Vinaxuki làm được gì trong mẫu xe Made in Vietnam?

Sau khi báo chí đưa tin về mẫu xe VG “Made in Việt Nam” của Công ty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), đã có rất nhiều ý kiến cho rằng đó thực ra chỉ là ô tô lắp ráp ở Việt Nam từ linh phụ kiện giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Vậy thực chất Vinaxuki đã làm được gì ở mẫu xe VG?

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, nhóm phóng viên VnReview đã trực tiếp tới trụ sở công ty Vinaxuki tại huyện Mê Linh, Hà Nội để mục sở thị quy trình sản xuất mẫu xe đầu tiên của người Việt. Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà máy rộng 12 ha là ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch Vinaxuki. Ông Huyên – năm nay đã 73 tuổi –
cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của VG là hơn 50% – một mức khá cao so với tỷ lệ nội địa hóa ô tô nói chung ở Việt Nam (nhiều liên doanh lớn chỉ đạt trên dưới 20%).

Theo một chuyên gia về ô tô chia sẻ, không giống như sản phẩm điện tử, chi phí linh phụ kiện chiếm phần rất nhỏ trong giá bán (như chiếc iPhone chi phí linh kiện chỉ khoảng hơn 200 USD trong khi giá bán lên đến gần 1.000 USD), còn chi phí linh phụ kiện ô tô chiếm đến hơn 70% giá thành chiếc ô tô. Các linh, phụ kiện đắt nhất trong một chiếc ô tô là động cơ, hộp số… Việt Nam đều chưa làm được. Phần khuôn mẫu khung xe Việt Nam cũng chưa làm do ngành luyện kim, cơ khí kém, đầu tư lớn trong khi nhập khẩu vừa nhanh vừa ít tiền. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của ô tô phần lớn rơi vào chi phí nhân công.

Trở lại với nhà máy Vinaxuki (nhiều bộ phận không hoạt động), chúng tôi thấy khoảng 200 chiếc vỏ xe 4 chỗ đã thành hình hài, được xếp thành hàng dài. Đây là khung của những chiếc xe đầu tiên dự kiến được xuất xưởng từ những năm 2011-2012. Vị chủ tịch Vinaxuki kể, để làm ra những vỏ xe như vậy không phải dễ, ông đã thai nghén ước mơ sản xuất ô tô thương hiệu Việt từ nhiều năm trước, nhưng phải đến năm 2009 thì công ty mới dám vay vốn để biến các ý tưởng sản xuất ô tô cá nhân trở thành thực tế.

Ông Bùi Ngọc Huyên bên cạnh chiếc xe “Made in Vietnam”.

Để có được tỷ lệ nội địa hóa lên tới hơn 50%, ông Huyên cho biết hầu hết các phần cơ bản của xe VG (Vietnam Graceful: Duyên dáng Việt Nam) đều do công ty sản xuất. “Tôi nhập động cơ 1.5L nhập từ Mitsubishi (Nhật Bản), lazăng và lốp xe cũng được nhập khẩu từ Nhật Bản, nội thất xe chủ yếu được đặt hàng sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc… Giống như các hãng xe hơi nước ngoài, chúng tôi cũng nhập linh kiện, tự sản xuất phần khung và vỏ xe, sau đó lắp ráp hoàn chỉnh để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu của mình”. Theo Vinaxuki, chi phí thiết kế khung, vỏ xe chiếm hơn 50% giá trị của chiếc xe, đây cũng chính là yếu tố góp phần quyết định mức giá bán ra của xe hơi.

Về thiết kế, ông Huyên cho biết từ bản thiết kế mẫu xe VG trên giấy đến khi hoàn thành một sản phẩm thực tế thì cần phải trải qua một quá trình dài để hoàn thiện. Các bản phác thảo hai chiều trên giấy sẽ được chuyển đổi thành mô hình 3 chiều thông qua các phần mềm máy tính. Các mẫu thiết kế sau đó được kết nối với các “máy in” để tạo ra các mẫu khuôn xốp của xe. Mẫu xốp sau đó được mang tới nhà máy ở Thái Nguyên để đúc phôi tạo thành khuôn mẫu cho các chi tiết xe.

Quá trình tạo khuôn mẫu bằng xốp chiếm nhiều thời gian và đòi hỏi độ chính xác cao từ các máy CNC 3 chiều.

Hàng trăm khuôn mẫu chi tiết xe ô tô được xếp ngay ngắn trong nhà máy của Vinaxuki.

Các khuôn mẫu cánh cửa, khuôn capô, khuôn cốp… tiếp tục mang đi đúc, dập và phay tinh để tạo thành các chi tiết trên xe. Quá trình này đòi hỏi những người thợ cơ khí phải sử dụng nhuần nhuyễn các máy phay 3 chiều. Những chỗ góc cạnh, chi tiết cần độ tỉ mỉ, phức tạp hơn thì được mang tới máy phay 5 chiều xử lý. Sau quá trình này, các chi tiết tiếp tục trải qua công đoạn cắt plasma, cắt laser, hàn, mạ, sơn… bằng các thiết bị tự động 5 chiều hoặc các cánh tay robot để nên tinh xảo và có độ bền cao.

Nhiều vỏ xe được xếp hàng để chờ được ráp nối.

Theo Vinaxuki, công ty đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng để sản xuất khuôn mẫu và phần khung, vỏ xe. Việc làm khuôn mẫu xe ô tô thì trong nước mới chỉ có Vinaxuki thực hiện được, các công ty liên doanh khác như Toyota, Ford, Honda… cũng chỉ nhập về và lắp ráp các thành phần khác để tạo thành chiếc xe hoàn chỉnh.

