Vừa học nghề vừa học văn hóa CT GDPT mới, HS ‘nặng gánh’ trường tìm cách gỡ khó

GDVN-Các trường nghề đang loay hoay xoay xở trong bối cảnh khó khăn kinh tế khi vừa thực hiện tự chủ vừa phải đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo dạy CT GDPT mới.

Năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT mới) vào dạy học đối với lớp 10 tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trong cả nước.

Vì mới bắt đầu triển khai nên đã xuất hiện bất cập, vướng mắc, đặc biệt những khó khăn này dường như được nhân lên với các trường nghề liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên để dạy văn hoá trung học phổ thông cho học sinh. Vì thế, các đơn vị này cũng đang có những giải pháp riêng để khắc phục những hạn chế, đảm bảo yêu cầu dạy học.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Ngọc Vũ – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô (Ninh Bình) nhận định rằng, khối lượng kiến thức trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới hiện nay dường như là tương đối “nặng tải” đối với học sinh vừa học chương trình văn hoá trung học phổ thông vừa học nghề.

Về việc này vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Việt Xô cho biết, dù đơn vị liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để dạy văn hoá Trung học phổ thông nhưng nhà trường cũng đã phải tính đến phương án để giảm khối lượng kiến thức lý thuyết của phần học nghề, đẩy mạnh vào phần thực hành tay nghề để học sinh “dễ thở” và chuyên tâm hơn với phần kiến thức văn hoá.

Vừa học nghề vừa học văn hóa CT GDPT mới, HS 'nặng gánh' trường tìm cách gỡ khó ảnh 1

Thầy Vũ chia sẻ thêm: “Với các nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông mới thì trước thời điểm áp dụng chúng tôi cũng đã chủ động để có kế hoạch để xây dựng, ban hành khung nội dung chương trình. Đồng thời, cũng cố đội ngũ giáo viên để có thể phối hợp tốt với Trung tâm Giáo dục thường xuyên trong việc thực hiện.

Tuy nhiên, có một đặc thù tại các trường cao đẳng nghề là chúng tôi phải vận dụng việc dạy kiến thức văn hoá theo tính định hướng. Ví dụ, Trường Cao đẳng Cơ điện Việt Xô là cơ sở chuyên đào tạo về các nghề kỹ thuật nên số lượng giáo viên, giáo cụ được chúng tôi xây dựng cũng tập trung vào các môn, tổ hợp môn có tính chất định hướng và thuận tiện cho học sinh có thể học vào các ngành nghề trong trường có các môn học đó.

Chẳng hạn, ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử thì có các môn tự chọn khác để đảm bảo đủ 7 môn. Tuy nhiên, trong quá trình định hướng tự chọn cho học sinh chúng tôi cũng sẽ cho các em biết, nhà trường không dạy môn Sinh hay các tổ hợp có môn Sinh thì chúng tôi cũng không tham gia, vì nhà trường không phải là cơ sở chuyên đào tạo khối ngành y tế.

Chúng tôi cũng cho học sinh nắm rõ, với các môn tự chọn nếu sau này học sinh xác định học ngành nghề nào thì nên lựa chọn sát với các môn đó. Hiện nhà trường cũng đang định hướng cho học sinh các môn thuộc khối A và khối C để các em có sự lựa chọn cho phù hợp”.

Bên cạnh đó, thầy Vũ cho rằng, qua khảo sát và đánh giá thực tế có thể thấy, khối lượng kiến thức của các môn văn hoá trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 là tương đối “nặng” với học sinh trong trường khi các em vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Vị này nhấn mạnh, công tác quản lý nội dung đối với các môn văn hoá sẽ do Trung tâm Giáo dục thường xuyên đảm nhiệm, nhưng về con người thì vẫn do nhà trường quản lý và giáo viên nhà trường cũng trực tiếp tham gia vào giảng dạy.

Cũng theo thầy Vũ, để đảm bảo đội ngũ đạt chuẩn tham gia giảng dạy các môn văn hoá trung học phổ thông theo chương trình mới, nhà trường cũng đã phải thông báo tuyển dụng, bổ sung thêm một lượng giáo viên mới.

“May mắn là việc tuyển giáo viên mới chúng tôi đang gặp thuận lợi vì lượng giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm trên địa những năm gần đây rất dồi dào. Vì thế, chỉ sau một đợt thông báo tuyển dụng, đã có rất nhiều hồ sơ gửi về trường ứng tuyển, chúng tôi cũng dễ dàng trong việc tuyển chọn đầu vào giáo viên.

Tuy nhiên, trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới có một vài môn như môn Địa Lý, quá trình tuyển dụng chúng tôi lại gặp khó vì không có nguồn giáo viên của môn này tham gia ứng tuyển”, thầy Vũ cho biết.

Ngoài việc tuyển dụng, theo thầy Vũ việc “giữ chân” được giáo viên có trình độ, chuyên môn giỏi để không rơi vào trạng thái “bị động” trong thời gian tới phải triển khai tiếp Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 11 cũng là điều không hề đơn giản.

