôi sẽ bị phạt tiền.
Tuy nhiên, việc giết mổ chó, mèo rồi bày bán tràn lan thì không bị xử lý. Vì Việt Nam không có quy định nào cấm ăn, bán thịt chó nên các sơ sở giết mổ lậu chỉ bị xử phạt hành chính.
Năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban bố cam kết chấm dứt buôn bán thịt chó, trong đó nêu rõ việc buôn bán tàn ác và mất vệ sinh này có thể làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thành phố là một “thủ đô văn minh, hiện đại”.
Khi đó, báo Thanh Niên trích dẫn nguồn tin từ UBND thành phố rằng “Đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền cho người dân từ bỏ tập quán, thói quen sử dụng thịt chó, mèo.”
Năm 2020, theo VietnamNet, Chủ tịch Hà Nội khi đó là Nguyễn Đức Chung đã “Tôi kêu gọi cộng đồng chấm dứt ăn thịt chó, động vật hoang dã”. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có diễn biến nào mới.
John Dalley cho biết Soi Dog sẽ tiếp tục có chiến dịch vận động về một lệnh cấm ăn thịt chó hoàn toàn tại Hà Nội sau khi các lệnh hạn chế Covid tại Việt Nam được nới lỏng.
“Chúng ta cần loại bỏ các quan niệm mê tín về ăn thịt chó tại Việt Nam”, ông John Dalley nói.
Hiện ở Việt Nam có những quan niệm phổ biến về ăn thịt chó như ăn thịt chó vào cuối năm, cuối tháng hoặc sau khi gặp một chuyện không hay thì lại là xua đuổi cái “vận đen” đi.
Hoặc ăn thịt chó được xem sẽ giúp kéo dài tuổi thọ cũng như phúc lộc của đời người.
Theo bà Giny Woo, đại diện từ Korea Dogs thì cách hiệu quả nhất để cấm việc tiêu thụ thịt chó là thông qua luật pháp.
“Để làm được điều này thì ở Việt Nam, việc gây áp lực lên chính phủ phải có hành động đối với vấn đề này, cùng thực hiện chiến dịch từ bên trong và bên ngoài đất nước là rất quan trọng”, bà Giny Woo nói với BBC News Tiếng Việt.
Four Paws, Soi Dog cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần:
- Ban hành Luật Luật hoặc Chỉ thị đầy đủ, rõ ràng, nghiêm cấm tất cả các khâu của hoạt động buôn bán thịt chó và mèo, bao gồm buôn lậu, bán, giết mổ và tiêu thụ
- Đóng cửa tất cả các chợ và cơ sở bán và/hoặc giết mổ chó
- Ban hành các tuyên bố công khai về mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng của hoạt động giết mổ và tiêu thụ chó
- Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm đảm bảo việc thực thi các luật, quy định và chỉ thị hiện hành để chấm dứt nạn buôn bán thịt chó