Theo tính toán, nếu dự án của Vinaxuki hoàn thành và đi vào sản xuất, thì đến 2018 sản phẩm của Vinaxuki sẽ có cơ hội cạnh tranh ở các dòng xe tải nhỏ dưới 5 tấn, xe con thông thường dùng cho đi lại cá nhân và taxi, xe khách dưới 28 chỗ dùng cho giao thông công cộng. Sẽ không có gì để nói nếu chiếc xe này hoàn thiện và sẵn sàng cho việc ra mắt.

VG đã được mang ra triển lãm ô tô 2012 với mác là sản phẩm chưa hoàn thiện. Điều gì đã khiến chiếc xe Made in Vietnam này đến nay vẫn chưa thể bán ra thị trường? Đâu là khó khăn thực sự khiến ô tự do người Việt tự sản xuất vẫn chỉ là giấc mơ? Bài phỏng vấn ông Bùi Ngọc Huyên sắp tới của chúng tôi sẽ giải đáp những câu hỏi đó.

Còn dưới đây, chúng tôi xin được giới thiệu đến quý vị và các bạn thông tin và những hình ảnh mới nhất của mẫu xe Vinaxuki VG.

Công xưởng rộng lớn, nhiều thiết bị nhưng mới chỉ tạo ra những chiếc xe chưa hoàn thiện.

Vinaxuki VG là chiếc xe 4 chỗ dạng hatchbach 5 cửa, có kiểu dáng vòng cung như xe Mazda. Xe dùng động cơ 1.5L nhập từ Mitsubishi (Nhật Bản), dung tích bình xăng 45 lít, xe chỉ tốn 6 lít xăng/100km. Giá bán dự kiến 350 triệu đồng (bản số sàn) và 390 triệu đồng (bản số tự động). Bên cạnh đó, Vinaxuki còn có dòng xe 4 chỗ VG 1.0 với giá bán 200 triệu đồng. Đặc biệt, các dòng xe VG sẽ hưởng chế độ bảo hành đến 5 năm, chế độ bảo hành mà đến nay các hãng xe lớn vẫn chưa dám áp dụng.

“Xe VG sử dụng động cơ 1.5L nhưng tiêu chuẩn khung gầm, hệ thống lái thì ngang cỡ xe tầm trung. Loại xe này của các hãng nước ngoài thường bán từ 550-600 triệu đồng, nhưng tôi là doanh nghiệp Việt Nam nên tôi không thể bán xe với giá đó. Giá xe của Vinaxuki thấp hơn rất nhiều, nhưng chất lượng thì vẫn không thua kém các hãng xe nước ngoài”, ông Huyên cho biết.

So với chiếc Hyundai Getz (trái) thì xe VG 150 có kích thước lớn hơn nhưng giá lại rẻ hơn.

Theo Chủ tịch Vinaxuki, dù các nhà sản xuất ô tô trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, sức ép về thuế… song công ty ông vẫn quyết tâm bám trụ sản xuất và cho ra đời dòng xe “Made in Vietnam” mang thương hiệu VG. Ông Huyên cho biết ngày 18/5 sắp tới ông sẽ đi Hàn Quốc để nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nội thất nhựa trong xe ô tô: “Phần nhựa và các phụ tùng ô tô thì Việt Nam chưa sản xuất được, nên tôi phải nhập khẩu. Nếu người ta biết tôi lắp phụ tùng xe có chất lượng thì nhiều người sẽ tới tìm mua xe”.

Sau đây là một số hình ảnh cận cảnh về chiếc xe Vinaxuki VG:

;

Kiểu dáng xe VG 150 được thiết kế trẻ trung với các phiên bản màu đỏ, bạc và xanh.

Phần nắp capô có thiết kế giống với các dòng xe Mercedes.

Cận cảnh logo và tản nhiệt phía trước xe VG 150. Xe vẫn chưa được lắp cụm đèn xi nhan, vị trí khiếm khuyết này được tạm thay bằng các miếng xốp trắng.

Các phần ghép nối của vỏ xe với cụm đèn phía trước chưa thật sự kín.

Lốp của chiếc VG 150 có kích cỡ 195R15, lớn hơn các dòng xe cùng phân khúc là 185R14. Theo nhà sản xuất, lốp lớn sẽ giúp xe di chuyển thuận lợi trên nhiều loại địa hình. Tuy vậy khoảng cách khá rộng giữa mặt lốp và tấm chắn bùn lại tạo cảm giác bánh xe nhỏ hơn thực tế.

Xe VG 150 mới chỉ được lắp hai hàng ghế trước, khoang sau vẫn bỏ trống.

Gương chiếu hậu cũng là hàng ngoại nhập.

Tay mở cửa có màu bạc, khác hẳn so với màu sơn xe. Đa phần tay mở cửa ô tô hiện nay có màu sơn trùng với màu vỏ xe.

Phần nắp bình xăng có thiết kế thiếu cân đối do bị thụt xuống so với bề mặt vỏ xe.

Phần sau xe VG 150 khá giống với Mazda. Tuy nhiên mẫu xe của Vinaxuki có thành gờ nổi, không bo tròn như Mazda.

Cụm đèn hậu được đưa lên cao để xe phía sau tiện quan sát.

Cửa cốp sau của VG 150 vẫn chưa có ổ khóa.

Phần buồng lái phía trong chiếc xe Made in Vietnam.

Xe được trang bị màn hình LCD khá lớn.

Đây là phiên bản xe số sàn với giá bán dự kiến là 350 triệu đồng.

Gia Lộc, Minh Thành