Vị này nêu khó khăn: “Hiện Trường Cao đẳng Cơ điện Việt Xô đang bị cắt giảm nguồn hỗ trợ tài chính từ phía chủ quản theo cơ chế tự chủ. Ngoài ra, trong những năm gần đây việc tuyển sinh của chúng tôi cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Đáng nói, có những năm, một số ngành đào tạo chúng tôi không tuyển được học sinh nào, trong đó một số ngành thu hút học sinh nhưng chúng tôi không dám tuyển vượt chỉ tiêu vì sợ bị phạt.

Khó khăn đó cộng với một lực lượng giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, cơ chế mới không cho chúng tôi tuyển giáo viên theo diện biên chế. Một số giáo viên giảng dạy tại một số ngành cũng “oải” vì chịu ảnh hưởng từ việc nhà trường thực hiện tự chủ từng bước.

Vì thế, đối với các giáo viên chúng tôi mới tuyển dụng được, nhà trường cũng hết sức tạo điều kiện để họ có thể yên tâm công tác. Tuy chỉ là giáo viên hợp đồng nhưng nhà trường cũng đề xuất cơ chế hợp đồng dài hạn, đóng bảo hiểm và tính hệ số lương, nâng lương theo quy định, không khác biệt gì mấy so với giáo viên biên chế trước đây.

Nói thẳng ra là mọi quyền lợi của các giáo viên hợp đồng vẫn được đảm bảo như một viên chức bình thường khác. Chỉ có điều, viên chức thì sẽ có ngân sách chi trả, còn giáo viên hợp đồng thì sẽ có lương do nhà trường chi trả, dựa trên cơ chế tự chủ.

Tôi hy vọng với những nỗ lực đó của nhà trường, mọi người cũng sẽ cùng vượt qua được mọi khó khăn trong giai đoạn hiện nay”.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Việt Xô cũng nêu lên một số hạn chế khi thực hiện việc đổi mới trang thiết bị dạy học đáp ứng theo tiêu chuẩn trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Vị này nhận định rằng, trong quá trình tự chủ còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, có lúc muốn đổi mới toàn diện trang thiết bị nhưng đang trong tình trạng “cái khó bó cái khôn”.

“Dẫu biết, với việc dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông thì chúng tôi chỉ đóng vai trò là đơn vị liên kết. Tuy nhiên, trong chương trình mới, không sử dụng những công cụ, giáo trình cổ điển như ngày xưa nữa mà sử dụng đến máy chiếu, ti vi và công nghệ tương đối nhiều.

Để đảm bảo điều kiện để có thể được ký hợp đồng liên kết giảng dạy nhà trường bắt buộc phải có phương án mua sắm, bổ sung, đổi mới các trang thiết bị dạy học cho phù hợp với các yêu cầu đó. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế khi đang thực hiện tự chủ thì việc mua sắm nhiều thiết bị như vậy đối với nhà trường cũng thực sự là vất vả”, thầy Vũ cho hay.

Vừa học nghề vừa học văn hóa CT GDPT mới, HS 'nặng gánh' trường tìm cách gỡ khó ảnh 3

Nêu lên một số phương án để cân đối giảm sức “nặng” với học sinh vừa học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông vừa học Trung cấp nghề trong trường cao đẳng nghề, thầy Vũ cho biết: “Nói thực ra, đối với học sinh học song song hai chương trình như thế này thì không chỉ với chương trình mới mà kể cả chương trình cũng khá là vất vả.

Vì thế, đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi cũng cân nhắc và tính toán đến các phương án để đảm bảo việc học tập của học sinh, không để xảy ra việc các em vì quá áp lực mà sinh ra tâm lý chán nản, bỏ cuộc.

Riêng với các môn văn hoá, nhà trường không điều tiết được vì nó phụ thuộc vào Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình trong việc kiểm tra, đôn đốc. Và trên thực tế, việc này được ngành giáo dục tỉnh thực hiện rất quy củ, sát sao.

Chẳng hạn, nội dung môn học tuần này bắt buộc tới bài nào là yêu cầu phải đảm bảo dạy đến đó, kế hoạch kiểm tra, thi học kỳ cũng vậy, phải đúng lịch đề ra. Chính vì thế, chúng tôi cũng tính đến các phương án giảm tải đối với chương trình dạy nghề, cái mà nhà trường có thể chủ động được.

Cụ thể, nhà trường cũng quán triệt tới các khoa, với giáo viên về việc, cần nhẹ nhàng hơn với phần lý thuyết nghề, không ép buộc quá sức học sinh với phần lý thuyết mà cho các em tập trung hơn vào phần thực hành luyện tay nghề cho các em là chính.

Chúng tôi hy vọng cùng với sự chung tay của các đơn vị liên quan, sự cố gắng của học sinh thì sắp tới việc đưa Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào dạy trong các trường cao đẳng nghề sẽ dần đi vào quỹ đạo”.

Trung Dũng