Vừa lo chạy deadline, vừa phải dọn nhà đón Tết
“Con ơi đưa mẹ đi chợ được không”, “Con ơi xuống mẹ nhờ cái này” – những câu gọi bất chợt của mẹ trong lúc Ngọc Vân (24 tuổi, Hà Tĩnh) đang vào giờ làm việc khiến cô bối rối.
Về quê nhà từ ngày 13/1, Vân chuyển sang chế độ làm việc từ xa. Hàng ngày, cô vẫn online từ sáng, báo cáo cấp trên đúng giờ và ngồi máy tính xử lý các đầu việc đến cuối chiều. Cuối tuần, nếu có gì phát sinh, Vân vẫn “ôm máy” giải quyết như thói quen suốt năm qua khi cô sống ở TP.HCM.
“Từ chối mẹ thì ngại, nhưng mình cũng không thể bỏ dở deadline để làm việc nhà trước. Mặt khác, khi đang tập trung vào công việc, mình không thích bị đứt quãng suy nghĩ bởi có chuyện khác xen vào”, cô bày tỏ với Zing.
Với những nhân viên văn phòng có lịch trình linh hoạt, cấp trên cho phép làm việc từ xa, họ được tạo điều kiện để về quê sớm, có thêm thời gian ăn Tết. So với lịch nghỉ Tết chính thức kéo dài 7 ngày, từ 29 tháng chạp Nhâm Dần tới hết mùng 5 tháng giêng Quý Mão (20-26/1/2023), kỳ nghỉ của người trẻ theo mô hình hybrid work (làm việc kết hợp) có thể kéo dài hơn 2 tuần.
Tuy vậy, họ cũng phải chấp nhận mang việc về nhà, đi kèm là các rắc rối nảy sinh lúc về ở với cha mẹ, trong khi vẫn cần đảm bảo không xao nhãng công việc chính.
Dù nhiều nhân viên văn phòng đã quen với mô hình làm việc từ xa, chuyện đem việc về nhà làm trong Tết vẫn có thể khiến họ đau đầu. Ảnh: Phương Lâm.
Mục lục bài viết
Loay hoay giữa deadline và việc nhà
Ngọc Vân gọi quãng một tuần trước khi về nghỉ Tết là lúc cô phải chạy việc gấp rút. Deadline dồn dập, cô ưu tiên chạy những công việc cần giải quyết trực tiếp trước, hoặc nhờ đồng nghiệp còn ở TP.HCM hỗ trợ.
“Hai ngày cuối trước khi ra sân bay, mình mỏi nhừ người khi vừa đi làm, vừa dự tiệc cuối năm ở công ty, vừa lo dọn dẹp mọi thứ”, cô kể.
“Vì về ăn Tết khá lâu, mình phải dọn sạch tủ lạnh, tặng đồ ăn tươi sống cho hàng xóm để tránh phí phạm và tắt hết các thiết bị điện, nước trước khi rời phòng trọ”, Vân giải thích thêm.
Thời gian có hạn, Vân chỉ kịp tranh thủ dành vài tiếng trong ngày cuối để mua ít quà về cho bố mẹ, sắm đồ mà người thân dưới quê nhờ mua. Những kế hoạch như cắt, nhuộm lại tóc đành phải hủy vì không kịp.
Đêm cuối cùng, Vân thức đến 2h sáng mới sửa soạn xong hành lý, chỉ kịp ngủ 2 tiếng rồi thức dậy chuẩn bị cho kịp chuyến bay lúc 6h30 sáng. Về đến nhà sau khoảng 5-6 tiếng di chuyển, Vân có khoảng 2-3 tiếng nghỉ ngơi trước khi bắt tay luôn vào làm việc tiếp.
Một bên, sếp vẫn yêu cầu các đầu việc phải hoàn thành đúng hạn. Bên còn lại, cha mẹ muốn cô phụ giúp dọn dẹp vì “sát Tết, nhà ai cũng bận rộn, mỗi người cần góp sức một ít cho nhà cửa tươm tất”.
Về hiệu suất làm việc, Vân thừa nhận mình dễ xao nhãng trong vài ngày vừa qua vì các thành viên khác trong nhà. Thuộc tuýp người dễ phân tâm, nữ nhân viên văn phòng muốn làm việc trong không gian riêng tư, một mình.
Ngọc Huyền lên kế hoạch về Hà Nội ăn Tết từ cuối năm ngoái. Ảnh: NVCC.
“Bố mẹ mình vừa vui mừng vì con về nhà sớm, vừa có chút không thoải mái khi thấy con cả ngày ngồi bên laptop”, Vân kể.
Cô dự tính ngày 27-28 Âm lịch, khi công việc vãn dần, mới chuyển sang lau dọn phòng bếp, quét tước sân và phụ mẹ làm cỗ cúng, sắm sửa nốt đồ dùng còn thiếu cho những ngày đầu năm đón khách.
Còn với Liên Lê (27 tuổi, Nghệ An), vấn đề gây khó cho cô khi về nhà ăn Tết sớm lại là Internet chập chờn.
Đã quen với mô hình làm việc từ xa, nhịp độ công việc của nữ nhân viên làm ngành Công nghệ không thay đổi đáng kể.
Bố mẹ cũng đã quen với tính chất việc làm của con gái nên tạo điều kiện cho cô hoàn thành nốt trước khi nghỉ Tết.
