Việt Nam và Campuchia chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn (trái) tặng quà lưu niệm cho Quốc vụ khanh Long Ponnasirivath.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn và Quốc vụ khanh Long Ponnasirivath đều bày tỏ mong muốn tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Campuchia ngày càng thêm thắt chặt, bền vững.
Quốc vụ khanh Long Ponnasirivath cho rằng, thời gian qua, song song với việc phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Trà Vinh đã làm rất tốt công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh ngày càng tốt đẹp.
Quốc vụ khanh Long Ponnasirivath mong tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc của địa phương, đồng thời chú trọng công tác đào tạo bảo tồn tinh hoa văn hóa các dân tộc, tiếp tục quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho các lưu học sinh Campuchia đang học tập, sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tỉnh có tổng dân số trên 1 triệu người, đồng bào Khmer chiếm khoảng 31%. Toàn tỉnh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, trong đó, nhiều chùa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, đặc biệt có nhiều ngôi chùa là địa chỉ có công với cách mạng trong thời kỳ chống giặc ngoài xâm. Từ nhiều nguồn kinh phí, các ngôi chùa có niên đại lâu năm đều được tỉnh giữ gìn, tôn tạo thường xuyên.
Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Các ngôi chùa Phật giáo Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục truyền thông pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer, mà còn là nơi dạy chữ Khmer cho đồng bào phật tử. Ngoài ra, các trường ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có chương trình dạy song ngữ Việt – Khmer.
Tỉnh cũng có Trường Đại học Trà Vinh là trường duy nhất toàn quốc có Khoa Ngôn ngữ văn hóa Khmer Nam Bộ. Hiện trường còn có Khoa Biểu diễn nhạc cụ truyền thống đào tạo các bậc từ Đại học đến Tiến sĩ.
Việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương được thực hiện đồng bộ với phát triển văn hóa đã giải quyết hài hòa vấn đề phát triển kinh tế gắn với nâng cao đời sống tinh thần cho các dân tộc trên địa bàn. Nhờ vậy, mặt bằng dân trí đồng bào Khmer trong những năm gần đây tăng cao rõ rệt, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cũng thông tin đến Đoàn về tiềm năng phát triển kinh tế biển của địa phương. Ngoài nền kinh tế chính là nông nghiệp, những năm gần đây, với lợi thế 65 km đường bờ biển, tỉnh định hướng phát triển vùng ven biển thành trung tâm năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện vùng ven biển của tỉnh có 11 dự án điện gió và 3 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động. Quan điểm của tỉnh là tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên nắng và gió, vì vậy tỉnh chủ trương phát triển điện gió ngoài khơi, với khoảng 10 dự án. Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng đang khai thác các dịch vụ du lịch, mong Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Vương quốc Campuchia giới thiệu các danh thắng, điểm du lịch nổi bật của tỉnh đến bạn bè quốc tế.