Việt Nam trong thế giới Đông Á – Một cách tiếp cận liên ngành và khu vực học

Viet-Nam-trong-the-gioiTác giả: Nguyễn Văn Kim

Số trang: 636 trang

Giá tiền: 129.000đ

Nằm ở vị thế giao lưu giữa các khu vực Đông Bắc Á – Đông Nam Á và rộng hơn, lịch sử – văn hóa Việt Nam là một dòng chảy mạnh mẽ của văn minh Đông Á. Trong lịch sử, các cộng đồng dân tộc Việt Nam đã khai phá đất đai, mở mang lãnh thổ, phát triển văn hóa và đã chia sẽ, phát triển sáng tạo các giá trị văn hóa bản địa cũng như của chung khu vực. Trong hành trình lịch sử dân tộc, những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc Việt Nam mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc, tinh thần cố kết cộng đồng… đã trở thành nền tảng văn hóa, bản sắc, bản lĩnh văn hóa và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Nhằm góp phần tìm hiểu quá trình phát triển, những chuyển biến cơ bản, một số đặc tính lịch sử, chính trị và văn hóa tiêu biểu của xã hội Đông Á, đồng thời để hướng tới những nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn những diễn tiến cơ bản của lịch sử, văn hóa và vị thế của Viêt Nam trong sự tương quan và tương tác quyền lực khu vực, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Việt Nam trong thế giới Đông Á – Một cách tiếp cận liên ngành và khu vực học. Cuốn sách gồm hai phần:

Phần I: Truyền thống, lịch sử và nhận thức

Phần II: Tiềm năng, dấu ấn và các mối quan hệ khu vực

Đặt Việt Nam trong mối liên hệ với các quốc gia Đông Á, nhìn lại diễn tiến và chiều sâu lịch sử, trên cơ sở vận dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành và khu vực học, cuốn sách đã phác dựng một số đặc trưng lịch sử, văn hóa tiêu biểu và vị thế của Đại Việt – Đại Nam – Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Cùng với phân tích, cách tiếp cận truyền thống, cuốn sách còn là sự trải nghiệm những quan điểm, cách tiếp cận mới, nhìn nhận diễn tiến lịch sử và vị thế của Việt Nam trong các mối quan hệ đa chiều. Bằng cách đó, các chuyên luận trong cuốn sách góp phần định diện các bước chuyển và vị thế của Việt Nam trong lịch sử, đồng thời thể hiện tiềm năng, động lực, thế đi lên của một dân tộc tự cường trong bối cảnh xã hội phương Đông truyền thống cũng như vị thế của Việt Nam ở khu vực Đông Á và thế giới hiện nay.

Nội dung cuốn sách không chỉ góp phần hướng đến việc tìm hiểu quá trình phát triển, những chuyển biến cơ bản, một số đặc tính lịch sử, chính trị và văn hóa tiêu biểu của xã hội Đông Á mà còn trình bày, phân tích những diễn tiến cơ bản của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Các chuyên luận trình bày trong cuốn sách sẽ đem đến một cách nhìn, hướng tư duy và cảm nhận mới về một số vấn đề truyền thống. Cuốn sách là sự trải nghiệm của những suy nghĩ, nghiên cứu cá nhân nhưng đồng thời cũng thiết thực phục vụ cho công tác đào tạo đại học, sau đại học và công việc khảo cứu của các nhà chuyên môn.