Tuy vậy, một số rắc rối vẫn xuất hiện như hàng xóm hát Karaoke, bật nhạc chào Xuân với âm lượng lớn. Hay họ hàng, người cùng xã ghé qua thăm hỏi, đưa quà, Liên cũng không thể trốn tránh hoàn toàn chuyện tiếp đón.
Ngoài ra, tuần làm việc cuối cùng trong Tết, cô không nằm ngoài tinh thần của số đông hiện giờ là muốn nghỉ ngơi, đi chơi hơn là muốn “cày” việc. Việc ngồi làm ở nhà, thoải mái và tự do về giờ giấc, tác phong càng góp phần vào tâm lý này.
Thống nhất với phụ huynh
Về Hà Nội đón Tết từ 12/1 (21 tháng Chạp), Ngọc Huyền (25 tuổi, TP.HCM) cho hay cô đã chuẩn bị lịch trình từ vài tháng trước. Sau khi xin phép sếp, cô gái làm việc trong ngành Truyền thông tiến hành đặt vé máy bay từ đầu tháng 10. Số tiền phải chi ở mức 7 triệu đồng, giảm được khoảng 2 triệu đồng so với bay về muộn hơn.
Viễn cảnh sân bay quá tải dịp cuối năm, dòng người xếp hàng dài chờ đến lượt check-in, gửi hành lý khiến cô lo ngại và quyết tâm về nhà sớm, tiết kiệm cả thời gian và sức lực. Hơn nữa, hai thành phố có kiểu thời tiết khác nhau, về Hà Nội sớm giúp Huyền làm quen lại nhịp sống, khí hậu – điều cần thiết với một người hay bị ốm vặt như cô.
Trong những ngày cuối ở lại TP.HCM, cô tập trung vào dọn dẹp phòng ốc. Cô và bạn cùng phòng thuê dịch vụ giúp việc chuyên nghiệp vì muốn căn hộ sạch sẽ, gọn gàng khi quay trở lại.
Cô gái đánh giá yếu tố cần thiết nhất để dân văn phòng có thêm thời gian ăn Tết ở quê nhà là công ty ủng hộ phương án làm việc từ xa, không yêu cầu có mặt ở văn phòng 100%. Khối lượng công việc cuối năm giảm tải, bớt các hạng mục phải chạy deadline gấp cũng giúp người trẻ thảnh thơi, yên tâm về quê.
Còn khi về với gia đình, Huyền đánh giá những việc nhà như phụ giúp mẹ nấu cơm, rửa bát, chuẩn bị nhà cửa là tất yếu.
“Điều quan trọng là cần bàn trước lại với phụ huynh, nhắc lại con vẫn chưa được nghỉ Tết hoàn toàn, tránh gọi, mở cửa phòng vào những lúc mình đang tham gia họp với đồng nghiệp, đối tác”.
Ngọc Tân sắp xếp về quê ăn Tết sớm trước khoảng một tuần vì muốn có thêm thời gian ở bên ba mẹ. Ảnh: NVCC.
Nếu khả năng tập trung hay năng suất bị ảnh hưởng khi làm ở nhà, Huyền chọn phương án ra hàng cà phê ngồi để thay đổi không khí.
Còn với Lại Ngọc Tân (sinh năm 1993, làm việc trong ngành Marketing), điểm lợi nhất khi làm việc tại nhà trước Tết là quỹ thời gian bên người thân tăng lên đáng kể.
Cha mẹ lớn tuổi, con cái đều đi làm xa, Tân luôn trân trọng những kỳ nghỉ dài ngày như Tết Nguyên đán bởi số dịp về thăm nhà mỗi năm không nhiều. So với năm ngoái, anh có thêm 5-6 ngày về lại Quảng Bình.
Từ dịp nghỉ Tết Dương lịch, anh tranh thủ mua sắm và gặp gỡ bạn bè. Trong tháng 1, Ngọc Tân cũng hạn chế nhận job freelance bởi muốn đầu óc thảnh thơi, không áp lực.
Với cá nhân anh, làm việc từ xa nhiều khi còn giúp tăng cảm hứng, năng suất. Buổi sáng, Tân sắp xếp giải quyết các phần việc cá nhân đảm trách, buổi chiều là lúc dành cho họp hành, thảo luận với đồng nghiệp.
Giống với Ngọc Huyền, Ngọc Tân cho rằng việc nói chuyện trước với cha mẹ là điều cần thiết khi mình mang việc về nhà làm.
“Mình chọn cách báo trước lịch trình với bố mẹ: khung giờ nào mình cần online và khi nào rảnh rỗi, sẵn sàng phụ giúp người lớn. Cần gì thì cứ nhắn tin, chuyện nào gấp cha mẹ mới vào phòng kêu. Quan trọng là hai bên nắm được tinh thần và vui vẻ, thoải mái. Phụ huynh cũng hiểu con cái có trách nhiệm với công việc”, anh nói.
Ngoài ra, những ngày ở quê nhà là khi Tân được “tạm thời gác lại trách nhiệm chăm sóc bản thân” và ngược lại, có cơ hội chăm sóc người lớn.
“Đứa con nào đi xa về cũng được cha mẹ chăm sóc tận tình, có người nấu ăn cho. Mình nhờ đó cũng ăn uống đầy đủ, giờ giấc sinh hoạt ổn định. Buổi sáng, mình có thêm thì giờ dậy sớm, tập thể dục, đi ăn sáng với bố mẹ trước khi vào giờ làm. Mình gọi đó là cảm giác chỉ có được khi ở bên gia đình”, anh bày tỏ.
Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách
Bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú. Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa, theo Washington Post.